Vai trò của giáo dục thể chất trong nhà trường
1. Giáo dục thể chất là gì?
Giáo dục thể chất (Physical education) là một môn học trong nhà trường được đào tạo bài bản có hệ thống chuẩn nghiệp vụ sư phạm. Môn học dạy học sinh, sinh viên cách vận động có nhịp điệu. Khai thác tối đa tiềm lực ẩn sâu trong mỗi người, khả năng thích nghi thể lực của con người. Từ đó giúp học sinh, sinh viên phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.
2. Vai trò của giáo dục thể chất
Giáo dục thể chất trong nhà trường có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của học sinh, sinh viên như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
2.1 Nâng cao thể lực
Là bộ môn dạy vận động, dưới sự dẫn dắt của thầy cô giáo và các bài tập thể dục thể thao phù hợp với độ tuổi của học sinh, đảm bảo cho trẻ em phát triển thể lực, chiều cao, vóc dáng, đúng với giới tính, lứa tuổi và sức khỏe mỗi học sinh, sinh viên.
Việc tham gia học tập giáo dục thể chất giúp trẻ hình thành thói quen tập thể dục thể thao thường xuyên, phòng chống béo phì và các bệnh liên quan đến tim mạch.
2.2 Phát triển trí tuệ
Nhiều nghiên cứu thấy rằng trẻ em thích tham gia các hoạt động thể thao, thường xuyên vận động thường có kết quả học tập tốt hơn. Vì trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục thể chất giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, cảm xúc dồn nén trong học tập, gia đình.
Ngoài ra, khi chơi thể thao, trẻ buộc phải hiểu rõ quy tắc của bộ môn thể thao và tìm cách ghi được điểm. Sử dụng chiến thuật, nắm vững quy tắc sẽ kích thích bộ não trẻ ghi nhớ và sáng tạo. Trẻ tham gia giáo dục thể chất từ nhỏ, có sức khỏe tốt là nền tảng vững vàng cho sự phát triển trí tuệ.
2.3 Cải thiện sức khỏe tinh thần
Theo các chuyên gia, trẻ em ít vận động thường rối loạn mất ngủ, cảm xúc bất thường, có xu hướng thu mình hơn so với những đứa trẻ thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.
Tập thể dục thường xuyên giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, chất lượng giấc ngủ tốt hơn, tăng cường chức năng hệ miễn dịch, duy trì trạng thái tinh thần tỉnh táo.
2.4 Nâng cao kỹ năng xã hội
Các bộ môn thể thao thường yêu cầu tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật và kỹ năng cao.
Tôn trọng quy tắc trò chơi, tôn trọng đồng đội là cách rèn luyện kỷ luật. Những bộ môn đội nhóm, giúp trẻ rèn luyện được tinh thuần đoàn kết chặt kẽ, củng cố khả năng lãnh đạo, thiết lập mục tiêu.
Khi cùng đồng đội vượt qua khó khăn, cùng nhau khích lệ động viên giúp trẻ hiểu được vai trò của đồng đội, xây dựng được tính tự tin và tình bạn thân thiết.
Đạt được bàn thắng, nhận được sự công nhận của mọi người xây dựng lòng tự trọng cho trẻ. Biết chia sẻ, ghi nhận thành công của đối thủ giúp trẻ học hỏi được nhiều kinh nghiệm, xây dựng tinh thần tự lập, trách nhiệm cao.
Thông qua các hoạt động giáo dục thể chất, trẻ học được kỹ năng giao tiếp và nhiều kỹ năng cần thiết xây dựng mối quan hệ với mọi người, biết quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ người khác. Từ đó hình thành và phát triển được các phẩm chất đạo đức quý giá như lòng dũng cảm, quyết tâm, sự tự tin, kiên trì, tinh thần đoàn kết, kỷ luật tốt.
3. Phương pháp tập luyện giáo dục thể chất
Có nhiều phương pháp nhà trường có thể áp dụng khi giảng dạy giáo dục thể chất, trong đó có 3 cách điển hình như sau:
3.1 Tập luyện thông qua các giờ học chính khóa
Vì là bộ môn được giảng dạy trong trường nên các em thường được thiết kế thời khóa biểu học giáo dục thể chất phù hợp. Thầy cô có thể chọn nhiều bài tập thể dục nhịp điệu hay các bài tập vận động cho trẻ học tập và rèn luyện.
Thông qua các giờ học thể chất trên trường trẻ vừa được học kỹ năng thể thao, vừa thư giãn cơ bắp, tinh thần sau những giờ học mệt mỏi.
3.2 Tập luyện với máy tập thể dục thể thao nhà trường
Thầy cô nên thiết kế lắp đặt máy tập thể dục trường học cho học sinh tập luyện trong các buổi học thể chất hoặc giờ ra chơi, ra về. Sau những giờ học căng thẳng, một vài động tác xoay eo, kéo xà,…sẽ giúp tinh thần học sinh được thoải mái, dễ dàng tiếp thu kiến thức.
Lắp đặt nhiều thiết bị thể thao khác nhau giúp môi trường tập luyện thể chất của các em được đa dạng hơn. Máy thể dục thể thao giúp học sinh tập luyện các bài tập thể thao kết hợp, vận động toàn thân, cân đối hài hòa giữa phát triển trí lực và thể lực, từ đó đem đến hiệu quả cao hơn về sức khỏe và tinh thần.
3.3 Tổ chức hội thi thể thao
Các hội thi thể thao như đá bóng, bóng chuyền, bơi lội,…khuyến khích tinh thần cạnh tranh, khích lệ tình đoàn kết của các em học sinh, sinh viên. Thông qua các hội thi, trẻ được học hỏi nhiều kinh nghiệm từ việc thắng thua. Cách các em đối diện và xử lý tình huống trước, trong và sau thi đấu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tính cách và tương lai của chúng sau này.
Thêm vào đó, các hội thi thể thao nhà trường còn là nơi đào tạo và phát triển nhân tài thể dục thể thao cho đất nước.
Vai trò của giáo dục thể chất trong nhà trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thông qua các hoạt động thể chất trẻ không chỉ được vận động phát triển trí lực mà còn là môi trường hoàn hảo để rèn luyện, nâng cao kỹ năng mềm là tiền đề vững chắc trong tương lai.
Trên đây là bài viết tổng hợp thông tin về vai trò của giáo dục thể chất trong nhà trường, hy vọng quý phụ huynh đã hiểu và tiếp tục khuyến khích con em mình tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục thể thao trong nhà trường.