Về đây núi Ấn, sông Trà

Theo chân lữ khách

Khởi nguồn từ dòng sông Trà Khúc chảy qua thành phố Quảng Ngãi, dù đã xa hình ảnh guồng xe nước quay suốt đêm ngày, thay vào đó du khách có thể ngắm những con thuyền bình lặng, êm ả trôi trên sông mà nghe vị ngọt, cay nồng của món don, đặc sản mà dòng sông mang lại.

Sau đó, xuôi theo quốc lộ 24B chừng 1km, du khách được ngắm nhìn núi Thiên Ấn mà nghe lòng mình dịu lại bởi những tiếng chuông chùa ấm vị thiền để hiểu thêm về lẽ có – không của cuộc đời.

Thác Trắng Minh Long

Cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 23 km về hướng Tây Nam. Thác Trắng Minh Long được bao quanh bởi vùng đồi núi trập trùng, ngập tràn màu xanh của cây lá nên khung cảnh rất nên thơ, trong lành và tĩnh lặng. Thác Trắng cao chừng hơn 40 m, những dòng nước tuôn trào tung bọt trắng xóa các ghềnh đá phía dưới. Nước đổ xuống hồ dưới chân thác rồi chảy theo con suối rộng chừng 20 m, nhấp nhô đá, chảy quanh co trong thung lũng trước khi hợp với các khe suối khác.

Trong hồ nước dưới chân thác còn có nhiều cá niêng, một loại đặc sản được nhiều du khách ưa thích. Đặc biệt với đồng muối Sa Huỳnh nổi tiếng. Từ tháng 3 đến tháng 8 dương lịch hàng năm, bà con diêm dân nơi đây tất bật trên đồng làm nên hạt muối Sa Huỳnh chất lượng.

Khung cảnh những ruộng muối nối tiếp nhau như mặt gương khổng lồ phản chiếu ánh mặt trời rực rỡ, điểm xuyến vô số những đụn muối trắng tinh, cùng những đôi gánh tần tảo của diêm dân… tất cả tạo nên một bức tranh bình dị mà đặc sắc.

Xa hơn, khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng nằm trên cả ba tỉnh Gia Lai, Bình Định và Quảng Ngãi, khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được thành lập từ năm 2004. Với tổng diện tích 15.446 ha, mật độ che phủ rừng là 98,5%, hệ sinh thái của khu bảo tồn được đánh giá đa dạng và phong phú về chủng loại với gần 1.000 loài động, thực vật.

Không chỉ vậy, đây là khu bảo tồn thiên nhiên hiếm hoi còn sở hữu nhiều loại gỗ quý cùng nhiều loài động vật được ghi vào sách đỏ. Ngoài đa dạng sinh học, khu bảo tồn còn có rất nhiều cảnh đẹp với hệ thống thác tuyệt đẹp, trong đó có thác K50 cao đến hơn 50 m. Vì vậy, phần lớn diện tích trong khu bảo tồn Kon Chư Răng được xếp vào khu vực cần bảo tồn nghiêm ngặt.

Và nói đến du lịch Quảng Ngãi, không thể không nói đến đảo Lý Sơn, hay còn gọi là Cù Lao Ré, vốn là một miệng núi lửa đã tắt. Cách Quảng Ngãi 40 km đường biển, đảo Lý Sơn không chỉ nổi tiếng là “vương quốc hành tỏi”, mà còn là một hòn đảo xinh đẹp đang ngày càng hấp dẫn du khách gần xa.

Đánh thức tiềm năng

Trong khi du lịch biển đang là trọng điểm phát triển của du lịch Việt Nam thì Quảng Ngãi với lợi thế hơn trăm cây số bờ biển với cảng nước sâu Dung Quất, cảng cá Sa Kỳ, bãi biển Sa Huỳnh, bãi tắm Mỹ Khê… vẫn chưa tạo được sức hút đối với du khách trong và ngoài nước. Hiện nhiều dự án đầu tư du lịch đã và đang hình thành như khu du lịch Mỹ Khê, khu du lịch Sa Huỳnh, khu du lịch theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm đã bắt đầu thu hút du khách.

Nhiều điểm thăm quan du lịch tiếp tục được đầu tư hoàn thiện và đưa vào hoạt động như khu chứng tích Sơn Mỹ, đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định, khu lưu niệm Phạm Văn Đồng, tuyến du lịch biển đảo Lý Sơn… khu du lịch Thiên Đàng (Bình Sơn).

Một thế mạnh riêng có của du lịch Quảng Ngãi nữa là khu kinh tế Dung Quất. Với dự án công nghiệp trọng điểm về lọc hóa dầu của Việt Nam như nhà máy lọc dầu Dung Quất… đang là điểm đến hấp dẫn đối với bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến Quảng Ngãi.

Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống như dệt chiếu, đúc đồng, rèn sắt, dệt thổ cẩm của người H’rê, Cor, Cadong, các lễ hội vùng biển như lễ hội cầu ngư, đua thuyền… đang ngày càng trở thành nét đặc sắc để giữ chân du khách. Sau khi thưởng ngoạn cảnh đẹp, du khách có thể bỏ trong túi hành lý một vài sản vật xinh xắn để làm quà như: kẹo gương, mạch nha, đường phèn, cá bống sông Trà, tỏi Lý Sơn…    

Tiềm năng lớn nhưng lượng khách đến Quảng Ngãi mỗi năm chưa nhiều, trong đó phần nhiều lại là khách công vụ. Số dự án du lịch đầu tư vào tỉnh tăng đáng kể nhưng số dự án triển khai lại ít. Cơ sở hạ tầng du lịch như mạng lưới giao thông, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm… còn hạn chế do nguồn vốn đầu tư chưa nhiều.

Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút du khách, thậm chí là du khách nội tỉnh bởi khách du lịch ngày nay ngoài mục đích thăm quan thắng cảnh còn cần có chỗ nghỉ dưỡng, vui chơi.

Bên cạnh, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp cũng đang là lực cản trên con đường phát triển du lịch ở địa phương. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, quảng bá cho du lịch vẫn còn thiếu và yếu so với nhiều tỉnh bạn. Và vì vậy, mặc dù nằm giữa hai tuyến du lịch đang rất thu hút du khách là “con đường di sản miền Trung” và “con đường xanh Tây Nguyên” nhưng du lịch Quảng Ngãi vẫn như đang “say giấc nồng”.

Thiên nhiên đã ưu đãi cho miền đất Quảng Ngãi với nhiều cảnh đẹp hài hòa của những dòng sông, con suối, bao quanh núi đồi, ghềnh thác. Thêm vào đó, những nét văn hóa lâu đời tạo nên những đặc trưng riêng khiến Quảng Ngãi như nàng công chúa ngủ trong rừng, chờ một bàn tay đánh thức…

Nhận thức được tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch và vị trí của du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, Quảng Ngãi đã quy hoạch tổng thể và xây dựng Đề án phát triển du lịch đến năm 2020, hy vọng du lịch Quảng Ngãi sẽ “cất cánh” trên tiềm năng vốn có.

Các doanh nghiệp du lịch cũng đang tăng cường liên kết với công ty du lịch cùng các hãng lữ hành trong khu vực để cùng phát triển. Tuy nhiên, để du lịch Quảng Ngãi bứt phá đi lên thì cần có những động thái tích cực hơn nữa để tạo những đổi thay thật sự về mọi mặt.