Văn hóa thờ cúng Tổ tiên trong ngày Tết của người Huế – huecity.gov.vn
Bàn thờ ngày Tết của một gia đình ở Huế – Ảnh minh họa: Phạm Bá Thịnh
Sau mồng ba Tết lại có mâm cơm dâng cúng tiễn ông bà. Tâm linh là đó. Tâm là niềm tin, linh là linh thiêng. “Tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng, tôn giáo.” Thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tín ngưỡng và nâng tầm lên thành Đạo đã tạo cho con người ta một niềm tin thiêng liêng vào linh hồn ông bà, tổ tiên. Không chỉ người Huế mà mọi người Việt chúng ta vẫn luôn hướng tới một niềm tin rằng ông bà tổ tiên tuy đã mất đi nhưng vẫn sinh hoạt ở một nơi nào đó, linh hồn ông bà tổ tiên như những thần hộ mệnh luôn phù hộ và che chở cho con cháu trong gia đình.
1. Sơ lược về Tết của người Huế
Tết ở Huế được tính từ những ngày đầu tháng Chạp, khi con cháu rủ nhau ra đồng hay về quê làm lễ chạp mả, rước tổ tiên về ăn Tết, và kéo dài cho đến ngày mồng Bảy tháng Giêng khi làm lễ hạ nêu. Huế vốn là kinh đô xưa còn giữ nhiều cổ tục trong việc đón Tết và ăn Tết. Trong đó lễ nghi, cúng kiếng là phần quan trọng nhất, được người Huế duy trì thực hiện rất trang nghiêm, bài bản, với sự kính cẩn, thành tâm. Trước Tết, nhiều nghi lễ cúng kiếng đã được người Huế chuẩn bị và thực hành một các chu đáo với cả tấm lòng thành kính thiêng liêng. Đồng thời với lễ chạp mả là các nghi lễ cúng ông Táo, lễ dựng nêu, lễ cúng tổ nghề và lễ cúng tất niên.
Bàn thờ tổ tiên là nơi tôn nghiêm. Nơi đây thường được quan tâm lau dọn sạch sẽ, từ đỉnh đồng, lư hương, chân nến cho đến mâm đồng, tất cả đều được đánh sáng bóng. Từng bát hương được thay mới bằng cát trắng tinh khiết, tất cả những vật dụng trên bàn thờ đều được sửa soạn tươm tất, ngăn nắp và sạch sẽ trong những ngày giáp Tết, để chuẩn bị đón ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu trong gia đình.
Tuy mỗi vùng miền có khác nhau chút ít trong việc thờ cúng tổ tiên trong ngày Tết, nhưng nét chung nhất trên bàn thờ gia tiên trong ngày Tết nơi nào cũng có: cau trầu rượu, bông, nhang (hương), đèn, vàng bạc, nước lạnh, mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh tét và quà Tết của con cháu. Tết Nguyên đán đối với người Huế vốn được quan niệm là “tống cựu nghênh tân,” là thời điểm bắt đầu cho một chu kỳ mới tiếp theo của một đời người, nên dù gia cảnh có giàu hay nghèo mỗi gia đình người Huế đều giữ cổ tục cúng tất niên và giao thừa vào ngày cuối năm, cúng nguyên đán vào sáng mồng Một, cúng đưa ông bà, tổ tiên vào ngày mồng ba hay mồng bốn Tết.
2. Văn hoá thờ cúng tổ tiên – một nét đẹp văn hoá tâm linh
Trước đây, lễ cúng tất niên của các gia đình người Huế thường diễn ra muộn hơn, thường vào chiều 30 Tết, nhưng bây giờ có lẽ do cuộc sống thuận tiện hơn, việc cúng tất niên thường diễn ra những ngày cuối tháng Chạp, sớm hơn ngày 30 Tết. Mâm cơm cúng tất niên với ý nghĩa tiễn biệt năm cũ và cung thỉnh tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Sau lễ cúng trên bàn thờ, các thành viên trong gia đình hội ngộ với nhau bên mâm cơm chiều cuối năm. Mỹ tục này được người Huế duy trì từ bao đời nay nên dù con cháu có đi làm ăn ở xa thì đến chiều 30 Tết cũng trở về bên gia đình thắp nén hương trên bàn thờ tổ tiên, hồi tưởng công lao của cha mẹ, ông bà, tổ tiên, những người đã khuất và cầu xin tổ tiên phù hộ độ trì cho một năm mới bình an, hạnh phúc, không khí gia đình thật ấm cúng, chính vì vậy ai ai cũng tìm cách đoàn tụ với gia đình trong “bữa cơm đặc biệt” này. Không chỉ đoàn tụ với người sống, họ còn muốn tìm trong khoảnh khắc thiêng liêng này hình ảnh những người thân đã khuất bóng. Từ sau ngày cúng rước đến ngày cúng đưa sau Tết, trên bàn thờ gia tiên luôn được người Huế chăm lo “hương chong đèn rạng,” có đủ loại mứt bánh và các vật phẩm. Đặc biệt vào đúng mỗi bữa ăn, các con cháu phải bày đủ các món ăn trên bàn thờ, xem như tổ tiên, ông bà cùng có mặt và đang ăn Tết cùng với các thành viên trong gia đình. Và trong khoảng thời gian này, hương trầm là vật dụng được người Huế quan tâm lựa chọn những loại tốt nhất, thơm nhất để phục vụ các công việc cúng lễ trong ba ngày Tết.
Vào thời khắc chuyển giao năm mới, trong không gian tĩnh lặng giữa đêm khuya, mỗi gia đình người Huế đều chuẩn bị một bàn lễ trước sân để làm lễ cúng giao thừa, cảm tạ trời đất và những đấng “khuất mặt” trong một năm qua đã luôn phù hộ, ban cho cuộc sống an bình và cầu mong một năm mới an khang như ý. Lễ vật cúng giao thừa được bày biện ở ngoài sân lẫn trong nhà và đều là vật thực chay. Ở Huế đa phần người dân theo đạo Phật nên ngày mồng Một họ cúng chay, ăn chay. Lễ cúng ngoài sân dùng để cúng các quan Hành khiển (coi việc nhân gian) hết năm thì các thần thực hiện việc bàn giao nên cúng tế là để đón ông mới và tiễn đưa chân ông cũ. Trong nhà con cháu thành kính thắp hương trên bàn thờ gia tiên, việc dâng lễ cúng trong nhà diễn ra vào đúng thời điểm chuyển sang năm mới là để cầu xin tổ tiên “phù hộ độ trì” cho con cháu trong gia tộc một năm mới may mắn, an khang. Lễ vật thường là bánh mứt, chè và nước trà.
Sáng mồng một Tết, sau lễ cúng Nguyên đán, gia chủ thắp thêm hương trầm, dâng nước, bánh mứt cúng tổ tiên. Khi mâm cơm cúng đã nấu xong và dâng lên bày vào bàn thờ, ông bà, cha mẹ, con cháu quần áo chỉnh tề vái lạy trước bàn thờ gia tiên gọi là chúc Tết ông bà, những người trẻ có điều kiện thì sẽ đến các nghĩa trang thắp hương trên mộ người thân. Con cháu ở xa có gia đình riêng cũng về thắp hương vái lạy tổ tiên, xin khấn tổ tiên phù hộ độ trì cho năm mới an khang thịnh vượng, sau đó rồi mới thăm viếng người thân. Sinh hoạt gia đình trong những ngày Tết là ngày đoàn viên, diễn ra theo những cổ lễ truyền thống từ bao đời xưa để lại. Các gia đình người Huế vừa đón khách đến thăm chúc Tết, vừa sắp xếp có đại diện đến thăm viếng các nhà thờ họ tộc.
Mồng hai, mồng ba Tết mọi nhà cúng cơm trên bàn thờ tổ tiên đều theo đúng bữa ăn trong gia đình, vì họ tin rằng tổ tiên luôn hiện diện trên bàn thờ và đang cùng ăn Tết với họ. Trong suốt ba ngày Tết, bàn thờ tổ tiên lúc nào cũng nghi ngút khói hương.
Người xưa có câu “Tam nhật chi nội” ám chỉ Tết nhứt chỉ diễn ra trong ba ngày: mồng Một, mồng Hai và mồng Ba. Thông thường người Huế đón Tết đến mồng Ba hoặc mồng Bốn. Vì vậy, ngày cuối các gia đình Huế sẽ có lễ cúng hóa vàng đưa tiễn ông bà tổ tiên về cõi tâm linh. Số vàng mã đã được dâng cúng lên bàn thờ tổ tiên ông bà vào ngày lễ tất niên (30 tháng Chạp) không đốt ngay hôm đó mà để lưu lại trên bàn thờ đến tận ngày lễ hóa vàng mới đem đốt để ông bà tổ tiên về cõi âm tiêu dùng. Trong lễ cúng đưa, gia chủ khấn cảm tạ tổ tiên đã về với con cháu trong ba ngày Tết, cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu trong năm mới được bình yên, làm ăn phát đạt, con cháu thành tài và xin tổ tiên thứ lỗi nếu có điều chi sơ suất. Sau lễ cũng là chấm dứt các hoạt động thờ cúng ngày Tết trong gia đình, mọi sinh hoạt trở lại như thường lệ, nhưng vẫn còn một số gia đình buôn bán còn chọn ngày tốt mới mở hàng. Và dường như, người Huế vẫn còn giữ tục quản tránh không động thổ, xăm xới đất trong vườn trước ngày mồng Bảy hạ nêu theo truyền thống người xưa.
3. Thay lời kết
Qua tìm hiểu về các nghi lễ thờ cúng tổ tiên trong ba ngày Tết, chúng tôi có nhận định rằng hoạt động thờ cúng tổ tiên là hoạt động văn hoá tâm linh và hương trầm chính là sợi dây kết nối tâm linh giữa người còn sống và người đã khuất. Thờ cúng tổ tiên không chỉ là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” còn mang ý nghĩa tâm linh, bởi cùng với đó là việc người ta luôn có niềm tin thiêng liêng vào linh hồn ông bà tổ tiên luôn dõi theo cuộc sống của con cháu, và họ luôn tâm niệm phải cầu xin sự phù hộ độ trì của linh hồn ông bà tổ tiên cho cuộc sống được bình an và hạnh phúc cũng như thành đạt.
Thờ cúng tổ tiên trong ngày Tết trước hết là đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống tinh thần cũng như văn hoá tâm linh của người Huế. Mỗi năm Tết đến ai cũng có những ước nguyện tốt đẹp, những khát khao trong cuộc sống và hy vọng những ước mong ấy thành hiện thực, và niềm tin có sức sống nhất đó là họ tin vào sự phù hộ độ trì của tổ tiên giúp họ đạt được những mong ước đó. Đó là động lực giúp họ phấn chấn bước vào một chu kỳ cuộc sống mới cho một năm mới với sự lạc quan vươn lên trong cuộc sống, hướng tới những giá trị cốt lõi của cái Chân-Thiện-Mỹ.
Ngày Tết con cháu trong gia đình tổ chức lễ cúng cung thỉnh ông bà tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Trong suốt ba ngày Tết con cháu đều thành kính dâng cúng lên bàn thờ tổ tiên một cách chu đáo, hoạt động này đã nhắc nhở con cháu nhớ đến cội nguồn, tổ tiên, ông bà, cha mẹ và giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền đáp ơn nghĩa sinh thành. Chính vào niềm tin thiêng liêng đó đã giúp người sống tốt hơn, cổ tục thờ cúng tổ tiên ngày Tết là một nét đẹp văn hoá tâm linh. Trải qua cùng với sự tồn tại hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam và hàng trăm năm văn hoá cố đô Huế, cổ tục thờ cúng tổ tiên trong ngày Tết còn lại gần như như nguyên vẹn các nghi lễ trong những ngày Tết trong khi đó nhiều giá trị văn hoá đang mất dần đi bởi sự đô thị hoá, hội nhập với những nền văn hoá mới. Tất cả những giá trị văn hoá tâm linh, những tư tưởng hướng về cội nguồn tổ tiên và văn hoá thờ cúng tổ tiên trong ngày Tết đã tạo nên hồn Tết Việt là ý nghĩa quan trọng trong ngày đoàn viên của mỗi người Huế mãi mãi trường tồn với thời gian.