Vinh danh ‘Chìa khóa vàng” cho doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng (ở giữa) trao danh hiệu “Chìa khóa vàng” cho hạng mục sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao xuất sắc 2022 – Ảnh: VGP/Hiền Minh
Dưới sự bảo trợ của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), chương trình bình chọn “Chìa khóa vàng” năm nay sẽ trao cho 4 nhóm hạng mục sản phẩm, giải pháp, dịch vụ an toàn thông tin (ATTT), bao gồm: Sản phẩm ATTT chất lượng cao xuất sắc, sản phẩm ATTT triển vọng xuất sắc, giải pháp CNTT an toàn tiêu biểu cho chuyển đổi số và dịch vụ ATTT tiêu biểu.
Bên cạnh đó, chương trình cũng trao danh hiệu cho 4 nhóm hạng mục bình chọn dành cho các doanh nghiệp ATTT Việt Nam, bao gồm: Top doanh nghiệp Việt Nam về kiểm tra và đánh giá ATTT mạng, Top doanh nghiệp Việt Nam về giám sát và ứng cứu sự cố ATTT mạng, Top doanh nghiệp Việt Nam về mật mã, xác thực và chữ ký số và Top doanh nghiệp chống mã độc và chống tấn công mạng.
Danh hiệu top (trong từng hạng mục) sẽ trao cho tối đa 5 doanh nghiệp ATTT Việt Nam hàng đầu có nguồn nhân lực, tài chính, năng lực công nghệ và kết quả hoạt động, kinh doanh tốt nhất, trong lĩnh vực bình chọn.
Danh hiệu “Chìa khóa vàng” được tổ chức nhằm phát hiện, tôn vinh các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ và doanh nghiệp ATTT Việt Nam xuất sắc, tiêu biểu; góp phần hỗ trợ hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp, hưởng ứng chương trình “Make in Vietnam” và Chiến lược bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ. Đồng thời, chương trình cũng góp phần thúc đẩy ứng dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hội đồng bình chọn năm 2022 cho biết, chương trình bình chọn năm nay đã lựa chọn và trao danh hiệu “Chìa khóa vàng” cho 26 sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu và 12 lượt doanh nghiệp ATTT xuất sắc trong nước. Thông qua chương trình này, chúng ta thấy được sự lớn mạnh vượt bậc của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Tại lễ vinh danh, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng bày tỏ chia vui cùng các doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc, góp phần vào phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ ATTT của Việt Nam. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra rằng, chúng ta cần nhìn nhận đây mới là những bước đi sơ khởi, ban đầu. Con đường làm chủ công nghệ, làm chủ sản phẩm, làm chủ thị trường ở phía trước của doanh nghiệp Việt Nam còn rất dài và nhiều khó khăn, thách thức.
Theo báo cáo của Cục An toàn thông tin cho thấy, số liệu doanh thu hàng quý, hàng năm đối với sản phẩm nội địa và sản phẩm nước ngoài vẫn còn chênh lệnh, doanh thu sản phẩm nội địa chỉ mới đạt khoảng trên 50% so với doanh thu sản phẩm nước ngoài. Có nghĩa là mặc dù đã làm chủ được trên 90% dòng sản phẩm, chúng ta chỉ mới chiếm lĩnh được khoảng 1/3 giá trị thị trường hiện tại.
Vậy đâu là lời giải cho bài toán này? Thứ trưởng đã chỉ ra 2 vấn đề: Thị trường và sản phẩm. Thị trường là mở, là tuân theo quy luật cung cầu, do vậy, sản phẩm tốt, dịch vụ tốt sẽ được người dùng lựa chọn. Một sản phẩm tốt cần tốt về tính năng kỹ thuật, tốt về quy trình hỗ trợ nghiệp vụ, tốt về nhân sự hỗ trợ và tốt về giải quyết được vấn đề ATTT của Việt Nam.
Trong 4 yếu tố trên, Thứ trưởng nhấn mạnh tính năng kỹ thuật sẽ do thị trường khách quan đánh giá, tuy nhiên, sản phẩm “Make in Viet Nam” hoàn toàn có ưu thế tại 3 yếu tố còn lại và chúng ta phải tận dụng được lợi thế này để cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài.
Lãnh đạo Bộ TT&TT cam kết sẽ luôn quan tâm, kiến tạo thị trường – tạo cầu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho tất cả doanh nghiệp ATTT mạng thông qua các chính sách thúc đẩy, các quy định bảo đảm ATTT, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm, các thông tin thống kê giúp cho doanh nghiệp có thể hoạch định chiến lược phát triển tốt nhất.
Hiền Minh