Vì sao thí sinh “chuộng” bài thi tổ hợp Khoa học xã hội hơn Khoa học tự nhiên?

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm 2022, đã có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong số này, số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên là 319.676, chiếm tỷ lệ 31,94%; tổng số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp Khoa học xã hội là 555.813, chiếm 55,53%.

Đáng chú ý, đây không phải là năm đầu tiên tỷ lệ thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội áp đảo so với Khoa học tự nhiên. Trước đó, năm 2020, tỷ lệ thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội là 55, 38% và năm 2021 là 53,38 %.

Nhìn vào số liệu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho thấy, số thí sinh đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) vượt trội hơn hẳn số đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học).

thi_tot_nghiep.jpeg -0
Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội luôn cao hơn nhiều so với bài thi Khoa học tự nhiên. Ảnh minh họa: CTV

Cụ thể, có trên 55% thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội, trong khi chỉ có trên 31% số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên. Có khoảng 9-10% số thí sinh chỉ đăng ký dự thi các môn thành phần của các bài thi tổ hợp. Đây là những thí sinh đã tốt nghiệp THPT, dự thi để lấy kết quả của một số môn thi xét tuyển đại học, cao đẳng.

Theo nhiều giáo viên, việc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội được thí sinh “chuộng” hơn so với bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên cho thấy xu hướng chọn giải pháp an toàn của thí sinh trong việc xét công nhận tốt nghiệp THPT. Vì thực tế các môn thi thành phần gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học của bài thi Khoa học tự nhiên thường dễ bị điểm “liệt” hơn các môn thành phần trong bài thi Khoa học xã hội.

Điều này cũng đã được minh chứng tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2021 về trước, khi điểm môn Giáo dục công dân luôn cao, môn Địa lý được sử dụng Atlat địa lý trong phòng thi nên cũng rất dễ lấy điểm và hạn chế tình trạng điểm “liệt” hơn so với các môn thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên như Vật lý, Hoá học, Sinh học. Riêng môn Lịch sử, dù điểm trung bình không cao, song số thí sinh bị điểm “liệt” cũng ít hơn nhiều so với các môn thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng: Việc nhiều thí sinh lựa chọn bài thi Khoa học xã hội chủ yếu là do theo nhìn nhận của nhiều thí sinh thì các môn thi của bài thi Khoa học xã hội là Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân tương đối gần gũi với cuộc sống, có thể suy luận tình huống, suy đoán đáp án.

Do vậy, những học sinh chưa thật sự vững về kiến thức các môn Khoa học tự nhiên thường có xu hướng chọn bài thi Khoa học xã hội nhằm “thoát” điểm “liệt” để đạt được mục đích tốt nghiệp. Hơn nữa, việc lựa chọn bài thi Khoa học xã hội cũng sẽ giúp các em có nhiều thời gian hơn để đầu tư vào các môn mà các em lựa chọn để xét tuyển đại học như Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ.

Mặc dù khẳng định việc chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội để tránh điểm liệt, giảm áp lực ôn tập để dành thời gian cho các môn xét tuyển đại học là lựa chọn thực tế và thông minh của học sinh song một số chuyên gia cũng khuyến cáo điều này có thể dẫn đến một số hệ lụy trong việc đào tạo nguồn nhân lực.

Thực tế cho thấy, nền kinh tế ngày càng đòi hỏi nhiều lao động liên quan đến khoa học-công nghệ, nhất là các ngành nghề liên quan đến STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán). Nếu học sinh chọn các môn Khoa học tự nhiên ngày càng giảm, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của đất nước, địa phương, mà còn ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của chính các em sau này.

Xu hướng thế giới cho thấy các ngành nghề STEM ngày càng dễ có việc làm, có thu nhập cao, trong khi các ngành xã hội, cơ hội việc làm hạn chế hơn. Do vậy, nếu Bộ GD&ĐT không có giải pháp cân bằng độ khó đề thi giữa bài thi các môn Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên có thể dẫn tới nguy cơ học sinh thiên về chọn tổ hợp Khoa học xã hội để an toàn trong việc xét tốt nghiệp THPT mà không phải chọn tổ hợp thi theo xu hướng nghề nghiệp và đam mê môn học thật sự.