Việt Nam – Cái nôi của nền văn minh lúa nước – Hànộimới
Cây lúa không chỉ mang lại sự no đủ mà còn trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hoá tinh thần của người Việt. Hạt lúa và người nông dân cần cù, mộc mạc là mảng màu không thể thiếu trong bức tranh của làng quê Việt Nam bây giờ và mãi mãi sau này. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, cây lúa cũng đang có những biến đổi để thích ứng với nhu cầu thực tế. Chính vì vậy, cần phải bảo tồn và phát triển, làm phong phú thêm nguồn gen thực vật quý giá này.
Là cây trồng quan trọng nhất thuộc nhóm ngũ cốc, lúa cũng là cây lương thực chính của người dân Việt Nam nói riêng và người dân châu Á nói chung. Cây lúa, hạt gạo đã trở nên thân thuộc gần gũi đến mức từ bao đời nay người dân Việt Nam coi đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Từ những bữa cơm đơn giản đến các bữa tiệc sang trọng, không thể thiếu sự góp mặt của hạt lúa, chỉ có điều, nó được chế biến dưới dạng này hoặc dạng khác.
Không chỉ giữ vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, xã hội mà còn có giá trị lịch sử, bởi lịch sử phát triển của cây lúa gắn với lịch sử phát triển của cả dân tộc Việt Nam, in dấu ấn trong từng thời kỳ thăng trầm của đất nước. Trước đây, cây lúa, hạt gạo chỉ có thể đem lại sự no đủ cho con người thì ngày nay nó còn có thể làm giàu cho người nông dân và cho cả đất nước nếu chúng ta biết biến nó thành một thứ hàng hoá có giá trị.
Việt Nam là cái nôi của nền văn minh lúa nước, hạt gạo gắn liền với sự phát triển dân tộc và việc sản xuất lúa gạo cho đến nay vẫn là nền kinh tế chủ yếu của đất nước. Nếu trên trái đất, diện tích đất trồng lúa chiếm 11% thì tại Việt Nam khắp nơi đều trồng lúa, nhất là ở các miền đồng bằng và trên thế giới số người được sống bằng lúa gạo là 50% thì tại Việt Nam là 100%. Trên thực tế, việc sản xuất ra lúa gạo là một hoạt động kinh tế đứng hàng đầu. Những cánh đồng lúa trải dài từ khắp miền núi, đồng bằng đến cao nguyên, hình thành nên nhiều vùng thâm canh cây lúa. Những vựa lúa lớn của nước Việt Nam cả về diện tích, sản lượng và chất lượng có thể kể đến như đồng bằng sông Hồng thuộc khu vực phía bắc, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Nam Bộ…
Đồng bằng sông Hồng – một nền văn minh lúa nước đã hình thành từ nghìn năm, gồm 11 tỉnh thành với diện tích tự nhiên khoảng 15.000 km2 được bồi tụ bởi phù sa của hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình. Ðây là địa bàn cư trú của người Việt cổ, cũng là nơi hình thành nền văn minh lúa nước. Vùng lúa đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đang có những biến đổi tích cực bước đầu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Nếu như trước đây, sản xuất lúa ở ĐBSH chú trọng phát triển đáp ứng nhu cầu về số lượng, thì nay nhu cầu không còn là mục tiêu duy nhất. Chính sự đòi hỏi về chất lượng của người tiêu dùng trong nước cũng như khả năng tham gia xuất khẩu, đang tạo ra những đổi thay ở vựa lúa lớn của các tỉnh phía Bắc này.
Vùng lúa chất lượng cao với quy mô dự kiến 300.000 ha đang từng bước được hình thành ở 25 huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố gồm Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên và Hải Phòng. Theo các chuyên gia, với điều kiện đất đai, khí hậu, kinh nghiệm canh tác của người dân, những vùng đất này hoàn toàn có khả năng sản xuất lúa gạo chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Diện tích gieo trồng lúa hàng năm ở khu vực này có thể tăng lên 500.000 ha, với sản lượng hơn 3 triệu tấn/năm, chiếm hơn 50% sản lượng thóc của toàn vùng.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rộng khoảng 36.000 km2, là vùng đất phì nhiêu, khí hậu thuận lợi. Đây là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, ngành kinh tế quan trọng nhất là sản xuất lúa gạo, đặc biệt là gạo chất lượng cao để xuất khẩu. Mặc dù chỉ chiếm 12% diện tích cả nước, ĐBSCL là nơi cư ngụ của 22% dân số cả nước, cung cấp 40% tổng sản lượng lương thực cả nước, và hơn một nửa sản lượng gạo cũng như tổng lượng gạo xuất khẩu được làm ra ở đây. Sản xuất lúa vẫn tiếp tục khẳng định là một ngành sản xuất hàng hóa quan trọng và ngày càng có sức cạnh tranh cao. Cây lúa tuy giảm diện tích, nhưng đang được các bộ, ngành, địa phương và nông dân mạnh dạn đưa nhanh các giống mới như IR64, OM1490, OSMC2000, ST3… cho năng suất và chất lượng cao bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Trong những năm gần đây, cây lúa ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong sự phát triển của đất nước. Việt Nam từ một nước đói nghèo đã trở thành một nước đứng thứ 2 trên thế giới, sau Thái Lan về xuất khẩu gạo. Niên vụ 2004/2005, xuất khẩu gạo Việt Nam ước tăng 250.000 tấn, đạt 4 triệu tấn với sản lượng dự đoán sẽ tăng ít so với niên vụ trước. Tuy nhiên, thực tế giá trị thương mại của hạt gạo vẫn chưa cao. Hạt gạo Việt Nam vẫn chưa có được chỗ đứng vững chắc của mình trên thị trường quốc tế so với Thái Lan, Malaysia và chưa thực sự trở thành một thứ hàng hoá có giá trị.
Có rất nhiều nguyên nhân như công nghệ chế biến sau thu hoạch của nước ta còn chưa đồng bộ, yếu kém, chưa coi trọng việc phát triển các giống lúa đặc sản chất lượng cao phục vụ xuất khẩu mà mới chỉ tập trung vào việc đạt được sản lượng cao. Chính vì vậy, một vài năm gần đây, Nhà nước đã có những định hướng đúng đắn trong việc nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa chất lượng cao, kết quả là tạo được quỹ gen phong phú với nhiều giống lúa mới có giá trị thương phẩm.
Từ năm 1985, Nhà nước đã có những chương trình lớn về quỹ gen, hàng năm đầu tư từ 3-4 tỷ đồng cho chương trình quỹ gen cây trồng, vật nuôi và vi sinh. Trong đó, đặc biệt coi trọng việc nghiên cứu về quỹ gen cây lúa. Chương trình quốc gia này đã tạo thành được một màng lưới duy trì và bảo tồn các nguồn gen quý, đồng thời song song tiến hành các hoạt động nghiên cứu lai tạo nhiều giống mới.
Cho đến nay, đã có gần 30 giống lúa được công nhận là giống quốc gia. Có những giống lúa thịnh hành từ những năm 1970 và những giống mới được công nhận trong những năm gần đây (2003). Đây là những giống có năng suất cao, chất lượng tốt và được tạo nên từ công sức của tập thể các nhà khoa học tâm huyết. Nhờ có tiến bộ khoa học, nhiều loại lúa mới ra đời. Lúc đầu nó đã đáp ứng được lương thực, tuy nhiên sau một thời gian dài có nhiều vấn đề nảy sinh.
Sự phát triển rộng rãi của các giống cao sản dần dần đi đến độc canh một vài giống lúa trên một vùng quá rộng lớn đã làm suy giảm sự đa dạng và tính bền vững của hệ sinh thái ruộng lúa, sâu bệnh phát triển mạnh, khả năng phát triển thành dịch của các loại sâu bệnh cũng lớn hơn, lượng sử dụng phân vô cơ và thuốc hoá học bảo vệ thực vật trên một đơn vị diện tích lớn. Đây có thể được coi là một mặt trái của tiến bộ khoa học. Cũng chính vì vậy, mà chúng ta cần phải bảo tồn quỹ gen cây lúa, đảm bảo sự đa dạng di truyền loài và dưới loài nhằm tạo nên sự phát triển cân bằng và bền vững.
Vấn đề bảo tồn quỹ gen đang được đặt ra ngày một bức thiết trước thực tế phát triển. Điều đáng lo ngại nhất là sự xói mòn quỹ gen, sự suy giảm đa dạng sinh học trong quá trình cải tiến giống cây trồng, đáp ứng yêu cầu thâm canh. Người ta dự đoán, sự xói mòn di truyền xảy ra nhanh và rộng khắp đến nỗi trong vòng 50 năm nữa, những sinh vật còn lại trong thiên nhiên có thể cung cấp cho các nhà chọn tạo giống rất ít vật liệu trong việc tìm kiếm những biến dị di truyền. Nguy cơ xói mòn gen đang là một thách thức lớn đối với cả nhân loại.
Trong đó có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự xói mòn quỹ gen cây lúa như: thiếu chính sách về bảo tồn nguồn tài nguyên di truyền thực vật. Hoạt động sưu tập không đầy đủ. Thiếu phương tiện bảo quản. Chưa có chương trình hợp tác quy mô quốc gia giữa các viện, trường. Hệ thống bảo quản có tính chất cục bộ, thiếu tập trung. Ngoài việc giữ gìn các nguồn gen quý hiện có, còn cần phải thu thập và nghiên cứu, tìm ra những đặc tính quý trong các giống hoang dại vẫn còn tản mát ở các vùng sinh thái khác nhau. Hiện nay, chính sách về bảo tồn tài nguyên di truyền được đặt lên hàng đầu và công tác giống được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất.
Trong định hướng phát triển ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực lúa nói riêng, khâu giống được quan tâm hàng đầu. Ngay từ thời mới khai sinh ra nền văn minh lúa nước sông Hồng, nước Việt Nam đã có rất nhiều giống lúa hoang dại. Qua hàng ngàn năm, những giống lúa hoang dại đã được thuần chủng và trở thành những giống lúa truyền thống có giá trị.
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngày càng có nhiều giống lúa mới có năng suất cao ra đời. Những giống lúa cũ và mới luôn đặt các nhà khoa học trước sự chọn lựa. Giống cũ tuy năng suất không cao nhưng chất lượng tốt, đặc biệt nó mang nhiều những đặc tính quý như khả năng chống chịu sâu bệnh cao, chịu điều kiện khí hậu khắc nghiệt tốt nhưng sản lượng không cao. Vì vậy, không đáp ứng được yêu cầu lương thực trong thời điểm nước ta thiếu lương thực trầm trọng, chính vì vậy những giống lúa cao sản ra đời. Trong một thời gian dài, những giống lúa này đã được coi là giống trọng điểm và được ưu tiên trong các chương trình nông nghiệp.
Tuy nhiên nó bộc lộ nhiều bất cập bởi khả năng kháng chịu sâu bệnh kém, chất lượng không còn đáp ứng được yêu cầu ăn ngon của người dân. Những giống lúa mới được chọn tạo trên cơ sở công nghệ sinh học ra đời đã phần nào khắc phục được những nhược điểm đó bằng cách kết hợp với các đặc tính quý của các loại lúa hoang dại và lúa truyền thống. Những giống mới mang lại nhiều sự lựa chọn tốt hơn như các giống kháng sâu bệnh, các giống lúa có thể trồng ở nước mặn và có khả năng chịu hạn tốt hơn trong điều kiện hiện nay.