Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp
TMO – Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đang tích cực ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất là nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Nhận thấy rõ những giá trị từ ứng dụng công nghệ sinh học đem lại, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách được ban hành đã tạo môi trường thuận lợi, thu hút các dự án đầu tư công nghệ; khuyến khích sử dụng các sản phẩm công nghệ sinh học; phát triển và nhân rộng các mô hình, kết quả nghiên cứu công nghệ sinh học mang lại hiệu quả, lợi ích cao.
Địa phương này đã đẩy mạnh quy hoạch vùng, trong đó xác định rõ ba vùng và 11 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, một số huyện đã hình thành mô hình liên kết trong sản xuất-tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao như: Kim Bôi, Yên Thủy, Cao Phong, Lạc Thủy.
Việc ứng dụng công nghệ sinh học đã tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và có khả năng thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, phòng, chống các loại dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhiều loại chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học thế hệ mới được sản xuất, ứng dụng đã góp phần tích cực trong việc phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường và nâng cao sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng.
Các chế phẩm sinh học được sử dụng phổ biến trong hoạt động sản xuất nông nghiệp để xử lý với các loại phụ phẩm nông nghiệp như rơm, cỏ, thân ngô, thân lạc… để chế biến thành phân hữu cơ vi sinh góp phần giảm ô nhiễm môi trường và giảm chi phí đầu tư; biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) góp phần giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường.
Trên địa bàn tỉnh, một số doanh nghiệp đã đầu tư máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym trong bảo quản, chế biến như: Công nghệ bảo quản cam, chế biến tinh bột… Đồng thời, các đơn vị còn đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô trong lĩnh vực cây dược liệu.
Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện nhiều đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ sinh học hỗ trợ phát triển sản xuất. Từ đó bổ sung nhiều bộ giống lúa lai có năng suất, chất lượng đưa vào sản xuất đại trà, đưa năng suất lúa bình quân tăng, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh liên tục trong nhiều năm.
Công nghệ sinh học góp phần nâng tầm thương hiệu cá tầm Hòa Bình
Tại lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm và khẳng định một số giống vật nuôi mới như cá tầm, cá hồi vân trên hồ Hòa Bình; nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống cá bỗng, cá trắm đen, phát triển mô hình các vật nuôi đặc sản như gà đồi Lạc Sơn, Lạc Thủy. Các cơ sở chăn nuôi đã tích cực triển khai áp dụng công nghệ nuôi theo hướng VietGAP với những công nghệ sử dụng đệm lót sinh học; khí sinh học; sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi, chế phẩm E.M… góp phần làm giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường.
Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết, ứng dụng công nghệ sinh học đã góp phần đưa tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân đạt khoảng 4,1%/năm. Đồng thời góp phần phục tráng và tái tạo nguồn gien các giống cây trồng, vật nuôi đặc hữu; giúp hình thành và phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc sản chủ lực của tỉnh, thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thu Hà