Vai trò của tín dụng trong nền Kinh tế thị trường

Tín dụng là một phạm trù kinh tế gắn liền với kinh tế hàng hóa.

Sự ra đời và tồn tại của tín dụng bắt nguồn từ đặc điểm của chu chuyển vốn tiền tệ và sự cần thiết sinh lợi đối với vốn tiền tệ tạm thời nhàn rỗi và nhu cầu vốn nhưng chưa tích lũy kịp dẫn đến sự hình thành quan hệ cung cầu tiền tệ giữa người đi vay và người cho vay, do đó tín dụng xuất hiện, tồn tại như là một sự cần thiết khách quan trong nền kinh tế.

“Tín dụng là các quan hệ kinh tế gắn liền với quá trình tạo lập và sử dụng quỹ tín dụng nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu vốn tạm thời cho quá trình tái sản xuất và đời sống theo nguyên tắc hoàn trả.” Vì vậy, là một trong những nhân tố đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường.

  1. Hoạt động tín dụng đảm bảo nhu cầu về vốn cho nhu cầu sản xuất kinh doanh vố nhu cầu tiêu dùng cho các cá nhân trong nền kinh tế

Thừa thiếu vốn tạm thời thường xuyên xảy ra ở các doanh nghiệp. Việc phân phối vốn tín dụng đã góp phần điều hòa trong toàn bộ nền kinh tế, tạo điều kiện cho quá trình sản xuất được liên tục.

Ngoài ra tín dụng còn là cầu nối giữa tiết kiệm và đầu tư, là động lực kích thích tiết kiệm đồng thời là phương tiện cung cấp vốn cho đầu tư phát triển. Trong nền kinh tế sản xuất hàng hóa, tín dụng là một trong những nguồn hình thành vốn lưu động và cố định của các doanh nghiệp. Vì vậy tín dụng đã góp phần động viên vật tư đi vào sản xuất, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đẩy nhanh quá trình tái sản xuất.

Riêng trong điều kiện nước ta hiện nay, cơ cấu kinh tế còn mất cân đối, lạm phát và thất nghiệp vẫn còn ở mức độ cao. Vì vậy, thông qua việc đầu tư tín dụng sẽ góp phần sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý.

Mặt khác, thông qua hoạt động tín dụng mà sử dụng nguồn lao động và nguồn nguyên liệu một cách hợp lý, thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

  1. Thúc đẩy quá trình tập trung vốn và tập trung sản xuất

Hoạt động của ngân hàng là tập trung vốn tiền tệ tạm thời chưa sử dụng, mà vốn này nằm phân tán ở khắp mọi nơi, trong tay các nhà doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước và của cá nhân, trên cơ sở đó cho các đơn vị kinh tế vay. Tuy nhiên, quá trình đầu tư tín dụng không phải rải đều cho mọi chủ thể có nhu cầu, mà việc đầu tư được tiến hành một cách tập trung, chủ yếu là cho các doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả. Đầu tư tập trung là quá trình tất yếu, vừa đảm bảo tránh rủi ro tín dụng, vừa thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế.

  1. Tín dụng là công cụ tài trợ cho các ngành kinh tế kém phát triển và ngành mũi nhọn

Trong điều kiện nước ta nông nghiệp là ngành sản xuất đáp ứng nhu cầu cần thiết cho xã hội, là ngành chịu tác động nhiều nhất của quá trình tự nhiên và là ngành đang trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa. Vì vậy, trong giai đoạn trước mắt, nhà nước cần tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp để giải quyết những nhu cầu tối thiểu của xã hội, đồng thời tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế khác.

Bên cạnh đó, nhà nước cần tập trung tín dụng để tài trợ cho các ngành kinh tế mũi nhọn, nhằm tạo cơ sở và lôi cuốn các ngành kinh tế khác.

  1. Góp phần tác động đến việc tăng cường chế độ hạch toán kinh tế của các doanh nghiệp

Đặc trưng cơ bản của tín dụng là hoạt động trên cơ sở hoàn trả và có lợi tức. Vì vậy, hoạt động của tín dụng đã góp phần kích thích sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Khi sử dụng vốn vay ngân hàng thì các doanh nghiệp phải tôn trọng hoạt động tín dụng, tức là phải đảm bảo hoàn trả nợ vay theo đúng thời hạn và tôn trọng các điều kiện khác đã ghi trong hợp đồng tín dụng. Bằng cách tác động như vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, giảm chi phí sản xuất, tăng vòng quay của vốn, tạo điều kiện để nâng cao doanh lợi doanh nghiệp.

Tín dụng đã và đang ngày một có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế xã hội.