Văn hóa doanh nghiệp là gì? Tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp
Ngày nay, cụm từ văn hóa doanh nghiệp thường xuyên được các phương tiện truyền thông đề cập đến như chìa khóa dẫn đến thành công của một tổ chức. Vậy văn hóa doanh nghiệp là gì? Vai trò của văn hóa doanh nghiệp to lớn đến mức nào mà có thể dẫn dắt cả một tổ chức đi đến thành công? Cùng Gitiho tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay nhé.
Nội Dung Chính
Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Để hiểu được văn hóa doanh nghiệp là gì, trước hết bạn đi từ định nghĩa về ‘văn hóa’. Văn hóa là khái niệm bao hàm mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Tương tự như vậy, văn hóa doanh nghiệp là những giá trị, đạo đức, niềm tin, tầm nhìn và môi trường làm việc của một doanh nghiệp.
Cũng như việc chúng ta khó có thể đưa ra một định nghĩa rõ ràng về ‘văn hóa’, văn hóa doanh nghiệp cũng là một khái niệm khó có thể bóc tách các lớp nghĩa một cách chính xác. Rất nhiều nhận định đã được đưa ra xoay quanh câu hỏi ‘Văn hóa doanh nghiệp là gì?’:
- “Văn hóa doanh nghiệp là nước trong một bể cá”. – Ranjan De Silva, Cố vấn doanh nghiệp Sensei International
- “Văn hóa là hàng ngàn thứ nhỏ nhặt nói lên giá trị cốt lõi của doanh nghiệp”. – Brian Chesky, CEO Airbnb
- “Văn hóa doanh nghiệp là sản phẩm đúc kết từ giá trị, kỳ vọng và môi trường của doanh nghiệp”. – Courtney Chapman, quản lý sản phẩm Rubicon Project
- “Văn hoá doanh nghiệp là lợi thế cạnh tranh bền vững duy nhất mà một doanh nhân có thể kiểm soát”. – David Cummings, đồng sáng lập Pardot
Bất kể văn hóa doanh nghiệp được hiểu như thế nào, nó cũng là thứ khiến cho một doanh nghiệp trở nên độc nhất, và nó có tầm ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ, từ hình ảnh doanh nghiệp trong mắt công chúng cho đến sự gắn kết của nhân viên.
Xem thêm: 4 công cụ truyền thông nội bộ phổ biến doanh nghiệp nên có
Các loại văn hóa doanh nghiệp
Dựa vào mô hình văn hóa nổi tiếng của Kim Cameron và Robert Quinn, có 4 loại văn hóa doanh nghiệp phổ biến như sau:
- Văn hóa gia đình – Sở hữu môi trường làm việc thân thiện với tính hợp tác cao giống như một gia đình lớn nơi các trưởng phòng, quản lý đóng vai trò như những người anh chị. Văn hóa gia đình đề cao giá trị của con người và sự kết nối giữa các thành viên trong tổ chức.
- Văn hóa sáng tạo – Sở hữu môi trường làm việc năng động và sáng tạo, nơi mọi nhân viên đều là những người ưu đổi mới và mạo hiểm. Giá trị cốt lõi của văn hóa sáng tạo là sự thay đổi và nhanh nhạy. Văn hóa sáng tạo đề cao sự tự do và tự chủ của mỗi cá nhân.
- Văn hóa thị trường – Sở hữu môi trường làm việc cạnh tranh, nơi nhân viên tập trung vào chất lượng đầu ra và thành tích công việc. Văn hóa sáng tạo đề cao sự phát triển và chiến thắng.
- Văn hóa thứ bậc – Sở hữu môi trường làm việc có tổ chức, nơi nhân viên có trách nhiệm tuân thủ theo sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo có quyền hạn cao hơn. Văn hóa thứ bậc đề cao sự thống nhất và ổn định, tập trung vào phát triển dài hạn.
Xem thêm: 6 điều quan trọng khi xây dựng kế hoạch đào tạo nhân viên
Các yếu tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp
Điều gì khiến cho một doanh nghiệp trở nên khác biệt với các doanh nghiệp khác trên thị trường? Dưới đây là một số yếu tố tách biệt các công ty khi nhắc đến văn hóa doanh nghiệp mà họ xây dựng và theo đuổi.
Giá trị của doanh nghiệp
Tại trung tâm của văn hóa doanh nghiệp luôn luôn là các giá trị chung. Không có một giá trị nào đúng hay sai, tuy nhiên doanh nghiệp sẽ phải quyết định đâu mới là giá trị họ đặt lên hàng đầu. Đó có thể là một trong các giá trị phổ biến đối với các doanh nghiệp dưới đây:
- Hướng đến kết quả – Đề cao kết quả và thành tích
- Hướng đến con người – Đề cao sự công bằng, bao dung và tôn trọng dành cho từng cá nhân trong tổ chức
- Hướng đến đội nhóm – Đề cao sự hợp tác giữa các cá nhân trong tổ chức
- Chú ý tiểu tiết – Đề cao sự chính xác và tư duy phân tích đối với các vấn đề xảy ra trong và ngoài tổ chức
- Vững chắc – Đề cao sự an toàn và một lộ trình đã được đảm bảo
- Đổi mới – Đề cao sự thử nghiệm và mạo hiểm
- Cạnh tranh – Đề cao một môi trường mang tính cạnh tranh
Hệ thống cấp bậc
Hệ thống cấp bậc trong doanh nghiệp nói lên cách quyền lực được phân phối trong nội bộ doanh nghiệp. Một hệ thống từ 3 cấp cấp bậc trở lên được coi là “cao” (tall hierarchy). Một hệ thống gồm 3 cấp bậc đồng nghĩa với việc tổ chức có một cấu trúc quyền lực rành mạch, rõ ràng và công việc được phân phối từ các cấp cao đến các cấp thấp hơn. Ngược lại, một hệ thống ít hơn 3 cấp bậc được gọi là “thấp” (flat hierarchy). Do có ít cấp bậc, việc giao tiếp và đưa ra quyết định trong nội bộ doanh nghiệp được cho là đạt hiệu quả cao hơn so với hệ thống cấp bậc “cao”.
Sự thôi thúc đổi mới
Một số doanh nghiệp đặt sự đổi mới như kim chỉ nam cho sự phát triển lâu dài, còn một số doanh nghiệp chỉ được thôi thúc đổi mới khi có sự tác động của thị trường. Nếu như doanh nghiệp có mức độ thôi thúc đổi mới cao, họ sẽ có xu hướng bắt kịp nhanh với một thị trường đầy biến động như hiện này, thậm chí một vài doanh nghiệp có thể vươn lên dẫn đầu thị trường. Ngược lại, một doanh nghiệp có mức độ thôi thúc đổi mới thấp sở hữu môi trường ổn định, bền vững và đề cao chất lượng hơn.
Sự định hướng đến con người hoặc nghiệp vụ
Một doanh nghiệp hướng đến con người có xu hướng đặt nhân sự làm ưu tiên hàng đầu khi đưa ra các quyết định. Ngoài ra, họ cũng cho rằng nhân sự là yếu tố cốt lõi thúc đẩy hoạt động và hiệu suất của doanh nghiệp. Mặt khác, một doanh nghiệp tập trung vào nghiệp vụ sẽ dựa vào quy trình, công việc để đưa ra quyết định, và họ cho rằng nghiệp vụ tốt sẽ là chìa khóa đưa doanh nghiệp đến thành công.
Sự định hướng đến các phòng ban
Mọi doanh nghiệp đều chú trọng đến một số phòng ban nhất định, ví dụ như một doanh nghiệp công nghệ sẽ đầu tư nhiều cho bộ phận R&D, hay một khách sạn sẽ tập trung vào bộ phận vận hành hoặc dịch vụ, tùy thuộc vào lịch sử của doanh nghiệp và định vị của họ trên thị trường.
Các văn hóa phụ trong doanh nghiệp
Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể sở hữu các văn hóa phụ bổ trợ cho văn hóa doanh nghiệp. Các văn hóa phụ này thường tồn tại trong các nhóm nhỏ. Mặc dù chúng không nhất định phải là yếu tố được đón nhận bởi toàn bộ doanh nghiệp, các văn hóa phụ có thể giúp tôn vinh các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Mặt khác, chúng cũng có thể gây ra các hậu quả phiền phức đối với văn hóa doanh nghiệp.
Vai trò của văn hóa doanh nghiệp
Giữ chân nhân sự
Văn hóa doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò thu hút nhân tài có cùng “tần số” với doanh nghiệp, mà còn giữ chân họ ở lại lâu dài và đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp. Phụ thuộc vào môi trường làm việc mà nhân sự trong doanh nghiệp sẽ cảm thấy hài lòng và muốn gắn bó, hoặc ghét bỏ và muốn rời đi.
Tạo dựng hình ảnh thương hiệu
Văn hóa doanh nghiệp chính là lời tuyên bố đanh thép nhất về thương hiệu của doanh nghiệp trong mắt công chúng và giới truyền thông, bởi nó nói lên rất nhiều điều về cách doanh nghiệp đối xử và liên kết với khách hàng của mình. Một doanh nghiệp sở hữu văn hóa tốt sẽ thúc đẩy mối quan hệ tích cực và tôn trọng với khách hàng và các nhà đầu tư.
Tăng cường hiệu suất
Đặc điểm này được thể hiện rõ nhất qua vai trò của văn hóa doanh nghiệp thị trường – tập trung vào hoàn thành công việc và tối ưu thành quả. Với những doanh nghiệp theo đuổi văn hóa này, nhân sự sẽ hướng đến kết quả và nỗ lực đưa doanh nghiệp đến gần hơn với mục tiêu phát triển. Sự lãnh đạo cũng đóng một vai trò quan trọng thúc đẩy và điều hướng nhân viên trong quá trình này. Kết quả cuối cùng sẽ nằm ở sự phát triển trong cả thị phần và doanh thu của doanh nghiệp.
Cải thiện chất lượng
Nếu như một doanh nghiệp hướng đến sự đổi mới và tiên tiến, nhân sự của doanh nghiệp sẽ luôn cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để đặt ra tiêu chuẩn cao hơn trong thang đo sự hài lòng của khách hàng. Điều này cũng sẽ góp phần tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp gắn liền với sản phẩm chất lượng cao. Điều này được thể hiện rõ thông qua vai trò của văn hóa doanh nghiệp sáng tạo.
Xem thêm: Tính cách thương hiệu là gì? Những điều bạn cần biết về tính cách thương hiệu
Nâng cao hạnh phúc của nhân viên
Một doanh nghiệp hướng đến con người thường có chỉ số hạnh phúc nhân viên (employee well-being) cao. Điều này được lý giải bởi môi trường làm việc thân thiện, các chế độ phúc lợi tốt, chương trình đào tạo tiên tiến,… Đây chính là điểm khác biệt tạo nên những công ty hàng đầu trên thế giới hiện nay.
Xem thêm: Cách đo lường và đánh giá hiệu quả đào tạo trong doanh nghiệp
Tổng kết
Đến đây, hy vọng bạn đã nắm được khái niệm văn hóa doanh nghiệp và vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong một tổ chức. Đây sẽ là kiến thức quan trọng để bạn lên kế hoạch trước khi bắt tay vào xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp của mình. Hãy ghi nhớ rằng văn hóa doanh nghiệp phải bắt nguồn từ các giá trị cốt lõi của tổ chức, và không có văn hóa nào đúng hay sai.
Gitiho xin cảm ơn và chúc bạn thành công!