Vì sao nhiều khách hàng bị lừa thông qua hình thức giao dịch bất động sản tại các “dự án ma”?
“Dự án ma” hoành hành
Thời gian gần đây, nhiều công ty lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật đất đai của người dân để lập các “dự án ma” để rao bán. Nhiều người nhẹ dạ cả tin đã ký hợp đồng mua bán chuyển nhượng với các công ty, tuy nhiên sau thời gian dài chờ đợi, tiền thì đã đóng đủ nhưng đất không được giao như đúng hẹn. Việc này dẫn tới người dân khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, tiềm ẩn mất an ninh trật tự.
Theo Đại tá Trần Văn Chính – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, liên quan đến hành vi vi phạm trong kinh doanh bất động sản, Công an tỉnh đã khởi tố điều tra nhiều vụ án. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 15 vụ án. Trong những đối tượng bị bắt điều tra có nhiều người là giám đốc, tổng giám đốc các công ty bất động sản.
Mới đây, ngày 11/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với bị can Nguyễn Hữu Thái, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ địa ốc Thăng Long Real (địa chỉ tại KDC Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Theo cơ quan CSĐT, Thái thực hiện hành vi lừa đảo thông qua việc góp vốn đầu tư kinh doanh bất động sản và chuyển nhượng bất động sản tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Thái bị người dân tố cáo vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.
Người dân từng kéo lên trụ sở Công ty CP Bất động sản nhà đất Đồng Nai treo băng rôn có nội dung tố cáo công ty lừa đảo – Ảnh: B.A.
Còn tại Đồng Nai, ngày 5/8, TAND tỉnh Đồng Nai đã mở phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử các bị cáo là lãnh đạo của Công ty Cổ phần Bất động sản Nhà đất Đồng Nai liên quan đến việc vẽ “dự án ma” bán cho khách hàng thu hàng trăm tỷ đồng.
Theo cáo trạng truy tố, các bị cáo gồm: Đỗ Sơn Tùng là Tổng giám đốc, Lê Hữu Trung là Giám đốc truyền thông, Nguyễn Bảo Trân là Giám đốc kinh doanh, Phạm Thành Lộc là cựu Phó giám đốc tổng hợp, Nguyễn Thanh Tâm là cựu Giám đốc kinh doanh truyền thông và Hà Huy Huyền là Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Bất động sản Nhà đất Đồng Nai (phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa).
Dù không có năng lực về tài chính nhưng Tùng đã dùng tiền của các bị hại để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 10 thửa đất thuộc 2 xã Bàu Hàm và Sông Thao của huyện Trảng Bom với diện tích gần 143 ngàn m2. Toàn bộ diện tích này đều có mục đích sử dụng là đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm).
Sau khi nhận chuyển nhượng, mặc dù các thửa đất trên chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở, chưa nộp hồ sơ xin phép thực hiện dự án Khu dân cư. Tuy nhiên, Tùng đã vẽ ra thành 4 dự án, đặt tên là: Khu dân cư Happy Town 2, Khu dân cư Happy Town 3, Khu dân cư Green Town và Khu dân cư Nice Town với quy mô 889 lô đất trên vị trí của 10 thửa đất này.
Với sự giúp sức của Lộc, Trung, Tâm, Trân và Huyền, Công ty CP Bất động sản Nhà đất Đồng Nai do Tùng làm Tổng giám đốc đã bán được 597 lô đất tại các dự án để chiếm đoạt của 445 người mua đất với số tiền gần 123 tỷ đồng.
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh xác định, Tùng giữ vai trò tổ chức, phải chịu trách nhiệm chính về toàn bộ thiệt hại. Lộc, Trung, Trân, Tâm, Huyền có vai trò đồng phạm giúp sức cho Tùng trực tiếp ký hợp đồng đặt cọc; tổ chức các buổi hội thảo khách hàng, trực tiếp thuyết trình giới thiệu về các dự án, quảng cáo, rao bán đất nền; chỉ đạo hệ thống cộng tác viên bán đất dự án để giúp sức cho Tùng chiếm đoạt tổng số tiền gần 123 tỷ đồng.
Sau khi tiến hành làm thủ tục phiên tòa và xét hỏi, xét thấy còn một số tình tiết trong vụ án chưa được làm rõ nên Hội đồng xét xử đã trả hồ sơ cho Viện KSND tỉnh để điều tra bổ sung về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với các bị cáo.
Cũng tại Đồng Nai, chia sẻ với phóng viên, nhiều người dân cho biết đang rất lo lắng khi mua phải “dự án ma” KPTM sân bay quốc tế L.T. có địa chỉ tại xã Long Phước. Theo phản ánh, mặc dù “dự án” không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, xây dựng và đưa vào kinh doanh nhưng doanh nghiệp vẫn ký hợp đồng mua bán với khách hàng. Sau 4 năm chờ đợi mà chưa nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên người dân đang gửi đơn đến các cơ quan chức năng để tố cáo hành vi có dấu hiệu lừa đảo của doanh nghiệp này.
Với thủ đoạn lập “dự án ma” rồi tự xưng chủ đầu tư bán dự án cho khách hàng, nhiều cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khiến hàng loạt khách hàng ôm đơn khiếu kiện. Để chấn chỉnh tình trạng này cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc, xử lý nghiêm minh.
Cần giải pháp đồng bộ trong quản lý
Theo Đại tá Trần Văn Chính – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, Công an tỉnh đã tiếp nhận hàng nghìn đơn tố giác liên quan các dự án bất động sản. Số tiền mà các bị can chiếm đoạt của khách hàng là rất lớn, có công ty chiếm đoạt của khách hàng lên đến hơn 160 tỉ đồng.
Việc khách hàng bị lừa thông qua hình thức giao dịch bất động sản tại các “dự án ma” là do người dân chủ quan, thiếu hiểu biết và không tìm hiểu kĩ về pháp lý dự án khi xuống tiền để mua.
Đại tá Trần Văn Chính mong muốn các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về các vấn đề liên quan đến bất động sản trên toàn tỉnh, nhất là các dự án để người dân biết và tránh đầu tư vào các “dự án ma”. Đại tá Chính cho biết, hiện tại Công an địa phương đang vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ các nội dung trong đơn thư tố giác của người dân để có hướng xử lý.
Chia sẻ giải pháp ở góc độ thị trường, theo tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam: các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch đối với các bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật. Người dân cũng nên tìm hiểu các thông tin về dự án bất động sản trên các kênh chính thống hoặc có thể liên hệ tới phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc sở xây dựng để có được thông tin chính xác nhất.
Theo nhiều luật sư chia sẻ, hành vi của các đối tượng, doanh nghiệp lập dự án bất động sản “ma” để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người mua là hành vi vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, các đối tượng sẽ phải chịu xử phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm và phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Dư luận mong muốn các cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc xử lý nghiêm minh, kịp thời ngăn chặn những hành vi của các đối tượng lừa đảo vẽ ra “dự án ma”, qua đó đảm bảo an toàn cho thị trường bất động sản cũng như quyền lợi, tài sản của người dân.