Vingroup giải thể VinPro, thị trường bán lẻ điện máy đang nằm trong tay ai?
Theo hãng nghiên cứu thị trường GfK, tính đến hết tháng 5/2019, 60% thị phần bán lẻ điện máy tại Việt Nam đang nằm trong tay ba ông lớn: Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim và Điện máy Chợ Lớn. Trong đó, hệ thống Điện Máy Xanh của Thế Giới Di Động chiếm tới hơn 40% thị phần.
Ngày 18/12, Tập đoàn Vingroup chính thức thông tin sau gần 5 năm ra mắt thị trường, hệ thống siêu thị điện máy VinPro sẽ bị giải thể, hoàn tất các thủ tục ngay trong tháng 12/2019. Ngoài ra, trang thương mại điện tử Adayroi cũng được sáp nhập vào VinID.
Động thái này được đưa ra chỉ sau 2 tuần Vingroup tiến hành hoán đổi cổ phần hệ thống siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart+ cho đối tác Masan.
Vingroup giải thích việc thay đổi là do lĩnh vực bán lẻ không còn là ưu tiên cốt lõi của tập đoàn này. Tuy nhiên thực tế bán lẻ điện máy từ vài năm nay được ví là đại dương đỏ, sự cạnh tranh đã vô cùng khốc liệt.
Thị trường bán lẻ điện máy đang nằm trong tay ai sau khi Vinpro giải thể?
Thị phần thị trường bán lẻ điện máy tại Việt Nam. (Đồ hoạ: Thiên Trường).
Theo hãng nghiên cứu thị trường GfK, tính đến hết tháng 5/2019, đến 60% thị phần bán lẻ điện máy tại Việt Nam nằm trong tay các ông lớn Điện Máy Xanh, Sài Gòn – Nguyễn Kim, Điện máy Chợ Lớn, số còn lại do các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ nắm giữ. Nghiên cứu không có nhiều chi tiết về Vinpro.
Điện Máy Xanh hiện đang hệ thống duy nhất có khả năng chi phối thị trường bán lẻ điện máy ở Việt Nam, khi chiếm đến 40% thị phần toàn thị trường.
Trong 10 tháng năm 2019, Điện Máy Xanh đã mở 106 chi nhánh mới, nâng tổng số cửa hàng trên toàn quốc đạt gần 900 cửa hàng. Dự kiến con số này sẽ sớm đạt 1.000 cửa hàng vào cuối năm nay.
Khác với tình cảnh ế ẩm của hàng loạt ông lớn bán lẻ, doanh thu chuỗi Điện Máy Xanh trong 10 tháng đầu năm nay đạt hơn 48.000 tỉ đồng, chiếm 56% tổng doanh thu toàn hệ thống, và hiện vẫn đang là con gà đẻ trứng vàng cho Thế Giới Di Động.
Hệ thống siêu thị điện máy Sài Gòn – Nguyễn Kim có mặt trên thị trường sớm hơn Điện Máy Xanh, và sau nhiều năm phát triển, hiện chuỗi này có 70 cửa hàng, tăng 10 cửa hàng so với năm 2018.
Vào giữa tháng 4 năm nay, Nguyễn Kim bất ngờ bắt tay với FPT Shop để bán tivi, máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt,… trên website của FPT. Theo đó, FPT sẽ chịu trách nhiệm bán mặt hàng này trên kênh online, việc lưu kho và hàng hoá sẽ do Nguyễn Kim đảm nhận.
Quy mô áp đảo của Điện Máy Xanh. (Đồ hoạ: Thiên Trường).
Với 633 cửa hàng FPT trên toàn quốc, thương vụ giữa FPT và Nguyễn Kim được kì vọng sẽ tạo ra một đối thủ xứng tầm với Điện Máy Xanh.
Tuy nhiên cũng chỉ được 6 tháng sau, FPT bất ngờ rút lui khỏi cuộc chơi, và cho biết đây chỉ là thử nghiệm, chưa có kế hoạch đẩy mạnh mảng kinh doanh điện máy.
Đứng thứ ba trong cuộc đua chia thị trường là Điện máy Chợ Lớn của Công ty TNHH Cao Phong, đang có 71 cửa hàng. Cả Nguyễn Kim và Điện máy Chợ Lớn hiện chiếm chưa tới 20% thị phần bán lẻ điện máy của Việt Nam.
Các hệ thống cửa hàng nhỏ lẻ khác có thể kể đến như: Media Mart, HC, Pico,… cũng đang đứng trước nguy cơ dễ bị thâu tóm bởi các thương vụ M&A.
Trước đó, thị trường bán lẻ điện máy ở Việt Nam đã chứng kiến cảnh ngã ngựa của một loạt các ông lớn như: Trần Anh bị Thế Giới Di Động thâu tóm, Viễn Thông A được Vingroup mua lại, các chuỗi Topcare, Việt Long, WonderBuy, Best Carings, HomeOne lần lượt đóng cửa.
Như vậy với việc VinPro rời khỏi sân chơi bán lẻ điện tử, cuộc chiến dường như đã ngã ngũ, với chiến thắng thuộc về Điện Máy Xanh.
Cửa hàng điện máy không còn dễ ăn giữa cuộc đua đốt tiền giành khách của sàn thương mại điện tử
“Tôi nhìn thấy thị trường này không còn nhiều tương lai”, ông Trần Xuân Kiên – cựu Chủ tịch HĐQT Trần Anh, đã nói như thế về thị trường điện máy trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo giới vào đầu năm 2018, sau thương vụ bán Trần Anh cho Thế Giới Di Động.
Thị trường điện máy đã bão hoà. (Ảnh: Thiên Trường).
Theo thống kê của Euromonitor, trên 70% hộ gia đình Việt Nam đã sở hữu những mặt hàng cơ bản, như tủ lạnh, máy giặt, tivi, máy tính cá nhân, nồi cơm điện. Khoảng 30% số hộ sở hữu các mặt hàng cao cấp hơn như điều hòa, lò vi sóng, máy hút bụi…
“Điều này sẽ khiến việc mở cửa hàng mới của công ty bán lẻ điện máy khó khăn hơn”, báo cáo của Euromonitor viết.
Hãng nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam thì đánh giá sau giai đoạn tăng trưởng thần kì của ngành bán lẻ điện tử, thời điểm này biểu đồ phát triển đã bắt đầu đi ngang. Nhu cầu tiêu thụ điện máy của người dân đến ngưỡng tăng trưởng chậm lại. GfK Việt Nam cho rằng thị trường bán lẻ điện máy năm 2019 sẽ sụt giảm ở tất cả các ngành hàng so với các năm trước.
Theo đó, ngành hàng tivi có thể chững lại, chỉ tăng khoảng 10%, máy lạnh tăng 11%, các ngành khác đều tăng trưởng dưới 10%.
Thương mại điện tử gây sức ép lên bán lẻ điện máy. (Ảnh: VnExpress).
Thị trường điện máy không những được dự báo đã bão hoà, mà còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt trong cuộc đua đốt tiền giành khách của các trang thương mại điện tử.
Nếu như năm 2016, mức lỗ của nhóm bốn doanh nghiệp thương mại điện tử (Lazada, Shopee, Tiki, Sendo) chỉ là 1.700 tỉ đồng, thì đến năm 2017 con số này đã tăng gấp đôi lên 3.400 tỉ đồng và năm 2018 tiếp tục tăng gấp rưỡi lên 5.100 tỉ đồng.
Theo dự báo của Statista về lĩnh vực thương mại điện tử, giá trị ngành điện máy tiêu dùng của Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 30% CAGR trong 5 năm tới, và sớm chiếm tỉ trọng chủ đạo trong các kênh bán hàng tương tự như các nước phát triển.
Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google cũng cho thấy quy mô thị trường thương mại địên tử ở Việt Nam hiện đạt 9 tỉ USD, và sẽ sớm đạt 33 tỉ USD vào năm 2025. Nếu điều này xảy ra, quy mô thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ đứng thứ ba Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan.
Điều đó vô hình chung đã tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt cho lĩnh vực bán lẻ nói chung và bán lẻ điện máy nói riêng.
Điện Máy Xanh một mình một ngựa trên thị trường điện máy
Mặc cho thị trường bão hoà hay bị đe doạ bởi thương mại điện từ, Điện Máy Xanh – con gà đẻ trứng vàng của Thế Giới Di Động, vẫn đang có mức tăng trưởng ấn tượng.
Chuỗi Điện Máy Xanh có thể nói là tên tuổi sinh sau đẻ muộn so với Điện máy Chợ Lớn, Nguyễn Kim, mới ra đời từ cuối 2010. Tuy nhiên, với chiến lược kinh doanh khác biệt cùng tốc độ mở cửa hàng nhanh, và mua lại Điện máy Trần Anh – một thương hiệu vốn đang chiếm khoảng 15% thị phần điện máy phía Bắc, chuỗi này đang chiếm khoảng hơn 40% thị phần cả nước.
Hệ thống Điện Máy Xanh là động lực tăng trưởng mới của Thế giới di động. (Ảnh: Thiên Trường).
CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết lợi thế cạnh tranh của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh nằm ở thương hiệu lớn, độ phủ rộng. Theo số liệu của Thế Giới Di Động, chuỗi Điện Máy Xanh đến giữa tháng 12/2019 đã có hơn 1.000 cửa hàng. Đây là chuỗi đóng góp về doanh thu lớn nhất cho Thế Giới Di Động, với hơn 48.330 tỉ đồng trong 10 tháng đầu năm, chiếm hơn 56% tổng doanh thu.
CTCP Chứng khoán Tân Việt đánh giá Điện Máy Xanh vẫn là động lực tăng trưởng chính của Thế Giới Di Động trong 2-3 năm tới.
Chuỗi Điện Máy Xanh thậm chí đã vượt qua thegioididong từ tháng 11/2017, để trở thành đầu tàu đóng góp doanh thu cho tập đoàn của ông Nguyễn Đức Tài. Hiện doanh thu trung bình tại 1 cửa hàng thegioididong vào khoảng 2,8 tỉ đồng/tháng, trong khi Điện Máy Xanh hơn 6 tỉ đồng/tháng.
Quá trình chuyển đổi kinh doanh của Điện Máy Xanh gần đây với nhiều tích hợp hàng hóa tại các điểm bán nhằm tối ưu chi phí, cũng được kì vọng sẽ giúp Thế Giới Di Động lấy thêm được thị phần từ các cửa hàng nhỏ lẻ địa phương – đang chiếm 40% thị trường.
Ngoài ra, thị trường miền Bắc vẫn còn tiềm năng tăng trưởng, khi Điện Máy Xanh mới chi phối 15% thị phần.