Vệ sinh an toàn thực phẩm: thực trạng – tồn tại và giải pháp

1. Thành tựu và con số

 

Sau 15 năm thành lập, Cục An toàn thực phẩm được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của QH, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Ngành Y tế, các bộ, các ngành và UBND các cấp… công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã có những kết quả bước đầu rất quan trọng. Năm 2010, QH thông qua Luật An toàn thực phẩm. Từ đó đến nay, Chính phủ và các bộ, các ngành liên quan đã ban hành nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn để cụ thể hóa các nội dung quản lý về thực phẩm, bước đầu đã hình thành được hệ thống tổ chức chuyên trách từ Trung ương xuống các tỉnh. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông góp phần nâng cao nhận thức và thực hành về an toàn thực phẩm của cả bốn nhóm đối tượng là người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và cán bộ quản lý an toàn thực phẩm; qua đó xã hội đã quan tâm hơn tới vấn đề an toàn thực phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng đã được đẩy mạnh qua việc giúp ngăn chặn và xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm. Nhiều vùng nguyên liệu an toàn đã được chứng nhận, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp an toàn được hình thành và nhân rộng; nhiều cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm đã được chứng nhận quốc tế.
 
Sản phẩm thực phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đến khoảng 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với doanh số xấp xỉ 40 tỷ USD năm 2014. Nông sản thực phẩm của nước ta đủ tiêu dùng cho 90 triệu dân, ngoài ra còn có thể đủ để nuôi sống 100 triệu người nữa. Thức ăn đường phố tuy còn nhiều bất cập, nhưng nhiều loại sản phẩm được quốc tế đánh giá rất cao, ví dụ như bánh mỳ, phở là một trong 10 món ăn hấp dẫn nhất thế giới. Hàng triệu lượt khách du lịch vào Việt Nam sử dụng thực phẩm của Việt Nam. Đặc biệt là tuổi thọ của người dân đã được nâng lên đến hơn 73 tuổi. Tất nhiên ngoài yếu tố về mặt môi trường và y tế, thì rõ ràng vấn đề thực phẩm cũng góp phần quan trọng trong việc tăng tuổi thọ.
 
Việt Nam cũng đã có một số mặt hàng xuất khẩu đứng trong tốp 10. Ví dụ nước ta là một trong những cường quốc về xuất khẩu gạo. Cà phê của chúng ta đứng trong tốp 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Thêm nữa là tiêu, điều, chè, thủy sản… cũng là những lĩnh vực chủ lực trong xuất khẩu của chúng ta, đều nằm trong số những nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.

2. Một số tồn tại
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề an toàn thực phẩm cũng đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Thứ nhất, là ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể… còn diễn biến rất phức tạp. Thứ hai, là tỷ lệ tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, ô nhiễm vi sinh vật ở trên các nông sản – là nguyên liệu ban đầu để làm thực phẩm, mặc dù đã giảm hơn so với những năm trước đây, nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các nước phát triển. Thứ ba, tình trạng vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với các cơ sở nhỏ lẻ, các cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ… vẫn còn diễn biến phức tạp. Thứ tư, quá trình hội nhập kinh tế, quá trình chuyển sang cơ chế thị trường của chúng ta cũng không tránh khỏi vì lợi nhuận mà sẵn sàng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Thứ năm, vấn đề thực phẩm nhập lậu cũng là một khó khăn trong quá trình kiểm soát, dẫn đến gây bức xúc dư luận xã hội.
 
Đánh giá nguyên nhân của những tình trạng trên, về khách quan, có thể thấy rủi ro do sử dụng thực phẩm là rất khó tránh khỏi. Dù ở một đất nước phát triển đến đâu chăng nữa, thì rủi ro do sử dụng thực phẩm vẫn có thể xảy ra.
 
Nguyên nhân thứ hai, là ở Việt Nam, sản xuất và chế biến thực phẩm chủ yếu ở mức độ nhỏ và lẻ. Ta có 10 triệu hộ nông dân thì cả 10 triệu đều tham gia vào trồng trọt – chăn nuôi, sử dụng không hết thì mang ra bán ở thị trường. Đây là tập quán đã có từ hàng ngàn đời nay. Ta có 500.000 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, thì có 85% là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình sản xuất theo mùa vụ, ví như ở các làng nghề truyền thống – tuy sản xuất nhỏ lẻ như vậy, nhưng đã nuôi sống cả dân tộc Việt Nam bao đời nay. Bởi vậy, không thể vì vấn đề an toàn thực phẩm mà chúng ta dẹp bỏ ngay được.
 
Nguyên nhân thứ ba, là các phong tục tập quán lạc hậu trong canh tác, sản xuất và đặc biệt là trong tiêu dùng. Ví dụ như đối với việc ăn gỏi cá, tiết canh… thì chúng ta không thể dùng chế tài để phạt được, mà chỉ có thể dùng biện pháp vận động tuyên truyền.
 
Một nguyên nhân nữa rất quan trọng, đó là có một bộ phận người dân đời sống còn quá thấp, họ không có cơ hội để tiếp cận và sử dụng những thực phẩm an toàn.
 
Về nguyên nhân chủ quan, đầu tiên phải nói đến việc đầu tư an toàn thực phẩm của ta vẫn còn thấp, chi phí cho quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam so với các nước trong khu vực kém rất nhiều. Mặc dù nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết 34 của QH đã chỉ đạo hàng năm phải tăng ngân sách về quản lý an toàn thực phẩm tương ứng với tỷ lệ phát triển GDP, nhưng trên thực tế thì chúng ta chưa có điều kiện để làm việc này.
 
Mặt khác, ta chưa có hệ thống chuyên trách ở khu vực xã, phường, thêm nữa là với trình độ cán bộ của ta hiện nay chưa tương xứng với nhiệm vụ, yêu cầu – rất thiếu cán bộ và yếu về chuyên môn. Hiện nay vẫn chưa có một trường nào đào tạo bài bản về vấn đề an toàn thực phẩm; ngay cả đối với các cán bộ ở Cục hiện vẫn phải tự học tập, tự đọc tài liệu… Đó chính là những khó khăn mà chúng ta hiện chưa khắc phục được.
 
3. Giải pháp         

Để vượt qua những thách thức trên, Cục  ATTP kiến nghị các giải pháp sau:

Thứ nhất, phải có hệ thống tổ chức chuyên trách về ATTP tới các quận, huyện, xã, phường.
 
Thứ hai, phải đầu tư thêm về nhân lực và vật lực cho công tác quản lý. Cán bộ chuyên trách của ta hiện vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn. So với nước bạn Trung Quốc, chỉ tính riêng Bắc Kinh người ta đã có tới 12.000 thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, trong khi cả nước ta chỉ có hơn 1.000 cán bộ quản lý về an toàn thực phẩm. Kinh phí đầu tư cho lĩnh vực ATTP mới chỉ đáp ứng được 1/20 so với Thái Lan.
 
Thứ ba, về công tác đào tạo cán bộ. Cục ATTP mới thành lập, lấy đủ các cán bộ từ các nơi về, cho nên phải đào tạo lại toàn bộ…
 
Thứ tư, chúng ta cũng phải nâng cấp về hệ thống kiểm nghiệm. Đây là then chốt của vấn đề quản lý. Nếu các trung tâm kiểm nghiệm của cơ quan quản lý Nhà nước không đưa ra được các con số chính xác thì sẽ rất nguy hiểm, không thể phục vụ được cho công tác quản lý.
 
Thứ năm, chúng ta phải tranh thủ tiếp cận với thế giới, phải đi tắt đón đầu, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế… để có thể làm tốt hơn nữa trong công tác về quản lý ATTP.