Viện Khoa học An toàn, an toàn lao động , kiểm định , kiểm định thiết bị , huấn luyện an toàn , trải nghiệm , cấp chứng chỉ , đào tạo , khóa học , khóa học an toàn , atvsld , vsld , SOSHI , quan trắc

AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG: DOANH NGHIỆP NGÀY CÀNG QUAN TÂM

Sau thời gian dài nỗ lực trong công tác quản lý, tuyên truyền nâng cao ý thức của người sử dụng lao động, người lao động về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), đến nay, hầu hết doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN) có nhiều chuyển biến tích cực về công tác này. Điều này không chỉ giúp cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi hơn trong công tác ATVSLĐ, mà đây chính là cách mà các doanh nghiệp tự bảo vệ tài sản của mình và tính mạng người lao động trong quá trình sản xuất.

 

Đoàn kiểm tra ATVSLĐ tỉnh đang kiểm tra công tác an toàn tại một số công ty

 

 

Ý thức hơn về ATVSLĐ

 

Công ty Concept Eye Wear Việt Nam, KCN Hòa Hiệp (huyện Đông Hòa), có 100% vốn nước ngoài, chuyên sản xuất kính mắt xuất khẩu. Hiện công ty có hơn 100 cán bộ, công nhân làm việc. Tại phân xưởng, không khí luôn thoáng mát, công nhân chấp hành nghiêm các quy định về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ (PCCN).

 

Với những yêu cầu nghiêm ngặt về công tác ATVSLĐ, PCCN trong sản xuất, ý thức của người lao động đóng vai trò hết sức quan trọng. Anh Nguyễn Bảo Quyền, người có 6 năm gắn bó với bộ phận sản xuất và thường xuyên làm việc với những thiết bị điện có công suất lớn, tỏa nhiệt cao, cho biết: “Công ty luôn đảm bảo cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn. Hàng năm, công ty đều trang bị bảo hộ lao động, nút chống ồn, bao tay… cho công nhân nên chúng tôi rất yên tâm khi làm việc ở đây”.

 

Công ty TNHH Trang trí nội thất Thái Thịnh, KCN Đông Bắc Sông Cầu (TX Sông Cầu) chuyên cung ứng hàng nội thất gỗ sang các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… Mỗi tháng, công ty này xuất từ 40-60 container hàng cho các đối tác, giải quyết một lực lượng lao động lớn, chủ yếu là lao động nữ tại địa phương.

 

Công tác ATVSLĐ, PCCN luôn được doanh nghiệp quan tâm, kiểm tra thường xuyên, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, nhất là mùa cao điểm nắng nóng hiện nay, bảo đảm an toàn cho người lao động. Công ty thực hiện nghiêm việc đăng ký, kiểm định hàng chục loại máy móc, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động với cơ quan chức năng.

 

Ông Đỗ Huy Vũ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trang trí nội thất Thái Thịnh, cho biết: “Công ty xác định công tác ATVSLĐ là rất quan trọng, chính vì thế ban giám đốc bố trí nhân sự hình thành bộ phận tư vấn, kiểm tra máy móc, quy trình sản xuất để công việc được đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đầu tư cho công tác vệ sinh, sắp xếp các loại thiết bị máy móc khoa học, hợp lý nhằm đảm bảo ATVSLĐ”.

 

An toàn, ổn định cho người lao động

 

Tại 3 KCN trong tỉnh hiện có 65 doanh nghiệp tham gia sản xuất, giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định cho trên 6.500 công nhân. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, sau một thời gian dài nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động, ý thức chấp hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp hiện nay có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo môi trường làm việc an toàn, ổn định cho người lao động.

 

Anh Phạm Thanh Nhị, công nhân Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Bảo Châu (KCN Đông Bắc Sông Cầu), cho hay: Chúng tôi làm việc trong môi trường nặng nhọc, với nhiều loại máy móc có yêu cầu thiết bị nghiêm ngặt nên công đoàn cũng như lãnh đạo nhà máy luôn tổ chức các lớp tập huấn, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ để chúng tôi yên tâm làm việc trong môi trường an toàn.

Ông Nguyễn Phất, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, cho biết: Để đảm bảo ATVSLĐ tại các KCN, hàng năm, tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra về công tác này tại các công ty, xí nghiệp.

 

Qua kiểm tra, nếu phát hiện các sai phạm không đảm bảo ATVSLĐ chúng tôi nhắc nhở, những trường hợp nặng thì có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Năm nay, nhân Tháng Hành động ATVSLĐ đang diễn ra, tỉnh đã có công văn yêu cầu Ban Quản lý khu kinh tế, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã… rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động tại các bộ phận, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ đối với các loại máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

 

Thực hiện kiểm định máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trước khi đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật. Thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động theo quy định của pháp luật. Con người được chăm sóc về sức khỏe và được đảm bảo an toàn về tính mạng đã trở thành một tiêu chí quan trọng trong sự phát triển hài hòa, tiến bộ và bền vững của xã hội cũng như của mỗi doanh nghiệp.

 

Tỉnh Phú Yên phấn đấu đến năm 2020, trung bình hàng năm, giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người trong một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động (khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng, sản xuất kim loại và sản xuất hóa chất).

 

Trên 50% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp được phổ biến, được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; trên 70% doanh nghiệp lớn và 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện quan trắc môi trường.

 

Trung bình hàng năm tăng thêm 10 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản của hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ; bước đầu xây dựng văn hóa an toàn trong lao động. Trên 90% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ cấp huyện, cấp xã và trong Ban Quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp được tập huấn nâng cao năng lực về công tác ATVSLĐ.

 

Trên 80% số người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; 80% người làm công tác ATVSLĐ, người làm công tác y tế; 90% số an toàn, vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất kinh doanh được huấn luyện về ATVSLĐ. Trên 80% số người thuộc lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc được huấn luyện cập nhật về sơ cứu, cấp cứu. Trên 80% số làng nghề; 70% số hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về ATVSLĐ.

 

100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều trị và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật. 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý đúng theo pháp luật.

 

 

Nguồn: baophuyen.com.vn