Văn hóa doanh nghiệp là gì? Nguyên tắc xây dựng VHDN thành công
Văn hóa doanh nghiệp được xem là một trong những yếu tố không thể thiếu của một doanh nghiệp để tồn tại và phát triển về mọi mặt. Vậy trên thực tế, văn hóa doanh nghiệp là gì và đâu là những yếu tố quan trọng để tạo nên văn hóa doanh nghiệp thành công? Hãy cùng Sapo.vn tìm hiểu ngay trong những chia sẻ dưới đây.
Nội Dung Chính
1. Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Khái niệm văn hóa doanh nghiệp được hiểu là những giá trị mà tất cả mọi người trong một doanh nghiệp đều cùng công nhận, suy nghĩ, nói và hành động như một thói quen. Tương tự như đời sống tinh thần và tính cách của một con người.
Văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo nên sự khác biệt của doanh nghiệp đó so với những doanh nghiệp khác. Do đó, để có thể tạo nên sự khác biệt này, doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa dựa trên các yếu tố chính như định hướng, chiến lược của công ty, giá trị mà công ty đang có.
Văn hóa doanh nghiệp là văn hóa của một tổ chức, nó không đơn thuần là văn hóa giao tiếp hay văn hóa kinh doanh như các cách nghĩ thông thường. Nó đóng vai trò như một yếu tố giúp tác động, điều chỉnh các hoạt động thường nhật, phối hợp giữa các cá nhân, bộ phận cho đến việc hoạch định cơ cấu tổ chức, lựa chọn chiến lược hoạt động của mỗi doanh nghiệp.
Bạn có thể hiểu rõ hơn về Văn hóa doanh nghiệp qua một số ví dụ từ các tập đoàn, công ty lớn như:
- Google: Chú trọng tới các chính sách cho nhân viên, tạo sự thoải mái cho nhân viên khi làm việc. Bên cạnh đó, luôn cải tiến văn hoá doanh nghiệp để phù hợp với sự nâng tầm về cả quy mô và chất lượng của đội ngũ nhân viên.
- Facebook: Tự do, bình đẳng và không có khoảng cách cấp bậc trong văn hóa làm việc. Hình thức làm việc theo nhóm sẽ được ưu tiên, tạo điều kiện để mọi người giao tiếp mở với nhau.
2. Tại sao phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp?
2.1 Giúp đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng
Các chuyên gia nhân sự cho rằng, văn hóa công ty phát triển sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút các ứng viên tiềm năng. Bởi trên thực tế, một công ty có văn hóa tích cực sẽ làm hài lòng của nhân viên cũ và nhân viên hiện tại, giúp công ty có danh tiếng tốt. Đây là nền tảng cho một lợi thế cạnh tranh lớn.
2.2 Tăng tính gắn bó của nhân viên
Một nền văn hóa doanh nghiệp tốt sẽ giúp tăng khả năng giữ chân nhân viên bởi họ sẽ hiểu được sự hài lòng của nhân viên nằm ở đâu. Từ đó có những chính sách chăm lo hay những phần thưởng để nhân viên cảm thấy được tôn trọng, tận tụy và cống hiến với công việc chung của công ty.
2.3 Nâng cao đời sống tinh thần cho nhân viên
Văn hóa doanh nghiệp giúp nhân viên có thể hiểu rõ được mục tiêu, định hướng cũng như bản chất của công việc mình đang làm. Điều này sẽ tạo ra mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa các nhân viên với nhau cũng như một môi trường làm việc thoải mái, lành mạnh hơn. Bởi trên thực tế, bên cạnh mức lương, môi trường sẽ là yếu tố giúp nhân viên quyết định xem họ có ở lại hay lựa chọn môi trường đó hay không.
Xem thêm: 7 tuyệt chiêu khích lệ tinh thần nhân viên
2.4 Tăng tính thấu hiểu
Một văn hóa tích cực sẽ giúp làm giảm căng thẳng nơi làm việc, tìm ra được tiếng nói chung giữa mọi người. Từ đó tăng sự gắn kết và thấu hiểu giữa nhân viên với nhân viên, nhân viên với công ty bằng cách tìm ra sự thống nhất về cách hiểu vấn đề, đánh giá cũng như lựa chọn định hướng hành động.
2.5 Đảm bảo khả năng kiểm soát
Văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp điều phối và kiểm soát toàn bộ hành vi cá nhân bằng những chuẩn mực, thủ tục, quy trình và quy tắc. Điều này sẽ giúp công ty khi phải đưa ra quyết định sẽ thu hẹp được phạm vi lựa chọn.
3. Các bước để xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Bước 1: Đánh giá tình hình của doanh nghiệp
Đối với một doanh nghiệp trong bước đầu tạo nên văn hóa doanh nghiệp hay sắp xếp lại đều cần phải thực hiện hoạt động đánh giá lại. Có rất nhiều cách để đánh giá văn hóa doanh nghiệp hiện tại như lấy khảo sát từ nhân viên hoặc đơn giản là quan sát tình hình thực tế ở doanh nghiệp. Có một số dấu hiệu mà bạn có thể nhận biết sớm để kịp thời cải thiện như:
- Thường xuyên tuyển dụng: Tùy vào quy mô hay mô hình kinh doanh mà yếu tố này có thể đáng lo ngại hoặc không. Nếu nó đến từ việc nhân viên thường xuyên nghỉ do không hài lòng và tỷ lệ gắn bó không cao thì doanh nghiệp cần phải đánh giá và xem xét lại.
- Nhiều thói quen xấu: Có những thói quen thường không nên có ở môi trường doanh nghiệp, khiến nó ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả công việc hay môi trường làm việc của các nhân viên khác như kỷ luật kém, thường xuyên đi trễ, thường xuyên trễ deadline,…
- Ít sự công nhận và khen thưởng nhưng lại có nhiều biện pháp kỷ luật: Nhiều doanh nghiệp cho rằng điều này sẽ giúp thiết chặt hơn kỷ luật nhưng trên thực tế điều này lại khiến nhân viên cảm thấy những nỗ lực của mình không được công nhận.
Bước 2: Xác định những mong muốn về văn hóa doanh nghiệp
Mọi kế hoạch đều cần được lên từ một mục tiêu rõ ràng. Hãy vạch ra mục tiêu của bạn khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp, từ thế mạnh đến những đặc trưng riêng. Khi doanh nghiệp phát triển dựa trên những nguồn lực sẵn có, nhà lãnh đạo sẽ biết được mình cần phải làm gì để mọi thứ tốt hơn.
Bước 3: Xác định yếu tố làm nên văn hóa doanh nghiệp
Những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là thứ cần được coi trọng trong văn hóa doanh nghiệp. Bạn có thể trả lời một số câu hỏi để có thể xác định được chính xác giá trị cốt lõi của doanh nghiệp như:
- Sứ mệnh, mục tiêu dài hạn và tầm nhìn của doanh nghiệp
- Bạn muốn công ty mình được biết đến theo cách nào?
- Mục tiêu văn hóa hướng đến
- Mục tiêu kinh doanh có phù hợp với giá trị của nhân viên?
Bước 4: Thu hẹp khoảng cách giữa văn hóa doanh nghiệp hiện tại và hình mẫu lý tưởng
Khi xác định được mục tiêu và thực tế văn hóa doanh nghiệp mình, chủ doanh nghiệp cần thu hẹp khoảng cách giữa chúng và bắt đầu lên kế hoạch để thực hiện một cách tốt nhất. Khoảng cách sẽ được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí: Phong cách làm việc, ra quyết định, giao tiếp, đối xử.
Doanh nghiệp cần xác định rõ những thứ cần ưu tiên, tập trung nguồn lực hay trách nhiệm của từng người, từng bộ phận cụ thể.
Bước 5: Triển khai
Văn hóa doanh nghiệp nên được thực hiện và chịu trách nhiệm quản lý bởi một nhóm gồm nhiều bộ phận để nắm bắt được toàn bộ thông tin và tình hình hiện tại của doanh nghiệp. Thông thường phần lớn quyền hạn sẽ nằm ở bộ phận nhân sự và truyền thông nội bộ.
Sau khi những quy định, quy chế hay quy chuẩn được ban hành, hãy cố gắng truyền thông rộng rãi tất cả những thông điệp trên bằng các buổi trò chuyện như một cách trao đổi về giá trị văn hóa công ty. Hãy đặt mình vào vị trí của nhân viên để có thể nhận biết được vấn đề và cách mà họ muốn tiếp nhận.
Phát triển văn hóa cũng cần được duy trì lâu dài. Hãy bắt đầu từ việc đưa nó vào những hoạt động hàng ngày như khi có nhân viên mới, khi phát triển sản phẩm hay khi truyền thông thương hiệu ra bên ngoài,…Điều này không chỉ giúp nhân viên hiểu rõ mà còn giúp khẳng định thương hiệu của bạn trên thị trường như một nét riêng.
Đảm bảo việc thiết lập hệ thống thưởng phạt phù hợp với văn hóa doanh nghiệp để đảm bảo về cả mặt phát triển con người và phát triển kinh doanh.
Bước 6: Đo lường
Mọi mục tiêu đều cần được đo lường và đánh giá cẩn thận, văn hóa doanh nghiệp cũng vậy. Việc thường xuyên tham khảo ý kiến và đưa ra đánh giá một cách khách quan sẽ giúp chủ doanh nghiệp đảm bảo khả năng kịp thời giải quyết những vấn đề tồn đọng và xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh.
Trên đây là những yếu tố quan trọng về khái niệm văn hóa doanh nghiệp cũng như những điều mà mọi doanh nghiệp đều nên làm để phát triển văn hóa doanh nghiệp hiệu quả nhất.
Xem thêm: 5 ý tưởng cải thiện văn hóa công ty hiệu quả