Vết bầm cơ thể – Khi nào cần lo lắng? – Khám chữa bệnh, phổ biến kiến thức y học – Cổng thông tin điện tử Sở y tế Hà Nội
Trong sinh hoạt và lao động, chúng ta khó tránh khỏi có những lúc bị những vết bầm trên cơ thể. Ða số các vết bầm trên da là lành tính và tự mất đi. Nhưng đôi khi đó là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe.
Vết bầm tím phát triển sau khi va đập hoặc té ngã và là kết quả của các mạch máu bị vỡ dưới da. Khi những mạch máu nhỏ này rách, một lượng máu thấm ra và tích tụ trong các mô; nó khá đa dạng và kích thước phong phú tùy thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của tác động gây ra chúng. Các vết bầm tím biểu hiện là một vùng màu đỏ tía hoặc hơi xanh tím trên da. Một vết bầm tím nhỏ phải mất 2 – 4 tuần để biến mất hoàn toàn và vết bầm tím ở phần dưới của cơ thể mất nhiều thời gian hơn để biến mất. Hầu hết các vết bầm tím tự lành.
Những vết bầm tím phổ biến nhất thường hình thành sau một chấn thương nhẹ trong sinh hoạt. Ban đầu, chúng có thể có màu đỏ sẫm hoặc màu tím và dần dần thay đổi màu sắc từ màu xanh sang màu vàng trước khi biến mất hoàn toàn.
Nặng hơn là khối máu tụ, hình thành do một lượng máu lớn hơn thoát ra từ mạch máu bị vỡ và thường kèm với sưng, đau. Đây có thể là hậu quả của chấn thương hoặc phẫu thuật. Đôi khi một mạch máu vỡ tự phát dẫn đến tụ máu.
Còn có kiểu bầm tím khác được gọi là mảng xuất huyết. Những mảng nhỏ màu tím này phát triển tự phát. Không có thương tích hoặc chấn thương liên quan và chúng có thể ở bất cứ đâu trên da bao gồm cả khoang miệng. Các nguyên nhân chính của mảng xuất huyết là giảm khả năng đông máu hoặc thành mạch máu yếu. Một số loại thuốc khi uống cũng có thể dẫn đến sự phát triển của mảng xuất huyết trên da.
Khi nào cần lo lắng về một vết bầm?
Hầu hết chúng ta vẫn thỉnh thoảng bị bầm tím. Đây có thể là những vết tím nhỏ sau khi va vào ghế hoặc lớn hơn do tai nạn hoặc chấn thương thể thao. Trong khi hầu hết các vết bầm tím tự lành, có một vài tình huống vết bầm tím là dấu hiệu của một số vấn đề tiềm ẩn nghiêm trọng cần phải được kiểm tra và điều trị khẩn cấp.
Nếu bạn nhận thấy trên da có rất nhiều vết bầm tím nhỏ (còn được gọi là petechiae) mà không có bất kỳ tổn thương nào, bạn phải gấp rút đến bệnh viện để khám. Những đốm đỏ, kích thước 1-3mm này có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nặng, số lượng tiểu cầu rất thấp hoặc bệnh suy tim.
Nếu một người bị va đập mạnh vào đầu và có vết bầm sau tai, đó có thể là dấu hiệu của vỡ xương sọ.
Một vết bầm quanh rốn có thể chỉ ra hiện tượng chảy máu nội bụng.
Một số bệnh tự miễn có thể gây bầm tím tự phát. Những vết bầm này là kết quả của chấn thương tự miễn đối với các mạch máu (nơi hệ thống phòng thủ của cơ thể hoạt động chống lại các mạch máu và tấn công chúng).
Nếu có một vết bầm lớn trên cơ thể và nó đột nhiên trở nên rất đau đớn – điều này cho thấy hội chứng chèn ép khoang, có nghĩa là vết bầm đang gây áp lực lên các mô dẫn đến giảm tưới máu, giảm cung cấp oxy cho các tổ chức trong khoang. Tình trạng này phải được điều trị khẩn cấp để tránh các biến chứng đe dọa tính mạng.
Bầm tím quá mức hoặc tự phát có thể là một dấu hiệu của một căn bệnh tiềm ẩn hoặc rối loạn chảy máu. Nếu bạn hoặc người thân dễ bị bầm tím hoặc có những vết bầm tím không rõ nguyên nhân mà không có bất kỳ tổn thương nào thì đó có thể là do rối loạn chảy máu. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến điều này là thiếu hụt yếu tố đông máu và rối loạn chức năng tiểu cầu. Những tình trạng này cũng liên quan đến tiền sử chảy máu mũi thường xuyên, chảy máu quá nhiều, quá lâu sau chấn thương nhẹ, phẫu thuật hoặc nhổ răng.
Một số bệnh như bệnh gan, ung thư, nhiễm trùng nặng và ung thư cũng có thể dẫn đến tăng vết bầm tím. Kèm theo có thể có tiền sử sốt, giảm cân không giải thích được, bụng phình to, sưng hạch, phát ban hoặc đau xương.
Điều trị vết bầm tím
Vết bầm tím thường tự lành, nếu chúng không biến mất trong một vài tuần thì đó là lúc phải lo lắng. Dưới đây là một vài mẹo để giảm đau và tăng tốc quá trình chữa bệnh:
Nghỉ ngơi: Nếu bạn bị bầm tím, hãy cho khu vực đó nghỉ ngơi. Điều này sẽ ngăn chặn vết bầm tiến triển.
Chườm đá: Đặt một túi nước đá lên vùng bị bầm tím giúp giảm sưng và đau rất nhiều. Có thể chườm đá lên vùng bị bầm tím trong 10-15 phút, 3 lần/ngày. Tránh chườm nóng, tắm nước nóng và uống rượu trong vài ngày đầu vì có thể làm tăng sưng bầm. Sau 2-3 ngày, bạn có thể chườm nước đá và chườm ấm xen kẽ.
Băng nén: Việc quấn các chi bị bầm tím trong một băng nén có thể giúp giảm sưng và đau nhưng nó phải được thực hiện rất cẩn thận. Nếu băng quá chặt có thể gây hại.
Nâng cao vùng bị thương: Để giảm thiểu sưng, cố gắng giữ cho vùng bị bầm tím được nâng cao. Nếu bạn có một vết bầm ở chân, tránh ngồi xổm. Có thể đặt một chiếc gối dưới chân khi nằm.
Bên cạnh các phương pháp điều trị thông thường, nhiều mẹo đơn giản khác cũng có hiệu quả trong việc xử lý vết bầm tím: Như massage vùng bị bầm tím nhẹ nhàng có thể giúp giảm đau và cải thiện lưu thông. Tuy nhiên, tránh xoa bóp vết bầm nếu đau. Nếu đau ở vết bầm tím, có thể dùng một số loại thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc acetaminophen (tylenol). Không uống thuốc khi bụng đói và đọc hướng dẫn cẩn thận trước khi sử dụng. Hút thuốc lá làm cho các mạch máu trở nên mỏng manh hơn và có thể làm giảm lượng máu cung cấp dẫn đến sự phục hồi chậm hơn. Do đó, bỏ thói quen hút thuốc lá cũng là một cách tốt để giảm và ngăn ngừa bầm tím.
Hồng Vân (Theo báo Sức khỏe và đời sống)