Vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Nông nghiệp là kế sinh nhai và giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn, là nền tảng cho phát triển kinh tế, xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề để công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ một nước nông nghiệp. 

Cùng với đó, nông nghiệp, nông dân cung cấp lương thực, thực phẩm với nhu cầu số lượng và chất lượng ngày càng tăng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và sản phẩm đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp, như dệt may, hóa chất… Nông nghiệp là nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào giúp duy trì chi phí nhân công thấp, tạo lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa. Góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh quốc phòng, nông nghiệp đang trở thành “trụ đỡ”, là “cứu cánh” cho nền kinh tế trong những năm kinh tế thế giới khủng hoảng, giữ vững tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần ổn định chính trị – xã hội. 

Khu vực nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển và năng động, với dân số đông và nhu cầu cơ giới hóa, hiện đại hóa ngày càng nhiều sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hóa đa dạng về chủng loại, số lượng, chất lượng của các ngành công nghiệp, dịch vụ, như máy móc, thiết bị cơ điện nông nghiệp, máy cấy, máy gặt, đập… Tính toán từ bảng cân đối liên ngành cho thấy nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản có độ lan tỏa cao nhất và có xu hướng tăng. Điều này có nghĩa là tăng trưởng ngành nông nghiệp giúp kéo theo tăng trưởng chung mạnh nhất do sử dụng nhiều lao động và đầu vào từ các ngành khác. 

Nông nghiệp còn đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn từ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và là lĩnh vực có thặng dư thương mại cao và ổn định, góp phần giảm nhập siêu cho Việt Nam. Nông sản Việt Nam đang vươn mạnh ra thế giới và có mặt trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hội nhập quốc tế thông qua hình ảnh một Việt Nam ổn định, an ninh lương thực và có trách nhiệm với thế giới, từ đó tạo thế và lực trên trường quốc tế. 

Nông nghiệp góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái, giảm nhẹ thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Lĩnh vực lâm nghiệp đóng góp đáng kể trong giảm phát thải khí nhà kính. Việc xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng các giải pháp công nghệ tiên tiến vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa giúp tạo nguồn năng lượng thay thế.

Chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ đó tạo thêm nhiều động lực để thực hiện thắng lợi khâu đột phá do Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết số 16 ngày 22-5-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 – 2025.