Vai trò của nước đối với đời sống con người

Vai trò của nước đối với đời sống con người <!HOTNEW>

 I. Lợi ích của nước sạch đối với cơ thể con người

Nước là một loại thức uống không thể thiếu được đối với cơ thể chúng ta. Nước chiếm 70% trọng lượng cơ thể và nó phân phối khắp nơi trong cơ thể như: Máu, cơ bắp, xương tủy, phổi….. Chúng ta có thể nhịn ăn vài tuần, thậm chí vài tháng nhưng không thể chịu khát được vài ngày.

Các vai trò cụ thể như:
– Nước cung cấp nguồn chất khoáng có lợi cho sức khỏe, nước vận chuyển chất dinh dưỡng cần thiết cho các tế bào trong mọi hoạt động trong cơ thể. Nước mà chúng ta sử dụng hàng ngày thường chứa một lượng đáng kể các chất khoáng có lợi cho sức khỏe.
– Nước có tác dụng loại bỏ các độc tố trong cơ thể thông qua đường nước tiểu và phân.
– Nước có tác dụng điều hòa nhiệt độ cơ thể.
– Nước có tác dụng bôi trơn tạo nên sự linh động tại các đầu gối xương và sụn… Nước cũng hoạt động như một bộ phận giảm xóc cho mắt, tủy sống và ngay cả thai nhi trong nước ối…


II. Các dạng nước sinh hoạt bị ô nhiễm và tác hại của nó đối với sức khỏe con người
Nước sinh hoạt ô nhiễm đang là nỗi lo của mọi người đặc biệt là những nơi chưa có nước sạch, nguồn nước không những ô nhiễm mà còn ô nhiễm rất đa dạng vì vậy ở bài này chúng tôi muốn giới thiệu đến các bạn các dạng nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
Nguồn nước bị ô nhiễm là nguyên nhân gây nhiều bệnh tật. Tùy theo mức độ và thành phần ô nhiễm của nguồn nước người ta có thể chia ra các dạng ô nhiễm sau:
1. Nước sinh hoạt nhiễm khuẩn: Nguồn nước nhiễm khuẩn thường ô nhiễm bởi các loại vi sinh vật, Các loại vi khuẩn thường gặp trong nước sinh hoạt đó là vi khuẩn E.Coli, khuẩn tả, Samolenla, thương hàn… gây bệnh ỉa chảy, bệnh thương hàn, bệnh tả. Nước nhiễm ký sinh trùng Amibe gây bệnh lỵ amibe, nhiễm ấu trùng giun và ấu trùng sán sẽ gây ra các bệnh về giun (đũa, tóc, móc) và sán. Nếu sử dụng nguồn nước sinh hoạt nhiễm khuẩn để sinh hoạt ăn uống thì hậu quả ảnh hưởng đến con người rất lớn.
2. Nước sinh hoạt nhiễm các chất hóa học
Nước nhiễm các chất hóa học như thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật các hợp chất Clo hữu cơ… Do đặc điểm Việt nam là nước nông nghiệp nên việc sử dụng các thuốc trừ sâu, diệt côn trùng gây hại mùa màng là phổ biến. Các chất này thấm qua da, niêm mạc đường tiêu hóa vào cơ thể gây tổn thương, gây ức chế cơ quan tạo huyết và ngộ độc thần kinh, có thể là tác nhân gây ung thư và dị tật bẩm sinh (Dioxin). Nguồn nước nhiễm các chất hóa học thường là nước mặt hoặc nước giếng đào, giếng khoan tầng mặt vì vậy cần cẩn thận khi sử dụng nguồn nước mặt và nguồn nước khoan nông.
3. Nước sinh hoạt nhiễm các kim loại nặng
Nước giếng khoan thường là nước hay nhiễm các kim loại nặng, các bệnh đến từ nguồn nước sinh hoạt nhiễm kim loại nặng, hóa chất độc hại,…thường tiến triển chậm, khó phát hiện và nguy hiểm. ở bài này chúng ta hãy cùng tìm hiểu những bệnh lý ngộ độc mãn tính gây ra bởi những kim loại nặng tương đối phổ biến từ nguồn nước ở Việt nam như Asen (As), Cadimi (Cd), Chì (Pb), Thủy ngân (Hg), Sắt (Fe)…
3.1. Nước sinh hoạt nhiễm Sắt, Mangan
Cách nhận biết:
•Các ion Fe2+ và Mn2+ khi tiếp xúc với không khí hình thành các kết tủa làm cho nước có màu vàng đục,thường đóng cặn trên các thiết bị sinh hoạt
•Nước nhiễm phèn thường có vị hơi chua, đặc biệt nước nhiễm phèn nặng có mùi tanh
Hệ lụy từ nước nhiễm phèn tới sinh hoạt và sức khỏe:
Các nghiên cứu và tài liệu khoa học đều khẳng định sử dụng nước nhiễm phèn để ăn uống, sinh hoạt, tắm giặt rất có hại cho cơ thể con người.
•Làm ố vàng, đóng cặn và ăn mòn tất cả các dụng cụ đựng nước và dẫn nước cũng như các đồ gia dụng.
•Gây ố vàng, khô ráp và mục, làm hỏng quần áo.
•Nước nhiễm phèn thường chứa nhiều chất mang tính kiềm, nếu dùng để sinh hoạt và ăn uống làm khô da, phồng, tróc vảy và gây các bệnh về đường ruột, thậm chí ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.
•Nước có màu vàng và mùi tanh, ảnh hưởng đến mỹ quan và chất lượng cuộc sống.
Sắt có trong tế bào và là chất cần thiết để duy trì hoạt động của hệ thống miễn dịch, duy trì các hoạt động cơ bắp và điều chỉnh sự phát triển của tế bào. Tuy nhiên, hấp thụ quá nhiều chất sắt sẽ gây nhiễm độc sắt và làm tổn hại tế bào của các cơ quan quan trọng trong cơ thể như tim, gan, bộ máy tiêu hóa, tổn thương động mạch…Qua khảo sát thực tế ở Việt Nam đặc biệt khu vực đồng bằng hàm lượng sắt trong nước ở các giếng khoan là rất cao gấp nhiều lần hàm lượng cho phép.
3.2. Nước sinh hoạt nhiễm Asen (As)
Theo số liệu công bố của Viện hàn lâm khoa học Thụy Sỹ thì mức độ nhiễm Asen trong nước ngầm ở đồng bằng sông Hồng Việt nam có hàm lượng Asen cao vào nhóm nước có mức cao nhất thế giới. Theo điều tra mới nhất thấy hàm lượng Asen trong nước giếng khoan khu vực đồng bằng sông Hồng gấp hàng trăm lần mức cho phép.
Sử dụng nước bị nhiễm Asen quá mức cho phép trong một thời gian dài thì cơ thể bị nhiễm Asen mạn tính. Y học đã liệt kê Asen có thể gây 19 bệnh lý khác nhau. Nhiễm độc mãn tính biểu hiện ở lông, tóc, móng, răng, xương… có thể gây ung thư. Diễn biến bệnh rất từ từ, âm thầm sau 10 – 15 năm mới thành bệnh như suy thận, ung thư. Khi phát hiện thì đã quá muộn ít khả năng cứu chữa.
3.3. Nước nhiễm Chì (Pb)
Chì là nguyên tố có độc tính cao đối với sức khoẻ con người. Chì gây độc cho hệ thần kinh trung ương, hệ thần kinh ngoại biên, tác động lên hệ enzim có nhóm hoạt động chứa hyđro. Người bị nhiễm độc chì sẽ bị rối loạn bộ phận tạo huyết (tuỷ xương).
3.4. Nước nhiễm Ca-đi-mi (Cd)
Ca-đi-mi hay gặp ở những nơi khai thác vàng. Bệnh biểu hiện là hay bị viêm mũi tái phát, mất khứu giác, đau xương, dòn xương dễ gẫy, XQ có hình ảnh loãng xương là triệu chứng nổi bật. Giai đoạn nặng có biểu hiện viêm phế quản phổi mãn tính, viêm thận mãn tính.
3.5. Nước nhiễm Thủy ngân (Hg)
Thủy ngân độc tính phụ thuộc vào dạng hoá học của nó. Trong nước, metyl thủy ngân là dạng độc nhất, nó làm phân liệt nhiễm sắc thể và ngăn cản quá trình phân chia tế bào. Thuỷ ngân có khả năng phản ứng với axit amin chứa lưu huỳnh, các hemoglobin, abumin; có khả năng liên kết màng tế bào, làm thay đổi hàm lượng kali, thay đổi cân bằng axit bazơ của các mô, làm thiếu hụt năng lượng cung cấp cho tế bào thần kinh. Trẻ em bị ngộ độc thuỷ ngân sẽ bị phân liệt, co giật không chủ động.
4. Các loại ô nhiễm khác.
Ở vùng nông thôn Việt Nam, người dân sử dụng nước giếng đào và giếng khoan còn khá phổ biến, ở Quảng Bình người dân nông thôn sử dụng nước giếng đào và giếng khoan cho ăn uống và sinh hoạt hàng ngày chiếm hơn 60%. Thực trạng nhiều giếng đào, giếng khoan có sân giếng nhưng chưa đảm bảo vệ sinh, bị nứt nẻ, không có rãnh dẫn nước thải ra xa giếng ít nhất 10 mét, nhà tiêu, chuồng trại gần giếng,… nhiều hộ dân sử dụng sân giếng để tắm rửa, giặt dũ,v.v. Nước thải chứa các chất như xà phòng, nước rửa bát, dầu gội đầu, phân gia súc gia cầm, nước từ nhà tiêu,… thấm xuống giếng gây ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng.
Tóm lại: Sử dụng nước ô nhiễm trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày thường bị các bệnh sau:
-Ỉa chảy, tả, lỵ, thương hàn có thể gây tử vong
-Giun sán gây thiếu máu, suy dinh dưỡng trẻ em, thậm chí gây rác ruột hoặc giun chui ống mật gây áp xe gan.
-Siêu vi trùng bại liệt, viêm gan A
-Bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não
-Các bệnh ngoài da ( ghẻ lở, hắc lào, nấm…), mắt đỏ, phụ khoa
– Nhiễm độc, ngộ độc, suy thận,.. hoặc bị ung thư do sử dụng nước bị nhiễm hóa chất độc hại, kim loại nặng trong ăn uống, sinh hoạt và chế biến thực phẩm.
-Sốt phát ban, sốt hồi quy do chấy, rận
-Nước bẩn đọng còn là nơi phát triển của các loại côn trùng gây bệnh, lây lan bệnh nguy hiểm như muỗi, ruồi…

Biên soạn: Phòng TT&QLCLN