Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về chăm lo nâng cao đời sống nhân dân

 

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ước muốn lớn lao, một ham muốn tột bậc, đó chính là:“làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Tư tưởng đó đã mang giá trị nhân văn sâu sắc, trước hết vì con người, tất cả vì con người, mà trước hết là Nhân dân.

Một ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách giải quyết những vấn đề về đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Người nhấn mạnh “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”.

Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ mà còn khẳng định mục tiêu phấn đấu, chăm lo cho Nhân dân của các cơ quan Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo Bác, chăm lo đời sống Nhân dân là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân thể hiện rõ ở quan điểm khi Người nói về đạo đức cách mạng là: Đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân. Người nhấn mạnh “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Chừng nào cuộc sống của Nhân dân còn đói nghèo, chưa được no ấm, hạnh phúc thì chừng đó, các cấp ủy đảng, chính quyền nói chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng chưa hoàn thành tốt chức trách và nhiệm vụ của mình trước Nhân dân.

Trong sự nghiệp kiến thiết chủ nghĩa xã hội, Người cho rằng “hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”. Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi Nhân dân, quan tâm đến những việc nhỏ cho đời sống hằng ngày của Nhân dân. “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Theo Bác, chăm lo đời sống, hạnh phúc của Nhân dân phải là một trong những mục tiêu quan trọng của đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Rất ngắn gọn và giản dị, Hồ Chí Minh khẳng định: Mục đích của chủ nghĩa xã hội nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trước hết là Nhân dân lao động. Mục tiêu cốt lõi để Nhân dân không còn đói nghèo, được bảo đảm về an sinh xã hội: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, v.v.. là các chủ trương, chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ phải luôn luôn hướng tới sự ổn định và phát triển xã hội, đem lại hạnh phúc cho con người; phải được thực thi hiệu quả mới góp phần làm ổn định xã hội, phát huy nguồn lực tài dân, sức dân, khả năng sáng tạo của Nhân dân để mang lại hạnh phúc cho Nhân dân. Đặc biệt, các chủ trương và các chính sách đó phải trở thành một động lực to lớn để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo cơ sở vững chắc để ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại bản Di chúc lịch sử. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến rất nhiều vấn đề: về Đảng, về tình đoàn kết, về lực lượng đoàn viên thanh niên, về công cuộc kháng chiến chống Mỹ, về phong trào cộng sản thế giới, về việc riêng… Trong bao nhiêu công việc bề bộn Người dặn lại trước lúc đi xa thì: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Tư tưởng và mục đích cuộc đời hoạt động cách mạng của Người xuất phát từ con người và cuối cùng trở về với con người. Người từng nói: “Nghĩ cho cùng,… cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”. Đọc Di chúc, chúng ta thấy Người dành tình cảm yêu thương đối với tất cả mọi tầng lớp con người trong xã hội, từ các bà mẹ liệt sĩ, các gia đình thương binh…, đến những người vốn là nạn nhân của chế độ xã hội cũ đều được Người quan tâm chu đáo. Tình thương yêu, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng lại ở những vấn đề chung nhất của toàn xã hội mà rất cụ thể đối với từng đối tượng trong xã hội. Người đã căn cứ vào vị trí xã hội, chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cá nhân để phát huy tối đa phẩm chất và năng lực của mỗi con người trong từng lĩnh vực đặc thù. Hơn ai hết, Người thấu hiểu và trân trọng, tôn vinh những con người đã chiến đấu, hy sinh cuộc sống và hạnh phúc cá nhân, cống hiến mọi sức lực cho Tổ quốc. Phải tạo điều kiện để toàn bộ những thanh niên, phụ nữ, thương binh, bệnh binh, nông dân có cuộc sống tốt đẹp sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với những người có công với nước như thương binh, bệnh binh, liệt sĩ và gia đình của họ. Trong tiến trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, để làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta đã hiến dâng tuổi thanh xuân và sự sống của mình cho Tổ quốc. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc cha mẹ, những người vợ, người chồng và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại người thân của mình. Kế thừa và phát huy đạo lý truyền thống ngàn đời của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, trong Di chúc Người căn dặn: “Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Với thanh niên xung phong và những chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang Nhân dân đã được rèn luyện qua thực tiễn chiến đấu thì Người khuyên nên “chọn một số ưu tú nhất… đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đối với phụ nữ và sự tiến bộ của phụ nữ, Người dặn dò: Đảng và Nhà nước ta cần “có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”. Người khuyên: “Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Đối với nông dân – những người đã đóng góp nhiều về sức người, sức của trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Người đề nghị: “miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dành sự quan tâm đối với những người của chế độ cũ, những người lầm đường lạc lối, như: trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… Người đưa ra biện pháp cụ thể để giúp họ trở thành người lương thiện, đó là Đảng và Nhà nước “phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.

Trải qua những năm dài chiến tranh, sau khi cách mạng thắng lợi, việc hàn gắn những vết thương của thời hậu chiến là công việc nặng nề, phức tạp nhưng cũng rất vẻ vang. Người nhắc nhở Đảng ta, cùng với nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là giải quyết tốt công việc đối với con người, Người còn yêu cầu: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. Phát triển kinh tế nhằm thỏa mãn các nhu cầu về ăn, ở, mặc, đi lại…, nghĩa là thỏa mãn các nhu cầu của sự sinh tồn và phát triển của con người; nhưng không chỉ quan tâm một chiều mà điều cần thiết nhất là phải làm sao giáo dục bồi dưỡng, nâng con người lên, khuyến khích mỗi người “tự lực cánh sinh” cùng chung tay vào sự nghiệp xây dựng một xã hội mới “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Trong điều kiện một Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức sâu sắc việc quan tâm đến những lợi ích thiết thực hàng ngày của mỗi người dân, cổ vũ họ, chia sẻ với họ, cũng chính là chăm lo đến quyền con người, phát huy quyền làm người của mỗi người. Hơn ai hết, Người thấu hiểu rằng, động lực để thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam chính là Nhân dân. Lòng yêu nước, thương dân, thương nhân loại khổ đau của Người trong Di chúc thể hiện sự quan tâm của Người đến lợi ích của từng con người và lợi ích của cả cộng đồng. Đó cũng chính là sự biểu đạt đặc sắc chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, của nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh, suốt đời không màng danh lợi, chỉ khôn nguôi một hoài bão độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho đồng bào.

Chăm lo đời sống Nhân dân là nhiệm vụ chính trị trung tâm, là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với Nhân dân. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách chăm lo đời sống Nhân dân, từ đó tạo dựng được niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền, đóng góp sức người, sức của cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia – xứng đáng với lời căn dặn và mong muốn cuối cùng của Người trong Di chúc: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.