Vì sao các bác sĩ dịch hạch ngày xưa lại tin dùng mặt nạ “mỏ chim”?
Đại dịch vốn là một phần của thế giới trong suốt thời gian qua. Từ thuở sơ khai, con người đã phải đối mặt với dịch bệnh. Trong bối cảnh Covid-19 phức tạp như hiện nay, khẩu trang được xem là một phần không thể thiếu, vậy chúng có nguồn gốc từ đâu và xuất hiện từ bao giờ?
Mặt nạ “mỏ chim” ra đời từ những quan niệm sai lầm về căn bệnh dịch hạch gây chết người
Vào thế kỷ 17, một đợt bùng phát dịch hạch đã cướp đi hàng triệu sinh mạng của người dân Châu Âu. Khi đó, bác sĩ Charles de Lorme, người đi đầu trong phòng chống dịch hạch đã nảy ra ý tưởng và cho ra đời một bộ trang phục bảo hộ.
Vì thấy các đồng nghiệp của mình nhiễm dịch hạch sau khi hít phải “tử khí” bốc ra từ tử thi, ông đã kết luận rằng “tử khí” chính là nguyên nhân thứ hai, sau chuột đen lây lan dịch hạch. Tuy nhiên trên thực tế, các bác sĩ bị nhiễm đều là những người tiếp xúc với xác chết ngay khi vừa qua đời khoảng 1, 2 tiếng đồng hồ và chưa kịp phân hủy.
Theo National Geographic, bộ đồ bảo hộ của de Lorme bao gồm một chiếc áo choàng sáp phủ dài từ đầu đến chân, một đôi găng tay làm từ da dê, một chiếc quần bó liền ủng, một chiếc kính bảo hộ đi kèm với mặt nạ phòng độc hình “mỏ chim”. Ngoài ra, các bác sĩ còn mang theo một cây gậy giúp họ giữ khoảng cách với tử thi.
Bên trong chiếc mặt nạ được lấp đầy một hợp chất có tên gọi “theriac”, đây là một hỗn hơn của hơn 55 loại thảo mộc và các thành phần phụ trợ bao gồm quế, mộc dược và mật ong. Hình dạng mỏ chim sẽ giúp không khí có đủ thời gian được lọc sạch và đưa đến mũi.
Theo tài liệu của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, “theriac” đã được sử dụng rộng rãi tại Châu Âu và Vương quốc Anh trong thời kỳ dịch hạch bùng phát, hay còn gọi là “Cái chết đen”. Khi đó, các bác sĩ tin rằng mùi thơm, không khí thoáng đãng sẽ giúp dập tắt căn bệnh này. Trong khi những người mắc dịch hạch cũng được áp dụng điều trị bằng các biến thể của hợp chất thảo dược theriac này.
Đến ngày nay, bệnh dịch hạch vẫn còn tồn tại. Trường hợp mắc bệnh gần đây nhất được ghi nhận là vào tháng 11/2019, tại Trung Quốc. Tuy nhiên, quan niệm xa xưa đã sai lầm vì ngành y học hiện đại đã tìm ra bằng chứng cho thấy vi khuẩn dịch hạch mới chính là nguyên nhân gây bệnh. Chúng xâm nhập vào bọ chét và các loài động vật để truyền nhiễm bệnh cho con người.
Thái Âu