Viện Khoa học lâm nghiệp để mất hơn 2.000 ha rừng, đất rừng
(CAO) Với chức năng nghiên cứu chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp; năm 2003, Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (gọi tắt: Viện lâm nghiệp Tây Nguyên; trụ sở số 9 Hùng Vương – TP.Đà Lạt – Lâm Đồng) được giao 3.280 ha rừng, đất rừng (ĐR); nhưng sau 20 năm, tỉnh Đắk Nông xác định, đơn vị này đã để mất tới hơn 2.000 ha rừng, ĐR. Vi phạm này cần phải xử lý nghiêm.
Vô trách nhiệm với tài nguyên quốc gia
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đắk Nông vừa ban hành kết luận thanh tra số 3318 về công tác quản lý (QL) đất đai, bảo vệ rừng (BVR) tại lâm phần của Viện lâm nghiệp Tây Nguyên (tại xã Đắk Som, H.Đắk Glong) quản lý, xác định đơn vị này đã có những vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực QL, BVR.
Cụ thể, theo kết luận thanh tra, năm 2003, UBND tỉnh Đắk Lắk (cũ) giao 3.280 ha đất, rừng (vị trí thuộc địa giới hành chính xã Đắk P’lao, H.Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk (nay là xã Đắk Som, H.Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) cho Viện lâm nghiệp Tây Nguyên.
Thế nhưng, đơn vị này đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác QL, BVR, để mất rừng với tổng diện tích hơn 2.000 ha. Trong đó, giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 1-2015 để mất hơn 1.800 ha; từ tháng 2-2015 đến tháng 12-2020 để mất hơn 230 ha.
Cũng theo kết luận thanh tra, trong quá trình được giao đất, rừng, Viện lâm nghiệp Tây Nguyên không xây dựng phương án QLBVR giai đoạn từ năm 2005 – 2013; không xây dựng phương án QL rừng bền vững theo quy định tại Điều 27 Luật Lâm nghiệp năm 2017; không xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2003 – 2017; từ năm 2017 – 2021, dù có lập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô hàng năm, nhưng đơn vị chủ rừng không gửi đến cơ quan kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cấp huyện tham gia ý kiến.
Không chỉ để mất rừng, đất rừng với diện tích lớn, kết luận thanh tra số 3318 còn nêu rõ, dự án lâm sinh của Viện lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện không hiệu quả, chưa đạt đúng mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
Cần xử lý trách nhiệm những người liên quan
Theo cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông, trách nhiệm để mất rừng thuộc về tập thể Viện lâm nghiệp Tây Nguyên. Về cá nhân có các ông Hứa Vĩnh Tùng (giám đốc viện từ 2003 – 2009), Nguyễn Thành Mến (giám đốc viện từ 2009 – 2021), Phạm Văn Trọng (Trưởng trạm thực nghiệm lâm nghiệp Đắk Plao từ 2005 đến nay).
Ngoài ra, còn có trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn từ 2005 đến 2020; Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H.Đắk G’long qua các thời kỳ, gồm các ông: Quách Đông Nhị, Hoàng Tiến Mạnh, Đỗ Ngọc Trai, Lê Văn Hà, Nguyễn Bá Đường. Chủ tịch UBND xã Đắk Som qua các thời kỳ, gồm: Ông K’Măng từ 2003 – 2007, ông K’Tang từ 2007 – 2016, ông Hoàng Huy Tùng ông 2016 – 2020…
Trên cơ sở sai phạm trên, Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc thu hồi hơn 2.100 ha đất lâm nghiệp và hơn 961 ha đất, rừng của Viện lâm nghiệp Tây Nguyên được giao QL, BVR nhưng thiếu trách nhiệm để đất bị người dân lấn, chiếm; lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực QL đất đai. Đối với Viện lâm nghiệp Tây Nguyên cũng phải liên hệ với các sở, ngành để được hướng dẫn khắc phục hậu quả (vi phạm như kết luận thanh tra nêu); xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan…
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc Viện này được giao đất, giao rừng, nhưng cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đã theo dõi, giám sát ra sao và Viện phải có báo cáo hoạt động ít nhất là hằng năm. Vậy tại sao để đến gần 20 năm sau mới có chuyện thanh tra, chỉ ra vi phạm? Liệu có khắc phục, thu hồi lại được số diện tích rừng và ĐR đã bị mất không?
Rừng bị phá, đất bị dân xây nhà cửa, làm nương rẫy; giải quyết hậu quả, xử lý các sai phạm để thu hồi lại đất là việc quá khó khăn. Phải làm cho rõ những ai đã tiếp tay để rừng bị phá, ĐR bị mất, phải xử lý trách nhiệm hình sự những kẻ liên quan thật nghiêm minh, nhằm làm gương kẻ khác. Không thể chấp nhận việc Viện này bày ra việc làm công tác khoa học, nghiên cứu chiến lược bảo vệ rừng, phát triển rừng, nhưng lại để “mất” rừng, ĐR suốt hàng chục năm ròng rã với con số gây sốc, bất bình trong dư luận!
Viện lâm nghiệp Tây Nguyên có các trang web thông tin chức năng, nhiệm vụ như: chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, tư vấn và tham gia đào tạo về lĩnh vực lâm nghiệp vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5 năm, hàng năm, các chương trình, dự án về khoa học, công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp của Vùng theo quy định… Nghiên cứu cơ bản có định hướng và nghiên cứu ứng dụng tổng hợp về lâm nghiệp của Vùng theo quy định của pháp luật; Khoa học cơ sở về lý thuyết lâm học các hệ sinh thái đặc thù rừng cây, kỹ thuật và công nghệ trồng rừng; phục hồi rừng, các hệ sinh thái rừng và sử dụng bền vững đất rừng; Các biện pháp bảo tồn và phát triển nguồn gen thực vật rừng, động vật rừng; Cơ sở khoa học về đánh giá, dự báo tài nguyên thực vật và động vật rừng, tác động môi trưòng lâm nghiệp, biến đổi khí hậu, quan trắc môi trường lâm nghiệp…