Văn minh Hy-La – nền tảng vững chắc của văn minh phương Tây
Trong dòng chảy của lịch sử văn minh phương Tây cổ đại, hai nền văn minh Hy Lạp và La Mã giữ vai trò nền tảng đầu tiên cho sự hình thành và phát triển của những cư dân gốc du mục, cùng với đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ từ các thành bang nhỏ bé. Do có cùng một phong cách nên hai nền văn minh này được gọi chung là văn minh Hy-La.
Khác với các quốc gia cổ đại ở phương Đông, chủ yếu được hình thành ở những khu vực gần các con sông, thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp; còn văn minh phương Tây cổ đại được hình thành và phát triển trên những khu vực có điều kiện tự nhiên tương đối khắc nghiệt, phức tạp – không thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp nhưng bù lại có sự trợ giúp tuyệt vời của biển đảo. Từ đó hình thành những con đường giao thương trên biển, hải cảng, tàu bè… thúc đẩy giao lưu, buôn bán giữa các nước; đồng thời mang những thành tựu văn hóa, văn minh phương Tây truyền bá khắp thế giới.
Sự phát triển của kinh tế thương nghiệp hàng hải đã tạo ra một nền kinh tế giàu mạnh cho các quốc gia phương Tây cổ đại. Đặc biệt là sự phát triển cực thịnh của chế độ chiếm nô – gắn liền với phương thức sản xuất đạt đến mức hoàn chỉnh và cao nhất của nó trong xã hội phương Tây cổ đại, đã tạo điều kiện cho sự sáng tạo những giá trị vật chất, tinh thần của nền văn minh phương Tây.
Sự giàu mạnh về kinh tế chính là một trong những nguyên nhân thúc đẩy khát vọng mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác. Văn minh Hy-La không chỉ đặt nền tảng vững chắc nhất cho văn minh phương Tây cổ đại phát triển, mà còn có nhiều đóng góp cho nhân loại với hàng loạt phát kiến vĩ đại trong suốt chiều dài lịch sử, đồng thời đóng góp chung cho sự phát triển của nhân loại.
Việc học hỏi, tiếp thu tri thức từ các dân tộc khác dường như đã là nguyên tắc tồn tại bất biến của tất cả quốc gia, dân tộc trên thế giới nếu muốn muốn hùng cường và tồn tại lâu dài.
Hy Lạp và La Mã là hai quốc gia riêng biệt do các tộc khác nhau lập nên. Đến thế kỉ II TCN, Hy Lạp bị La Mã chinh phục, nhưng trước đó rất lâu, La Mã đã tiếp thu nhiều thành tựu văn minh của Hy Lạp. Sau khi Hy Lạp nhập vào đế quốc La Mã, ảnh hưởng của văn minh Hy Lạp đối với La Mã càng mạnh mẽ hơn. Do đó, nền văn minh Hy-La có những đóng góp quan trọng đối với phương Tây ở nhiều lĩnh vực văn học, triết học, khoa học tự nhiên, nghệ thuật và kiến trúc… Hai nền văn minh này là nền móng vững chắc và tiếp thêm lửa cho thời Phục hưng ở Tây Âu và văn minh phương Tây sau này.
Người Hy Lạp khát khao học hỏi, kế thừa và cải tiến, họ học chữ cái của xứ Pheoxini, sau đó thêm các nguyên âm và biến nó thành chữ của người Hy Lạp và sau này đã hình thành nên chữ Latinh và chữ Slavơ. Đó là cơ sở chữ viết mà nhiều dân tộc trên thế giới ngày nay đang sử dụng. Còn người La Mã chính thức có chữ viết vào thế kỉ VI TCN có nguồn gốc từ văn tự Hy Lạp. Đây là một thứ chữ viết đơn giản, thuận tiện nên đã được sử dụng rộng rãi trong toàn bộ đế quốc và trở thành chữ viết của nhiều quốc gia trên thế giới sau này.
Nền văn minh Hy-La cổ đại đã để lại cho nền văn học phương Tây và thế giới một kho tàng văn học với những tác phẩm đồ sộ, có giá trị về nhiều mặt và được xem là khuôn mẫu cho văn học và nghệ thuật. Sự đóng góp và ảnh hưởng của văn học phương Tây cổ đại đối với châu Âu và thế giới cho đến tận ngày nay, nhiều tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị và được khai thác, nghiên cứu, phát triển.
Hy Lạp là một dân tộc có một kho tàng thần thoại lớn trên thế giới. Trong đó phải kể đến anh hùng ca Iliat và Odyssey của Homer, đây là một tác phẩm thần thoại ra đời vào thế kỉ IX TCN đã nêu ra vấn đề quan hệ giữa con người, vũ trụ và thần linh, tượng trưng cho các hiện tượng khác nhau của xã hội và tự nhiên, giữa hiện thực và tưởng tượng. Bên cạnh đó, dân tộc Hy Lạp còn mở đầu cho loại hình nghệ thuật với cả bi lẫn hài kịch, những nhà viết kịch nổi tiếng như: Etsin, Sophocles, Euripides… Còn văn học La Mã chủ yếu kế thừa từ Hy Lạp, nhưng cũng có nhiều thể loại phát triển như thơ, kịch, sử thi với các tác giả nổi tiếng như Xixeron, Vergil, Horatius… Người La Mã tiếp thu và cải biên tạo ra những vị thần của mình như: thần Zeus – thần Jupiter, thần Hera, Poseidon, Demeter, Athena, Hestia, Apollo, Artemis, Ares… và trở thành cảm hứng bất tận của thơ ca và kịch…
Kiến trúc Hy-La cổ đại đã được thế giới thừa nhận và ứng dụng cho những công trình kiến trúc hiện đại. Kiến trúc châu Âu ngày nay được phát triển trên nền tảng của kiến trúc thời cổ đại của Hy-La và Tây Âu. Mức độ ảnh hưởng và phát triển không chỉ ở trong phạm vi châu Âu mà đã lan rộng toàn thế giới. Cùng với nghệ thuật kiến trúc được thể hiện ở các công trình đã trở thành kiệt tác của nhân loại, nghệ thuật điêu khắc ở Hy Lạp và La Mã cũng có bước phát triển tạo nền tàng vững chắc cho nghệ thuật phương Tây cổ đại.
Các công trình kiến trúc tiêu biểu ở Hy Lạp thời bấy giờ là đền Parthenon, vệ thành Aropolis ở Athens, đền thờ thần Zeus ở núi Olempia…
Đền thờ thần Zeus Olympia là công trình huy hoàng, vĩ đại. Đền thờ được xây dựng vào năm 515 TCN, nhưng mãi đến thế kỷ thứ 2 sau CN công trình này mới được hoàn thành, có thể chứa hơn 40.000 khán giả
Vệ thành Acropolis nổi tiếng nhất hay lũy thành của Athen – biểu tượng cho cả một nền văn minh huy hoàng, đồng thời là một di sản vĩ đại của nhân loại mà nền văn minh Hy Lạp đã để lại. Acropolis bao gồm các công trình kiến trúc cổ kính, các cổ vật, đền đài từ thời cổ đại phục vụ việc bảo vệ cho các cư dân nơi đây suốt hơn 3.300 năm.
Kiến trúc La Mã chịu ảnh hưởng từ Hy Lạp nhưng lại mang tính chất thực dụng, bề thế và đồ sộ, họ đã tiến hành xây dựng các công trình bằng bê tông. Ba công trình tiêu biểu cho nghệ thuật và nếp sống của người La Mã là đấu trường Colosseum, nhà tắm Caracalla và đền thờ Pantheon.
Các nhà điêu khắc ở Hy Lạp cổ đại cũng để lại nhiều tác phẩm đến bây giờ vẫn xứng đáng là mẫu mực cho điêu khắc như các pho tượng Vệ nữ ở Milo, tượng Lực sĩ ném đĩa, tượng nữ thần Athena, tượng thần Hecmet… Những nhà điêu khắc tiêu biểu như Phidias, Miron, Polykleitos… Nghệ thuật điêu khắc ở La Mã phác họa trạng thái tinh thần của con người như tượng bán thân vua Caesar với gương mặt đầy tham vọng, Augustus thể hiện sự quyết tâm, Diocletian thể hiện sự cứng rắn…
Triết học Hy-La cổ đại được xem là thành tựu rực rỡ của văn minh phương Tây, tạo nên cơ sở xuất phát của triết học châu Âu sau này. Trên cơ sở chế độ chiếm hữu nô lệ, đại biểu cho các khuynh hướng chính trị khác nhau, quan điểm của các nhà triết học Hy-La rất đa dạng, nhưng chia làm hai phái chính là triết học duy vật và triết học duy tâm.
Triết học duy vật gồm những đại diện tiểu biểu như: Talet, Heraclite, Anaximamdre… Nhà triết học đầu tiên của Hy Lạp cũng là nhà toán học Talet. Quan điểm triết học của ông là quan điểm duy vật tự phát. Ông cho rằng nước là nguyên tố cơ bản của vũ trụ. Nước luôn luôn vận động nhưng trước sau không thay đổi và do đó hòa tan mọi vật. Bởi vậy nước là nguồn gốc của vũ trụ và sinh mệnh của con người. Nhà triết học còn cho rằng nguồn gốc của vạn vật là lửa. “Đấu tranh là nguồn gốc của vạn vật”, vì đấu tranh giữa hai mặt đối lập là cơ sở của mọi tồn tại và tư tưởng. Vũ trụ cũng như mọi vật không phải do bất cứ vị thần nào sáng tạo ra. Trước kia, hiện nay và sau này, nó là ngọn lửa vĩnh viễn và linh hoạt thiêu đốt theo quy luật và cũng tắt theo quy luật. Nhà triết học Anaximamdre thì nhận định nguồn gốc của vũ trụ là vô cực – chia thành hai mặt đối lập như khô ướt, nóng và lạnh, rồi kết hợp với nhau mà hình thành mọi vật như đất, nước, không khí, lửa… Đồng thời, ông cho rằng vũ trụ không ngừng phát triển, không ngừng hình thành, không ngừng sinh sản ra những vật mới.
Aristotele – nhà triết học Hy Lạp cổ đại người đặt nền móng cho môn luận lý học và “cha đẻ của khoa học chính trị” với câu nói bất hủ “Bản chất của con người là ham hiểu biết”
Triết học duy tâm với những tên tuổi như Aristotele, Socrates, Platon… Nhà triết học vĩ đại của Hy Lạp cổ đại chính là Aristotele – một học giả uyên bác về nhiều lĩnh vực như triết học, toán học, vật lý học, sinh vật học, sinh lý học, y học, sử học… và được gọi là bộ Bách khoa toàn thư của Hy Lạp. Ông cho rằng vật chất tồn tại vĩnh viễn – sự vật cụ thể được tạo nên bởi bốn nguyên nhân là chất liệu, hình thức, động lực và mục đích. Nhà triết học của Socrates cho rằng mục đích của triết học không phải để nhận thức tự nhiên mà là để nhận thức bản thân mình. Về phương pháp luận, Socrate phản đối việc dạy lý thuyết, chủ trương chỉ cần đặt ra những câu hỏi để đối phương trả lời, như vậy có thể đạt tới chân lý. Tư tưởng triết học của Platon có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của chủ nghĩa duy tâm ở phương Tây. Hạt nhân của quan điểm triết học Platon là ý niệm và linh hồn bất diệt. Hóa công dùng ý niệm để sắp xếp lại mọi sự vật làm cho vũ trụ trở thành có trật tự. Đồng thời, ông đã nhận thức được quả đất hình cầu và chuyển động theo quỹ đạo nhất định.
Còn triết học ở La Mã thời kỳ này không có nhiều sáng tạo mà chủ yếu kế thừa và phát triển những tư tưởng triết học Hy Lạp. Đến thế kỉ I TCN, triết học La Mã tương đối phát triển. Nhà triết học duy vật xuất sắc của La Mã là Lucretiut.
Về khoa học tự nhiên, nền văn minh Hy Lạp cổ đại có những cống hiến quan trọng về các mặt Toán học, Thiên văn học, Vật lí học, Y học… Trong đó phải kể đến Pythagoras – nhà triết học, nhà khoa học, toán học vĩ đại đã chứng minh định lí mang tên ông vào thế kỉ V TCN. Ông cho rằng mọi nhận thức đều có tính chất chủ quan – “con người là thước đo của mọi sự vật”. Hay Archimede là nhà toán học, nhà vật lý, kỹ sư, nhà phát minh – người đã đề ra nguyên lí đòn bẩy, chế ra gương cầu lõm, máy bắn đá và phát hiện ra lực đẩy tác động lên một vật nếu vật đó trong lòng chất lỏng (lực đẩy Acsimet).
Plinius – nhà khoa học có nhiều đóng góp cho nền văn minh La Mã với tác phẩm “Lịch sử tự nhiên” được coi như Bách Khoa toàn thư của La Mã
Đến thời La Mã, các lĩnh vực này tuy không phát triển bằng Hy Lạp nhưng cũng có nhiều đóng góp quan trọng của một số nhà khoa học tiêu biểu như Plinius với tác phẩm “Lịch sử tự nhiên” được coi như Bách Khoa toàn thư của La Mã – tập hợp các tri thức của các lĩnh vực Thiên văn học, Vật lí học, Địa lí học, Nhân loại học, Động vật học, Thực vật học…
Bên cạnh đó, nền văn minh Hy-La cổ đại đã chứng tỏ trí tuệ vượt bậc trong lĩnh vực y học. Ở Hy Lạp, thầy thuốc Hippocrates đã chữa bệnh bằng biện pháp uống thuốc hoặc phẫu thuật, được mệnh danh là “Cha đẻ của y học Phương Tây”. Đại diện tiêu biểu cho y học La Mã là Claudius Galen với tác phẩm “Phương pháp chữa bệnh”. Ông đã chứng minh các mạch vận chuyển máu, nếu như cắt đứt dù chỉ là một mạch máu nhỏ cũng đủ để làm cho máu chảy hết cơ thể trong vòng nữa giờ.
Thời cổ đại, người Hy Lạp và La Mã đều theo đa thần giáo. Điểm khác biệt về tín ngưỡng ở Hy Lạp là các vị thần đều mang hình người đầy đủ với những đức tính tốt xấu của con người, gần gũi với con người. Kitô giáo ra đời tại La Mã vào cuối thế kỉ thứ II – đầu thế kỉ thứ I TCN, ảnh hưởng đến các tầng lớp trong xã hội và vượt ra khỏi phạm vi La Mã. Đến nay, đạo Kitô là một trong những tôn giáo lớn của thế giới, tầm ảnh hưởng lan rộng hầu khắp các quốc gia.
Tuy nền văn minh Hy Lạp và La Mã có sự những điểm tương đồng, nhưng cũng có những điểm riêng khác biệt. Đại hội Olympic cổ đại – minh chứng lịch sử cho thời kỳ phồn vinh của Hy Lạp cổ đại, được tổ chức 4 năm một lần đến nay vẫn được duy trì. Điểm tiến bộ, khác biệt ở La Mã là sử dụng tiền đồng Sestertius, áp dụng chủ nghĩa duy lý kinh tế – sử dụng hệ thống kế toán, đầu tư ngân hàng và phát triển tín dụng.
Những đóng góp văn minh Hy-La cổ đại được ghi vào lịch sử nhân loại như những ánh hào quang rực rỡ nhất. Cùng với những giá trị của văn minh tiếp sức cho phong trào văn hóa Phục hưng, văn minh phương Tây , đồng thời tạo một nền tảng khá vững chắc cho văn minh châu Âu nói riêng và mang đến cho nền văn hóa thế giới nói chung những thành tựu bất hủ.
Bất cứ một quốc gia, dân tộc hưng thịnh hay suy vong đều phụ thuộc đáng kế vào tầm nhìn chiến lược đúng đắn, linh hoạt nhằm tìm ra phương thức đúng đắn để chấn hưng đất nước. Ở nền văn minh Hy-La chiến lược là một trong những yếu tố có tính quyết định trong ở mỗi giai đoạn của lịch sử.
Trước khi văn minh Hy Lạp cổ bước vào thời kỳ hưng thịnh, nơi này từng trải qua quá trình tiến hóa xã hội và nhà nước Hy Lạp chiếm hữu nô lệ. Sự ra đời, củng cố, hưng thịnh, cuối cùng là suy tàn của nhà nước chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp luôn gắn liền với cuộc đấu tranh giai cấp.
Trong thời Homer, mỗi cộng đồng làng xã nhỏ độc lập với sự kiểm soát từ bên ngoài, những quyền binh về chính trị ít đến mức không thể nói rằng nhà nước từng tồn tại. Khi nhà vua không thể thực thi pháp luật cũng như kiểm soát công lý, mà chỉ có thể cai quản quân đội và các thầy tu. Khi tập quán thay cho luật pháp và sự kiểm soát công lý là sự kiểm soát cá nhân.
Thể chế dân chủ đầu tiên trên thế giới được sinh ra ở thành Athens nước Hy Lạp. Đến khi nhà nước Hy Lạp cổ đại xuất hiện dưới dạng những quốc gia thành bang. Trong hàng chục quốc gia thành thị của Hy Lạp thì Athens có hình thức nhà nước dân chủ điển hình và giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Hy Lạp cổ đại. Ra đời trên cơ sở tan rã của xã hội thị tộc, nhà nước dân chủ chủ nô Athens dân chủ hóa và hoàn thiện qua những cải cách: Solon và Cleisthenes.
Hai thành bang tiêu biểu là Athens và Sparta, ở đỉnh cao quyền lực mỗi thành bang có dân số khoảng 400.000 người. Ở nhà nước Sparta chú trọng đến việc phát triển quân sự mà không quan tâm đến kiến thiết các phương diện khác. Sparta rất thượng võ, chuyên đào tạo thanh niên thành những người tự tin, can đảm, bền sức. Để có thể khống chế lực lượng nô lệ đông đảo, người Sparta đặt ra một chế độ huấn luyện quân sự vô cùng nghiêm ngặt. Quân đội Sparta bắt đầu sử dụng binh lực hùng mạnh để uy hiếp các thành bang lân cận, không ngừng mở rộng thế lực của mình. Ở Sparta, tổ chức kinh tế nhằm mục đích là tính hiệu quả quân sự và uy thế của gia cấp công nhân. Thương mại và công nghiệp đều do tư nhân kiểm soát, buộc phải đóng góp cho chủ nô và đặc quyền chính trị chỉ dành riêng cho tầng lớp quý tộc cha truyền con nối.
Còn Athens – thành bang, dân quốc cũng là trung tâm nghệ thuật, văn học, kiến trúc vĩ đại có nhiều đóng góp cho nền văn minh này. Cuối thế kỷ thứ VI đầu thế kỷ thứ V, người Hy Lạp đã thách thức và đứng vững trước thế lực hùng hậu của đế chế Ba Tư không chỉ một lần mà nhiều lần. Đặc biệt trong trận Marathon và Platanea là những chiến thắng vĩ đại mà người Hy Lạp gọi là “Hoplite” – biểu thị chiến thắng được bắt nguồn từ sức mạnh tinh thần của cộng đồng. Đội quân Hoplite – một trong những đội quân nổi tiếng, có ảnh hưởng nhất và thành lập sớm lớn nhất trong lịch sử đã sử dụng chiến thuật đội hình sát cánh Phalanx để đánh bại mọi kẻ thù. Sau những chiến thắng đã hình thành một ý thức mơ hồ rằng thà hy sinh còn hơn sống đời nô lệ, rằng sẽ thật ý nghĩa khi đối diện với cái chết không chỉ cho gia đình mình mà cho tất cả mọi gia đình, và lòng nhân đạo chung hay tinh thần Hy Lạp chung giữa họ còn quan trọng hơn là những phong tục và thành kiến địa phương. Bởi vậy, nền chính trị dân chủ Athens vừa là một liều thuốc kích thích cho nền văn minh nhân loại, vừa là vực thẳm của nô dịch và tội ác. Nó là một viên ngọc vô giá trong kho tàng văn minh nhân loại, nhưng cũng gây nên nỗi oán hận cho các nước phụ thuộc, dân tộc phụ thuộc, đấy cũng chính là hạn chế lớn nhất của nền chính trị dân chủ Athens.
Hy Lạp cổ đại bao gồm rất nhiều thành bang, trong đó thành bang tiêu biểu là Athens, vì vậy về mặt luật pháp tình hình ở Athens cũng tương đối tiêu biểu. Điều đáng chú ý là việc ban hành luật pháp ở Athens thường là kết quả của sự đấu tranh của quần chúng và thường gắn liền với những cải cách về chính trị, hiến pháp và luật Dracon – bộ luật này có những hình phạt rất khắc nghiệt, có khi chỉ ăn cắp cũng bị xử tử. Việc ban bố luật Dracon không giải quyết được các mâu thuẫn trong xã hội vì đạo luật này không đề cập đến vấn đề cải cách xã hội. Do đó quần chúng lại tiếp tục đấu tranh, yêu cầu của quần chúng lúc bấy giờ là phải “làm thế nào để giải phóng con nợ khỏi những món nợ, chia lại ruộng đất, hơn nữa phải cải cách trật tự đang tồn tại”. Trước tình hình đó, năm 594 TCN, tầng lớp quý tộc phải nhượng bộ bằng cách cử Solo làm quan chấp chính và giao cho ông nhiệm vụ cải tổ lại chế độ chính trị của Athens. Với cuộc cải cách của Solo như phế bỏ chế độ nô dịch, nâng cao quyền lực của Công dân đại hội, điều chỉnh quan hệ lợi ích giữa các giai tầng khác nhau trong xã hội, xây dựng nền tảng cho chế độ chính trị dân chủ Athens – đề cao và bảo đảm những quyền lợi kinh tế, chính trị của những công dân tự do. Thiết chế đó được phát triển trong hòa bình, dân chủ được phát huy cao nhất trong các thành bang. Dân chủ là một trong những sản phẩm tiến bộ của người Hy Lạp giúp mỗi cá thể có ý thức hơn với cộng đồng, xã hội.
Nhưng sau cuộc nội chiến, Hy Lạp bị vua Philippe xứ Macedonie xâm chiếm. Dân tộc La Tinh ở trung bộ Châu Âu tiến xuống bán đảo Ý (Italia), dựng lên La Mã ở thế kỷ thứ VIII TCN, học được văn minh của người Etrusque và Hy Lạp rồi dần hùng cường, chiếm trọn được bán đảo Ý (Italia). Họ chiến thắng được là nhờ gan dạ, bền bĩ, có kỷ luật và nhất là có óc tổ chức. Họ cần diệt thành phố Carthage – một thành phố giàu nhờ thương mại để bánh trướng thế lực. Sau ba hồi chiến tranh gay go, mặc dầu Carthage có một vị tướng đại tài là Hannibal, họ đã thắng được và san phẳng thành phố ấy. Từ đó chiếm hết các miền ở ven Địa Trung Hải. Bên cạnh đó, họ cai trị thuộc địa rất khéo, dùng chính sách chia để trị, cho miền này ảnh hưởng quyền lợi hơn nhiều vùng khác để các miền giành nhau phụng sự. Những nơi ở xa thì họ chia thành từng tỉnh đặt dưới quyền một quan cai trị. Dân thuộc địa được giữ phong tục, tôn giáo, tiếng nói nhưng thường bị quan lại La Mã bóc lột.
Đến thế kỷ V TCN, nhà nước La Mã bắt đầu được thành lập, kế thừa và phát triển nền văn minh Hy Lạp, La Mã chinh phục Hy Lạp và tiếp đó chinh phục các nước ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp ở phương Đông, trở thành đế quốc rộng lớn hùng mạnh ở phương Tây, nên văn minh La Mã ảnh hưởng sâu sắc không chỉ về văn hóa nghệ thuật mà ở hình thức cai trị. Nhà nước La Mã thành lập đã cho ban hành bộ luật thành văn đầu tiên Luật 12 bảng trên cơ sở kế thừa và tham khảo luật Solon của người Hy Lạp ra đời vào năm 514 TCN, lúc đầu bộ máy nhà nước ở La Mã gồm có Viện Nguyên lão, Đại hội nhân dân và quan chấp chính. Nội dung bộ luật khá rộng rãi và tiến bộ, nó chống lại sự xét xử độc đoán của quý tộc, bảo vệ quyền lợi. Nội dung của luật 12 bảng chỉ mới đề cập đến một số mặt trong đời sống xã hội, nhiều mức hình phạt quy định quá khắc nghiệt, nhưng nó có tác dụng hạn chế sự xét xử độc đoán của quý tộc, đồng thời đặt cơ sở cho sự phát triển của luật pháp ở La Mã cổ đại đến thời trung đại và cận đại có ảnh hưởng rất lớn ở châu Âu.
Trong giai đoạn của nền cộng hòa đầu tiên, La Mã trải qua một số thay đổi về chính trị đáng kể. Cách mạng lật đổ chế độ quân chủ là một cuộc cách mạng bảo thủ, mục đích thay thế hai tổng tài được chọn cho nhà vua và tôn vinh vị trí của Viện nguyên lão bằng cách trao quyền kiểm soát công quỹ và quyền phủ quyết tất cả các hành động của Hội đồng lập pháp.
Cộng hòa La Mã tồn tại trong hơn 2 thế kỷ sau khi được thiếp lập chiến tranh thường xuyên. Quân đội La Mã là một trong những đội quân hùng mạnh nhất châu Âu, cuối thời Cộng Hòa La Mã lên đến hơn 50 binh đoàn. 3 trụ cột chính: 8 đội vệ quân Hoàng đế, khoảng 30 binh đoàn địa phương và lực lượng hải quân. Thời kỳ đầu, quân đội chỉ tuyển người Roma, sau đó mở rộng và tiếp nhận thêm người Ý, người Gaul. Xây dựng, khai mỏ, luyện kim và khoảng 268 hiệp hội ngành nghề. Các ngành kinh tế phục vụ quân đội phát triển mạnh. Nhưng từ thế kỷ thứ II, Đế quốc La Mã có nhiều tranh giành quyền lực và suy yếu.
Thời kì Đế chế ở La Mã từ thế kỉ I TCN đến thế kỉ V. Do sử dụng chiến tranh để mở rộng bờ cõi nên vai trò các tướng lĩnh ở La Mã ngày càng tăng, xu hướng độc tài đã xuất hiện. Đến thế kỉ I TCN nền cộng hoà La Mã đã bị xóa bỏ. Thế kỉ III TCN, chính quyền La Mã bắt đầu bước vào giai đoạn suy yếu.
Ở La Mã theo chế độ quân chủ, quyền lực của nhà vua. Người La mã từ đầu dường như quan tâm đến quyên binh và tính ổn định nhiều hơn tự do hoặc chế độ dân chủ. Thành phố – thành bang của họ cơ bản áp dụng quan điểm gia đình theo chế độ gia trưởng cho toàn bộ cộng đồng, vua có quyền xét xử đối với thần dân. Ngoài vương quyền, sự cai trị của người La Mã thời điểm này còn có Hội đồng lập pháp và Viện nguyên lão.
Cuộc chiến đầu tiên và quan trọng nhất là Carthage – một đế quốc hàng hải lớn, trải dài từ bờ biển bắc châu Phi, từ Numidia đến eo Gibraltar vào thế kỷ thứ IX. Thế kỷ VI thuộc địa này cắt đứt quan hệ với mẫu quốc, dần phát triển và trở thành một quốc gia giàu có và hùng mạnh. Nhưng người La Mã không thể duy trì được thắng lợi này lâu bởi lòng tham và kiêu ngạo.
Năm 218 TCN, người La Mã xem thường nỗ lực của người Carthage như mối đe dọa quyền lợi và phản ứng lại bằng cách tuyên chiến. Cuộc chiến kéo dài trong thời gian 16 năm, mặc dù thoát cuộc đại bại nhưng phải từ bỏ tất cả đất đai ngoại trừ thủ đô và lãnh thổ bao quanh thành phố ở châu Phi và bồi thường 10.000 talent. Lòng thù hận và tham lam của La Mã đạt mức cao nhất vào khoảng giữa thế kỷ II TCN. Đến năm 476 TCN hoàng đế cuối cùng Romulus Augaustulus – thủ lĩnh man rợ của La Mã bị phế truất, đánh đấu cho sự kết thúc lịch sử La Mã.
Văn minh Hy-La vô cùng xán lạn là nền tảng vững chắc cho văn minh phương Tây và cơ sở của văn minh Tây Âu – châu Âu cận hiện đại.
Trong diễn trình lịch sử, Hy Lạp cổ đại là khởi đầu của lịch sử văn minh phương Tây. Xuất hiện muộn hơn các nền văn minh khác nhưng nhờ tiếp thu được nhiều giá trị từ Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại nên nền văn minh này vẫn phát triển mạnh mẽ và mang nhiều dấu ấn riêng biệt.
Đại diện cho nền văn minh rực rỡ ấy chính là những cư dân sinh sống trên bán đảo Hy Lạp, các đảo trong vùng biển Aegean, vùng duyên hải Địa Trung Hải, nam Italya và Thrace. Thời kỳ này, đã có hàng trăm quốc gia thành bang được hình thành, tuy chưa bao giờ đi đến thống nhất về mặt chính trị, nhưng lại tương đối thống nhất với nhau về mặt dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa, phong tục. Những người Hy Lạp đã đi được rất xa so với những nền văn minh khác không chỉ trên con đường nghệ thuật và văn hóa mà còn về chính trị, quân sự. Do đó, không chỉ là khởi nguyên của lịch sử Hy Lạp cổ đại, bán đảo Hy Lạp còn là cái nôi sản sinh của nền văn minh phương Tây. Một trong những đặc điểm nổi bật của bán đảo Hy Lạp cổ là nằm cạnh Bắc Phi và Tây Á. Điều này đã tạo nên một mối quan hệ mật thiết giữa Hy Lạp cổ đại và vùng Tiểu Á, cũng là nguyên nhân biến khu vực này trở thành nơi được tiếp thu nền văn minh nông nghiệp và đồng đen đến từ Tây Á sớm nhất châu Âu.
Mặt khác, đất đai Hy Lạp không được phì nhiêu, không thuận lợi cho việc trồng cây lương thực, địa hình lại còn bị chia cắt thành nhiều vùng đồng bằng nhỏ hẹp nên người Hy Lạp cổ phải tận dụng những dải đất ven sông hoặc chạy dọc theo các sườn núi, vùng duyên hải và các đồng bằng nhỏ cho việc canh tác nông nghiệp. Cây trồng chủ yếu là lúa đại mạch, lúa mì, ô liu, nho và các loại rau xanh. Do tình trạng đất chật người đông, lương thực luôn trở thành vấn đề bức thiết. Ngay từ rất sớm, xu hướng mở rộng lãnh thổ, xâm chiếm ra bên ngoài đã hình thành trong tư tưởng của người Hy Lạp cổ đại.
Nhưng bù lại, Hy Lạp có nhiều vũng, vịnh, thuận lợi cho việc xây dựng hải cảng nên người Hy Lạp khai thác triệt để nhằm đẩy mạnh hoạt động mậu dịch với các quốc gia khác trên thế giới, cùng với việc tiếp thu những tư tưởng mới từ đó thúc đẩy ngành thương nghiệp phát triển mạnh mẽ. Ở đây còn có nhiều khoáng sản dễ khai thác như đồng, vàng, bạc… tạo điều kiện thuận lợi cho nghề luyện kim và buôn bán. Do đó, kinh tế Hy Lạp cổ đại chú trọng phát triển về công, thương nghiệp hơn nông nghiệp, nhất là buôn bán đường biển. Đây chính là nguyên nhân quan trọng giúp nền văn minh Hy Lạp cổ đại tuy phát triển sau văn minh Ai Cập, nhưng người Hy Lạp trong quá trình ngang dọc trên Địa Trung Hải cũng nhanh chóng tiếp thu được nhiều điều hay từ Ai Cập và Lưỡng Hà.
Trong các dân tộc sống ở thời kỳ cổ đại, dân tộc Hy Lạp đại diện cho tinh thần của người phương Tây. Người Hy Lạp ca ngợi con người như một sinh vật quan trọng nhất của vũ trụ và không chịu phục tùng sự sai khiến của các thầy tu, bạo chúa hay kiêm nhường thần thánh. Họ tôn vinh tinh thần tự do tìm kiếm và đặt kiến thức lên trên niềm tin. Chính tư tưởng này đã đưa nền văn minh Hy Lạp lên đỉnh cao nhất trong thế giới cổ đại.
Văn minh Hy Lạp cổ đại đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngôn ngữ, chính trị, hệ thống giáo dục, triết học, khoa học, nghệ thuật và kiến trúc của thế giới cận đại, thúc đẩy phong trào Phục Hưng tại Tây Âu cũng như làm sống lại các phong trào tân Cổ điển tại châu Âu và châu Mỹ thế kỷ XVIII và XIX. Dưới thời Vua Alexandros Đại đế của Vương quốc Macedonia, người Hy Lạp đã có những cuộc bành trướng rộng khắp sang Ai Cập, Ba Tư và Ấn Độ. Những cuộc chinh phục của ông đã dẫn tới sự định cư và thống trị của người Hy Lạp tại nhiều vùng đất xa xôi, từ đó, ảnh hưởng văn hóa của Hy Lạp càng lan rộng hơn bao giờ hết.
Trước khi vinh quang Hy Lạp bắt đầu phai mờ, thì một nền văn minh khác – văn minh La Mã – bắt nguồn từ văn minh của người Hy Lạp đã nhen nhóm hình thành trên hai bờ sông Tiber ở Italy. Khi quyền lực La Mã tăng dần và dần khẳng định uy thế đối với thế giới văn minh, vinh quang Hy Lạp đã trở thành ký ức.
Văn minh La Mã được hình thành trên bán đảo Ý (Italia). Đây là một dãi đất dài và hẹp giống hình chiếc ủng vươn dài từ lục địa ra biển Địa Trung Hải với diện tích khoảng 300.000km2. Không chỉ kế thừa văn minh của người Hy Lạp thời cổ đại, người La Mã còn có những đóng góp đáng kể, tạo thành nền văn minh đặc sắc riêng của mình.
Về đặc điểm cư dân, những người có mặt sớm nhất ở trên bán đảo Ý (Italia) được gọi là Italiot, trong đó bộ phận sống trên đồng bằng Latium được gọi là người Latinh, ngoài ra còn có một số nhỏ người gốc Gôloa, gốc Hy Lạp.
Nơi này có nhiều đồng bằng, tương đối thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, trong lòng đất lại chứa nhiều khoáng sản, thuận lợi cho nghề luyện kim. Địa hình ở đây không bị chia cắt, tạo điều kiện cho sự thống nhất. Bờ biển ở phía nam bán đảo có nhiều vịnh, cảng tạo điều kiện để phát triển thương nghiệp, tuy nhiên người La Mã không tận dụng được lợi thế này.
Trong phần lớn chiều dài lịch sử, người La Mã sống chủ yếu bằng nghề nông do có điều kiện tiếp xúc với những nền văn minh phát triển sớm ở phương Đông. Họ không hứng thú với sự tìm tòi tri thức qua việc mua bán, trao đổi với các dân tộc khác. Đó là một trong những lý do khiến nền văn minh La Mã có tầm ảnh hưởng hạn hẹp hơn Hy Lạp. Bởi người La Mã tập trung vào các chiến dịch quân sự gần như từ lúc họ định cư trên vùng đất Ý (Italia), nguyên nhân bởi họ buộc phải bảo vệ mình chống lại những cuộc xâm lược của ngoại bang trong suốt tiến trình lịch sử.
Để hiểu sâu sắc về sự hưng thịnh và suy vong của các nền văn minh Hy Lạp và La Mã phải kể đến hai bộ phim kinh điển là “Alexander Đại Đế”, “Spartacus” thuộc tủ phim Nền tảng đổi đời do Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ tuyển chọn từ những bộ phim hay nhất của mọi thời đại. Ngoài ra, để hiểu biết mang tính chất nền tảng về các nền văn minh của nhân loại và hiểu sâu sắc hơn về nền văn minh Hy Lạp -La Mã, Nhà Sáng lập – Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết, cẩn trọng, tuyển chọn từ hàng triệu cuốn sách, từ hàng ngàn tấm gương danh vĩ nhân thành công nhất của nhân loại với các tác phẩm tiêu biểu viết về lịch sử văn minh nhân loại như: “Nguồn gốc văn minh” (Will Durant), “Văn minh phương Tây và phần còn lại của thế giới” (Niall Ferguson), “Sự va chạm của các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới” (Samuel Huntington), “Nền văn minh và sự bất mãn của nó” (Sigmund Freud), “Lược sử loài người” (Yuval Noah Harari), “Những ghi chép của Hippocrates” (Hippocrates)… cùng nhiều cuốn sách quý khác. Tủ sách nền tảng Đổi đời gồm hơn 100 đầu sách quý, thấm đẫm tư duy biện chứng, tuần hoàn liên thông từ lập thuyết đến thực hành, hợp nhất tinh hoa của toàn thể nhân loại về 12 lĩnh vực căn cốt nhất: Khoa học, Triết học, Huyền học, Y học, Võ học, Kinh tài học, Chính trị học, Đạo đức học, Xã hội học, Mỹ học, Âm thanh học và Ngôn ngữ học nhằm khuyến khích việc học hỏi, tiếp thu và ứng dụng tinh hoa tri thức nhân loại. Từ đó, chuyển hóa sức mạnh tri thức thành sức mạnh vật chất, sức mạnh thể chất và sức mạnh tinh thần giúp mỗi cá nhân rút ngắn con đường đi đến thành công và hạnh phúc đích thực.
Văn minh không phải bất tử và cũng không thể đột nhiên vươn đến đỉnh cao mà phải phát triển từng bước một, có tính chất kế thừa ở mỗi thế hệ. Sự thành công của nền văn minh Hy-La được kiến tạo nên từ những giá trị cốt lõi như tầm ảnh hưởng rộng lớn, sự hiểu biết, nỗ lực học hỏi và sáng tạo không ngừng nghỉ cùng chiến lược đúng đắn – tinh thần đoàn kết. Nhưng cuối cùng, nền văn minh ấy cũng lụi tàn khi một trong những giá trị cốt lõi mất đi hoặc gián đoạn trong một thời gian dài. Nguyên nhân không chỉ bởi sự suy đồi, ích kỷ, mù quáng của con người khiến sự ảnh hưởng không còn; khi học hỏi còn hạn chế, thiên lệch không đồng nhất giữa các lĩnh vực trong đời sống xã hội; thêm vào đó là tầm nhìn hạn hẹp còn thiên về lợi ích cá nhân hơn quốc gia, dân tộc và không tìm được sự đồng điệu, gắn kết tinh thần của cả cộng đồng, mà thay vào đó những cuộc nội chiến, chiến tranh xâm lược để phân chia quyền lực và ảnh hưởng đã kéo cả hai nền văn minh cổ đại xuống bờ vực thẳm. Dẫu vậy, nền văn minh Hy-La đã đóng góp cho nhân loại nhiều phát kiến vĩ đại, tạo nền tảng vững chắc, có tầm ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của văn minh phương Tây cổ đại trong suốt chiều dài lịch sử của châu Âu. Bởi đến giờ con người vẫn không ngừng học hỏi, bổ sung và hoàn thiện những tri thức từ những nền văn minh này; đảm bảo sự đi lên của tinh hoa nhân loại, bởi sự thịnh vượng của nhân loại không chỉ đến từ một nền tảng mà phải đến từ tư duy luôn vận động và phát triển.
Đón đọc kỳ sau: Văn minh Ai Cập – một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại