Ứng dụng công nghệ sinh học biofloc trong nuôi trồng hải sản

Các nhà khoa học của Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã ứng dụng thành công đưa biofloc vào nuôi cá rô phi thâm canh trong môi trường nước lợ. Công nghệ này không những giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn đảm bảo chất lượng cá rô phi thương phẩm đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các nhà khoa học của Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã ứng dụng thành công đưa biofloc vào nuôi cá rô phi thâm canh trong môi trường nước lợ. Công nghệ này không những giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn đảm bảo chất lượng cá rô phi thương phẩm đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Công nghệ

 biofloc

(BFT) là quá trình tự Nitrat hóa trong ao nuôi thủy sản không cần thay nước. Biofloc tập hợp một khối các chất hữu cơ lơ lửng trong nước như các loại tảo đơn bào, tảo đa bào, phân, thức ăn dư thừa, xác vi sinh vật, vi khuẩn và kể cả động vật không xương sống,… Biofloc có khả năng đồng hóa các loại chất thải hữu cơ chuyển thành sinh khối của vi khuẩn trong thời gian rất ngắn nhằm cải thiện môi trường nước mà không cần ánh sáng như các loại tảo. Biofloc có hàm lượng chất dinh dưỡng cao và trở thành loại thức ăn cho tôm, cá. Hàm lượng Protein khi nuôi thủy sản Biofloc chiếm khoảng 30 – 45%, hàm lượng chất béo chiếm khoảng 1 – 5%. Biofloc chính là nguồn Vitamin và khoáng chất rất tốt cho động vật thủy sản.

Các nhà khoa học Viện Tài nguyên và Môi trường biển xây dựng đã ứng dụng thành công mô hình này trong việc nuôi cá rô phi và đã được chuyển giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, Chi cục Thủy sản Hải Phòng, Trung tâm khuyến nông Hải Phòng để áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân nuôi trồng thủy sản.

Mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học biofloc trong nuôi cá rô phi. 

Ảnh: Viện TN&MT Biển.

Quy trình công nghệ yêu cầu khu nuôi phải có ao nuôi, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống sục khí, quạt nước ao nuôi, khu chứa chất thải, công trình phụ trợ và các thiết bị cần thiết khác. Đặc biệt, khu nuôi nên gần vùng ven biển với vùng nước lợ có độ mặn từ 1 – 25 ‰, mật độ cá nuôi trong quy trình sản xuất là 6 con/m2.

Để thực hiện quy trình nuôi cá rô phi thâm canh bằng công nghệ biofloc, trước tiên cần chuẩn bị ao nuôi. Qúa trình này bắt đầu từ việc chuẩn bị ao nuôi gồm các bước dọn tẩy và khử trùng ao nuôi, cấp nước cho ao nuôi. Sau đó, tiến hành tạo biofloc cho ao nuôi. Theo đó, nguồn các-bon bổ sung vào ao nuôi sử dụng rỉ đường (50% C), tỷ lệ C/N trong ao nuôi là từ 13/1 đến 15/1. Trong thời gian này, cần theo dõi và duy trì biofloc trong ao nuôi, thực hiện quạt nước và sục khí để đảm bảo nồng độ ôxy trong nước > 4mg/l, khuấy trộn, đảo nước và biofloc đều khắp ao. TS. Nguyễn Xuân Thành – Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, có thể sử dụng thức ăn công nghiệp dạng nổi, không tan trong nước để nuôi cá rô phi.

“Giai đoạn đầu, có thể sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm cao (thức ăn có độ đạm từ 30 – 35%) và khi cá lớn trên 300 g/con, sử dụng thức ăn thấp đạm hơn (thức ăn có độ đạm 18 – 20%). Cá rô phi nuôi trên 5 tháng là có thể thu hoạch. Thông thường sẽ thường thu hoạch vào khoảng tháng 9 tháng 10 hàng năm trước khi thời tiết lạnh” – Ông Thành chia sẻ.

Kết quả, với mật độ nuôi 6 con/m2 bằng mô hình ứng dụng công nghệ biofloc, năng suất ao nuôi đạt 33 – 37 tấn/ha, cao gấp hai lần so với mô hình nuôi hiện nay tại địa phương. Đặc biệt, lợi nhuận ròng tính theo 1 ha cao hơn 2,7 – 3,5 lần. Tỷ suất lợi nhuận cũng tăng cao hơn từ 1,7 – 2,1 lần.

Ao cá đượng nuôi theo mô hình 

biofloc tăng trưởng nhanh, sức khỏe tốt. Ảnh: Viện TN&MT Biển.

Mô hình nuôi cá rô phi này, đem đến tính an toàn sinh học cao, giúp cá tăng trưởng nhanh, năng suất và sản lượng cao đồng thời giảm chi phí sản xuất so với các hệ thống nuôi thông thường. Đặc biệt, áp dụng công nghệ này ngăn ngừa hiệu quả bệnh viêm ruột, xuất huyết… trên cá rô phi, ổn định môi trường nước và không cần thay nước thường xuyên.

Bên cạnh việc gia tăng lợi nhuận kinh tế, mô hình nuôi cá rô phi bằng công nghệ biofloc còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường do kiểm soát được các chất hữu cơ gốc ni tơ (NH3, NO2..) trong ao do thức ăn dư thừa, sản phẩm bài tiết của cá, xác chết của các sinh vật trong môi trường nước ao. Do đó đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của cá thương phẩm.

Có thể thấy, công nghệ biofloc được coi là một trong những công nghệ mới, mang tính đột phá trong nuôi thủy sản nói chung và cá rô phi nói riêng. Việc hoàn thiện mô hình thích ứng với điều kiện Việt Nam, chuyển giao và nhân rộng giải pháp cho các cơ sở sản xuất tạo điều kiện thúc đẩy ngành theo hướng thân thiện môi trường, là hướng đi hiệu quả, thực tiễn của nghiên cứu khoa học. 

Hiện nay, mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong nuôi trồng ngành cá nói riêng, ngành thuỷ sản nói chung là vấn đề đáng quan ngại.  Việc một số cơ sở nuôi cố tình sử dụng chất kích thích sinh sản, sinh trưởng trong quá trình sản xuất giống hay nuôi thương phẩm. Bên cạnh đó, một số cơ sở nuôi cố tình sử dụng thức ăn bị nấm mốc có chứa độc tố, sử dụng tạp chất, hoá chất cấm để tăng lợi nhuận, gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người như các bệnh ung thư, ngộ độc… có thể dẫn đến tử vong.

So với mô hình nuôi cá truyền thống, mô hình nuôi cá bằng công nghệ sinh học Biofloc giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá thành sản phẩm. Đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu chăn nuôi, góp phần cải thiện môi trường, thúc đẩy nhanh bền vững đối với ngành thủy sản nói chung và ngành cá nói riêng. 

Nhật Minh