‘Vì anh thương em, như thương cây bàng non’ – Cây bàng non là gì? Tại sao lại so sánh em với cây bàng non – Giải trí Việt Nam

Có thể bạn đã nhiều lần nghe qua bài hát ‘Vì anh thương em’ hay ít nhất là từng nghe qua câu hát ‘Anh thương em như thương cây bàng non’. Bạn sẽ đặt ra câu hỏi rằng cây bàng non là gì, tại sao lại so sánh tình yêu của mình như cây bàng non mà không phải loài cây khác. Đằng sau lời bài hát đầy da diết ấy là cả một câu chuyện tình buồn của anh chiến sỹ hải đảo với cô gái phóng viên trong đất liền.

“Vì anh thương em” do ai sáng tác?

Nhạc sĩ đã sáng tác ra bài hát “Vì anh thương em” chính là Võ Hoài Phúc. “Vì anh thương em” là ca khúc đã tạo bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp và phong cách sáng tác của anh.

vi anh thuong em phan duy anh

Câu chuyện tình yêu bí ẩn sau “Vì anh thương em”

Đằng sau ca khúc với giai điệu nhẹ nhàng, da diết là cả một câu chuyện tình đẹp đong đầy cảm xúc giữa một người con gái là phóng viên với anh chàng chiến sĩ nơi biển đảo xa xôi.

Theo đó, trong một dịp được ra thăm đảo Trường Sa thân yêu của tổ quốc, một nhóm những thanh niên ưu tú ở các tỉnh thành trên cả nước trong đó có một cô phóng viên trẻ được có cơ hội được ra thăm đảo. Trong thời gian ra thăm đảo đó, cô cùng những người đồng hành của mình đã được làm quen, sinh sống và trải nghiệm cuộc sống với người dân trên đảo cũng như chiến sỹ bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc. Với tuổi trẻ và trái tim yêu nước, đã có những tâm hồn đồng điệu với nhau, đó là anh chiến sỹ và cô phóng viên. Tuy nhiên họ ở cạnh nhau chưa bao lâu thì đoàn thanh niên ưu tú ấy lại quay trở về đất liền, cô đi khiến anh chiến sỹ hàng đêm mong nhớ, nhưng vì nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc nên chỉ đành giấu riêng cho mình mà không thể nói ra được….

Tại sao lại lấy hình ảnh cây bàng để so sánh với tình yêu đôi lứa?

Với khí hậu khắc nghiệt ở ngoài biển đảo, thì chỉ có một số ít loài cây có thể sống sót và chịu đựng được gió biển, trong đó tiêu biểu là cây bàng lá vuông. Bàng lá vuông là hình ảnh gắn liền với hình ảnh người chiến sĩ ngoài đảo xa.

Có lẽ những người từng đi Trường Sa sẽ hiểu rõ hơn hình ảnh “anh thương em như thương cây bàng non“. Cây bàng non – hay là cây bàng vuông biểu tượng của Trường Sa chống lại nắng gió và bão dông mà vươn lên giữa đảo? “Cây bàng non” mà không phải một cây bàng đã già. Hay đó là thứ tình cảm vừa chớm nở, vừa bật mầm vươn lên như cây bàng non. “Cây bàng non“, “hạt mưa non dại”  là những thứ mỏng manh, yếu đuối tượng trưng cho người con gái yếu mềm, tượng trưng cho mối tình đầy trắc trở.

Nếu trên đảo, họ nâng niu, che chở cho cây bàng non trước nắng gió, thì tình cảm kia cũng vậy, giữa muôn vàn khó khăn, muôn vàn xa cách tình yêu ấy cần một sự trân trọng, thấu hiểu và gìn giữ. Để rồi đêm xuống, nghe tiếng mưa vỡ trên lá bàng non mà thương người con gái ở phía đất liền.

Cái cảm giác một người lên tàu về đất liền, để lại trong lòng người ở lại giữ đảo bao nhớ nhung, tiếc nuối. Nhớ nhau, có nhớ nhau cũng chỉ biết đứng ở phía tây của đảo nhìn về đất liền đầy cô đơn: “cây nhớ ai làm sao nói được”.

Câu hát này, tác giả đã sử dụng phép so sánh, tác giả so sánh cái trừu tượng (thương em) với cái cụ thể (thương cây bàng non) để hình tượng hoá nỗi nhớ của người con trai trong bài hát này đối với người anh ấy yêu. Vì cây bàng là vật thể gắn liền với cuộc sống, tinh thần, cũng như kỷ niệm của anh chiến sĩ với nơi anh làm việc, nên phép so sánh giúp ta cảm nhận được sự quan trọng của cô gái trong cuộc sống của anh ấy, và tình cảm thương yêu của anh chiến sĩ dành cho cô là vô cùng sâu đậm và thiêng liêng như công việc anh đang làm vậy.

 

Đồng thời, qua câu hát, ta còn cảm nhận được sự cô đơn, trống trải, niềm nhớ thương vơi đầy trong lòng người chiến sĩ khi xa cách người yêu để làm nhiệm vụ, tuy nhiên, cũng cho ta thấy được sự hy sinh cao cả nhưng cũng thầm lặng của anh nói riêng, và các chiến sỹ hải quân nói chung trong sự nghiệp đất nước mà phải gác lại tình yêu nơi hậu phương quê nhà. Nhưng cũng vì thế, hình ảnh cô gái được ví như cây bàng non, thể hiện 1 gốc rễ, 1 niềm tin vững chắc và càng ngày càng lớn dần lên nơi hậu phương yêu dấu.

Bài hát trên như nói lên hết sự hi sinh lặng thầm mà cao cả của những người Chiến sĩ Trường Sa mà không phải ai cũng hiểu được điều này. Từ gia đình, người thân, bạn bè, và đến cả chuyện tình cảm cá nhân phải gạt hết qua 1 bên để gắn liền với đảo, nơi đầu sóng ngọn gió ngày đêm bảo vệ tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ.

“Anh thương em sẽ không cần trước sau. Vì anh đã đặt mình ở hướng vô cùng”
– Lời bài hát gửi đến những chiến sỹ hải quân nói riêng, và những người lính nói chung, như một lời tri ân, một lời động viên, và chia sẻ…

Cái cảm giác vô cùng khi đứng trước biển, vô cùng khi xa cách nhau trăm ngàn con sóng. Câu cuối của bài hát thực sự rất đẹp “Anh thương em sẽ không cần trước sau, vì anh đã đặt mình ở hướng vô cùng.” Tôi luôn tự hỏi trên đời này thứ tình cảm trong sáng và cao đẹp như vậy có còn hay không?

Có người khác lại cho rằng, hình ảnh cây bàng là hình ảnh gắn liền với người lính đảo. Giọt mưa trên cây ẩn dụ cho những giọt nước mắt của chàng trai khi nhớ về cô gái. Mỗi mùa thu về cây bàng rụng lá để lại thân xác trơ trọi như nỗi đau thân xác của chàng trai phải chịu đựng khi xa cô gái, tưởng chừng như cây sẽ chết nhưng mùa xuân đến cây lại ra lá xanh như tình cảm của chàng trai dành cho cô gái mãi không bao giờ từ bỏ được. Không cần biết trước sau thì tình cảm của chàng trai dành cho cô gái mãi không bao giờ thay đổi.

Bạn đang xem tin tại Giaitri.vn

Kênh giải trí cập nhật tin tức và xu hướng liên tục, chia sẻ các mẹo vặt làm đẹp, du lịch và các câu chuyện đời sống, gia đình.
Cám ơn bạn đã ghé thăm!

Hiền Hiền – Giaitri.vn