Tự chủ toàn diện nhưng vẫn trả tiền lương theo bảng lương
TS. Nguyễn Huy Quang và TS Bùi Sỹ Lợi tại tọa đàm. Ảnh VGP/Quang Thương
Tự chủ bệnh viện thì phải bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe
Trao đổi tại tọa đàm “Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn”, TS. Nguyễn Huy Quang nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ: Trong mấy ngày vừa qua, báo chí đăng rất nhiều về vấn đề tự chủ và bản thân chúng ta vẫn chưa hiểu tự chủ bệnh viện đó là tự chủ toàn diện, tự chủ về chi thường xuyên, tự chủ một phần hay là Nhà nước chi cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Điều đó cho thấy thực tế về vấn đề tự chủ mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có quan điểm rất rõ ràng.
Tự chủ tài chính thật ra là một nhu cầu tất yếu trong quá trình vận động và phát triển của xã hội cũng như trong quá trình vận động và phát triển của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành y tế nói riêng, đặc biệt là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Nhưng tự chủ bệnh viện thì phải bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe, tức là tiền túi của người dân phải bỏ ra ít đi và ngân sách của Nhà nước phải tập trung nhiều hơn.
Thứ hai là chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phải được nâng cao và khả năng tiếp cận của người bệnh đối với các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, với chất lượng cao hơn và giá cả dịch vụ vừa phải.
Thứ ba, tự chủ nhưng vẫn phải bảo đảm đây là đơn vị sự nghiệp công lập, tức là thực hiện chính sách an sinh về mặt xã hội. Đây chính là bộ mặt của chế độ ta, tức là người dân phải được bảo đảm về chính sách an sinh xã hội.
TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng: “Chúng ta vướng mắc về cơ chế, nhưng lâu nay vẫn có cơ quan truyền thông bị lẫn, cho nên tôi phải nhắc lại một chút”.
Theo đó, Nghị định 43 là nghị định đầu tiên về vấn đề xã hội hóa công tác y tế, nhưng tự chủ chia ra làm 3 loại: Tự chủ về chi thường xuyên các hoạt động; thứ hai là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần của chi thường xuyên và thứ ba là ngân sách nhà nước phải chi trả.
Tuy nhiên Nghị định 43 không có quy định về tự chủ một cách toàn diện, trong đó có cả chi đầu tư.
Chính vì vậy, sau này chúng ta đã làm bước thí điểm là có chi thường xuyên, trong đó có tự chủ toàn diện, có cả chi đầu tư. Theo đó, cấp thẩm quyền đã ban hành Nghị quyết 33 năm 2019. Nghị định 60 về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, ban hành năm 2021.
Tức là trong quá trình chưa thực hiện xong thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 33 thì người ta mới tiếp tục chứ không phải Nghị định 60 ấn định Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K là sau thí điểm này phải chuyển ngay sang đơn vị tự chủ một cách toàn diện, kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Tôi muốn nhấn mạnh như vậy để chúng ta nắm thêm.
Trong tự chủ, chúng ta không chỉ tự chủ về mặt tài chính. Đầu tiên là tự chủ về các hoạt động chuyên môn. Thứ hai là tự chủ về tổ chức cán bộ. Thứ ba là tự chủ về đầu tư mua sắm và quản lý tài sản. Thứ tư là tự chủ về giá dịch vụ khám chữa bệnh và tự chủ về tiền lương và mức độ phụ cấp.
Tự chủ bệnh viện: Vướng mắc đủ đường
Bây giờ chúng ta đang nói về vướng mắc thể chế. Có rất nhiều quy định mà nếu chúng ta không viện dẫn một cách cụ thể, chi tiết vào các nội dung, nội hàm thì rất dễ mắc.
Đơn cử như tự chủ về hoạt động chuyên môn. Ví dụ bây giờ Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai là tự chủ toàn diện. Theo đó, bệnh viện được tăng quy mô giường bệnh, được mở rộng thêm các khoa phòng, tăng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng lại vướng Luật Khám bệnh chữa bệnh bởi Nghị quyết của Chính phủ chỉ là Nghị quyết và chúng ta vẫn phải tuân thủ theo quy định pháp luật.
Theo đó, bệnh viện muốn làm nhưng không thể làm được mà anh phải điều chỉnh giấy phép hoạt động quy mô giường bệnh của anh là bao nhiêu, thêm được khoa phòng nào và khoa phòng ấy tương ứng với cơ sở vật chất, nhân lực, các quy trình, danh mục, giá dịch vụ khám chữa bệnh…
Tất cả những vấn đề đó phải đồng bộ nhưng chúng ta muốn tự chủ thì vướng ngay ở chỗ đấy. Hiện nay chúng ta vẫn nói nhưng không giải quyết được.
Vấn đề tự chủ về tổ chức cán bộ, ở đây chúng ta cứ nói là có Nghị định 120 quy định về thành lập, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các bệnh viện.
Có quy định đối với các bệnh viện sự nghiệp công lập tự chủ về chi thường xuyên và tự chủ về đầu tư, toàn bộ cái đó có Hội đồng quản lý.
Nhưng khi nói đến hội đồng quản lý, thành phần hội đồng quản lý lại không nói tới mối quan hệ giữa hội đồng quản lý với Giám đốc bệnh viện, với Ban đảng ủy của bệnh viện, với Ban kiểm soát… tức là toàn bộ mối tơ vò và ai là đầu mối để quan hệ với cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Y tế và các cơ quan đóng trên địa bàn?
Một điều nữa là Ban kiểm soát có tính độc lập hay không độc lập, tính độc lập tương đối như thế nào để chi phối các hoạt động của Hội đồng quản lý, Ban Giám đốc. “Tôi chưa thấy có quy định nào. Bệnh viện đấy ai là người chịu trách nhiệm hoàn toàn mặt hoạt động, kể cả các đầu tư, mua sắm, tài sản, nhân lực? Các vi phạm pháp luật ai là người chịu trách nhiệm, ông Chủ tịch HĐQT hay ông Giám đốc bệnh viện? Chúng ta chưa có.
Nhưng chúng ta lại nói chúng ta đã có Nghị định 120, Nghị định 115 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Chúng ta cũng có Nghị định 106 liên quan đến vị trí việc làm nhưng lại không ăn nhập gì với bệnh viện tự chủ và đặc biệt là bệnh viện tự chủ toàn diện”, TS. Nguyễn Huy Quang nêu quan điểm.
Vấn đề đầu tư mua sắm và quản lý tài sản là vấn đề liên quan đến Luật Quản lý tài sản công, có liên doanh, liên kết, kể cả là tài trợ, viện trợ cho bệnh viện đó một máy móc, thiết bị nào đó nhưng giá trị tài sản đó như thế nào? Làm thế nào để biến máy móc được tài trợ vào quản lý tài sản công thì quy định vẫn chưa rõ. Các vấn đề liên quan đến mua sắm còn cả một cơ chế pháp lý nữa.
Chúng ta cứ nói là có Nghị định 40 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công nhưng chỉ giao mỗi nhiệm vụ là bệnh viện tự chủ toàn diện được quyền phê duyệt phương án đầu tư cho nhóm A (trước đây là Bộ Y tế, bây giờ giao cho giám đốc bệnh viện) nhưng không quy định là nguồn tiền ở đâu. Đây cũng là vấn đề tôi muốn đề cập.
Còn vấn đề mua sắm, vừa rồi bao nhiêu quan chức ngành y tế đã vướng vào vòng lao lý liên quan đến vi phạm đấu thầu, tham ô, tham nhũng…
Hiện nay vấn đề thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, trong đó có vật tư y tế, vật tư tiêu hao… vẫn còn tồn tại, chưa khắc phục được và đang từng bước khắc phục.
Liên quan đến tiền lương và giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, các chuyên gia đã bình luận nhiều. Tiền lương thì thực hiện theo thang bảng lương nhà nước quy định, bệnh viện tự chủ, kể cả nhóm 2, nhóm 3, cũng phải theo thang bảng lương đó.
Nếu như trong Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K vừa rồi thí điểm thì quy định về thu nhập tăng thêm được nới ra.
Nhưng vì bệnh viện không có nguồn chi nên bên cạnh tiền lương cơ bản, một bác sĩ vừa ra trường, tiền lương được khoảng 4-5 triệu đồng/ 1 tháng, cộng với tiền tăng thêm chỉ khoảng 6 triệu, tổng cộng là hơn chục triệu đồng. Nhưng nếu ra ngoài làm thì lương có thể được hơn 40-50 triệu.
“Cho nên vấn đề tiền lương, lẽ ra gọi là viên chức thì theo Luật Viên chức có chức danh nghề nghiệp được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước quy định mức lương, nhưng nguồn gốc trả tiền lương lại do tự chủ trả. Đấy cũng là một vấn đề liên quan đến an sinh xã hội. Cho nên cũng là vấn đề chúng ta suy nghĩ”, TS. Nguyễn Huy Quang nêu vấn đề.
Cần hành lang pháp lý đầy đủ để bệnh viện tự chủ
Về các yếu tố cấu thành giá, có 7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám chữa bệnh. Hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh mới tính trên 4 yếu tố. Đó là: Tiền thuốc, tiền vật tư y tế tiêu hao trực tiếp; thứ hai là chi phí liên quan vấn đề điện nước, quản lý chất thải, duy tu bảo dưỡng các tài sản bình thường; thứ ba là tiền lương và các chế độ phụ cấp.
Còn ba yếu tố để bệnh viện tự chủ chúng ta chưa làm được là sửa chữa lớn các tài sản cố định, thứ hai là khấu hao tài sản, thứ ba là nghiên cứu khoa học và các chi phí về mặt đào tạo.
Trong 7 yếu tố cấu thành giá, chúng ta chưa nói về vấn đề chi đầu tư bởi cái này không có đầu tư. Nếu không có đầu tư thì không thể nào làm nổi tự chủ toàn diện bệnh viện được.
Tôi vẫn nói chủ trương về mặt tự chủ là chủ trương đúng đắn nhưng để tự chủ, đặc biệt là tự chủ toàn diện, thì chúng ta cần có hành lang pháp lý đầy đủ, hướng dẫn tự chủ về mặt tổ chức như thế nào, mua sắm tài sản ra sao, giá dịch vụ khám chữa bệnh như thế nào, rồi tiền lương tiền công ra sao? Khi đã cụ thể rồi thì chúng ta có hẳn hành lang pháp lý để áp dụng, tổ chức, thực hiện.