Vì sao ngày Thất tịch thường có mưa?
(VTC News) –
Trong tâm thức dân gian, ngày Thất tịch (7/7 âm lịch) là ngày Ngưu lang Chức nữ gặp nhau. Sự tích này có trong kho tàng truyện cổ dân gian của Việt Nam và một số nước châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mặc dù có nhiều dị bản ở các nước nhưng nhìn chung, chuyện Ngưu lang Chức nữ đều nói về tình yêu son sắt, dù phải cách xa vẫn luôn nhớ nhung và mong ngày đoàn tụ, về nỗi khát khao được bên nhau của lứa đôi, và về tình yêu vượt qua mọi trở ngại…
Câu chuyện tình yêu buồn man mác về Ngưu lang Chức nữ, hay sự tích ông Ngâu bà Ngâu, là cách dân gian lý giải vì sao trời thường mưa vào ngày này.
Ngày lễ Thất tịch bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu man mác buồn của Ngưu Lang và Chức Nữ.
Tại sao ngày Thất Tịch hay có mưa?
Theo truyện cổ dân gian, xưa có chàng chăn trâu – Ngưu lang hiền lành, chăm chỉ, một lần vô tình gặp Chức nữ – nàng tiên dệt vải trên trời xinh đẹp, dịu hiền. Họ nên duyên vợ chồng và có với nhau đứa con kháu khỉnh.
Một ngày nọ, Chức nữ phải trở về trời. Bố con Ngưu lang ở hạ giới ngày ngày nhớ thương nên cùng nhau đi tìm. Tới sông Ngân, ranh giới vào thượng giới, thân phận phàm nhân khiến họ không thể vượt qua. Ngưu lang và con quyết không trở về, ngày ngày ngồi đợi bên dòng sông, mong đoàn tụ với vợ. Họ biến thành một ngôi sao nhỏ và một ngôi sao lớn chờ đợi tin tức của Chức nữ. Vương mẫu cảm động trước tấm lòng của Ngưu lang dành cho Chức nữ nên cho phép hai người được gặp nhau vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hằng năm. Họ đoàn tụ trên cầu Ô Thước bắc qua sông Ngân, do đàn quạ trời tạo ra.
Truyện có nhiều phiên bản với những chi tiết khác biệt về sự trở về của hai bố con, hay về chuyện vì sao đàn quạ trời phải bắc cầu Ô thước. Điểm thống nhất là đôi vợ chồng suốt năm đều mong đến ngày Thất tịch (mùng 7 tháng 7) để hội ngộ. Nỗi mừng tủi khi gặp nhau cũng như nỗi buồn vì sắp phải xa nhau khiến Ngưu lang và Chức nữ khóc dầm dề. Nước mắt của họ đã rơi xuống trần gian hóa thành cơn mưa tháng Bảy, dân gian gọi là mưa ngâu (“ngâu” là cách đọc chệch âm “ngưu”, cũng như vợ chồng Ngưu lang được gọi là ông Ngâu bà Ngâu).
Thực tế Thất tịch hằng năm đều có những cơn mưa lất phất.
Ở phương diện khí tượng, vào đầu tháng 7 âm lịch ở Việt Nam, trời thường đổ mưa, gọi là mưa ngâu. Đặc điểm của những cơn mưa này là rải rác, rả rích từng cơn, có ngày ít, có ngày nhiều chứ không liên tục. Vì thế mà hiện tượng thời tiết này được miêu tả là “trời mưa sụt sùi”. Dân gian Việt Nam có câu tục ngữ “Vào mùng 3, ra mùng 7”, nghĩa là trời sẽ mưa vào các ngày từ mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết hiện nay không còn giống với hàng trăm, hàng nghìn năm trước. Vì thế không phải ngày Thất tịch năm nào cũng có mưa ngâu. Hiện tượng thời tiết này có thể đến muộn hơn hoặc thậm chí không có.
Mặt khác, ngay cả ở thời chưa có sự biến đổi khí hậu, mưa ngâu cũng không nhất thiết xuất hiện vào đúng ngày Thất tịch. Vào những ngày Thất tịch không mưa, người ta có thể ngắm sao Ngưu lang và sao Chức nữ trên bầu trời, các đôi lứa có thể chỉ sao mà thề hẹn rằng dù có trải qua bao nhiêu trở ngại cũng sẽ cố gắng vượt qua để được ở bên nhau. Nhiều người tin rằng đôi lứa yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu lang Chức nữ trong đêm mùng 7 tháng 7 âm lịch thì sẽ tình duyên viên mãn.
Làm gì trong ngày lễ Thất tịch?
Dưới đây là các hoạt động mà nhiều người thực hiện vào ngày lễ Thất tịch.
Đi chùa
Đi chùa cầu phúc là một thói quen của nhiều người trong ngày lễ Thất tịch mùng 7 tháng 7. Người dân quan niệm rằng vào ngày đoàn tụ của Ngưu lang và Chức nữ, việc cùng nhau đi chùa sẽ tạo nên điềm lành cho cả gia đình. Những người độc thân đi chùa để cầu sớm tìm được ý trung nhân. Ngoài ra, mọi người đến chùa còn để cầu sức khỏe, tài lộc, bình an cho bản thân và gia đình.
Làm việc thiện để tích phúc
Lễ Thất tịch là ngày có ý nghĩa gắn với chuyện tình yêu, vậy nên trong ngày này, mọi người nên làm nhiều việc thiện để tích phúc cho cuộc sống của mình và gia đình.
Tặng quà cho những thân yêu
Tặng quà để thể hiện lời yêu thương sẽ là cách tỏ tình rõ nhất. Vào ngày này, các đôi nam nữ sẽ tặng quà cho nhau, hoặc vợ chồng trao nhau những món đồ đối phương thích nhằm mong tương lai an lành.
Ăn chè hoặc các món từ đậu đỏ
Đây là tục của Trung Quốc nhưng gần đây phổ biến rộng rãi ở nhiều nước châu Á nhờ mạng xã hội. Việc ăn chè đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch tượng trưng cho đường nhân duyên thuận lợi, may mắn. Nhiều người quan niệm, các đôi đang yêu nhau nếu cùng ăn chè đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch thì tình yêu sẽ vững bền, tươi đẹp.
Tránh dạm hỏi, tổ chức cưới hỏi
Dù được hội ngộ mỗi năm một lần nhưng Ngưu Lang và Chức Nữ phải chịu chia cách các ngày còn lại trong năm. Chính vì thế người ta sợ chuyện tình nhà Ngâu sẽ vận vào đôi vợ chồng trẻ, khiến cuộc sống hôn nhân của họ gặp phải sự chia xa, ly biệt.
Không xây nhà, trùng tu tổ ấm
Ngày lễ Thất tịch thường rơi vào mùa mưa, điều này gây bất lợi cho việc xây nhà hay trùng tu lại nhà cửa. Vì vậy, mọi người tránh thi công vào ngày này để tránh những xui xẻo không đáng có. Nhiều người sợ nếu khởi công xây dựng nhà cửa vào ngày này thì gia đình sẽ ly tán.
Hạ Vy
(Tổng hợp)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo