Vi phạm thuế với doanh nghiệp giải thể: Lúc phạt, lúc không
Thời gian vừa qua, có một số đoàn kiểm tra quyết toán giải thể không xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về thuế đối với doanh nghiệp (DN) đã có quyết định giải thể, nhưng cũng có một số đoàn kiểm tra lại xử phạt giống như DN đang hoạt động.
Điều này vừa tạo ra bất cập, không thống nhất trong xử phạt VPHC về thuế, vừa gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Theo các chuyên gia pháp lý, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Luật xử phạt VPHC đối với DN giải thể còn một số điểm bất cập.
Cụ thể tại điểm d, khoản 1 điều 65 Luật xử phạt VPHC số 15/2012/QH13 nêu: “Không ra quyết định xử phạt VPHC trong những trường hợp sau đây: cá nhân VPHC chết, mất tích, tổ chức VPHC đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt”.
Như vậy chỉ tổ chức (bao gồm DN) đã giải thể mới không bị xử phạt VPHC bằng tiền.
Tuy nhiên, trong quá trình hướng dẫn Luật xử phạt VPHC, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 166/2013 quy định chi tiết xử phạt VPHC về thuế (đang có hiệu lực), trong đó tại điểm d, khoản 1 điều 26 có nêu trường hợp không ra quyết định xử phạt VPHC về thuế: cá nhân VPHC về thuế đã chết, mất tích, tổ chức VPHC đã có quyết định giải thể, quyết định tuyên bố phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt.
Từ đây xuất hiện “độ vênh” giữa Luật xử phạt VPHC và thông tư 166. Luật quy định không ra quyết định xử phạt VPHC đối với tổ chức VPHC đã giải thể, trong khi đó thông tư lại quy định không ra quyết định xử phạt VPHC đối với tổ chức VPHC đã có quyết định giải thể.
Vậy để việc áp dụng pháp luật được chính xác, rất cần phân biệt giữa tổ chức VPHC đã giải thể và tổ chức VPHC đã có quyết định giải thể.
Cần lưu ý, điều 201 Luật DN 2014 quy định có 4 trường hợp DN bị giải thể, trong đó 3 trường hợp phải ra quyết định giải thể. Cụ thể:
– Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
– Theo quyết định của chủ DN đối với DN tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH, của đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
– Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của luật này trong thời hạn 6 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình DN.
Riêng trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN thì không cần quyết định giải thể của DN.
Mặt khác, việc DN ra quyết định giải thể chỉ là khâu đầu tiên trong hàng loạt thủ tục theo quy định của điều 202 Luật DN 2014 mới được giải thể. Việc ra quyết định giải thể và việc đã được giải thể là khác nhau.
Do vậy nếu chỉ căn cứ vào quyết định giải thể của DN mà không xử phạt VPHC (nếu có) sẽ tạo cảm giác bất an cho cán bộ kiểm tra quyết toán thuế giải thể DN.
Bên cạnh đó, thông tư 166 quy định không xử phạt VPHC đối với DN đã có quyết định giải thể (mặc dù chưa được giải thể) vừa không bao hàm các trường hợp giải thể (bỏ sót trường hợp DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN) vừa không bình đẳng với trường hợp DN phá sản (quyết định phá sản DN do tòa án ban hành) và mâu thuẫn với Luật xử phạt VPHC.