Tục nhận cho con bố mẹ nuôi ở người Bố Y – Lào Cai
Tục nhận cho con bố mẹ nuôi ở người Bố Y – Lào Cai
Tục nhận bố, mẹ nuôi cho con của người Bố Y cũng có nhiều cách khác nhau, tuỳ thuộc vào “số mệnh” của mỗi đứa trẻ và tuỳ từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể.
* Trường hợp thứ nhất : Trong những gia đình có sản phụ vừa sinh, để cấm cửa không cho người lạ đến nhà, người chồng hoặc một thành viên trong gia đình sẽ lấy một cái cọc đem ra đóng ở ngoài cổng, nơi mọi người dễ nhìn thấy nhất, úp cái nón lên trên (hoặc lấy hai thanh tre buộc thành hình chữ thập) để làm dấu hiện cấm cửa trong 3 ngày không cho người ngoài gia đình đi vào nhà.
Trong trường hợp có một người nào đó vô tình hoặc không biết tập tục này mà đi vào, nhà chủ sẽ nhận người đó làm bố nuôi “ chin ti” (nếu là đàn ông) hoặc mẹ nuôi “ chin ma” (nếu là đàn bà” cho con. Họ cho người khách đó là vía lạ, vía dữ sẽ ảnh hưởng đến việc khôn lớn của đứa trẻ và sự tình cờ đó là cái duyên của đứa trẻ với người khách này. Bởi vậy cần phải làm lễ để nhận bố, mẹ nuôi cho đứa trẻ thì nó mới khoẻ mạnh, phát triển bình thường, không bị ốm đau, bệnh tật vì được vía của ông bố nuôi, mẹ nuôi che chở.
Để làm lễ nhận bố, mẹ nuôi cho con, gia chủ phải chuẩn bị làm cơm cúng. Khi chủ nhà cúng tổ tiên xong, người bố nuôi lấy một sợi chỉ buộc vào cổ tay đứa trẻ. Nếu nó là con trai sẽ buộc sợi chỉ đỏ vào cổ tay phải, là con gái thì buộc vào tay trái. Nếu không có sợi dây thì cắt một cúc áo đưa cho bà mẹ đứa trẻ để khâu vào áo sơ sinh rồi mặc cho nó.
Sau khi buộc dây chỉ cho con xong, chủ nhà bày cơm rượu để thết đãi khách. Trước khi ăn, bố nuôi, mẹ nuôi phải đặt một cái tên cho con nuôi và lấy họ của mình làm họ cho đứa trẻ. Cái tên này sẽ được gọi hàng ngày. Nhưng tên bố, mẹ nuôi đặt cho chỉ là tên phụ, còn tên chính thức vẫn là tên trong giấy khai sinh mà gia đình đã đặt cho bé.
* Trường hợp thứ hai : Với những đứa trẻ hay quấy khóc, lười ăn, đêm ngủ thường giật mình, xanh xao hoặc ốm đau luôn… bố của đứa trẻ sẽ cầm cuốn gia phả (có ghi rõ ngày, tháng, năm sinh của con) sang nhờ thầy cúng ( xia xân) xem giúp đứa trẻ có gặp phải vận hạn gì không? Thầy cúng đối chiếu với lịch vạn niên ( wả nhuês lì) và tính xem đứa trẻ có xung hạn gì. Nếu đứa trẻ có “mệnh” phải đi nhận bố – mẹ nuôi để được che chở, không bị các ma ác quấy quả, “ xia xân” sẽ chỉ cho cách đi nhận bố – mẹ nuôi ứng với xung hạn của đứa trẻ.
Bố của đứa trẻ (hoặc ông nội hay bất kể một thành viên nào khác trong gia đình) lấy một cái áo của bé đặt lên bàn thờ tổ tiên, rót 3 chén trà để lên đó, thắp hương, vái lạy rồi cầm cái áo khấn với ý rằng: “Đứa con, đứa cháu của gia đình, sinh ra cái số phải đi nhận bố – mẹ nuôi, cầu xin tổ tiên phù hộ cho gia đình chóng tìm được người bố – mẹ nuôi cho con, cho cháu để chăm sóc cháu khoẻ mạnh, hiền ngoan, hay ăn chóng lớn”. Khấn xong, ông bố cầm cái áo đó đem treo trên xà cửa chính. Cả buổi sáng hôm đó, gia đình mở cửa, đón xem có ai đến nhà để nhận bố – mẹ nuôi cho con. Nếu không có ai đến thì đúng 3 ngày sau mới được nhận bố – mẹ nuôi, buổi chiều hôm cúng và 2 ngày sau đó có ai đến nhà đều không được nhận.
Ngày thứ 3 (kể từ hôm cúng) sẽ mở cửa từ sáng sớm để chào đón một người tốt số nào đó đến để gia đình nhận bố – mẹ nuôi cho bé. Khi có một khác đến, chủ nhà sẽ ra đón và nói với ý đứa con của gia đình có số phải tìm bố – mẹ nuôi, may mắn gặp được chú, bác… nhờ chú, bác làm bố nuôi của đứa trẻ để cháu được khoẻ mạnh, hết ốm đau bệnh tật… Được nhời như vậy, khách sẽ vui vẻ nhận lời. Chủ nhà mời khách vào nhà uống nước rồi chuẩn bị làm cơm rượu cúng để báo với tổ tiên đã nhận được bố mẹ nuôi cho đứa con.
Lễ vật dâng cúng gồm: một đĩa thịt gà, một chai rượu, 3 chén rượu, 3 bát cơm, 3 đôi đũa. Khi chuẩn bị lễ vật cúng xong, chủ nhà đặt sợi chỉ đỏ (do bố nuôi đã chuẩn bị) lên bàn cúng và khấn.
Cúng xong, chủ nhà mời bố nuôi lấy dây chỉ buộc vào tay đứa bé. Lúc này đứa bé phải quỳ trước bàn cúng tổ tiên (nếu còn nhỏ, bà mẹ phải bế và quỳ thay con). Trước khi buộc sợi chỉ, bố nuôi cầm dây chỉ xoắn lại, vì theo họ xoắn như vậy để bố nuôi và con nuôi giữ được tình cảm mãi mãi về sau. Buộc xong, bố nuôi cũng phải nghĩ ra một cái tên đặt cho đứa bé và lấy họ mình làm họ cho đứa bé (tên chính đã đặt trong lễ đặt tên). Đặt tên xong, họ ăn cơm uống rượu để chúc mừng đứa bé đã nhận được ông bố nuôi tốt, từ đó trở đi người bố nuôi phải quan tâm đến con nuôi và đứa con nuôi đó sau này lớn lên cũng có trách nhiệm báo đáp, phụng dưỡng bố nuôi như bố đẻ của mình.
* Cách thứ ba : Thầy cúng sẽ dựa vào ngày sinh, tháng đẻ và xem số mệnh của đứa trẻ đó phải đi nhận bố – mẹ nuôi như thế nào. Khi xem tuổi và tính ngày xong, thầy cúng sẽ cho biết phải đến địa điểm là những ngã ba, ngã tư và theo hướng nào để nhận bố, mẹ nuôi. Đến ngày đó gia chỉ cần chuẩn bị lễ cúng gồm có: 1 con gà luộc, 1 đĩa xôi, 1 chén rượu, 1 nén hương, giấy bạc.
Sáng sớm ngày đi nhận bố – mẹ nuôi cho con, hai vợ chồng xách lễ vật dâng cúng và bế đứa bé đi theo hướng thầy cúng chỉ, tìm một ngã ba, ngã tư gần nhất để làm lễ. Đến nơi, họ lấy lá rải ra ven đường rồi bầy lễ cúng, người chồng đốt nén nhang cắm xuống đất rồi khấn với ý: đứa con của gia đình có số phải nhận bố – mẹ nuôi, hôm nay gia đình sắm lễ đến đây để tìm bố – mẹ nuôi của cho cháu bé, nếu ai đến trước người đó sẽ làm bố – mẹ nuôi của cháu bé…
Khi người chồng khấn xong, bất cứ ai đi qua ngã ba, ngã tư đó đầu tiên sẽ được hai vợ chồng ra mời và nhờ làm bố – mẹ nuôi cho con mình. Trong trường hợp người đi đường đó chỉ hơn đứa trẻ một vài tuổi vẫn có thể được nhận làm bố – mẹ nuôi. Khi người qua đường nhận lời, sẽ được hai vợ chồng gia chủ mời về nhà cúng báo với tổ tiên và làm lễ nhận bố – mẹ nuôi.
Lễ dâng cúng tổ tiên là con gà vừa đem cúng ngoài đường, chặt xếp ra đĩa cùng với những thứ khác được đặt lên bàn thờ. Trong khi đó, người được mời làm bố nuôi sẽ chuẩn bị một sợi dây chỉ. Trong trường hợp không có hoặc không xin được sợi chỉ, ông bố nuôi phải xé cả vạt áo ra để làm lễ nhận con nuôi và buộc vào tay cho đứa bé. Sợi chỉ được đặt lên bàn cúng với lễ dâng cúng. Cúng xong, chủ nhà mời bố nuôi buộc dây chỉ vào tay cho con (con trai phải, con gái tay trái). Trước khi ăn cơm uống rượu, ông bố nuôi cũng phải đặt cho con nuôi một cái tên và tên của đứa trẻ sẽ mang tên họ của ông bố nuôi “ chin ti”.
Với cách nhận bố – mẹ nuôi như trên, hàng năm, cứ vào ngày mồng 2, hoặc mồng 4 tết nguyên đán, bố mẹ của đứa trẻ phải bế hoặc dẫn con và đem theo lễ vật đến nhà ông bố nuôi để chúc tết và làm lễ cúng. Năm đầu tiên khi nhận bố nuôi bắt buộc các ông bố bà mẹ phải dẫn con đến chúc tết “chín ti” thể hiện sự hiếu thảo của người con nuôi. Còn những năm sau do đường xa hay lí do gì khác có thể 2-3 năm đến chúc tết chin ti một lần tuỳ theo điều kiện của từng nhà.
Khi đến chúc tế bố – mẹ nuôi, gia chủ thường phải đem theo: 2 con gà, 2 cái bánh khoải, 1 lít rượu, hoa quả, một nắm hương (trước kia, khi nhà nước chưa cấm pháo thì đối với người Tu Dí trong ngày đó quan trọng nhất là bánh pháo).
Khi đem theo các lễ vật như vậy đến nhà bố nuôi, gia đình chin ti phải mổ gà và chuẩn bị làm cơm, rượu để cúng tổ tiên. Cỗ được sắp đặt trên một cái bàn đặt trước bàn thờ. Ông bố nuôi gọi con nuôi lại quỳ trước bàn thờ tổ tiên (nếu đứa bé còn nhỏ thì mẹ của đứa bé phải bế quỳ thay con). Chin ti thắp 3 nén hương trên bàn thờ tổ tiên, 1 nén cho thần thổ địa, 2 nén ngoài cửa, đứng trước bàn thờ tổ tiên và đặt lễ vật dâng cúng rồi khấn: “Ngày… tháng… năm… tôi có đến nhà anh chị tên là… và có nhận một đứa con nuôi tên là… Nay gia đình con nuôi đem lễ vật đến dâng lên tổ tiên, mời tổ tiên về nhận hưởng thịt, rượu… và nhận đứa cháu này để từ nay phù hộ cho cháu được mạnh khoẻ, lớn lên thông minh, đi đâu cũng gặp may và có hiếu với bố mẹ, tổ tiên…”. Khấn xong, bố nuôi bảo con nuôi vái 2 vái để ra mắt tổ tiên. Nếu sợi chỉ buộc tay của con nuôi đã mất hoặc lần trước vì chưa chuẩn bị chu đáo bố nuôi sẽ lấy một sợi chỉ khác buộc lại cho. Sau đó, hai gia đình sẽ bày cơm rượu ra ăn uống vui vẻ hết cả ngày hôm đó.
Trong tục nhận bố – mẹ nuôi của người Bố Y, khi đứa trẻ đầy 3 tuổi (là ngày sinh của đứa bé), bố của đứa bé sẽ dẫn con sang nhà bố nuôi “ chin ti”, mẹ nuôi “ chin ma” để làm lễ đầy 3 tuổi cho con. Khi đi phải đem theo: 1 con lợn 30-40 kg, 20-30 lít rượu, 15-20kg gạo, đậu tương 10 bơ. Ngày hôm đó, bên nhà ông bố – mẹ nuôi, mọi người sẽ cùng nhau tập trung lại mổ lợn và chuẩn bị cơm rượu để dâng cúng tổ tiên.
Trước khi cúng, bố nuôi phải chuẩn bị một cái vòng bạc đặt trên bàn thờ, sau đó ông thắp hương vái lạy tổ tiên rồi khấn. Khi cúng xong, “ chin ti” lấy cái vòng bạc xuống đeo vào cổ đứa con nuôi của mình. Các vòng bạc bố nuôi đeo cho có ý nghĩa mãi mãi về sau đứa trẻ đó sẽ là đứa con của cả họ hàng nhà “chin ti”, thể hiện sự gắn bó tình cảm giữa người bố nuôi và đứa trẻ.
Khi được nhận là “ chin ti”, “ chin ma”, bố – mẹ nuôi phải có trách nhiệm chăm lo cho đứa con nuôi đó. Ngược lại, đứa con nuôi cũng phải có trách nhiệm thăm hỏi và chăm sóc bố mẹ nuôi khi già yếu thể hiện lòng hiếu thảo của người con đối với bố mẹ.
Tục nhận bố – mẹ nuôi cho con của người Bố Y là một tín ngưỡng dân gian truyền thống đáp ứng cả về mặt tâm linh và tinh thần. Đây là nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Bố Y cần được giữ gìn và lưu truyền cho thế hệ sau.
Nguồn: Dân tộc & Thời đại, số 82, 9/2005, tr 9, 10