VAI TRÒ CỦA DOANH NGHIỆP VÀ GIẢI PHÁP HƯỚNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG PHÁT TRIỂN LÀNH MẠNH

VAI TRÒ CỦA DOANH NGHIỆP VÀ GIẢI PHÁP HƯỚNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG PHÁT TRIỂN LÀNH MẠNH

Trong những năm gần đây, hoạt động của doanh nghiệp đã có bước phát triển đột biến, số lượng các doanh nghiệp ngày càng gia tăng và khả năng cạnh tranh không ngừng được nâng cao là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế nước nhà. Vậy sự tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây đã đưa lại những kết quả quan trọng nào? Và chúng ta cần đầu tư thực hiện những giải pháp nào để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn?.. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc nêu trên.

I) Các yếu tố thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp phát triển:  Trong đó các yếu tố kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, lạm phát ở mức thấp, lãi suất thấp và biến động tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt đã có tác động tốt đến hoạt động của khối doanh nghiệp. Thêm vào đó, môi trường kinh doanh đã được cải thiện mạnh mẽ, tương đồng các nước ASEAN, khi Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 cùng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 cùng với việc sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở. Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 và Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 được ban hành với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có việc cải cách thủ tục thuế và thủ tục hải quan đã được triển khai thực hiện khá hiệu quả. Theo kết quả điều tra khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thời gian làm thủ tục thuế đã giảm từ 530 giờ/năm (trước năm 2014) xuống còn 117 giờ/năm.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp về tín dụng, đặc biệt cho các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nông, lâm, thuỷ sản. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh ngiệp cũng gặp nhiều thuận lợi khi chi phí nguyên liệu đầu vào giảm, lãi suất giảm do lạm phát giảm và chi phí sản xuất giảm do giá dầu giảm.

Về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã ký kết các hiệp định đối tác song phương và đa phương với Lào, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu, kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

II) Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây đã đưa lại những kết quả quan trọng sau:

(1) Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động

Trong những năm gần đây, số doanh nghiệp tăng nhanh đã giải quyết được nhiều việc làm với thu nhập cao hơn cho người lao động. Thu nhập cao và tăng nhanh của lao động khối doanh nghiệp góp phần cải thiện và nâng cao mức sống chung của toàn xã hội và tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp.

(2) Doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển là yếu tố quyết định đến tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế những năm qua

Lợi ích cao hơn mà tăng trưởng doanh nghiệp đem lại là tạo ra khối lượng hàng hoá và dịch vụ lớn hơn, phong phú hơn, chất lượng tốt hơn, thay thế được nhiều mặt hàng phải nhập khẩu, góp phần quan trọng cải thiện và nâng cao mức tiêu dùng trong nước và tăng xuất khẩu, đó cũng là yếu tố giữ cho nền kinh tế ổn định và phát triển những năm qua.

(3) Doanh nghiệp phát triển tác động đến chuyển dịch cơ cấu trong nền kinh tế quốc dân và trong nội bộ mỗi ngành

– Các loại hình kinh tế trong doanh nghiệp phát triển đa dạng gồm nhiều thành phần, trong đó doanh nghiệp nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn, các loại hình doanh nghiệp tư nhân tuy còn nhỏ nhưng phát triển nhanh và rộng khắp ở các ngành và các địa phương trong cả nước, loại hình kinh tế tập thể đang được khôi phục và có bước phát triển mới. – Doanh nghiệp phát triển nhanh trong tất cả các ngành và ở khắp các địa phương đã tạo ra cơ hội phân công lại lao động giữa các khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản và sản xuất kinh doanh nhỏ của hộ gia đình là khu vực lao động có năng suất thấp, thu nhập không cao, chiếm số đông, thiếu việc làm sang khu vực doanh nghiệp, nhất là công nghiệp và dịch vụ có năng suất cao và thu nhập khá hơn.

(4) Phát triển doanh nghiệp tác động đến giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội

Những năm gần đây, sản phẩm hàng hoá và dịch vụ do khối doanh nghiệp tạo ra ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại mặt hàng, chất lượng hàng hoá, dịch vụ được nâng lên, do đó đã giải quyết cơ bản nhu cầu tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ ngày càng cao của toàn xã hội, góp phần nâng cao mức sống vật chất của dân cư và tăng nhanh lượng hàng hoá xuất khẩu. Nhiều sản phẩm trước đây thường phải nhập khẩu cho tiêu dùng thì nay đã được các doanh nghiệp sản xuất thay thế và được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm như: Ô tô, xe máy, phương tiện vận tải, các mặt hàng đồ điện, điện tử, may mặc, thực phẩm, đồ uống, hoá mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, sản phẩm phục vụ xây dựng,…

Doanh nghiệp là khu vực chủ yếu tạo ra nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, nguồn thu này tăng nhanh trong những năm qua là điều kiện để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các hoạt động xã hội công (y tế, giáo dục, xoá đói giảm nghèo,…).

III) Giải pháp tạo môi trường phát triển lành mạnh cho doanh nghiệp:

Thực hiện tốt các giải pháp hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, với tình hình chính trị tại khu vực biển Đông còn nhiều phức tạp, Chính phủ cần đưa ra các biện pháp nhằm ổn định tâm lý cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Đồng bộ, nhất quán các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hiện thực hóa các chính sách bằng các chương trình hành động cụ thể. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp với mục tiêu tạo hành lang pháp lý minh bạch, thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển.

Triển khai hiệu quả Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014, ban hành các văn bản dưới Luật hướng dẫn chi tiết việc thi hành Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 đúng thời hạn. Để tránh trường hợp mỗi địa phương hiểu và thực thi Luật khác nhau, cần tổ chức tập huấn và thống nhất cách hiểu, thực thi ở tất cả các địa phương trên cả nước. Điều này là rất cần thiết để tránh gây những thủ tục rắc rối không cần thiết ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Một trong những nguyên nhân gây ra sự chồng chéo của các văn bản pháp quy là do chưa có sự đồng bộ cải cách trong hệ thống pháp luật. Vì vậy, việc tiến hành rà soát, điều chỉnh các văn bản pháp quy để thống nhất quy định và phù hợp với luật pháp quốc tế cần được thực hiện sớm. Bên cạnh đó, cần xây dựng chế tài xử phạt trong những trường hợp đơn vị, cá nhân cố tình hiểu sai hoặc áp dụng sai Luật gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ, khi đã có sự thống nhất thực hiện Luật từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp sẽ có quyền khiếu kiện nếu thủ tục hành chính không thống nhất giữa các địa phương khác nhau khi những thủ tục này là trái luật và gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp: Các doanh nghiệp phải chủ động tái cơ cấu hoạt động doanh nghiệp mình. Bên cạnh khối DNNN trong lộ trình tái cơ cấu mạnh mẽ dưới sự chỉ đạo, giám sát quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh cần đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, từng bước nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cần ưu tiên ổn định sản xuất, tập trung vào lĩnh vực chính và giảm các hoạt động đầu tư đa ngành. Bên cạnh đó, cần phải tự đánh giá lại tiềm lực để xây dựng chiến lược kinh doanh mới phù hợp với điều kiện thực tế nhất là khi tình hình giá dầu thế giới đang giảm, đây có thể là cơ hội tốt để doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.