Vì sao Đại học Duy Tân “dạy một đường, cấp bằng một nẻo”?
Văn – Báo chí là chuyên ngành gì?
Liên quan đến phản ánh của các sinh viên về việc Trường ĐH Duy Tân tuyển sinh và dạy chương trình Văn – Báo chí, nhưng khi cấp bằng thì chỉ là Văn học khiến nhiều sinh viên bức xúc và cảm thấy bị lừa dối, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, ĐH Duy Tân cần có cái nhìn minh bạch hơn về sự việc, nhất là khi xây dựng chuyên ngành đào tạo như vậy.
Theo phân tích của các chuyên gia này, về khoa học, một chương trình đào tạo đều học lần lượt từ các môn học ở khối kiến thức giáo dục đại cương (General education), đến khối kiến thức khối ngành, đến khối kiến thức cơ sở ngành. Sau cùng mới học đến phần chuyên ngành. Các khối kiến thức có quan hệ mật thiết, gắn kết và logic về nội dung với nhau.
Chính vì vậy, thực tế một số trường cũng có ghép thêm chương trình học vào phần cuối, nhưng là phải có tính logic về nội dung. Thường thì các ngành có cùng các khối ngành và ngành gần như nhóm ngành: kinh doanh và quản lý có mã ngành 734 (3 chữ số), trong nhóm ngành này có nhiều khối chuyên ngành có cùng khối kiến thức cơ sở sẽ được phát triển tiếp như: chuyên ngành QTKD có mã ngành là 734.0101 (5 chữ số), Marketing có mã ngành là 734.0102,…là những chuyên ngành con trong nhóm ngành gốc.
Việc phát triển là hợp lý vì những ngành này có nhiều khối kiến thức trùng nhau ở kiến thức nhóm ngành, kiến thức khối ngành, chỉ khác những kiến thức chuyên ngành riêng biệt.
“Trong khi đó, hai ngành văn học và báo chí là hai ngành thuộc hai nhóm ngành khác nhau. Cụ thể, theo theo Thông tư 24 của Bộ GD-ĐT, thì ngành báo chí có mã ngành 732, và chuyên ngành báo chí có mã ngành là 732.0101. Tương tự, ngành văn học có mã chuyên ngành là 72290.30, thuộc ngành khác có mã ngành là 72290.
Thông tin về chuyên ngành Văn – Báo chí trong cẩm nang tuyển sinh của Duy Tân
Như vậy, về mặt logic, hai khối ngành Văn học và Báo chí không cùng khối kiến thức chung, rất xa nhau trong nhóm ngành mà Bộ GD-ĐT quy định. Hay Báo chí không thể là chuyên ngành con của ngành Văn học để ĐH Duy Tân tự “phiên” ra chuyên ngành Văn – Báo chí nằm trong chuyên ngành “con” là Văn học” – chuyên gia này phân tích.
Liệu có lập lờ để tuyển sinh?
Một vấn đề nữa mà chuyên gia giáo dục lưu ý khi nhận được nội dung trả lời báo chí của đại diện ĐH Duy Tân liên quan đến việc thông tư 19 của Bộ Giáo dục Đào tạo không cho phép ghi nội dung tên chuyên ngành đào tạo, mà chỉ được ghi tên ngành đào tạo trên văn bằng, đó là trả lời thiếu cầu thị và trách nhiệm – chuyên gia này đánh giá.
Cụ thể, theo thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT thì Bộ GD-ĐT đã xây dựng hệ thống ngành và chuyên ngành đào tạo với bộ mã ngành và chuyên ngành đào tạo rất đầy đủ, cụ thể và rõ ràng. “Như giải trình của đại diện ĐH Duy Tân thì trường này đang đào tạo sinh viên làm nghề báo, với nhiều học phần, học trình liên quan đến báo, vậy thì trên bằng tốt nghiệp đại học nên ghi “Tốt nghiệp Đại học ngành Báo chí” mà không nên ghi “Văn học” như đã làm với các sinh viên này. Như vậy mới đúng và hợp lý” – vị chuyên gia này phân tích.
Còn giải thích của ông Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Duy Tân cho rằng, Thông tư 19 của Bộ GD-ĐT quy định về nội dung đào tạo ghi trên bằng đại học chỉ được ghi tên ngành học mà không được ghi tên chuyên ngành. Tuy nhiên, theo thông tư 24 của Bộ GD-ĐT quy định thì chính Văn học (mã số 72290.30) cũng là chuyên ngành “con” trong ngành khác (mã số 72290). Như vậy, với chuyên ngành đào tạo thiên về báo chí, trường này nên ghi vào văn bằng của sinh viên tốt nghiệp là “Báo chí”, chứ không nên ghi “Văn học” như trả lời trước đó.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng Đại học ngành Văn học, nhưng nếu có nhu cầu để xin việc, ĐH Duy Tân sẽ xác nhận được đào tạo chuyên ngành Văn – Báo chí
ĐH Duy Tân nói gì?
Trở lại trả lời của ông Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Duy Tân cho biết, việc không in tên chuyên ngành “Văn – Báo chí” vào văn bằng của sinh viên là do vướng quy định Thông tư 19 của Bộ GD-ĐT, nên trường phải in tên ngành học “Văn học”.
“Hiện nay có ngành báo chí riêng, nhưng trường thì là ngành Văn học nhưng đào tạo theo hướng chuyên ngành văn báo chí. Cái này đã công bố thẳng rồi, Bảng điểm có in rõ là ngành Văn học nhưng chuyên ngành là Văn – Báo chí. Và ngành Văn học tại trường chỉ có một chuyên ngành Văn – Báo chí, đào tạo theo hướng chuyên sâu để sau khi ra trường sẽ làm việc theo hướng đó (báo chí-PV).
Việc xây dựng chương trình đào tạo của trường phải dựa vào Thông tư 07 của Bộ GD-ĐT và có Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo có doanh nghiệp, chuyên gia làm kỹ lắm” – ông Võ Thanh Hải thông tin.
Đồng thời đại diện ĐH Duy Tân khẳng định, Bộ GDĐT quản lý tất cả các đầu mã ngành chung, còn chuyên ngành là do các trường tự quyết. Nên trường mở chuyên ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội là không sai (!?). Và hầu hết các doanh nghiệp khi tuyển dụng không quan tâm đến ngành, vì ngành rất rộng, mà chỉ quan tâm đến chuyên ngành, quan tâm đến bảng điểm, cũng có doanh nghiệp chỉ quan tâm đến chuyên ngành ghi trên bằng nên mới sinh ra chuyện thắc mắc của sinh viên.
Tuy nhiên, liên quan đến nội dung quy định của Bộ GDĐT về việc trường tư thục không được đào tạo ngành báo chí, ông Hải đáp lời: “Trong mã ngành báo chí thì có ngành báo chí và truyền thông. Còn của trường là ngành Văn học, mỗi ngành có nhiều chuyên ngành lẻ, và trường đào tạo theo hướng các em ra trường làm việc. Ví dụ trong Văn học thì trường đi theo ngành Văn – Báo chí, hay ngành điều dưỡng thì có ngành điều dưỡng sản khoa, điều dưỡng nha, lâm sàng,…các chuyên ngành đó nhà trường đào tạo theo hướng sinh viên ra trường có việc làm”.
“Nếu trong quá trình xin việc làm, nếu doanh nghiệp cần xác nhận vấn đề đó thì liên hệ trường, trường sẽ ký để tạo điều kiện xin việc làm cho các em. Còn nếu có thể in được thì trường in ngay cho các em chứ có khó gì đâu. Chỉ có điều in lên là không đúng nên đành chấp nhận như vậy. Còn ngành Báo chí – Truyền thông thì trường chưa cho phép đào tạo” – ông Hải nói.
Điều 2, Thông tư 24/2017/TT-BGDĐT, ngày 10/10/2017 của Bộ GD-ĐT nêu rõ: Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện phân loại, thống kê, bổ sung các ngành mới vào Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học. Căn cứ các ngành được phép đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học chủ động phát triển các chuyên ngành đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đi kèm Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT, quy định Danh mục ngành, mã ngành được ban hành như sau:
1. Ngành đào tạo là tập hợp những kiến thức, kỹ năng chuyên môn liên quan đến một lĩnh vực khoa học hay một lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp nhất định. Bên cạnh khối kiến thức cơ bản và kiến thức cơ sở (của khối ngành, nhóm ngành), khối kiến thức ngành (gồm kiến thức chung và kiến thức chuyên sâu của ngành) trong mỗi chương trình đào tạo trình độ đại học phải có khối lượng tối thiểu 30 tín chỉ không trùng với kiến thức ngành của các ngành gần trong khối ngành, nhóm ngành.
2. Mã ngành là chuỗi số liên tục gồm bảy chữ số, trong đó từ trái sang phải được quy định như sau: chữ số đầu tiên quy định mã trình độ đào tạo; hai chữ số thứ hai và thứ ba quy định mã lĩnh vực đào tạo; hai chữ số thứ tư và thứ năm quy định mã nhóm ngành đào tạo; hai chữ số cuối quy định mã ngành đào tạo.