Vai trò của tưởng tượng trong kiến trúc

Có lần trên một đề mục quảng cáo tôi đã đọc được dòng chữ này: “Bạn có muốn trở thành một lập trình viên tin học không, không cần biết kĩ thuật – bạn chỉ cần một ý tưởng?” Câu nói này dù có phần phóng đại, song đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh và khiến tôi liên tưởng đến một câu nói khác mà các thầy giáo kiến trúc cũng thường hay nói với sinh viên trong giờ học thiết kế: “Trong sáng tác vấn đề chính là anh phải có ý tưởng.”

Vai trò của tưởng tượng trong kiến trúc

Sau này tôi cũng được biết ở những xưởng sáng tác kiến trúc lớn của nước ngoài có một số kiến trúc sư – hạt nhân chỉ làm duy nhất một công việc đó là cung cấp các ý tưởng còn phần việc triển khai kĩ thuật đã có người khác lo. Ngẫm lại tất cả những điều này mới thấy hình như trong chính bản thân mình và ngay chính trong nền kiến trúc của chúng ta bấy lâu nay rất vắng bóng những ý tưởng nghề nghiệp hay mà theo tôi một trong những nguyên nhân căn bản bắt nguồn từ trí tưởng tượng của người sáng tác còn quá nghèo nàn. Một điều dễ nhận thấy, ở thời đại công nghệ cao này cái khó là ý tưởng sáng tạo chứ không phải là kĩ thuật thực hiện. Trong sáng tác kiến trúc, kiến trúc sư càng cần phải có một trí tưởng tượng phong phú vì anh ta với tư cách là một nghệ sĩ thì – cũng như những nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác – phải có thiên chức mang lại cho mọi người những cảm xúc, khoái cảm thẩm mĩ.

Có thể mạnh dạn nói ngay rằng tưởng tượng đóng vai trò gần như quyết định trong sáng tác kiến trúc và cảm thụ nghệ thuật kiến trúc. Tác phẩm kiến trúc thành công bất kì đều là sản phẩm mang đậm dấu ấn của một trí tưởng tượng phong phú và chính nó sẽ làm nảy sinh trí tưởng tượng nơi người thưởng thức. Chính hành vi tưởng tượng này làm cho công trình kiến trúc cứ mới mãi mỗi lần ta tiếp xúc. Khi đến với cái hình ảnh siêu thực của nhà hát kịch opera Sydney của kiến trúc sư Jorn Utzon ta không thể không liên tưởng đến những chiếc lá của một cây xương rồng mọc khắp trên đất Úc, những chú rùa nối đuôi nhau, những cánh chim hải âu hay những cánh buồm no gió đại dương trên vịnh cảng Sydney thơ mộng. Hay là hình ảnh nhà thờ Ronchamp của Le Corbusier đã gợi lên trong ta biết bao hình ảnh: Đức Mẹ trải khăn che chở cho các con chiên, con tàu, chiếc mũ… Cùng một cách thức biểu đạt như vậy, một vài công trình kiến trúc của Việt Nam cũng mang lại cho người xem những cảm nhận độc đáo. Chùa Một Cột tựa như bông hoa sen, đâm rễ vào đất, mọc thân trong nước, nở hoa trong không khí dưới những tia nắng mặt trời. Những ngôi nhà rông ở Tây Nguyên là sự mô phỏng những mũi tên hay một lưỡi búa khổng lồ của những người dân đi khai phá để lại giữa vùng rừng núi hoang sơ. Đài tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Tuyên Quang của kiến trúc sư Lê Hiệp cũng là một ví dụ về sự thành công của trí tưởng tượng trong kiến trúc. Nó vừa mang hình ảnh của một ngọn nấm khổng lồ, dáng dấp của cây đa cách mạng, vừa mang hình hài một đụn khói lớn của trái bom vừa nổ… Sự đa chiều trong cảm nhận về mặt thị giác này khiến người xem phải suy tư, ngẫm nghĩ về “chủ đề” chính của tác phẩm: một cuộc cách mạng thành công luôn là sự hòa quyện giữa hào hùng và đau thương. Sự tưởng tượng giúp kiến trúc sư xây dựng nên một trật tự khác, tạo dựng ra những lề luật, những mô hình mới, những cấu trúc mới. Công trình Trung tâm Hành chính Quận 10 (thành phố Hồ Chí Minh) của kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất là một ví dụ điển hình cho sự cách tân, đổi mới khi nó dũng cảm phá bỏ đi cái quy luật kiến trúc đối xứng đặc trưng của thể loại công trình này để đem lại cho người xem một hình thức khác gần gũi và thân thương hơn. Những công trình như vậy đã gợi cảm hứng cho nhiều kiến trúc sư. Thậm chí, có ý kiến đề xuất nền kiến trúc Việt Nam đã đến lúc cần xác lập những “trường phái” của riêng mình để định hình vị trí trên bản đồ kiến trúc thế giới.

Có ba thứ mà các bậc thầy kiến trúc luôn khuyên các kiến trúc sư trẻ khi sáng tác là quan sát – suy đoán, ghi nhớ – nhập tâm và tưởng tượng. Hai thứ đầu là mảnh đất và hạt mầm làm nảy nở, còn thứ sau cùng nhằm làm cho tác phẩm ra đời hoàn hảo. Có lẽ chính khát khao vượt qua, phủ nhận cái quan sát được, ghi nhớ được, suy lí được… làm nảy sinh tưởng tượng. Song trong bất kì trường hợp nào ta cũng không được bỏ qua lí tính bởi nếu tưởng tượng cung cấp tài liệu và tình cảm, còn hành động như một động lực thì lí tính đóng vai trò điều hòa, lựa chọn trong số các chi tiết đã đến với trí nhớ hoặc do tưởng tượng tạo ra để quy định phương thức chúng có thể đưa vào tác phẩm.

Để có được một trạng thái sáng tác tốt với những tiền đề cần thiết cho việc tổ hợp và liên thông các dữ kiện, đòi hỏi người sáng tác phải duy trì được một trạng thái tập trung cao độ. Đây chính là kết quả của sự chú ý bên trong có được do sự phối hợp của tưởng tượng và lí tính. Đó là thời điểm người kiến trúc sư tập hợp toàn bộ năng lực của mình chung quanh một chủ đề hay một đối tượng khơi gợi cho bản thân sự thích thú nhất. Trong giai đoạn thai nghén, ấp ủ, tìm tòi những cái đặc sắc, vai trò của trí tưởng tượng là vô cùng quan trọng. Kiến trúc sư cần sự lóe sáng trong một khoảnh khắc của trí tưởng tượng để thấy và tìm ra các giải pháp đúng đắn cho vấn đề đặt ra. Tất nhiên sẽ chẳng có sự lóe sáng nào nếu trước đó người sáng tác không có những lao động tìm tòi, thể nghiệm nghệ thuật nghiêm túc và nhọc nhằn. Một điều dễ nhận thấy ở các kiến trúc sư tài năng là họ thường trông như rất mơ màng và đãng trí ở những vẻ bề ngoài và những cái nhỏ nhặt. Song bù lại họ rất đỗi tập trung ở những cái bên trong và quan trọng. Chính nhờ có tính đãng trí này mà họ có được tự do cao độ của tư duy sáng tạo. Gạt bỏ các kích động khó chịu bên ngoài và không chịu làm nô lệ các chuyện tình cờ, họ đang tiến đến một sự hài hòa bên trong với sự sôi động của tinh thần mà nếu thiếu đi những điều này thì chẳng thể nào làm việc nổi với một ý tưởng phức tạp nhất. Và quan trọng hơn, những kiến trúc sư tài năng là những người biết phải làm và biết làm nên những điều kì diệu từ sự kết hợp hoàn hảo giữa trí tưởng tượng và những chất liệu mình đang có chứ không phải từ trí tưởng tượng với những chất liệu mình tưởng rằng đang có. Trí tưởng tượng trong vế sau gần nghĩa với phù phiếm.

Cuối cùng bài viết chỉ xin nhấn mạnh một lần nữa về vai trò quan trọng của trí tưởng tượng trong sáng tác kiến trúc mà người viết đã cố thử bàn luận và diễn giải nó theo sự hiểu biết của cá nhân. Xét cho cùng kiến trúc khác với các loại hình nghệ thuật thuần túy ở chỗ nó vừa là tác phẩm, công trình để người xem chiêm ngưỡng như một biểu tượng giàu tính nghệ thuật lại vừa là sản phẩm mang đậm dấu ấn của khoa học kĩ thuật để phục vụ cho những nhu cầu hết sức thực tế của con người. Nó mang trong mình cả hai dòng máu nghệ thuật và kĩ thuật. Đó chính là niềm tự hào của kiến trúc và là sứ mệnh đặc biệt khó khăn của các kiến trúc sư.

(VNQĐ)