Vai trò của kiến trúc sư hành nghề với môi trường kiến trúc có nhiều yếu tố ngoại nhập
(Xây dựng) – Công trình kiến trúc là sản phẩm hoạt động hành nghề của kiến trúc sư (KTS). Thực tiễn hiện nay phản ánh có hàng loạt các công trình kiến trúc “ngoại lai” tạo nên các tác động tiêu cực đến kiến trúc cảnh quan đô thị, chất lượng đời sống của người dân, kinh tế – xã hội. Điều này một phần bắt nguồn từ quá trình hành nghề sáng tạo của KTS. Cần có những định hướng hoàn thiện mà môi trường hành nghề và công tác đào tạo KTS để kiến trúc “ngoại nhập” thực sự mang lại hiệu quả nhiều mặt cho kiến trúc đô thị, kinh tế – xã hội trong tương lai.
Kiến trúc “ngoại lai” từ yếu tố hành nghề và đào tạo KTS
Ngược dòng lịch sử, kiến trúc truyền thống Việt Nam có thể kể đến hình thái kinh thành và kiến trúc tường thành (thành Cổ Loa, thế kỷ III, TCN), nhà ở truyền thống và nhà cộng đồng, tôn giáo (đình, đền và chùa) và nông thôn truyền thống. Qua những thăng trầm của đất nước, thời kỳ tiền quy hoạch và kiến trúc truyền thống bản địa trải qua biến đổi – minh chứng một sự tổng hợp của nền văn hóa Trung Hoa và Pháp. Thời kỳ Pháp thuộc, chính sách “khai thác thuộc địa” đã áp đặt lối kiến trúc và sau đó là quy hoạch phương Tây vào Việt Nam; để rồi, dần giao hòa với đặc điểm bản địa. Sau đó là sự hiện diện của người Nhật và Mỹ, các công trình xây dựng có tính tạm thời và dã chiến cho mục đích chiến tranh, vì thế, đa phần loại hình kiến trúc bị đơn hóa cho công năng liên quan tới quân sự.
Khi Nam – Bắc thống nhất, chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập đã làm bàn đạp cho phát triển hệ thống khoảng 800 đô thị (tính đến 2016) và hàng loạt công trình kiến trúc. Nhiều nhà đầu tư, song hành cùng KTS nước ngoài quan tâm và sớm trở lại Việt Nam. Đô thị mới Phú Mỹ Hưng, TP.HCM là một thí dụ điển hình cho giai từ đoạn 1990 đến nay. Kể từ đó, nhiều mô hình đô thị và quy hoạch – kiến trúc mới lạ và hiện đại (ít quan tâm đến kiến trúc truyền thống bản địa) được chủ đầu tư đưa vào để cụ thể hóa ý tưởng quy hoạch “ô cờ và thực dụng” du nhập từ quốc gia phát triển.
Vị trí KTS Việt trong môi trường có nhiều yếu tố (ngoại lai) tác động.
Hướng phát triển đô thị ngày nay, có thể nhận thấy hai xu hướng rõ nét. Phát triển “truyền thống” hướng tới các dự án xây dựng quy mô nhỏ và công trình đơn lẻ. Đây là mảnh đất màu mỡ để KTS trong nước phát huy khả năng sáng tạo, bắt chước (hay) pha trộn nhiều chi tiết kiến trúc nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu khách hàng.
Đô thị mới đặc trưng là xu thế phát triển có quy mô vừa và lớn được chủ đầu tư có tiềm lực thực hiện. Tại đây, các nhóm công trình chức năng (nhà ở: biệt thự đơn – song lập, nhà phố cao cấp và cao tầng: Chung cư, văn phòng – thương mại hiện đại) được xây dựng đồng loạt theo lối kiến trúc ngoại nhập. Nhiều ý tưởng kiến trúc (tân) cổ điển Pháp, Địa Trung Hải, nhiệt đới, sinh thái và Modern Asia được vay mượn từ phương Tây, để rồi nội địa hóa “dở dang” từng phần.
Cho đến nay, nhiều công trình kiến trúc mới, có tính hội nhập quốc tế cao, điển hình đã minh chứng cho đóng góp to lớn của thế hệ KTS Việt, thời kỳ “đổi mới” như KĐT Linh Đàm, Trung tâm Hội nghị Quốc gia và ga hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Thời kỳ “hội nhập quốc tế”, phải kể đến điểm nhấn đô thị: Keangnam Hanoi Landmark, Lotte Center cùng các đô thị: The Manor, Times City, Royal City và Vinhomes Riveride, Nam Thăng Long, Mandarin Garden, Park City và Mỹ Đình ở TP Hà Nội. Tại TP HCM, tòa nhà Bitexco Financial Tower, Vietcombank Tower, đô thị Vinhomes Golden River, Central Park và Sala Đại Quang Minh. Rõ ràng, các dự án và tổ hợp công trình kiến trúc này đã làm thay đổi bộ mặt thành phố lớn trở thành trung tâm hấp dẫn nhất khu vực.
Vươn xa hơn, một số KTS Việt lại chọn các yếu tố kế thừa bản sắc để từng bước khẳng định tên tuổi trên trường quốc tế qua một số công trình gần đây: Trường tiểu học Lũng Lô (Thái Nguyên), tổ hợp nhà tre Đại Lải, ngôi trường Bình Dương, nhà cao tầng xanh Stacking Green, Bamboo Wing; cùng công trình xanh khác: Viện Khoa học và Công nghệ Việt – Hàn, trường TD, BigC Green Square và nhà trẻ Pouchen.
Qua các sáng tạo về không gian – thời gian, KTS Việt đã từng bước tiếp nhận, kế thừa nhiều yếu tố ngoại lai một cách tích cực từ tư tưởng (tư duy, ý tưởng và triết lý) đến tổ chức không gian hoàn chỉnh đô thị theo hình thức và chủ đề mới, tổ hợp công trình cao tầng gắn với hệ giao thông thân thiện môi trường và hạ tầng thông minh. Vận dụng công nghệ và vật liệu xây dựng mới nhằm thiết kế “nơi chốn” – tối đa hóa “tính riêng tư”, linh hoạt và chất lượng hoàn thiện để đáp ứng mong muốn thay đổi của cư dân thời đại mới.
Tuy nhiên, hiện trạng hiện nay đang phản ánh cho thấy kiến trúc đô thị còn đối mặt với một số tình trạng thiếu hạ tầng kỹ thuật làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bộ mặt kiến trúc nhiều nơi phát triển lộn xộn và lạm dụng các kiến trúc “ngoại lai – lai tạp” dẫn đến các tác động tiêu cực đối với bản sắc văn hoá – xã hội và dần đánh mất đặc trưng vùng miền vốn có.
Với số lượng khoảng 18.000 KTS hiện nay hoạt động ở nhiều lĩnh vực chuyên ngành và trong không gian chật, hẹp hơn trước, làn sóng nhân lực nước ngoài ở Việt Nam, trong khi khung luật định; tổ chức (quản lý Nhà nước và hoạt động nghề nghiệp) tồn tại nhiều hạn chế trước sự xâm lấn mạnh mẽ của các yếu tố ngoại lai vào môi trường hành nghề kiến trúc địa phương.
Thực trạng sính ngoại dẫn đến các kiến trúc “ngoại lai” tràn lan làm phá vỡ bộ mặt kiến trúc đô thị cho thấy một thực tế KTS Việt dường như còn thiếu sự chuẩn bị và chưa sẵn sàng về một số mặt như: Ý tưởng sáng tạo, lý luận sáng tác, kỹ thuật kiến trúc, kiến tạo phối hợp trong khi được trang bị quá nhiều thứ chung chung. Hơn nữa, người làm kiến trúc phải kiêm nhiệm đa dạng nhiều công việc khác hơn là dành thời gian cho công tác sáng tác, tư vấn chuyên môn – thiết kế và quản lý chuyên ngành. Rà soát lại các hiện tượng về sử dụng nguồn nhân lực cho thấy, hiện tồn tại ba vấn đề cần quan tâm: Mối quan hệ giữa cung – cầu; trang bị kiến thức chuyên ngành kiến trúc đa chiều, tiên tiến và; sự cân đối giữa xu thế toàn cầu và nhu cầu địa phương.
Về trình độ, trong quá trình hội nhập quốc tế, KTS Việt đã phải lùi bước ngay trên “sân nhà”, chấp nhận một thiết kế lai căng không có bản sắc vì thiếu tính chuyên nghiệp, chuyên sâu và tinh thần, cơ chế hợp tác nhóm và hoạt động kém hiệu quả, đồng thời, thiếu kinh nghiệm quản lý và giao thương quốc tế. Ngoài ra, một bộ phận KTS được đào tạo chưa “sát với nhu cầu thực tế” (hay) chưa “bắt kịp với tiến trình phát triển và thay đổi đô thị”. Theo một số nghiên cứu, khoảng 10% KTS có khả năng sáng tạo ý tưởng và chủ nhiệm đồ án, 30% số KTS tốt nghiệp không làm nghề. Số còn lại chủ yếu là người triển khai ý tưởng và thực hiện hồ sơ.
Điều này dẫn đến còn nhiều thiết kế kém chất lượng, đặc biệt là tràn lan các công trình kiến trúc thiết kế theo kiểu “ngoại lai”, thiếu tính khoa học bền vững, phá vỡ kiến trúc cảnh quan đặc biệt với các đô thị cổ, tạo nên những công trình có chi phí xây dựng và vận hành tốn kém.
Về đào tạo, trong nước hiện có khoảng 30 trường đại học đào tạo KTS. Phía Bắc, có thể thấy chương trình đào tạo ngành kiến trúc còn tồn tại một số hạn chế như: Các môn lý thuyết cung cấp kiến thức quá rộng và ít tập trung vào kiến trúc truyền thống, bản địa và cội nguồn của các loại hình kiến trúc đó dẫn đến khó áp dụng thực tiễn; môn học thiếu tính hệ thống và phối hợp kết nối, môn học lý thuyết xa rời đối với các đồ án và thực hành; đồ án thiếu phương pháp luận; sinh viên học lý thuyết quá nhiều nên hạn chế khả năng phát triển tư duy đầy đủ về các yếu tố bản sắc kiến trúc truyền thống, hiện đại để rồi khó có thể chắt lọc “cái gì cần thiết” trong vận dụng thiết kế kiến trúc thực tiễn. Do đó, vô hình chung các sản phẩm đồ án kiến trúc – quy hoạch ngoại lai phá vỡ hình thái và hệ thống cảnh quan vốn có của địa phương.
Các trường phía Nam có hệ thống các môn học cơ sở và chuyên ngành nhìn chung khá tương đồng song hệ thống đồ án chuyên ngành quy hoạch ít hơn (chỉ có 5 đồ án). Tuy nhiên, chương trình đào tạo này có xu hướng đào tạo ra những sản phẩm “kiến trúc sư” có tầm nhìn rộng và khái quát hơn là đào tạo ra KTS thiết kế ở phía Bắc. Ngoài ra, đối với các đơn vị đào tạo ngành kiến trúc khác, chương trình giảng dạy đều có sự đồng dạng nhất định được xây dựng trên tinh thần cốt lõi của các trường lớn trong nước. Hơn nữa, tỷ trọng và liều lượng nội dung giảng dạy (hệ khung mềm) là các chỉ số có thể điều chỉnh sao cho phù hợp với mục tiêu và hướng đi chung của Ngành (tính khu vực) và riêng của từng trường (tính địa phương).
Về quy định cho hành nghề, cho đến nay, khoảng 50 văn bản liên quan công tác hành nghề kiến trúc được ban hành (ví dụ: Luật Dân sự, Xây dựng và Quy hoạch đô thị) và định hướng chiến lược (về quy hoạch tổng thể phát triển đô thị; kiến trúc Việt Nam; quản lý kiến trúc đô thị; không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị). Cụ thể hơn, quy chế hành nghề KTS (QĐ số 91-BXD/ĐT, 16/4/1993 và TT số 18 BXD/ĐT hướng dẫn thực hiện QĐ số 91-BXD/ĐT, 25/8/1993) được đưa ra và thực hiện. Để làm cơ sở thuận lợi, định hướng cho công tác hành nghề chuyên nghiệp của các KTS, cơ quan chủ quản tiếp tục ban hành Quyết định số 15/2005/QĐ-BXD (25/4/2005) về cấp chứng chỉ hành nghề KTS và kỹ sư hoạt động xây dựng góp phần tạo nên các công trình hữu dụng, hạn chế việc phát triển tràn lan các công trình ngoại lai. Gần đây nhất, dự thảo Luật Hành nghề kiến trúc sư được đề xuất nhằm đáp ứng nguyện vọng của giới KTS trong nước và mong sớm đưa vào cuộc sống để bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và của toàn xã hội về sự nghiệp hiện đại hóa của đất nước.
Kiến trúc mới trường học ở Bình Dương có kế thừa giải pháp tổ chức không gian mở và chiếu sáng của kiến trúc truyền thống.
Đổi mới hành nghề và đào tạo kiến trúc sư hạn chế công trình ngoại lai
Trên cơ sở phân tích SWOT, nhiều nhóm giải pháp cải thiện vai trò KTS Việt, trước nhiều yếu tố ngoại lai (đang thẩm thấu vào môi trường quy hoạch – kiến trúc) là rất cần thiết và cấp bách.
Trước mắt, hoàn thiện hệ thống luật định cần tái kiến tạo và duy trì môi trường hoạt động ngành bình đẳng giữa KTS Việt với KTS nước ngoài; hình thành “hành lang cứng” hoàn chỉnh nhằm kiểm soát tốt các yếu tố ngoại lai (tác động trực tiếp, gián tiếp) ngay từ đầu vào (input) và chắt lọc về “số lượng và năng lực” các KTS nước ngoài khi và chỉ khi có “năng lực vượt trội” tham gia thị trường và dự án nhất định tại Việt Nam (output).
Đổi mới các chuẩn đào tạo, tích cực nâng cao và cải thiện năng lực của các KTS Việt. Đặc biệt, công tác đào tạo KTS trong môi trường giáo dục với mục tiêu đào tạo KTS cần sớm thích nghi với chiến lược phát triển đô thị toàn cầu và quốc gia để làm cơ sở đào tạo KTS có “tài, tâm và tầm” đó là: Có lối tư duy sâu rộng và sức sáng tạo khoa học, đầy đủ kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ và kiến thức; am hiểu chuyên môn, văn hoá – xã hội và có ý thức tự trau dồi; vận dụng linh hoạt kiến thức được trang bị; thích ứng và có khả năng hợp tác bền vững, làm việc nhóm năng động – trách nhiệm – chuyên nghiệp với đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, một số hướng dịch chuyển cho từng giai đoạn, đó là: Xác định “chuẩn mực đối với KTS Việt hành nghề” theo hướng Canberra Accord (2010) hay CDIO (Hình thành Ý tưởng – Thiết kế – Triển khai – Vận hành); nâng cao chất lượng đầu vào các cơ sở đào tạo đại học bằng việc vận dụng hướng dịch chuyển từ thi “Năng khiếu” sang tuyển “Tài năng”.
Đổi mới chương trình đào tạo, các trường và môi trường đào tạo ngành Kiến trúc cần theo hướng rút gọn, cô đọng, tích hợp các môn liên ngành học để có thể tăng cường chuyên sâu các nội dung và chủ đề đang được xã hội và quốc tế quan tâm. Song song với đó cần đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường hợp tác quốc tế và trao đổi giáo viên; đồng thời, tổ chức hội thảo với sinh viên quốc tế. Hơn nữa, các môn học đồ án cần xây dựng quy trình thực hiện theo các bước của giai đoạn hành nghề thiết kế kiến trúc. Qua đó, ứng dụng các quy định pháp luật của nhà nước trong công tác quy hoạch và kiến trúc, nhất là đặc điểm kiến trúc bản địa (hay) có chọn lựa yếu tố hiện đại và bản sắc phù hợp với địa phương, nhằm hạn chế các sản phẩm công trình ngoại lai.
Hành lang pháp lý – Cơ sở khuyến khích và kiểm soát yếu tố ngoại lai.
Hình thành “vườn ươm kiến trúc” theo chủ đề “kiến trúc truyền thống, kiến trúc vùng miền, đến kiến trúc hiện đại được chắt lọc” trong khuôn khổ các trung tâm ứng dụng thực nghiệm nhằm khuyến khích các nhóm sinh viên có khát vọng “gìn giữ nền tảng và phát huy giá trị kiến trúc truyền thống”. Thông qua môi trường thực nghiệm, vườn ươm kết hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo sẽ giúp thúc đẩy tinh thần nghiên cứu và học tập, gắn kết giữa lý thuyết và thực hành cho sinh viên có thời gian tích lũy kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp và hành nghề thực tế. Tại đây, tăng cường giáo dục văn hóa truyền thống, truyển tải tư tưởng và triết lý tiềm tàng trong văn hóa dân tộc tích lũy hơn 4000 năm lịch sử đối với các lớp sinh viên tài năng. Đây là khía cạnh cần đặc biệt quan tâm trong đào tạo chuyên ngành kiến trúc.
Về đào tạo kỹ năng mềm, các chương trình, môn học liên quan cần xây dựng theo xu hướng “học tập kỹ năng làm việc theo nhóm” (trong đó, giới thiệu yêu cầu và vai trò của từng cá nhân trong đội nhóm, thành lập nhóm và giới thiệu phương pháp làm việc, phân tích và đánh giá kết quả đội nhóm); kỹ năng phối hợp và thái độ ứng xử thông qua các phương pháp giải quyết đồ án thiết kế lớn (tập trung vào phương pháp chuẩn bị được bài báo cáo trong ngành thiết kế, trình bày và bảo vệ giải pháp thiết kế kiến trúc công trình kiến trúc truyền thống, hiện đại có chọn lọc bằng thuyết trình).
Tóm lại, đặc điểm kiến trúc truyền thống ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố ngoại lai và là kết quả quá trình giao thoa văn hóa, lịch sử Đông – Tây đem lại sự đa dạng hình thái các đô thị, trong đó KTS là người đóng vai trò định hướng quan trọng thông qua các hoạt động chuyên môn (quy hoạch và kiến trúc). Những tiếp biến văn hóa thông qua lớp KTS Việt, sẽ làm phong phú thêm loại hình kiến trúc và bộ mặt đô thị tạo nét đặc trưng riêng vùng miền. Tuy nhiên, sự lấn át của văn hóa ngoại và KTS nước ngoài trong hướng phát triển đô thị mới ngay trên “sân nhà” rất đáng suy ngẫm và đòi hỏi chúng ta cần phải thay đổi tích cực và nhanh chóng. Rõ ràng rằng, chỉ có đổi mới trong tư duy, nhận thức, pháp luật, hội, nhóm hoạt động chuyên nghiệp đối với KTS Việt mới có thể thu hẹp “khoảng cách” giữa chính mình với các đồng nghiệp nước ngoài mới duy trì nét kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc và thúc đẩy quá trình phát triển đất nước ngày càng bền vững hơn.
Thực trạng “sính ngoại” dẫn đến các kiến trúc “ngoại lai” tràn lan làm phá vỡ bộ mặt kiến trúc đô thị cho thấy một thực tế KTS Việt dường như còn thiếu sự chuẩn bị và chưa sẵn sàng về một số mặt như: Ý tưởng sáng tạo, lý luận sáng tác, kỹ thuật kiến trúc, kiến tạo, phối hợp… Do vậy, thiết kế kiến trúc đang có phần bị xem nhẹ, xã hội ít cơ hội có được những công trình kiến trúc có giá trị lớn, bền vững trong khi được trang bị quá nhiều thứ chung chung. Hơn nữa, người làm kiến trúc phải chịu sự tác động từ nhiều phía và kiêm nhiệm đa dạng nhiều công việc khác hơn là dành thời gian cho công tác sáng tác, tư vấn chuyên môn – thiết kế và quản lý chuyên ngành.