Văn khấn bốc mộ và lưu ý sắm lễ, cách thức tiến hành lễ bốc mộ
Việc bốc mộ là một nghi lễ tâm linh có từ lâu đời ở Việt Nam. Mục đích là để sửa sang mộ phần tổ tiên, ông bà, cha mẹ bên cạnh đó hoạt động này còn mang ý nghĩa hướng con cháu nhớ về nguồn cội, tỏ lòng thành kính hiếu thảo. Mục đích và ý nghĩa việc bốc mộ là tốt nhưng không phải ai cũng nắm rõ được chi tiết việc phải làm khi tiến hành bốc mộ. Nếu sơ xuất làm không đúng có thể gây phản tác dụng khiến gia đình gặp nhiều điều không hay.
Vậy bốc mộ là gì ? Cách thức tiến hành lễ bốc mộ, sắm lễ, những lưu ý khi bốc mộ và bài văn khấn bốc mộ chuẩn nhất.
Ý nghĩa việc bốc mộ
Lễ Bốc Mộ hay còn gọi là lễ Sang tiểu, sang cát, cải cát, dời mộ. Người Việt Nam quan niệm rằng nếu làm đúng, tốt thì gia đình họ sẽ gặp mạnh khoẻ, may mắn và thành công trong mọi việc, quan trọng hơn nữa là cha, mẹ họ sẽ được an lành, siêu thoát.
Cách thức tiến hành Lễ
Bốc Mộ
Theo thuật phong thủy cổ truyền thì việc tiến hành cải táng có những công việc cần chuẩn bị như sau:
Chọn thời gian
Tuỳ theo từng gia đình, hoàn cảnh cụ thể để tiến hành. Tuy nhiên theo tất cả các sách từ xưa để lại, thời gian tốt nhất trong năm là từ cuối Thu đến trước ngày Đông Chí của năm. Không ai cải táng , quy tập mộ đầu năm cũng như sau Đông Chí : “Chọn lựa thời điểm để cải táng là một việc vô cùng quan trọng.
Theo phong tục tập quán của người Việt Nam, người mất sau 3 năm thì cải táng, cũng là lúc con cháu mãn tang, tức là hoàn toàn hết để tang vong linh. Vì thế, việc cải táng thường được tiến hành sau 3 năm chôn hung táng.
Tuy nhiên, hiện nay thực tế môi trường địa lý và khí hậu có nhiều thay đổi, các hoá chất được sử dụng nhiều trong đất để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hiện tượng sau 3 năm xác người chết chưa phân huỷ diễn ra khá phổ biến, nên nhiều gia đình lựa chọn giải pháp là để thời gian cải tháng lâu từ 4 đến 5 năm để tránh hiện tượng trên.
Năm để tiến hành cải táng phải lựa chọn theo tuổi của vong, tránh những năm xung sát. Ngoài ra còn phải xem tử vi để căn cứ theo tuổi của trưởng nam trong nhà, vì khi vong đã mất thì mọi sự may rủi đều gánh trên vai của người trưởng nam. Năm để tiến hành cải táng cũng phải được phù hợp với tuổi của người trưởng nam.”
Chọn huyệt cát
Huyệt cát là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố tốt theo Phong thuỷ của một ngôi mộ. Cũng có người không tin gì cả thì họ làm đơn sơ bằng cách thông báo với người nhà định một ngày thuận lợi nào đó rồi con cháu xúm tay vào đào mộ cũ, lấy hài cốt rửa sạch bằng cồn hoặc rượu rồi xếp đúng trình tự vào tiểu rồi mang chôn sang chỗ mới. Cũng có một vài mâm cúng như giỗ là xong.
Tuy nhiên đào mộ lên để lấy hài cốt vệ sinh rồi xếp vào tiểu không phải ai cũng làm được. Do vậy phải thuê người làm quen việc đó.
Ngoài ra nếu tin thì còn phải xem mộ mới đặt theo hướng nào là tốt cho ngươì đã mất vì người ta quan niệm người dưới mộ có an phận thì người thân mới bình an hạnh phúc.
Chọn ngày, giờ tốt
Ngày giờ tốt với tuổi người đã khuất và trưởng nam (hoặc thứ nam nếu không có trưởng nam) trong gia đình. Người chủ trì (vợ, con, cháu…) phải căn cứ tuổi mình để xem ngày tốt xấu, xem giờ tốt cho việc cải táng là ngày tháng năm nào. Ngày đó phải là ngày tốt cho sang cát, không được xung với tuổi người chủ trì cũng không xung với tuổi người được sang cát.
Xây, đắp mộ
Tiến hành xây, đắp mộ chìm, mộ nổi hay mộ công quan. Mộ xây có thể bằng xi măng, ốp đá, đá hoa cương, granite nhưng muốn mộ bền đẹp vĩnh cửu nên chọn xây mộ đá
Lễ tạ mộ
Dâng lễ thắp hương lễ tạ Quan Thần linh, hàn Long mạch, cầu siêu. Phải mời người biết cúng hoặc tự mình cúng (nhưng phải có bài văn khấn trong tay để đọc hay học thuộc để đọc và nhớ là đọc thầm thôi). Văn khấn có mấy bài: khấn khi thắp hương ở nghĩa trang để xin phép thổ thần, khấn khi động thổ đào mả lên, khấn khi mang đến nghĩa trang mới xin phép thổ thần nơi đến, khấn cúng người dưới mộ.
Chuyển linh vị sang bàn thờ chính
Tại nhà thì chuyển linh vị (hay ảnh thờ) lên bàn thờ gia tiên. Còn tại nhà thờ họ thì đưa linh vị, ảnh hoặc ghi tên (tuỳ theo cách thức của từng vùng, miền) lên bàn thờ họ (hoặc chi).
Văn khấn bốc mộ, sang cát, cải cát
Văn khấn bốc mộ (cải cát, sang tiểu, sửa mộ, dời mộ)
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương.
– Con lạy Đức Đương cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương.
– Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
– Con kính lạy chư gia tiên Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ tỷ.
Hôm nay là ngày….tháng…..năm…, tại tỉnh…..huyện…..xã …..thôn…..
Hiển khảo (hoặc tỷ)………………………………………mộ tiền.
Than rằng: Thương xót cha (hay mẹ) xưa, vắng xa trần thế.
Thác về, sống gửi, đất ba thước phải vùi chôn.
Phách lạc hồn bay, hình trăm năm khó gìn để.
Lúc trước việc nhà bối rối, đặt để còn chưa hợp hướng phương.
Tới nay, tìm đất tốt lành, sửa sang lại, cầu an hình thể.
Rày thân: Phần mộ dời xong, lễ Ngu kính tế.
Hồn thiêng xin hưởng, nguyện cầu vĩnh viễn âm phần.
Phúc để di lưu, phù hộ vững bền miêu duệ.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Theo phong tục tập quán trước và sau khi dời mộ phải khấn trình với Long mạch, Sơn thần và Thổ thần nơi cũ và nơi mới. Sau đây là văn khấn Long Mạch, Sơn thần và Thổ thần.
Văn khấn long mạch, sơn thần và thổ thần dịp Cải Cát
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư phật mười phương.
– Con kính lạy Đức Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy các ngài Long Mạch, Sơn Thần, Thổ địa, Thần linh cai quản trong xứ này.
Hôm nay là ngày……tháng…..năm……………………….
Tín chủ (chúng) con là:……………………………………..
Ngụ tại………………………………………………………..
Nhân hôm nay ngày Cải Cát (dời mộ, sửa mộ) của…………… mộ phần tại…………………………
Chúng con cùng tòan thể gia quyến tuân theo nghi lễ sắn sửa hương hoa lễ vật dâng lên án toạ Tôn thần cùng chư vị uy linh, kính cẩn tâu trình.
Kính cáo Sơn Thần, Thổ Thần, Long Mạch và các vị Thần linh, cúi xin chứng minh, phù hộ cho tòan gia chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Lưu ý khi sắm lễ vật chuẩn bị bốc mộ
1. Trước hôm cải táng làm lễ cáo từ đường. Đến hôm cải táng, lại làm lễ khấn thổ công chỗ để mả mới.
2. Nhờ người tinh thông, chuyên thạo công việc xem cẩn thận phần mộ xấu tốt thế nào, thi hài đã tan hết chưa.
3 Quyết định thời gian nào phù hợp nhất? Chọn ngày lành tháng tốt, hợp với công việc. Chọn ngày hoàng đạo hoặc ngày bất tương, kỵ nhất là ngày trùng tang. Bốc mộ mà gặp ngày trùng tang, con cháu sẽ lụi bại.
4. Chọn hướng tốt và xây hầm mộ, hướng mộ theo mệnh người mất, nếu an táng chung trong khuôn viên lăng mộ của dòng họ thì bên trên theo hướng chung, bên dưới có thể dùng 24 cung sơn hướng điều chỉnh.
5. Chuẩn bị trong Quan ngoài Quách theo khả năng của gia đình:
- 1 vuông vải điều
- 20 tờ trang kim
- 50 lít nước Vang ( ngũ vị )
- 50 lít nước sạch
- 2 lít rượu
- 10 khăn mặt mới
- 2 bàn chải to
- 1 bàn chải đánh răng
- 3 chậu to mới
- 50 kg củi
- bạt che gió, mưa, ánh sáng.
6. Nên làm ban đêm, mùa đông đây là thời điểm âm chi trong âm rất phù hợp công việc cải táng.
7. Tuổi Nam kỵ tam hợp, tuổi Nữ kỵ tứ hành xung tránh mặt lúc mở nắp quan tài và khi hạ huyệt.
8. Lễ xin Thần linh trước khi phá nấm, mở nắp, hạ huyệt. Sau khi xong lễ tạ chu đáo, chỗ huyệt mới và cũ đều rắc tiền vàng xuống đáy.
Phong tục cải táng mộ
Nguồn gốc, nguyên do của tục cải táng mồ mả:
1. Theo quan niệm xưa người mất sau ba năm thì cải táng.
2. Khi xưa vì nhà nghèo, khi cha mẹ mất không tiền lo liệu, mua tạm một cỗ ván xấu, đợi xong ba năm thì cải táng, kẻo sợ ván mục nát hại đến thi hài.
3. Chỗ đất mối kiến, nước lụt nên phải cải táng.
4. Nếu thấy chỗ mả vô cớ sụt đất, hoặc cây cối ở trên mả tự nhiên khô héo, hoặc trong nhà có kẻ dâm loạn điên cuồng, hoặc trong nhà đau ốm lủng củng, kiện tụng lôi thôi, thì cho là tại mả nên cải táng.
5. Những người muốn cầu công danh phú quý, nhờ thầy địa lý tìm chỗ cát địa mà cải táng. Lại có người thấy nhà khác phát đạt, đem mả nhà mình táng gần vào chỗ mả nhà đó, để cầu được hưởng dư khí.
Khi nào không được cải táng
Khi cải táng nếu đào mồ mả lên mà thấy một trong những dấu hiệu sau thì lập tức dừng cải táng
1. Đào đất thấy có con rắn vàng thì cho là long xà khí vật.
2. Mở quan tài ra thấy có dây tơ hồng quấn quýt thì cho là đất kết.
3. Đất chỗ đó ấm áp, trong huyệt khô ráo không có nước hay là nước đóng giọt lại như sữa là tốt, hoặc thi hài không tan hết, phải lập tức lấp lại ngay.
4. Mả kết phát hoặc nở to ra, con cháu đang ăn nên làm ra thì tuyệt đối không được cải táng.
Đây là những dấu hiệu cho thấy mả đã kết (rất tốt) không nên cải cát, sang cát nữa mà nên gia cố, xây mộ lên vững chắc to đẹp.
Xem thêm: TÌm hiểu về dấu hiệu mả kết và việc cải táng mộ