Tự học sáng tác ca khúc – Trung tâm đào tạo âm nhạc Sông Thu
Giọng người là một nhạc cụ căn bản. Giọng hát có khả năng đặc biệt duy nhất hơn hẳn các nhạc cụ khác là phát ra lời và nhạc cùng lúc. Do đó, khác hẳn với các nhạc sĩ soạn nhạc cho các nhạc cụ, người sáng tác ca khúc bị bắt buộc phải hiểu nghĩa của lời cùng mối quan hệ của lời với nhạc.
Việc kết hợp lời vào nhạc không đơn giản như mọi người tưởng. Có rất nhiều nhạc sĩ, kể cả các nhạc sĩ lớn, đôi khi cũng thất bại trong việc thông hiểu đặc tính cơ bản này. Chopin viết rất ít nhạc cho giọng hát; Mendelssohn, ngoại trừ tác phẩm oratorio (soạn cho giọng hát và dàn nhạc dựa trên chủ đề đạo giáo), Tiên Tri Elijah, cũng thành công rất ít trong việc soạn ca khúc; và ngay cả Beethoven, người đã soạn ra nhiều công trình hiển hách cho giọng hát, đôi khi cũng phải chật vật khi viết cho giọng hát.
Việc kết hợp hài hòa ca từ và nhạc là một nghệ thuật đòi hỏi kỹ năng đặc biệt và sự quen tay. Ca từ thường có khuynh hướng ép buộc nhạc phải tuân theo khúc thức, thanh điệu, ý nghĩa của nó, bắt người soạn ca khúc phải nhào nắn giai điệu và đôi khi cả tuyến hòa âm theo nó. Ngược lại, nhạc làm cho văn thơ thêm bóng bẩy, làm mạnh thêm, đôi khi có thể làm thay đổi cảm xúc của tứ lời và có thể buộc ca từ phải xuôi theo âm hình, tiết nhịp riêng của nhạc.
1. Các Yếu Tố Của Một Ca Khúc Đẹp:
Để có thể trở thành đẹp, gây ấn tượng cho người nghe, ca khúc cần phải đạt 4 yếu tố sau
(1) Giai điệu nghe “bắt” lỗ tai vì là ca khúc chứ không phải là bài thơ đọc bằng nốt nhạc;
(2) Ca từ phải hay, phải thu hút và thể hiện rõ ý tưởng ca khúc;
(3) Cấu trúc ca khúc phải hợp lý, cân đối tương thích với ca từ và nhạc;
(4) Có đoạn giai điệu đẹp nhất và dễ nhớ nhất trong cả bài: thường thì đoạn gây ấn tượng nhất cho người nghe là đoạn điệp khúc – nơi chuyển tải nội dung tóm tắt của ca khúc và các tác giả thường chọn tựa ca khúc từ ca từ trong phần này.
2. Ảnh Hưởng Của Ca Từ Đối Với Giai Điệu:
Ảnh hưởng đầu tiên hết của lời đối với giai điệu là: lời gợi ra nhiều ý tưởng cho tiết điệu, tiết nhịp, tiết tấu vì các dấu âm của từ và khúc thức của câu từ. Trong các bài hát tôn giáo, các đoạn hát nói của opera, các bài hát dân gian, lời ca được chuyển hóa y nguyên vào nhạc, đôi khi không cần thiết phải ký âm ra tiết nhịp vì tự bản chất, nhịp đã có sẳn trong khúc thức rồi.
Khi văn vần có tiết nhịp – tức là thơ, trọng âm của câu thơ có khuynh hướng buộc nhạc phải theo thơ mạnh hơn văn xuôi. Có thể nói, điệu nhạc chính là chất nhạc tiềm ẩn trong thơ. Và do đó việc kết hợp hài hòa nhịp thơ với nhịp nhạc là thước đo tài năng của người viết ca khúc.
Việc đặt lời vào giai điệu cũng phải được người sáng tác ca khúc suy tư nhiều sao cho ý lời phù hợp với ý nhạc và nên có vần điệu để trở thành thơ. Một ý nhạc tươi vui không thể nào phù hợp với một câu nhạc buồn; một tâm trạng chìm lắng mà được đưa vào một câu nhạc bay bổng đi lên sẽ khó thuyết phục người nghe.
3. Vận Âm Pháp (prosody):
Vận âm pháp là phương pháp đặt đúng trọng âm, thanh điệu của ca từ vào nhạc và đúng khúc thức ý nghĩa của cụm từ.
Mỗi ngôn ngữ đều có đặc điểm riêng ảnh hưởng đến việc đặt lời vào ca khúc. Chẳng hạn như tiếng Việt có đặc điểm đơn âm và đa thanh (có các âm bằng và trắc) nên việc đặt lời vào nhạc không dễ dàng như các ngôn ngữ khác chỉ có âm ngang nên ca từ có thể lên xuống trầm bổng theo giai điệu mà không ảnh hưởng đến nghĩa của ca từ.
Tiếng Anh và tiếng Pháp là ngôn ngữ đa âm nhưng từ tiếng Anh có dấu nhấn mạnh hơn từ tiếng Pháp; chẳng hạn như trong một từ gồm 2 âm, trong tiếng Anh thông thường trọng âm nằm ở âm đầu và điều này thì hoàn toàn xa lạ trong tiếng Pháp, nếu không hiểu thì trọng âm của từ thay vì rơi đúng vào phách mạnh thì có thể rơi vào phách yếu trong ô nhịp nhạc.
4. Vài Gợi Ý Trong Việc Viết Ca Khúc
Thường thì đoạn khởi ý đến bất chợt do xúc cảm tức thì từ một sự kiện xảy ra quanh người sáng tác ca khúc. Nhưng cũng không hiếm khi người sáng tác ca khúc ngồi một mình, nhớ lại những cảm xúc mà mình đã có để tìm ý nhạc và ý lời.
4.1. Quyết Định Các Phần Căn Bản Cho Ca Khúc:
Trước hết, người sáng tác ca khúc phải quyết định các phần căn bản cho ca khúc như sau:
(1) Tính chất ca khúc: tình ca, anh hùng ca, sử ca, nhạc thiếu nhi, đồng ca… ?
(2) Ai sẽ hát: đơn ca nam hoặc nữ, song ca, hợp ca, đơn ca có giọng phụ họa… ?
(3) Cung bậc nào? Trưởng hoặc thứ?
(4) Ca khúc sẽ có cấu trúc nào? Có chuyển cung hay không?
(5) Kết thúc ca khúc như thế nào? Dứt về cung chánh hay dứt lửng (ở nốt bậc 3 hoặc bậc 5)? Dứt bằng một đoạn nhạc thêm vào (coda)?
Âm vực giọng người:
4.2. Cách Viết Ca Khúc:
Có 3 cách viết ca khúc:
(1) Dựa theo tiến hành hợp âm: người sáng tác ca khúc nghĩ ra một tuyến tiến hành hợp âm nghe hấp dẫn rồi dựa theo đó mà sáng tác ra giai điệu và đặt lời vào để thành ca khúc.
(2) Dựa theo giai điệu: người sáng tác tìm ý nhạc (đoạn khởi ý), tiết điệu câu nhạc, sắp xếp theo tuyến tiến hành hợp âm và hòa điệu, rồi đặt lời để thành ca khúc.
(3) Dựa theo mẫu tiến hành hợp âm của nhạc cụ (riff): khi đàn guitar xuất hiện và trở thành nhạc cụ độc tấu (lead), rất nhiều ca khúc được sáng tác dựa theo mẫu câu độc tấu của đàn guitar (hoặc của các nhạc cụ độc tấu khác) với tuyến tiến hành hợp âm tương ứng.
4.3. Tiến Hành Hợp Âm:
Người sáng tác ca khúc còn phải nắm vững các hợp âm và các tiến hành các hợp âm này sao cho hay. Tài liệu này không chú trọng về hòa âm và phần giải thích ngắn gọn sau đây về hợp âm mang tính hướng dẫn căn bản để sau đó các bạn cần phải nghiên cứu sâu hơn về hòa âm cho ca khúc của mình.
4.3.1. Các hợp âm căn bản trong âm giai diatonic:
Một âm giai diatonic có 7 nốt. Nếu chồng thêm 2 quãng 3 lên tuần tự các nốt này, sẽ có 7 hợp âm trưởng, thứ và giảm căn bản của âm giai này.
Âm giai thứ tương ứng của C trưởng (là âm giai A thứ) ngoài việc có chung các hợp âm trên, lại có thể sử dụng thêm 2 hợp âm trưởng ở bậc 4 và bậc 5.
Như vậy, tổng hợp các hợp âm của 2 cung trên, ta có các hợp âm căn bản được sử dụng trong cung C trưởng và cung Am như sau:
C Dm D Em E F G Am B giảm
(Các bạn tự tìm hợp âm trong các cung còn lại).
4.3.2. Tiến hành hợp âm:
a. Tiến hành hợp âm là sắp xếp nối tiếp nhau các hợp âm sao cho thành tuyến hòa âm hay. Các hợp âm có khuynh hướng gọi nhau theo chiều quãng 4 và quãng 5.
Một vài mẫu tiến hành hợp âm (theo cung C trưởng) thường được các nhạc công gọi là ắc-co (tiếng Pháp: accord – hợp âm) vòng:
(1) C à Em à Am à F à Dm à G7 à C
(2) C à Am à Dm à G7 à C
(3) C à E7 à Am à Dm à D7 à G à G7 à C
(4) C à G à F à C à A7 à Dm à G7 à C
b. Để cho hợp âm này chuyển sang hợp âm khác nghe êm ái, nên theo các nguyên tắc sau:
+ hợp âm gọi nhau theo vòng quãng 5 (xuôi hoặc ngược), thí dụ: C à F hoặc C à G
+ các nốt trong 2 hợp âm giống nhau, thí dụ: C à Am (có cùng nốt C và E); C à Em (có cùng nốt E và G)
TÓM TẮT
I. Những Yếu Tố Để Đưa Một Ca Khúc Đến Thành Công:
1. Ca khúc phải tạo được sự chú ý của người nghe ngay lần đầu tiên.
2. Giai điệu phải nghe lọt tai, có một đoạn giai điệu ngắn đẹp với ca từ ấn tượng và dễ nhớ.
3. Ca từ dễ hát, dễ thuộc. Muốn ca sĩ và người nghe dễ thuộc, các câu lời nên vần với nhau. Có thể là vần liền cuối câu hoặc vần cách câu.
4. Cấu trúc ca khúc phải hợp lý về mặt giai điệu, không tạo cảm giác chưa đầy đủ.
5. Giai điệu và hòa âm phải phù hợp với thể loại nhạc.
6. Ca khúc được viết nhắm vào đúng đối tượng người nghe.
II. Gợi ý Về Cách Viết Ca Khúc:
1. Bạn nên biết sử dụng một loại nhạc cụ, không cần phải biết chơi giỏi nhạc cụ này (vì việc này nên để cho nhạc công làm) nhưng đủ để sử dụng nhạc cụ này trong việc phát triển ý tưởng.
2. Nên viết thường xuyên.
3. Việc vay mượn ca từ của người khác chỉ nên ở mức độ gợi ý cho ca khúc của bạn.
4. Phổ thơ của người khác để luyện cách diễn tả lời bằng nhạc, luyện cách “nhào nắn” các câu thơ để hoàn thiện khả năng đặt lời cho giai điệu.
5. Bắt đầu viết từ một câu nhạc đơn giản với vài ba nốt với tiết nhịp cân đối rồi sau đó mới triển khai phá cách: điều chỉnh tiết nhịp, thay đổi nốt, thêm dấu hóa…
6. Khi dùng nhạc cụ để tìm ý tưởng cho giai điệu, nên thêm thắt các nốt lạ vào hợp âm (học các thế bấm của các hợp âm nghịch). Việc làm này có thể giúp bạn bật ra ý tưởng mới.
7. Nghe và phân tích các ca khúc hay để tìm ra thủ pháp của các nhạc sĩ đàn anh nổi tiếng.
III. Gợi Ý Về Cách Viết Ca Từ:
1. Từ nội dung các truyền thuyết, chuyện kể, ngụ ngôn, ca dao… rút ra ý tưởng chánh.
2. Viết về xúc cảm, suy tư, nhận thức riêng của mình đối với khung cảnh, cuộc sống quanh mình.
3. Con người thích tâm sự, thích nghe chuyện người khác. Ca khúc tự sự hoặc kể về một câu chuyện “lạ kỳ” sẽ gây chú ý cho người nghe.
4. Có thể rút ra ý tưởng từ những câu chuyện nghe lóm (nghe lén!) được ở đâu đó.
5. Không nên dễ dãi với ca từ. Luôn suy nghĩ cách viết câu văn học hơn, sử dụng các từ ẩn dụ, ví von, so sánh và… nên viết thành văn vần.
6. Lưu ý về ý nghĩa của các đoạn ca từ trong giai điệu, tránh trường hợp ngắt câu chữ không đúng chỗ, làm sai nghĩa.
( nguồn VietNamnet)
Bình luận