Us: Những trăn trở qua góc nhìn của dòng phim kinh dị – Revelogue
Us là bộ phim điện ảnh thuộc thể loại kinh dị được ra mắt vào năm 2019 và được cầm trịch bởi đạo diễn kiêm nhà sản xuất bậc thầy Jordan Peele. Sau hai năm vắng bóng kể từ siêu phẩm Get Out, Jordan Peele đã cho thấy sự đầu tư vô cùng kĩ lưỡng của mình với sự trở lại lần này.
Us được phòng vé Việt Nam săn đón bởi câu chuyện về cuộc đấu tranh âm ỉ nhưng không kém phần khốc liệt về sinh tồn, bản ngã, tâm lý, chính trị, sắc tộc của mỗi chúng ta như chính tên gọi của phim.
Trailer chính thức của phim Us
Với sự góp mặt của những diễn viên gạo cội Hollywood như Lupita Nyong’o và Winston Duke hay những gương mặt đầy tiềm năng như Shahadi Wright Joseph, Evan Alex, Tim Heidecker và Elisabeth Moss, Us đã thực sự mang đến những thước phim đầy trăn trở cho màn ảnh rộng trên toàn thế giới.
Cốt truyện ám ảnh quen thuộc của Jordan Peele
Câu chuyện xoay quanh nhân vật Adelaide (do Lupita Nyong’o thủ vai) và gia đình của cô tại bờ biển Santa Cruz trong một chuyến nghỉ dưỡng. Thế nhưng chuyến đi đã trở thành một nỗi ám ảnh với không chỉ các thành viên trong phim mà cả với khán giả khi tìm đến Us.
Mở đầu Us là phân cảnh Adelaide lúc bé, vô tình lạc vào nhà gương và có cuộc gặp mặt đầu tiên với bản sao của mình.
Thực tại trở lại với nỗi bất an thường trực trong cô khi Adelaide cùng gia đình quay trở lại bờ biển Santa Cruz theo đề nghị của chồng là Gabe (Winston Duke thủ vai). Nỗi lo sợ của Adelaide đã hiện thân khi những bản sao trong bộ quần áo màu đỏ có ngoại hình giống hệt các thành viên trong gia đình cô xuất hiện và nắm tay nhau ngay trước cửa nhà.
Trong cuộc chất vấn về mặt tâm lý và đấu tranh sinh tồn, những khía cạnh kinh dị được khai thác triệt để, từ đó thể hiện rất rõ tài năng của Jordan Peele cũng như dàn diễn viên ấn tượng của mình.
Để rồi đến cuối, tất cả cùng phải vỡ òa khi nhận ra ranh giới đúng sai, phải trái là không hề tồn tại. Jordan Peele chỉ đưa ra câu hỏi và trả lời nó là công việc của khán giả. Đó chính là dụng ý nghệ thuật của đạo diễn tài ba này.
Cốt truyện đi sâu vào khai thác những góc khuất trong bản thân mỗi người và của xã hội. Chỉ là câu chuyện về một chuyến đi của một gia đình, Peele đã kể được câu chuyện mà bao nhiêu người quan tâm nhưng không ai dám hay đủ khả năng để kể.
Us mang đến góc nhìn hiện thực mới mẻ của dòng phim kinh dị
Không chỉ dừng lại ở giới hạn của một bộ phim kinh dị, Us được đánh giá là khá hàn lâm và khó xem với thị hiếu bởi những tầng nghĩa sâu xa của nó. Nếu những bộ phim kinh dị thông thường đa phần mang tính giải trí thì Us lại mang những giá trị nhân văn và thời sự vô cùng sâu sắc.
Hai thế giới trong Us là thế giới trên mặt đất và dưới mặt đất, thế giới của nhân bản và song trùng. Sự phản kháng, trỗi dậy của những bản sao đã thể hiện một khao khát sống mãnh liệt của những tầng lớp thấp kém khi chứng kiến sự bất công mà họ phải chịu.
“Một ngày nọ, có một cô gái, và cô gái có một cái bóng. Cả hai đều được kết nối với nhau. Khi cô gái ăn, thì cô gái có thức ăn nóng hổi và ngon lắm. Nhưng khi cái bóng đói, thì nó phải ăn thứ còn sống, đầy máu me. Vào giáng sinh, cô gái được mua một món đồ chơi đẹp, mềm mại. Nhưng đồ chơi của cái bóng rất sắc và lạnh. Tay nó bị chảy máu khi chơi. Cô gặp một hoàng tử đẹp trai và yêu anh ta, nhưng cái bóng cùng lúc ấy gặp Apraham, không quan trọng cái bóng có thích hay không, nó vẫn phải chịu đựng định mệnh đó là hoàng tử của mình. Và cô gái có đứa con đầu lòng, một công chúa xinh đẹp. Nhưng cái bóng đã sinh ra một con quái vật. Cô gái sinh con thứ hai, lần này là con trai. Cô gái đã được phẫu thuật và lấy đứa bé trong bụng ra. Nhưng cái bóng phải làm điều đó một mình. Vì vậy cái bóng ghét cô gái đó. Rất ghét, trong một thời gian dài.” – Red
Những song trùng không hẳn là độc ác khi đứng lên hạ bệ nhân bản của mình bởi họ chỉ đấu tranh cho thứ gọi là “quyền sống” của chính họ một cách lạnh lùng và vô cảm. Phải như thế nào thì quyền sống của mình mới không tổn hại đến quyền sống của người khác cũng chính là câu hỏi mà cá nhân nào, xã hội nào cũng đặt ra.
Ở một khía cạnh nào đó, Us cũng động chạm đến các vấn đề nhức nhối trong xã hội Mỹ như chính sách cấm người nhập cư qua hình ảnh những song trùng nắm tay nhau dựng lên bức tường thành vững chãi không để nhân bản nào tồn tại trong thế giới của họ.
Như hai mặt sấp ngửa một đồng xu, sự đoàn kết của bên này sẽ là sự chia cắt của bên còn lại. Để có một “nước Mỹ là của người Mỹ” thì hàng triệu dân nhập cư đã phải khốn đốn lao đao.
Bên cạnh đó, vẻ đẹp của phim kinh dị được khắc họa một cách nghệ thuật chứ không phô khoe như thể loại phim xác sống, tất cả cùng hùa vào đánh nhau giành sống còn.
Mỗi nhân vật trong phim đều phải tự đối diện với song trùng của mình. Jordan Peele đã khéo léo dành không gian riêng cho từng người trong cuộc chiến dành sống còn của chính họ.
“Tôi muốn làm một bộ phim mà cho phép ai ai cũng có thể đối diện với con quỷ bên trong mình” – Jordan Peele
Đây chính là thông điệp mà đạo diễn bậc thầy này muốn gửi gắm đến khán giả, rằng mỗi người phải ý thức được vấn đề của chính mình và phải tự giải quyết phần con của mình chứ không thể trông chờ vào ai được.
Với những gì hàm chứa trong nội dung, Us hoàn toàn không thua kém Parasite – tác phẩm điện ảnh đình đám 2019 dành tượng vàng Oscar. Thế nhưng khán giả của Us đã không khỏi bất ngờ bởi bộ phim không có đề cử nào cho tượng vàng danh giá này.
Thế giới của những ẩn dụ nghệ thuật xuất sắc
Có lẽ phong cách làm phim của Jordan Peele đó là mang đến những câu hỏi qua những hình ảnh, phân đoạn trong phim và để tâm thức người đọc giải thích nó theo cách hiểu của riêng mình.
Xem xét dưới góc nhìn của một bộ phim kinh dị thì Us không có những pha hù dọa, những cảnh máu me chém giết trong hệ quy chiếu của dòng phim này.
Nhưng nỗi sợ mà vị đạo diễn tài năng này mang lại thì lại là một thứ vô cùng độc đáo. Để làm được điều đó, những ẩn dụ nghệ thuật đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Ngay từ tên gọi của phim đã mang hai hàm nghĩa đó là US – chúng ta, nhưng cũng là U.S – nước Mỹ. Câu chuyện trong Us không chỉ là câu chuyện về cuộc đấu tranh để tồn tại trong mỗi con người mà còn là cuộc chiến thực sự khốc liệt được tái hiện qua lăng kính điện ảnh về những chính sách, vấn nạn của xã hội Mỹ nói chung.
Mở đầu bộ phim là một đoạn giới thiệu có phần khó hiểu khi quay hàng trăm chú thỏ bị nhốt trong lồng. Nhưng phải đến cuối phim, khi thực sự lồng ghép những chi tiết nhỏ bé quan trọng được xem là bụi vàng của tác phẩm thì ta mới phần nào hiểu dụng ý của Peele.
Hình ảnh thỏ là thực trạng thí nghiệm nhân bản vô tính chỉ vì mục đích khoa học mà không mang tính nhân đạo của giới khoa học Mỹ. Bên cạnh đó cũng là ẩn dụ cho việc công dân Mỹ cả da trắng lẫn da màu đều chỉ là vật thí nghiệm, công cụ thử nghiệm các chính sách của giới cầm quyền.
Với những cái kéo trên tay, người song trùng trở nên nguy hiểm và khó hiểu hơn bao giờ hết. Nếu như ở Get Out, tách trà và chiếc thìa là công cụ để Peele dẫn chuyện thì ở đây chính là cái kéo.
Ngoài tính sát thương cao, tạo tiếng động gây bồn chồn, kéo còn là công cụ có thể chia cắt những vật thể vốn gắn liền. Nó đại diện cho động cơ của Tethered – những người muốn tiêu diệt phiên bản gốc của mình để trở thành một thực thể độc lập.
Con số 11:11 xuất hiện trong Us vào những khoảnh khắc đáng giá ngàn vàng. Đó là lúc Adelaide bước chân vào đường hầm dẫn đến thế giới người song trùng, lúc cô trở lại bờ biển Santa Cruz hay lúc sắp sửa phải đối diện với gia đình “cái bóng” của chính mình.
“Này, ta sẽ khiến tai nạn đổ trên chúng nó, không thể tránh được; chúng nó sẽ kêu đến ta, nhưng ta chẳng thèm nghe.”
Chính sự bồng bột hoán đổi lúc bé của Adelaide bản sao đã tạo nên một người thủ lĩnh cho người song trùng. Để rồi thảm họa của thế giới thực xảy đến, điều mà không ai ngờ tới, nhưng cũng không thể tránh được.
Nhìn rộng hơn vào các vấn đề xã hội, có thể nói chính những chính sách nửa vời của chính phủ đã tạo nên làn sóng phẫn nộ của dân cư hợp chủng quốc Mỹ và toàn thế giới đối với vấn đề đấu tranh giai cấp, tầng lớp và sắc tộc. Đó chính là cái giá mà chính phủ Mỹ phải trả, và không thể tránh được.
Có thể nói, thế giới ẩn dụ nghệ thuật trong tác phẩm của Jordan Peele là vô cùng rộng lớn và không hề dễ để khai thác. Vẫn còn đó rất nhiều câu hỏi mà vị đạo diễn kiêm biên kịch này đặt ra và chờ đợi câu trả lời từ khán giả của mình cũng như chính phủ nước Mỹ.
Những yếu tố tạo nên thành công của Us
Kịch bản của Us chính là một trong những điểm mấu chốt tạo nên cơn sốt phòng vé của bộ phim. Get Out của Jordan Peele đã từng được xướng tên tại lễ trao giải Oscar năm 2018 cho hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất, thế nên không có gì ngạc nhiên nếu như khán giả điện ảnh trông chờ vào sự trở lại của ông.
Không để khán giả thất vọng, Us đã thỏa mãn người xem không chỉ bởi những nỗi sợ trực tiếp trong các phân đoạn hồi hộp, giật gân của dàn diễn viên mà còn là nỗi sợ trong tâm thức của mỗi người về cái bản ngã đang tồn tại trong mình.
Đâu đó trong phim, tất cả chúng ta còn mơ hồ thấy được niềm bất an về chế độ cầm quyền và những chính sách, kế hoạch sai lầm và đầy giấu giếm của họ. Để lại sau Us là một câu hỏi lớn rằng liệu xã hội chúng ta đang sống phải chăng không thể phân biệt đâu mới là đúng sai, phải trái, nên tin vào ai và nghi hoặc ai.
Bên cạnh đó, diễn xuất đặc biệt xuất sắc của dàn diễn viên chính là thứ ám ảnh khán giả. Mỗi người đều phải đảm nhận cùng lúc hai vai diễn gần như trái ngược bởi đặc trưng của phim liên quan đến hiện tượng song trùng.
Thế nhưng, từ những gạo cội của nền điện ảnh như Lupita Nyong’o và Winston Duke hay những cái tên có phần xa lạ như Shahadi Wright Joseph, Evan Alex đều có những phân cảnh khóc cười, sợ hãi, hoảng loạn, hay ngạo nghễ thay đổi linh hoạt vô cùng trọn vai.
Đặc biệt Madison Curry đảm nhận vai Adelaide hồi nhỏ cực kỳ xuất sắc, điệu cười ghê rợn của cô bé khi thực hiện kế hoạch gian trá của mình hay sự im lặng đáng sợ của em đã thể hiện rất tốt các ý đồ nghệ thuật của đạo diễn Jordan.
Hình ảnh trong Us chính là điểm sáng quan trọng bậc nhất góp phần truyền tải ý đồ, thông điệp của tác giả và cả bộ phim. Hàng loạt hình ảnh mang tính ẩn dụ tưởng chừng như vô nghĩa và khó hiểu nhưng lại đều là những vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Cách khai thác những hình ảnh đối lập và những hình ảnh mang tính lịch sử cũng là dấu ấn mà bộ phim mang lại. Nếu như gia đình Adelaide có thể trụ đến cuối phim bởi sự gắn bó sâu sắc thì gia đình Russel lại nhanh chóng bị phần con (song trùng) của mình hạ gục bởi sự chia rẽ. Từ đó làm mang đến bài học nhân văn sâu sắc về sự gắn kết của hai chữ gia đình.
Chiến dịch Hands Across America, chính sách ngăn cản dân nhập cư của tổng thống Donald Trump hay chiến tranh ở Việt Nam được nhắc đến trong phim qua hình ảnh nắm tay nối dài của người song trùng hay chữ Thỏ bằng Tiếng Việt cũng mang đến những trăn trở đáng kể cho người xem.
Một trong những phần quan trọng để đánh giá một tác phẩm kinh dị nói riêng và một tác phẩm điện ảnh nói chung là âm thanh. Âm thanh có phù hợp và ăn khớp với mạch phim, có ám ảnh và có khả năng truyền đạt thì mới tạo nên những ấn tượng, những cảm giác ngột ngạt bị bủa vây.
Những âm thanh vô cùng quen thuộc như tiếng huýt sáo, tiếng trống dồn hay tiếng violin dưới bàn tay nhào nặn và tư duy nghệ thuật của Jordan Peele vô hình dung trở thành những nỗi sợ không thể diễn tả thành lời.
Nếu như ở đầu phim, Adelaide huýt sáo để xua đi sợ hãi khi lạc trong nhà gương thì phần sau, chính âm thanh đó đã liên tục vang vọng đánh thức kí ức tăm tối của rất nhiều năm trước và khiến cô cũng như toàn bộ khán giả vô cùng bất an.
Giai điệu của bài hát I Got 5 On It được xướng lên hai lần trong toàn bộ bộ phim với sắc thái hoàn toàn khác nhau. Nếu như phiên bản gốc ở đầu phim vang lên vô cùng vui nhộn thì đến cuối lại được được phối lại sử dụng những âm thanh ngắn và đột ngột từ đàn violin vô cùng ám ảnh.
Đây phải chăng cũng chính là dụng ý của Jordan Peele khi sử dụng một bản sao theo nghĩa khác trong bộ phim được đầu tư kĩ lưỡng này của mình.
Góc quay và ánh sáng trong phim cũng được khai thác vô cùng hiệu quả. Những gương mặt cùng nụ cười có phần ma mị và rùng rợn được tái hiện trên những phân cảnh lấp lửng giữ những khoảng sáng tối khiến cảm giác bất an rình rập màn ảnh lớn.
Us được đón nhận và đánh giá cao bởi cả giới chuyên môn lẫn những khán giả của màn ảnh rộng. Với kinh phí sản xuất là 20 triệu USD thế nhưng đoàn làm phim đã mang về doanh thu gấp hơn mười lần với hơn 250 triệu USD và tạo nên một thương hiệu không thể nhầm lẫn mang tên Jordan Peele.
Nếu như Get Out là câu chuyện tâm lý về cách người da trắng điều khiển người da đen thì ở Us lại là câu chuyện về cách mỗi chúng ta điều khiển phần con của mình cũng như hãy trân trọng cuộc sống mà mình đang có, bởi biết đâu, một song trùng ở đâu đó đang tồn tại và thèm khát thế giới của chúng ta.
Nếu bạn là người hâm mộ của dòng phim kinh dị tâm lý thì Us là một cái tên xuất sắc không thể bỏ lỡ, hãy thử trải nghiệm những thước phim đầy trăn trở và ám ảnh của Jordan Peele để cùng khán giả thế giới chiêm ngưỡng một góc nhìn vô cùng mới mẻ từ thể loại phim kinh dị.
Thu Thảo