Tưởng niệm 79 năm ngày mất của bác sĩ Alexandre Émile Jean Yersin
Yersin – vị bác sĩ đam mê thám hiểm
Năm 1883 sau khi tốt nghiệp trung học, Yersin đến Luasanne học y khoa, rồi sang Marburg, CHLB Đức tiếp tục theo đuổi ngành học của mình. Trong thời gian học ở Marburg, qua báo chí, Yersin được biết về nhà truyền giáo, kiêm nhà thám hiểm David Livingstone, từ đó Yersin ấp ủ nhiều hoài bão về thám hiểm thế giới.
Chân dung của bác sĩ Alexandre Émile Jean Yersin
Năm 1885, ông đến Pháp học tập và nghiên cứu y học. Tin tức, những chuyến đi, và những tấm bản đồ về Đông Dương đã khơi dậy niềm đam mê thám hiểm của chàng sinh viên y khoa – người mà suốt cuộc đời luôn muốn chọn những gì mới mẻ và hiện đại. Năm 1886, theo lời mời của giáo sư Émile Roux, ông gia nhập viện nghiên cứu của bác sĩ Louis Pasteur để tìm hiểu, nghiên cứu và phát triển huyết thanh ngừa bệnh dại
Nhà khoa học trẻ đầy triển vọng này không hài lòng với môi trường học thuật đỉnh cao ở Paris. Năm 1890, Yersin quyết định rời nước Pháp để đến Đông Dương (lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp). Khi biết chắc không thể thuyết phục Yersin ở lại Paris, bác sĩ Louis Pasteur viết thư cho Công ty vận tải hành hải Messageries Maritimes, giới thiệu Yersin làm bác sĩ trên tàu.
Yersin nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu Volga, một con tàu cũ kỹ chạy bằng buồm và hơi nước trên tuyến hàng hải Sài Gòn – Manila (Philippines), chuyên chở 67 hành khách cùng hàng hóa.
Đang lúc làm bác sĩ trên tàu Volga, qua lại giữa hai thành phố Sài Gòn và Manila, Yersin tự tổ chức cho mình những chuyến thám hiểm cá nhân ở Philippines và Nam kỳ (Việt Nam), tích lũy kiến thức cùng kinh nghiệm cho ước mơ khám phá những vùng đất mới.
Sau đó Yersin được thuyên chuyển sang tuyến hàng hải mới mở Sài Gòn – Hải Phòng, làm bác sĩ trên con tàu mang tên Saigon, di chuyển dọc bờ biển. Thời ấy chưa có tuyến đường bộ nối liền hai miền Nam – Bắc. Yersin dùng thời gian rảnh rỗi trên tàu để ký họa địa hình bờ biển dưới sự hướng dẫn của thuyền trưởng.
Ông học cách sử dụng kính lục phân, nghiên cứu môn trắc địa cũng như thu thập kiến thức toán học cần thiết cho công việc quan sát thiên văn học. Cả chuyến đi cũng như chuyến về, con tàu đều dừng lại ở Nha Trang một vịnh nước yên tĩnh đầy nắng. Lần nào đến Nha Trang, Yersin cũng bị mê hoặc đến sững sờ bởi vùng đất hoang sơ đó với mảng thực vật trên đất liền đẹp rực rỡ, bên trên sừng sững những đỉnh núi mây mù chưa từng ai đặt chân đến và cũng chưa hề được vẽ bản đồ.
Bén duyên với Nha Trang xinh đẹp
Năm 1891, Yersin xin thôi việc ở hãng tàu Messageries và quyết định đến sống tại Nha Trang. Ông cho dựng một ngôi nhà gỗ ở Xóm Cồn và mở một phòng khám. Yersin là bác sĩ người Âu đầu tiên hành nghề trong vùng này. Ông nhận tiền khám của những người giàu có rồi chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Người dân địa phương gọi ông bằng một cái tên thân thương là ông Năm.
Ngôi nhà gỗ của bác sĩ Yersin ngày xưa đã từng sống và làm việc trên đỉnh núi Hòn Bà
Trong thời gian sống ở Nha Trang, ông thường xuyên thực hiện những chuyến thám hiểm hàng trăm cây số trong những vùng đồi núi, vào ở trong các ngôi làng người dân tộc thiểu số, học chút ít ngôn ngữ và chữa bệnh cho họ.
Chuyến thám hiểm khám phá ra Đà Lạt
Tháng 6 năm 1893, Yersin tổ chức đoàn thám hiểm theo đường bộ từ Biên Hòa đi Đồng Nai rồi lên Di Linh và khám phá Cao nguyên Lâm Viên. Trong nhật ký đề ngày 21 tháng 6 năm 1893, Yersin ghi nhận có vài làng của người sắc tộc D’Lat nằm rải rác trong vùng: “Từ trong rừng thông bước ra tôi sững sờ khi đối diện một bình nguyên hoang vu giống như mặt biển tràn đầy những làn sóng màu xanh lá cây. Sự hùng vĩ của rặng Langbian hòa lẫn vào đường chân trời tây bắc tạo nên bối cảnh tráng lệ, gia tăng vẻ đẹp của vùng đất này”.
Đến năm 1899, tại vùng đất được Yersin khám phá, toàn quyền Paul Doumer thiết lập một khu nghỉ dưỡng cho người châu Âu, sau đó trở thành Đà Lạt.
Đóng góp của Yersin với ngành y
Bác sĩ Yersin là nhà khoa học đầu tiên phân lập trực khuẩn gây bệnh dịch hạch và cũng là người sáng lập Viện Pasteur Nha Trang và Viện Pasteur Đà Lạt
Năm 1902 Toàn quyền Paul Doumer trước khi rời Đông Dương đã mời bác sĩ Yersin từ Nha Trang ra Hà Nội để mở 1 trường Y, 1 bệnh viện và 1 trung tâm vệ sinh. Yersin được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đầu tiên của École de Médecine de Hanoi (tạm dịch: Trường y khoa Hà Nội), là tiền thân của trường Đại học Y Hà Nội ngày nay.
Căn nhà của Yersin tại Xóm Cồn gọi là lầu ông Tư (vì Yersin là con thứ 3 trong gia đình)
Ông thiết lập giáo trình theo hình mẫu Đại học y khoa ở Pháp. Ngoài nhiệm vụ quản lý, bác sĩ Yersin còn tham gia giảng dạy một số môn lâm sàng và lý thuyết. Trường khai giảng ngày 1 tháng 3 năm 1902, năm học đầu tiên có 29 sinh viên. Sau 2 năm, khi mọi việc đã vào nề nếp, bác sĩ Yersin xin từ nhiệm trở về Nha Trang sống ẩn dật và chỉ quan tâm đến gieo trồng chăm sóc và phát triển các loại cây du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam.
Đóng góp của Yersin với ngành nông nghiệp
Bác sĩ Yersin là người mang cây cao su, ca cao, cà phê, cây tiêu, cây điều, cà chua, cà rốt và một số loài hoa từ nước ngoài vào trồng ở Việt Nam Ông cho trồng thử nghiệm cây canhkina, là loại cây được dùng để chiết suất ra thuốc ký ninh, điều trị bệnh sốt rét. Ông đã tìm ra thổ nhưỡng thích hợp cho loại cây này ở vùng Di Linh và Đơn Dương
Bác sĩ Alexandre Yersin (bên trái) trong một lần đến Tây Nguyên
Ngày 1-2-1943, bác sĩ Yersin từ trần tại nhà riêng ở Nha Trang. Trong di chúc để lại, ông ghi: “Tôi muốn được an táng ở Suối Dầu. Hãy cho tôi được nằm lại ở Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin được hiến tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm. Đám tang xin làm giản dị, không bày biện, không điếu văn”.
Dù vậy, rất đông người tìm đến để đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều người dân Xóm Cồn và Nha Trang thương khóc, để tang ông.
Ra mắt phim tài liệu “Cuộc đời phi thường của Alexandre Yersin (1863-1943)”
Ngày 1-3, Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) phối hợp cùng một số đại sứ quán, viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam giới thiệu phim tài liệu Cuộc đời phi thường của Alexandre Yersin (1863-1943).
Bộ phim ra mắt với mong muốn truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi, đặc biệt là những bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu y tế và phát triển.
Bộ phim dài hơn 11 phút, với phụ đề tiếng Anh và tiếng Việt do đạo diễn Stéphane Kleeb thực hiện. Những thước phim khắc họa lại một số thành tựu trong sự nghiệp của bác sĩ Alexandre Yersin tại Việt Nam và thảo luận một số bài học kinh nghiệm đúc rút từ những nghiên cứu liên ngành và công việc của ông phục vụ cộng đồng bản xứ.
Tuấn Kiệt