Vì sao bạn nên lựa chọn ngành Công tác xã hội ở Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam
Nghề Công tác xã hội hiện nay đang phát triển rất mạnh mẽ ở Việt Nam, là nghề mang giá trị nhân văn sâu sắc, mang lại sự sẻ chia và hạnh phúc trong cuộc sống cho mọi người.
Bạn đã biết điều gì về Công tác xã hội?
Xã hội càng hiện đại, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, con người đạt được nhiều thành tựu trong khám phá sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy. Sự phát triển của kinh tế văn hóa xã hội đạt được nhiều bước tiến đem lại cuộc sống của con người ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, có một bộ phận không nhỏ các thành viên trong xã hội gặp rất nhiều khó khăn để hòa nhập và phát triển. Họ cần sự trợ giúp của những cá nhân và các tổ chức xã hội. Sự trợ giúp chuyên nghiệp sẽ đem lại kết quả bền vững, mỗi người yếu thế có thể khơi dậy được năng lực của bản thân, giúp họ có niềm tin vào chính mình, được xã hội tin tưởng vào sức mạnh thực sự của họ và hòa nhập xã hội. Đội ngũ làm công tác trợ giúp đó chính là những nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp được đào tạo một cách chính quy, bài bản trên giảng đường đại học hiện nay.
CTXH là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội đồng thời thúc đẩy môi trường xã hội về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình, cộng đồng giải quyết và phòng ngừa cá nhân, gia đình, cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Làm sao để biết mình có phù hợp với ngành Công tác xã hội?
Các bạn đã bao giờ tự hỏi, mình sẽ chọn nghề CÔNG TÁC XÃ HỘI để học tập và sống bằng nghề? Nhu cầu của xã hội đối với nghề này ra sao? Để tìm được nghề dành cho mình, thì các em cần xem xét ba yếu tố sau:
- HIỂU MÌNH
- HIỂU NGHỀ
- LỰA CHỌN
Hiểu mình: Hiểu khả năng của mình tới đâu? Và mình có thể làm được gì? Rồi mới lựa chọn. Em là người có khả năng giao tiếp tốt, biết lắng nghe và dễ đồng cảm với những người có hoàn cảnh khó khăn như người nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi. Hoặc em là người tự tin vào năng lực bản thân; biết cảm thông; biết giữ bí mật; tôn trọng và chấp nhận người khác…Vậy là em có thể nghĩ tới việc mình có phù hợp với nghề Công tác xã hội hay không?
Hiểu nghề: Làm thế nào để hiểu đúng về một nghề khi chưa học tập? Dưới đây là sự mô tả chi tiết, ngắn gọn nhất về nghề Công tác xã hội: (Hình mô tả phía dưới).
Lựa chọn: Các em cần phân biệt giữa “Thích” và “Mong muốn” để tránh ngộ nhận khi chọn nghề. Các em cần trả lời được 3 câu hỏi: Nghề tôi muốn làm? Nghề tôi có khả năng làm? Nghề xã hội cần.
Với những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho các em lựa chọn được nghề và ngành học phù hợp với bản thân mình.
Những tố chất cần có cho nghề Công tác xã hội?
Để lựa chọn một ngành nghề, điều quan trọng trước hết bạn cần biết mình có thật sự phù hợp với ngành đó không? Bởi vì bạn chỉ có thể phát huy hết khả năng của mình khi có những tố chất và phẩm chất phù hợp với ngành. Với ngành Công tác xã hội, một ngành khá đặc thù, các chuyên gia khuyên bạn nên lựa chọn nếu có những tố chất:
– Thích sinh hoạt cộng đồng, năng động, tự tin
– Đam mê cống hiến và chia sẻ công việc xã hội
– Kiên trì, nhẫn nại
– Giao tiếp tốt, hoạt ngôn và có khả năng làm việc nhóm
Là sinh viên của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, bạn được trang bị những gì để trở thành một nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp?
Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam được thành lập từ năm 1956, với bề dày truyền thống và được xem là cái nôi đào tạo hàng vạn cán bộ Đoàn, cung cấp đội ngũ lãnh đạo trẻ cho Đảng, chính quyền các cấp và cán bộ xã hội. Là cơ sở đào tạo đại học theo hướng ứng dụng, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể trở thành những cán bộ sẵn sàng tham gia các hoạt động ở thực tiễn cơ sở. Học tại Khoa Công tác xã hội, Học viện TTN Việt Nam, sinh viên sẽ có năng lực cung cấp các dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội, đảm bảo:
Bạn sẽ có kiến thức sâu sắc về sự phát triển của con người ở các mặt thể chất, nhận thức và tâm lý xã hội qua các giai đoạn phát triển khác nhau, đồng thời lý giải được mối liên hệ mật thiết giữa hành vi con người và môi trường xã hội. Hiểu biết về chính sách xã hội và phân tích được sự tác động của nó thông qua hệ thống các dịch vụ xã hội nhằm giúp giải quyết các vấn đề xã hội; Kiến thức về các lý thuyết công tác xã hội căn bản cũng như các phương pháp thực hành công tác xã hội tổng quát vào quá trình hỗ trợ các hệ thống thân chủ khác nhau như cá nhân, gia đình, nhóm, tổ chức và cộng đồng.
Bạn sẽ thành thục các kỹ năng như: kỹ năng của Công tác xã hội cá nhân, nhóm, phát triển cộng đồng; Kỹ năng lắng nghe, thấu cảm, tự điều chỉnh và giao tiếp cá nhân để thu hút sự tham gia của các hệ thống thân chủ đa dạng một cách hiệu quả; Kỹ năng quản lý lãnh đạo; Kỹ năng quản lý và xây dựng dự án Công tác xã hội; Kỹ năng giao tiếp và ứng xử, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đàm phán, kỹ năng giải quyết xung đột; Kỹ năng tự học, tư duy độc lập …
Với thái độ nghề nghiệp chuyên nghiệp: Tôn trọng quyền con người và các giá trị cá nhân và xã hội, tôn trọng công bằng xã hội; Có ý thức trách nhiệm cao với nghề nghiệp, yêu nghề, có phẩm chất đạo đức và đạo đức nghề nghiệp tốt, có lối sống và tác phong mẫu mực của người cán bộ, nhân viên công tác xã hội; Thực hành theo Quy điều đạo đức nghề Công tác xã hội.
Học Công tác xã hội ở Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam có gì khác biệt?
– Chương trình đào tạo theo hướng thực hành: Bạn được tham gia các hoạt động thực hành từ năm thứ nhất với mạng lưới trên 30 cơ sở thực hành chuyên nghiệp trong và ngoài nhà nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ…
– Được tham gia các khóa tập huấn kỹ năng mềm miễn phí từ các chuyên gia khi còn là sinh viên
– Có cơ hội tham gia rất nhiều các sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa, du lịch, thể thao lớn của Trung ương Đoàn, Hội LHTN Việt Nam, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam
– Được tạo cơ hội trở thành thực tập sinh, cộng tác viên cho các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội ngay từ năm thứ hai
– Được tiếp cận nhiều cơ hội việc làm trong các môi trường làm việc chuyên nghiệp và mức lương hấp dẫn.
Cơ hội việc làm của sinh viên ngành Công tác xã hội tại Học viện sau khi tốt nghiệp sẽ ra sao?
Sau khi tốt nghiệp, cử nhân Công tác xã hội có thể làm việc tại:
– Các cơ quan của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp từ Trung ương đến cơ sở;
– Các cơ quan của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp từ Trung ương đến cơ sở,
– Các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội của Nhà nước và tư nhân: Công tác xã hội trong trường học, bệnh viện, tư pháp, các dịch vụ xã hội…;
– Các tổ chức quốc tế (tổ chức Liên hợp quốc và các Quỹ quốc tế, Các tổ chức phi chính phủ hoạt động về lĩnh vực xã hôi trong nước và quốc tế (NGO);
– Làm việc độc lập với vai trò là nhân viên xã hội, kiểm huấn viên, cán bộ hoạch định chính sách xã hội.
– Ngoài ra, nhân viên Công tác xã hội còn có thể tham gia giảng dạy về Công tác xã hội tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học;
– Trở thành nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu về công tác xã hội…
Thế mạnh vượt trội của sinh viên Công tác xã hội tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam?
– Khả năng thích ứng nghề nghiệp cao
– Năng động, sáng tạo, nhạy bén
– Tâm huyết, trách nhiệm, yêu thương
Học viện Thanh Thiếu Niên Việt Nam là nơi duy nhất của cả nước đào tạo ra những người thủ lĩnh áo xanh, là cán bộ Đoàn, Đội – những người có đầy nhiệt huyết và sức trẻ. Bạn có thể chọn khoa Công tác xã hội của hơn 60 trường đại học, cao đẳng trong cả nước để học nhưng nếu bạn yêu thích trẻ em, những người trẻ tuổi, thích rèn luyện và thử thách mình bằng các hoạt động của tuổi trẻ, thích tổ chức các hoạt động thì bạn nên lựa chọn Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.