Văn bản thuyết minh là gì? Yêu cầu khi làm văn bản thuyết minh

Văn bản thuyết minh là loại văn bản được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày. Vậy, văn bản thuyết minh là gì? Phương pháp làm văn bản thuyết minh thế nào?

1. Thuyết minh là gì? Văn bản thuyết minh là gì?

1. Thuyết minh là gì? Văn bản thuyết minh là gì?

1.1 Thế nào là thuyết minh?

Theo từ điển Hán – Việt của tác giả Phan Văn Các giải thích thuyết minh có nghĩa là nói rõ, giải thích, giới thiệu về một vấn đề, sự vật, sự việc, hiện tượng nào đó trong cuộc sống.

Ngoài ra, thuyết minh còn có nghĩa là hướng dẫn cách dùng. Thông thường, thuyết minh sẽ có hai dạng chính là văn nói và văn viết.

Trong đó, ở dạng nói thì thuyết minh dùng để giải thích các vấn đề đã nêu ra một cách trực tiếp, gần gửi bằng lời nói. Việc thuyết minh có thể sử dụng lời thoại dịch các loại ngôn ngữ khác để người xem có thể hiểu được nội dung của sự việc.

Về dạng viết, thuyết minh được thể hiện qua văn bản thuyết minh, có thể lưu lại và sử dụng nhiều lần. Đồng thời, văn bản thuyết minh cũng là loại văn bản được sử dụng phổ biến trong mọi lĩnh vực.

1.2 Văn bản thuyết minh là gì?

Văn bản thuyết minh là loại văn bản thường gặp trong mọi lĩnh vực của đời sống có chức năng cung cấp các tri thức về tính chất, đặc điểm, nguyên nhân… của các sự vật, sự việc, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội bằng cách trình bày, giới thiệu, giải thích.

Khác với các loại văn bản khác như tự sự, miêu tả,… văn bản thuyết minh không nhằm để tái hiện, kể chuyện, biểu lộ tình cảm hay nghị luận mà nhằm cung cấp tri thức về các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và trong xã hội một cách khách quan, chân thực, không đan xen các yếu tố tưởng tượng hay thêm bớt, nói quá.

Văn thuyết minh thường được dùng trong một số trường hợp như:

– Thuyết minh về một món ăn, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử;

– Thuyết minh về một nhân vật lịch sử;

– Thuyết minh về các sự vật trong tự nhiên….

van ban thuyet minh la giVăn bản thuyết minh là loại văn bản được sử dụng phổ biến trong đời sống (Ảnh minh họa)

2. Đặc điểm và tính chất của văn bản thuyết minh thế nào?

Ngoài việc tìm hiểu văn bản thuyết minh là gì, cần hiểu rõ những đặc điểm của văn bản thuyết minh để phân biệt với các loại văn bản khác, đồng thời sử dụng loại văn bản này một cách phù hợp. Theo đó, văn bản thuyết minh mang những đặc điểm sau:

– Là loại văn bản được lựa chọn và sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày, nói cách khác, văn bản thuyết minh là loại văng bản mang tính thông dụng. Vì vậy, văn bản thuyết minh đã cung cấp cho người đọc những kiến thức khách quan về những vấn đề, sự việc, hiện tượng trong đời sống xã hội.

– Văn bản thuyết minh có phạm vi sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày.

– Văn thuyết minh đòi hỏi tính chính xác và khách quan, do đó toàn bộ kiến thức được trình bày trong văn thuyết minh sẽ không xuất phát từ ý kiến chủ quan của con người.

Điều này đòi hỏi người viết cần tìm hiểu về sự vật, hiện tượng đó trước khi trình bày. Kết quả đạt được của văn bản thuyết minh đó chính là việc đem lại kiến thức bổ ích cho người nghe như dạng trang bị thêm thông tin.

– Ngôn ngữ diễn đạt trong văn bản thuyết minh cô đọng, dễ hiểu, rõ ràng, chính xác và lịch sự, không trình bày dài dòng, mơ hồ hay sử dụng các từ ngữ, nội dung trừu tượng trong thể loại này.

3. Có những phương pháp thuyết minh nào?

Để có thể viết một văn bản thuyết minh, cần nắm rõ các phương pháp thuyết minh. Theo đó, người viết có thể sử dụng một trong các phương pháp dưới đây để viết văn bản thuyết minh hoặc kết hợp các phương pháp này với nhau để văn bản thuyết mình thêm sinh động hơn:

3.1 Phương pháp thuyết minh định nghĩa, giải thích

Với phương pháp này, người viết sẽ nêu định nghĩa, giải thích về một sự vật, sự việc, hiện tượng hay một khái niệm nào đó.

Ví dụ, nêu định nghĩa về tội phạm, căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 định nhĩa về tội phạm như sau:

1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

3.2 Phương pháp liệt kê

Với phương pháp liệt kê, người viết sẽ liệt kê các mặt, hoặc các phần, các tính chất hay các phương diện… của đối tượng theo một trình tự nhất định. Điều này giúp cung cấp cho người đọc có được cái nhìn toàn cảnh về đối tượng một cách khách quan nhất.

Ví dụ, có thể sử dụng phương pháp liệt kê để nói về các loại tội phạm. Theo đó, tội phạm được phân thành 04 loại: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3.3 Phương pháp nêu ví dụ

Đây là phương pháp giúp đưa ra những ví dụ thực tiễn và sinh động, giúp người đọc có được một cách nhìn chính xác và cụ thể hơn về đối tượng được thuyết minh, đồng thời cũng có tác dụng thuyết phục cao, làm cho người đọc tin cậy.

3.4 Phương pháp so sánh

Phương pháp so sánh dùng để nhấn manh và làm nổi bật về sự vật, hiện tượng, người viết có thể so sánh hiện tượng này với những hiện tượng khác có nét tương đồng.

Việc sử dụng phương pháp so sánh sẽ giúp người đọc dễ hình dung về vấn đề thuyết minh. Ngoài ra, giúp người đọc có được cái nhìn khái quát hơn về vấn đề.

3.5 Phương pháp phân loại, phân tích

Phương pháp này bản chất chính là việc phân loại hay chia ra từng phần theo những đặc điểm của đối tượng thuyết minh. Phương pháp phân loại hay phân tích có ưu điểm là giúp người đọc hiểu cụ thể, chi tiết hơn về vấn đề được thuyết minh.

3.6 Phương pháp dùng số liệu

Đây là phương pháp được sử dụng khá phổ biến khi viết văn bản thuyết minh. Phương pháp nêu con số (số liệu) có tác dụng giúp làm cụ thể và sáng tỏ vấn đề đồng thời có sức thuyết phục nhất về đặc điểm cũng như vai trò nào đó của đối tượng.

Ví dụ, khi nói về tình trạng tội phạm ma túy, để tăng độ tin cậy và tính thuyết phục, người viết cần đưa ra các số liệu cụ thể, chính xác về tình trạng tội phạm ma túy. Các số liệu này có thể được thu thập ở nhiều nguồn khác nhau nhưng cần lưu ý các nguồn thông tin này phải uy tín và chính xác.

Khi thuyết minh một sự vật, sự việc, đối tượng, thường sử dụng đan xen kết hợp nhiều phương pháp thuyết minh khác nhau nhằm thoả mãn các yêu cầu trình bày hoặc giới thiệu, giải thích.

van ban thuyet minh la giCó thể sử dụng kết hợp nhiều phương pháp thuyết minh (Ảnh minh họa)

4. Các yếu tố xen kẽ trong văn thuyết minh

Để một văn bản thuyết minh trở nên hấp dẫn hơn, người viết có thể dụng dụng xen kẽ nhiều yếu tố, thể loại văn bản khác nhau.

4.1 Sử dụng kết hợp các biện pháp tu từ

Với mục đích giúp văn bản thuyết minh được sinh động, cụ thể và hấp dẫn hơn, ta có thể thêm một số biện pháp tu từ trong văn bản, điển hình như ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, so sánh…. Theo đó, các biện pháp này khi được kết hợp sẽ giúp người đọc cảm thụ tốt về đối tượng thuyết minh, giúp văn bản thuyết minh không bị khô khan, nhàm chán.

4.2 Yếu tố miêu tả trong văn thuyết minh

Miêu tả là tái hiện sự vật, làm cho sự vật hiện lên sinh động với những chi tiết về hình dáng, kích thước, khối lượng, màu sắc, âm thanh… như nó vốn có trong cuộc sống để người đọc (người nghe) có thể hình dung được một cách cụ thể, sinh động.

Biện pháp miêu tả được sử dụng trong văn bản thuyết minh giúp hiện tượng, sự vật trở nên chân thực, rõ nét và khách quan hơn. Với sắc tố, đường nét, âm thanh hay mùi vị từ miêu tả mà giúp người đọc hoàn toàn có thể cảm nhận được rõ nét và chân thực hơn.

5. Chi tiết cách viết một văn bản thuyết minh

5.1 Tìm hiểu bố cục tổng quan

Kết cấu của văn bản thuyết minh được giải thích hầu hết là tương tự như nhau. Hình thức kết cấu của văn bản thuyết minh phải phù hợp với mối liên hệ bên trong của đối tượng, với môi trường xung quanh và có quá trình nhận thức của con người. Văn bản thuyết minh có các hình thức kết cấu sau:

– Kết cấu theo thời gian;

– Kết cấu theo không gian;

– Kết cấu theo trật tự logic của đối tượng thuyết minh và nhận thức của người đọc;

– Kết cấu hỗn hợp.

Việc sắp xếp ý trong bài văn thuyết minh là việc rất quan trọng. Đối tượng thuyết minh rất đa dạng, vì thế việc sắp xếp ý cũng đa dạng. Khi sắp xếp ý, cần lưu ý dựa vào từng dạng bài thuyết minh để có cách sắp xếp ý cho phù hợp. Một số cách sắp xếp ý cơ bản như sau:

+ Sắp xếp ý theo trình tự: Đặc điểm – cấu tạo – công dụng. Cách sắp xếp ý này phù hợp với văn bản thuyết minh về đồ vật.

+ Sắp xếp ý theo trình tự: Đặc điểm – cấu tạo – sự xuất hiện và các giai đoạn phát triển trong lịch sử. Cách sắp xếp này phù hợp với kiểu bài thuyết minh các đối tượng gắn với truyền thống văn hoá của dân tộc.

+ Sắp xếp ý theo trình tự: Đặc điểm không gian (bên trái, bên phải, đằng trước, đằng sau ). Cách sắp xếp ý này phù hợp với kiểu bài thuyết minh về danh lam thắng cảnh.

+ Sắp xếp ý theo trình tự các công việc: Nguyên liệu – cách chế biến – yêu cầu về thành phẩm. Cách này thường áp dụng với các trường hợp giới thiệu về phương pháp, cách làm.

5.2 Yêu cầu khi viết văn bản thuyết minh

Khi soạn văn bản thuyết ninh, người viết cần phải chú ý một số yêu cầu sau:

– Khi bắt đầu viết văn bản thuyết minh về một vấn đề, hiện tượng nào đó trong đời sống, người viết trước hết phải quan sát sự vật, hiện trượng đó để tìm hiểu về tính chất, đặc điểm của chúng;

– Người viết cần nắm chắc những đặc điểm và tính chất của sự vật, hiện tượng cần được thuyết minh;

– Trong quá trình viết, người viết cần làm nổi bật các đặc điểm chính của sự vật, hiện tượng cần thuyết minh sao cho việc truyền tải thông tin đến người đọc một cách nhanh chóng và dễ hiểu nhất.

– Văn bản thuyết minh cần được phản ánh một cách trung thực, khách quan và chính xác về các sư vật, hiện tượng,… thuyết minh.

5.3 Các bước viết văn bản thuyết minh

Bước 01: Xác định đối tượng thuyết minh

Ở bước này, người viết cần:

– Sưu tầm, ghi chép và lựa chọn các tư liệu cho bài viết.

– Lựa chọn phương pháp thuyết minh phù hợp.

– Sử dụng ngôn từ chính xác, dễ hiểu để thuyết minh làm nổi bật các đặc điểm cơ bản của đối tượng.

Bước 02: Lập dàn ý chi tiết

Bước 3: Viết bài văn thuyết minh hoàn chỉnh

Trong đó, tương tự như các loại văn bản khác, khi viết văn bản thuyết minh cũng chia thành 03 phần gồm:

+ Mở bài: Giới thiệu về đối tượng thuyết minh.

+ Thân bài: Trình bày cấu tạo, đặc điểm, lợi ích, cách sử dụng… của đối tượng cụ thể.

+ Kết bài: Trình bày thái độ với đối tượng.

Trên đây là giải đáp về Văn bản thuyết minh là gì? Nếu còn vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.