Tự học Anh ngữ | Có nên dịch từ “psychiatrist” là “bác sĩ tâm lý”? – Tự học Anh ngữ

Trong các bản dịch sách có nhắc đến vấn đề trị liệu tâm lý, một số người dịch thường dịch từ “psychiatrist” là “bác sĩ tâm lý”.

Ví dụ: His lunch with Allison had brought on an anxiety attack, and he had called his psychiatrist.
(Bữa trưa với Allison khiến Michael lo âu, và trong cơn hoảng loạn, anh đã gọi cho bác sĩ tâm lý của mình.)

Về mặt y khoa, cách gọi “bác sĩ tâm lý” là sai, vì chỉ có khái niệm “bác sĩ tâm thần” chứ không có “bác sĩ tâm lý”. Bác sĩ tâm thần (psychiatrist) là người điều trị cả vấn đề tâm thần lẫn tâm lý tại các cơ sở y tế có chuyên môn, giúp bệnh nhân xác định phương pháp điều trị thích hợp dựa trên chẩn đoán và quan sát lâm sàng, đồng thời có thể kê thuốc cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, còn có hai khái niệm khác là nhà tâm lý học (psychologist) và nhà trị liệu tâm lý (therapist). Nhà tâm lý học là những người có thể nghiên cứu hoặc trị liệu về tâm lý, thường làm việc song song với bác sĩ tâm thần, giúp chẩn đoán các rối loạn/vấn đề ở bệnh nhân/thân chủ của họ. Còn nhà trị liệu tâm lý thì bao gồm nhiều hình thức khác nhau, có thể bao hàm cả nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần hay life coach (cố vấn cuộc sống), marriage coach (cố vấn hôn nhân), hoặc những người có chứng chỉ trong các lĩnh vực như công tác xã hội, lạm dụng chất kích thích, tư vấn gia đình,…

Sự phân biệt rõ rệt nhất là chỉ có bác sĩ tâm thần mới kê đơn thuốc cho bệnh nhân, còn nhà tâm lý học và nhà trị liệu tâm lý (loại trừ bác sĩ tâm thần) thì không.

Sở dĩ có lối dịch “psychiatrist” thành “bác sĩ tâm lý” là vì đa số người Việt còn có định kiến với từ “tâm thần”, khi cho rằng tâm thần thì liên quan tới các bệnh về thần kinh như khùng, điên, mát mát, thành ra khi dùng “bác sĩ tâm thần” thì đọc lên nghe thấy kì kì. Tuy nhiên về mặt y khoa lẫn mặt tâm lý chính thống, cách dùng này hoàn toàn là bình thường và đúng chuyên môn.

(Visited 12 times, 1 visits today)