VIỆN KHOA HỌC THỦY LỢI MIỀN TRUNG VÀ TÂY NGUYÊN
Chức năng, nhiệm vụ của Viện KHTL miền Trung và Tây Nguyên
Theo Quyết định số: 2518/QĐ-BNN-TCCB ngày 19/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, chức năng nhiệm vụ của Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên được quy định:
1. Chức năng:
1.1 Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Trung và Tây Nguyên có chức năng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu khoa học phục vụ các dịch vụ công ích của nhà nước, tham gia đào tạo sau đại học, hợp tác quốc tế, tư vấn và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực thuỷ lợi, thuỷ điện, môi trường và thực hiện các nhiệm vụ của Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam tại miền Trung và Tây Nguyên.
1.2 Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Trung và Tây Nguyên có chức năng là Viện vùng về lĩnh vực khoa học thuỷ lợi, thuỷ điện và môi trường được xếp hạng đặc biệt theo quy định tại Điều 10, Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg ngày 19/07/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định về phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công.
2. Nhiệm vụ:
2.1. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền chiến lược, các chương trình, dự án, kế hoạch dài hạn năm năm và hàng năm về khoa học, công nghệ trong lĩnh vực thuỷ lợi, thuỷ điện, môi trường tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên; tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2.2. Nghiên cứu cơ bản có định hướng, nghiên cứu ứng dụng tổng hợp, nghiên cứu khoa học phục vụ các dịch vụ công ích của nhà nước về thỷ lợi, thuỷ điện, bảo vệ môi trường trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các lĩnh vực nghiên cứu cụ thể:
– Chiến lược phát triển thuỷ lợi ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong tổng thể chiến lược phát triển thuỷ lợi Quốc gia;
– Quy hoạch, phát triển và quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các lưu vực sông trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên;
– Các giải pháp kỹ thuật phòng, chống lũ, lụt, giảm nhẹ thiên tai, chỉnh trị sông, bảo vệ bờ các sông, suối, vùng bờ biển trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên;
– Sử dụng đất bền vững, bảo vệ và cải tạo đất, phòng chống hạn hán và sa mạc hóa;
– Chế độ và kỹ thuật tưới, tiêu cho các loại cây trồng;
– Vật liệu xây dựng, địa kỹ thuật, nền móng, và kết cấu công trình;
– Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nguồn nước, quy hoạch, xây dựng và vận hành hệ thống thủy lợi, đê điều, thủy sản, nông nghiệp và nông thôn;
– Công nghệ xây dựng, thông tin và tự động hóa các hệ thống thủy lợi;
– Các giải pháp khai thác, sử dụng nguồn nước, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn phục vụ cho nông thôn vùng sâu, vùng xa khu vực miền Trung và Tây Nguyên;
2.3. Xây dựng mô hình thử nghiệm, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nguồn nước, môi trường, tưới tiêu, cải tạo đất, cấp thoát nước, bảo vệ bờ, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và khôi phục các hệ sinh thái vào sản xuất theo quy định của pháp luật.
2.4. Cung cấp dịch vụ tư vấn về quy hoạch, khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư, thẩm tra dự án, giám sát thi công, quản lý dự án và giám định chất lượng công trình xây dựng về thủy lợi, thủy điện, cơ sở hạ tầng, cấp thoát nước, thủy sản phù hợp với năng lực hành nghề xây dựng, nguồn vốn và trang thiết bị của Viện theo quy định của Luật xây dựng và các quy định khác của pháp luật liên quan.
2.5. Tham gia biên soạn các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật.
2.6. Tổ chức sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu thuộc lĩnh vực được giao, đầu tư, xây dựng và khai thác các công trình thủy lợi, thủy điện theo quy định của pháp luật.
2.7. Thông tin khoa học công nghệ theo quy định của pháp luật.
2.8. Hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để thực hiện công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về nguồn nước, thủy lợi, thủy điện, môi trường trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
2.9. Tham gia đào tạo sau đại học, liên kết đào tạo đại học về chuyên ngành thủy lợi, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên ngành và cộng đồng trong quản lý tưới tiêu, tài nguyên nước và môi trường.
2.10. Tham gia các hoạt động về phòng chống úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lụt, giảm thiểu thiên tai, sa mạc hóa trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên thuộc nhiệm vụ của Bộ.
2.11. Làm nhiệm vụ cầu nối của các đơn vị thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam với các địa phương trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên để giải quyết các vấn đề khoa học, công nghệ về thủy lợi, thủy điện và môi trường.
2.12. Quản lý tài chính, tài sản và các nguồn lực khác được giao theo quy định của pháp luật và thực hiện nhiệm vụ khác do Bộ và Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam giao.
3. Các lĩnh vực hoạt động chính:
– Nghiên cứu cơ bản có định hướng, nghiên cứu ứng dụng tổng hợp, nghiên cứu khoa học về thủy lợi, thủy điện, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.
– Nghiên cứu khoa học về phòng, chống hạn hán, sa mạc hóa, lũ lụt, giảm nhẹ thiên tai, chỉnh trị, bảo vệ bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn. Nghiên cứu về quản lý bền vững nguồn nước và phát triển bền vững các lưu vực sông.
– Nghiên cứu cơ sở khoa học để tính toán thiết kế, thi công công trình thủy lợi, thủy điện, thủy sản, phòng chống lụt, bão và các công trình trọng điểm quốc gia, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.
– Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ phục vụ tưới tiêu, cải tạo đất và cho các nghành kinh tế.
– Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật về vật liệu xây dựng, địa kỹ thuật và kết cấu công trình, biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước và các ngành kinh tế xã hội; công nghệ xây dựng, thông tin và tự động hóa, giải pháp khai thác, sử dụng nguồn nước, môi trường.
– Xây dựng mô hình thử nghiệm; Chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào sản xuất.
– Sản xuất, kinh doanh. xuất nhập khẩu trong các lĩnh vực nêu trên.
– Dịch vụ KH&CN: Tư vấn về quy hoạch, khảo sát, lập dự án, thiết kế, thẩm tra, giám sát, thi công, quản lý dự án và giám định chất lượng công trình: xây dựng thủy lợi, thủy điện, cơ sở hạ tầng, cấp thoát nước, thủy sản, môi trường; đánh giá tác động môi trường; giám sát môi trường; lập quy trình vận hành các công trình; thí nghiệm các chỉ tiêu về: địa chất, vật liệu xây dựng, môi trường; viễn thám; tư vấn Quản lý thủy nông có sự tham gia của người dân (PIM).
– Đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao. Tổ chức đào tạo sau đại học, liên kết đào tạo đại học về chuyên ngành thủy lợi, thủy điện và môi trường.
– Hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, liên danh liên kết phát triển công nghệ, thử nghiệm kỹ thuật mới.
Trong thời gian qua, với đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật có trình độ cao, giàu kinh nghiệm, đội ngũ công nhân lành nghề, hệ thống trang thiết bị đông bộ, hiện đại và nguồn lực tài chính vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của Viện đã phát triển mạnh mẽ. Đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Chủ đầu tư với thời gian nhanh nhất, luôn hoàn thành tốt những yêu cầu của Chủ đầu tư. Vì vậy Viện luôn luôn được Chủ đầu tư trong và ngoài nước tin tưởng và đánh giá cao.
4. Giấy phép hoạt động khoa học công nghệ, đăng ký kinh doanh:
Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ của Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên số: A – 789 ngày 19/12/2008, do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp.