Truyện Kiều trong đời sống nghệ thuật – Trường Đại Học Fulbright Việt Nam
Một biểu hiện sinh động về sức sống bền bỉ của Truyện Kiều trong đương đại đó là cảm hứng bất tận cho các sáng tạo nghệ thuật, trong đó các loại hình biểu diễn nghệ thuật đã thử nghiệm cho ra mắt nhiều tác phẩm được công chúng mến mộ. Trong sứ mệnh tự nhiên của thời đại “Truyện Kiều còn, tiếng Ta còn”, nghệ thuật đã bắc cầu làm cho Kiều của Nguyễn Du được trẻ hoá và bất tử. Nhưng, những người làm nghệ thuật khi nương vào Truyện Kiều để chuyển thể hay sáng tạo nghệ thuật đều bị phủ bóng bởi tầm vóc của tác phẩm được coi là hồn cốt văn hoá Việt, một tác phẩm vĩ đại của nhân loại trong thế kỷ 19. Những cuộc đầu tư công phu mang Truyện Kiều vào trong nghệ thuật, vì thế, luôn mang theo sự khắc khổ và không cho phép dung nạp những sáng tạo hời hợt, giản đơn.
Từ trác tuyệt ngôn từ sang ước tính của nghệ thuật
Trong gần 60 năm theo nghiệp Cải lương, Tiến sĩ, NSND Bạch Tuyết có nhiều tác phẩm diễn ca đỉnh cao, trong đó phải kể đến vở cải lương kinh điển “Kim Vân Kiều” với vai diễn Thuý Kiều đóng đinh tên tuổi của bà. “Kim Vân Kiều” của đoàn ca kịch Bạch Tuyết là một trong những vở cải lương thành công nhất trong lịch sử sân khấu cải lương của Việt Nam. Cuộc đời nghệ thuật của bà đã gắn bó với Truyện Kiều – Nguyễn Du ở những cột mốc lớn, quan trọng nhất. Đó là lập đoàn Bạch Tuyết – Hùng Cường, công diễn bộ ba về Kiều (Trăng Thề Vườn Thúy, Má Hồng Phận Bạc, Cung Thương Sầu Nguyệt Hạ), vở tốt nghiệp đạo diễn tại Bulgaria và thực hiện vở cải lương bằng hình thức video đầu tiên của Việt Nam vào năm 1989.
Nhưng, theo bà chia sẻ, đó là sự tiếp nối những nỗ lực của thế hệ tiền bối. Năm 1918, gánh hát Thầy Năm Tú – Mỹ Tho từng khai diễn vở cải lương đầu tiên là Kim Vân Kiều, khai phóng một loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc với những đặc thù của xã hội thị dân.
“Tại sao không là tác phẩm nào mà lại là dựa theo Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du? Phải chăng, một trong những lý do đó chính là: một loại hình sân khấu Việt Nam phục vụ cho người Việt thì không gì hợp lý hơn bằng chính trên nền cốt của một tác phẩm đã thuộc về văn hoá Việt”- NSND Bạch Tuyết chia sẻ với công chúng.
Theo nghệ sĩ, Truyện Kiều là tác phẩm có tính tự sự cao. Trong khả năng gần như vô tận của biểu đạt ngôn từ, những gì Nguyễn Du tạo tác đã là trác tuyệt, nó vẽ ra khả năng tưởng tượng trong trí óc người đọc về một Truyện Kiều của riêng mình. Nhưng chuyển thể một loại hình văn học với đặc trưng là nghệ thuật của ngôn từ sang nghệ thuật biểu diễn dù có lợi thế của từng loại hình nhưng đồng thời cũng gặp những hạn chế nhất định.
“Vậy khi dịch chuyển sang đời sống sân khấu, mỗi một nàng Kiều chàng Kim đều phải hiển thị rõ ràng, cụ thể trước mắt khán giả, tác giả (chuyển thể), đạo diễn và diễn viên phải phác thảo như thế nào mà vẫn đảm bảo chất tự sự – qua cốt truyện, lại phát huy tính kịch – đối với một tác phẩm biểu diễn?” – bà chia sẻ.
NSND Bạch Tuyết lấy một dẫn chứng khi đoàn kịch của bà dựng Kim Vân Kiều: Dù không thể đưa cảnh Kiều ở lầu Ngưng Bích lên sân khấu với sức sáng tạo đỉnh cao về ngôn từ của nguyên tác Truyện Kiều nhưng trong nhiều phân cảnh, kể cả tái hiện và đồng hiện Kiều nhớ nhà, Kiều nhớ Kim Trọng…họ đều chọn bối cảnh “liên tưởng Ngưng Bích” để biểu đạt tâm trạng nhân vật. Theo bà, điều này đảm bảo sự xác thực, tính tôn trọng nguyên tác trong quá trình chuyển thể mà vẫn không đánh mất tính sáng tạo của loại hình nghệ thuật biểu diễn – một chiếc áo mới cho nguyên tác. (Thân khuê các vười xuân….Nhưng mấy ai thương mình…Thanh lâu khép đời hoa…Ôi sắc tài chẳng qua mệnh trời, chôn thân chốn lầu xanh…)
Tác phẩm kinh điển của Đại Thi hào Nguyễn Du thể hiện dưới dạng phim nhựa điện ảnh Long thành cầm giả ca của đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn là một khía cạnh trải nghiệm thú vị khác với công chúng. 10 năm trước, ông nhận làm tác phẩm phim lịch sử này theo đặt hàng chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đồng hành cùng ông là nhà văn, nhà biên kịch Văn Lê, người đã tạo ra kịch bản điện ảnh cho bộ phim dựa theo tinh thần của bài thơ Long thành cầm giả ca của đại thi hào Nguyễn Du, viết khoảng 1813 -1814 trong thời gian ông đi sứ sang Trung Quốc theo lệnh của vua Gia Long.
Nội dung câu chuyện kể lại chuyến đi sứ trên đường dừng ở thành Thăng Long, Nguyễn Du đã gặp lại người ca kỹ, một danh cầm nổi tiếng của đất Thăng Long xưa, nay tàn phai nhan sắc, buồn bã ngồi gảy đàn nơi cuối chiếu giữa đám ca kỹ trẻ đẹp. Nguyễn Du đã viết: “Nam Hà quy lai đầu tận bạch. Quái để giai nhân nhan sắc suy.” (Ta từ trong Nam trở lại, đầu bạc trắng. Trách làm sao được sắc đẹp của nàng cũng suy tàn).
Trên nền kịch bản giàu chất thơ của nhà văn Văn Lê, đạo diễn Đào Bá Sơn đã kể một câu chuyện tình lãng mạn và bi thương giữa đại thi hào Nguyễn Du với người đàn bà gảy đàn thành Thăng Long. Qua câu chuyện tình, bộ phim khắc họa câu chuyện lịch sử bi tráng về cuộc sống đầy biến cố của người dân Việt trong giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn (1783-1813), một giai đoạn của đất nước phải trải qua nhiều biến loạn nhất với sự thay đổi của nhiều triều đại.
Là một bộ phim lịch sử nhưng Long thành cầm giả ca khắc hoạ một Thăng Long không phải của Vua Chúa mà là một Thăng Long của những trí thức đau với thời đại như Nguyễn Du, của những người nghệ sĩ mong manh như cô Cầm.Điều mà Đạo diễn Đào Bá Sơn muốn chuyển tải qua bộ phim không phải những cuộc chiến binh đao khói lửa, mà đi vào phát triển tầng tư tưởng của Nguyễn Du thể hiện trong bộ phim thông qua những giá trị văn hoá, chiêm nghiệm về cuộc đời con người trong thời tao loạn, làm bật lên chất văn hoá dân gian (folklore), khắc họa sự tri ân giữa âm nhạc và thi ca, giữa giai nhân và thi sĩ, khi hai con người chung nỗi đau thân phận và nhân tình thế thái.
Một chi tiết thú vị được Đạo diễn Đào Bá Sơn chia sẻ đó là những người làm phim nỗ lực thể hiện mô tả của Nguyễn Du về tiếng đàn của cô Cầm “lảnh lót như tiếng hạc”, một thứ tiếng đàn không có trong cuộc đời thực. Dù thời đoạn tao lạc, biến loạn qua nhiều triều đại nhưng không có triều đại nào không sử dụng tiếng đàn của cô Cầm.
“Tư tưởng trong bài thơ “Long Thành cầm giả ca” của Nguyễn Du rất rõ. Mọi thời đại rồi cũng sẽ qua đi, nhưng những giá trị văn hóa, văn nghệ sẽ mãi trường tồn,” Đạo diễn Đào Bá Sơn cho biết.
Kiều với nghệ thuật của người trẻ
Mai Thu Huyền gây bất ngờ với công chúng mến mộ cô trong vai trò diễn viên truyền hình khi cuối tháng 9 vừa qua công bố dự án phim Kiều dựa trên Truyện Kiều của Nguyễn Du trong vai trò nhà sản xuất-đạo diễn. Đây là tác phẩm đầu tay của cô khi theo học đạo diễn nhưng cũng là dự án ấp ủ 10 năm của Mai Thu Huyền. Quá mê đắm Truyện Kiều, cô ấp ủ sản xuất dự án điện ảnh Kiều vào đúng vào dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du. Nhưng đó là một cuộc theo đuổi đầy cung bậc cảm xúc, gian truân từ việc đi tìm kịch bản điện ảnh.
Trong suốt một thập kỷ, cô từng gõ cửa tất cả các nhà Kiều học, các nhà văn, nhà biên kịch tên tuổi trên khắp cả nước để đặt hàng viết kịch bản phim cho dự án. Không ít người ngại ngần với một dự án điện ảnh thương mại vì sợ áp lực khắt khe của công chúng yêu mến Truyện Kiều. Các bản thảo gửi đến không đủ sức thuyết phục, thậm chí có những kịch bản tổ chức viết theo nhóm tác giả cũng không thành. Mai Thu Huyền từng nghĩ nhiều lần phải bỏ cuộc vì không tìm được kịch bản ưng ý. Sau cùng, người đồng hành, cố vấn cho dự án phim là đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn quá nể phục sự đeo đuổi tâm huyết dự án của Mai Thu Huyền đã bắt tay viết kịch bản cho bộ phim. Có kịch bản ưng ý trong tay, cô đã xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư cho dự án mà nhiều người cho rằng cô đang mạo hiểm với một bộ phim với đề tài quá khó.
“Chính vì rất mạo hiểm, chính vì bây giờ hoặc không bao giờ có thể làm được một dự án điện ảnh như vậy để tôn vinh Truyện Kiều nên Huyền nghĩ mình phải liều” – cô chia sẻ.
Do Kiều là tác phẩm đầu tay trong vai trò sản xuất, đạo diễn của Mai Thu Huyền nên pre-teaser phim chưa đầy một phút khi giới thiệu với công chúng trong tháng 9 vừa qua đã rơi vào “tầm ngắm” của báo chí truyền thông, thậm chí gây xôn xao dư luận vì cách thể hiện một chi tiết nhỏ trong phim. Nhờ “đối thoại” với công chúng ở bước thử đầu tiên này, Mai Thu Huyền vui mừng nhận ra Truyện Kiều vẫn luôn nằm trong tiềm thức của không chỉ lớp người thế hệ cũ mà chính những người trẻ, đối tượng bộ phim hướng tới.
Là dự án điện ảnh thương mại chiếu rạp, Kiều được Mai Thu Huyền mô tả là một tác phẩm phái sinh từ kiệt tác Truyện Kiều, không phải bản sao của tác phẩm gốc, và cô cùng biên kịch phim sáng tạo về nội dung, hình thức, ngôn ngữ thể hiện “theo góc nhìn riêng của mình”. Để cho mình một không gian thoả sức sáng tạo, cô chọn dựng phim dạng cổ trang fantasy. Với độ dài khiêm tốn 90 phút, Kiều không đi vào xu hướng kể về toàn bộ quãng đời 15 năm truân chuyên mà chắt lọc ra những khoảng đời, những mối quan hệ, trong đó chỉ tập trung dựng lại một mối tình của Thuý Kiều.
“Mỗi một loại hình nghệ thuật sẽ có một ngôn ngữ thể hiện khác nhau và sẽ có một cách tiếp cận khán giả khác nhau. Phim “Kiều” cũng vậy: là một tác phẩm phái sinh phải có sự độc lập trong sáng tác, không bê y nguyên tác” – theo Mai Thu Huyền.
Sau hơn hai tháng ròng rã quay trên 6 tỉnh, thành trải khắp cả nước, bộ phim hiện đã đóng máy và đang sản xuất hậu kỳ trước khi đưa ra phát hành, trình chiếu trên toàn quốc trong đầu năm tới.
Ballet Kiều vừa công chiếu thành công tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong năm nay gây ấn tượng lớn về sự sáng tạo nghệ thuật, về cách kể Truyện Kiều độc đáo, thú vị bằng ngôn ngữ múa ballet châu Âu. Ballet Kiều do Nhà hát Nhạc vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh dàn dựng gồm ba hồi, 15 cảnh, với các phân đoạn giới thiệu chân dung Thúy Kiều – Thúy Vân, hồn ma Đạm Tiên trong ngày tảo mộ, Kiều gặp Kim Trọng, chịu cơn gia biến và bị bán vào lầu Ngưng Bích… và khép lại bằng cảnh Kiều trầm mình xuống sông Tiền Đường, gặp lại hồn ma Đạm Tiên và ngộ ra chân tâm. Kịch bản do biên đạo múa Tuyết Minh chuyển thể. Hai nghệ sĩ, Tuyết Minh và Nguyễn Phúc Hùng, hai biên đạo múa xuất sắc của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh biên đạo toàn bộ vở diễn.
Đây là tác phẩm múa thứ hai nói về Kiều (vở đầu tiên là“Múa Kiều” của đạo diễn Hàn Quốc Yoo-Oh Chun, mang góc nhìn của người nước ngoài về Kiều của Việt Nam). Theo nghệ sĩ, biên đạo múa Phúc Hùng, khi bắt tay xây dựng vở Ballet Kiều, nhóm thực hiện dự án khát khao xây dựng hình ảnh nàng Kiều trên đôi giày mũi cứng bằng chính trái tim và tâm hồn của người Việt Nam, cho khán giả Việt Nam.
“Bộ môn ballet chịu nhiều áp lực vì không có lời để diễn giải, không có ca từ để mô tả, không có cảnh trí như phim ảnh để chuyển tải. Tuy nhiên, lợi thế của múa ballet là sự cộng hưởng giữa phần nghe, phần nhìn và phần tâm hồn” – nghệ sĩ Phúc Hùng cho biết.
Những biên đạo múa của ballet Kiều đã chắt lọc từng động tác, cô đọng các chi tiết, thông qua ngôn ngữ hình thể để mang đến một cảm nhận khác về Truyện Kiều. Sự hòa trộn nhuần nhuyễn các thủ pháp, kỹ thuật của múa ballet kinh điển châu Âu với múa truyền thống của Việt Nam, cùng với những hiệu ứng về âm nhạc, phục trang, đạo cụ, sân khấu và nghệ thuật thị giác hiện đại, mới mẻ tạo nên một tác phẩm múa đầy rung cảm. Đó là một hành trình khát khao đi tìm hạnh phúc, sự tự do và công bằng cho con người. Và, trong bối cảnh éo le ngang trái của xã hội đương thời đã làm nổi bật lên những giá trị nhân văn sâu sắc, tư tưởng của triết lý phương Đông về nhân sinh và cội nguồn bản thể con người.
Lan toả giá trị Truyện Kiều theo những cách thức sống động
Đạo diễn Đào Bá Sơn chia sẻ, được làm phim về đại thi hào Nguyễn Du là một điều may mắn của ông vì “đụng đến Nguyễn Du là đụng đến cái hồn văn hóa của dân tộc.” Đối với con người ưu thời mẫn thế như Nguyễn Du, ngòi bút của ông luôn hướng về những thân phận khổ đau trong xã hội, những con người bị vùi dập trong những cuộc bể dâu, những đổi thay loạn lạc thương hải tang điền.
“Tôi nghĩ rằng Nguyễn Du lớn lao hơn rất nhiều so với điều mà tất cả chúng ta đang nghĩ. Chúng ta còn xa lắm, còn lâu lắm mới có thể vươn tới một tác phẩm để có thể soi rọi được một thân phận đớn đau và bi kịch hơn Nguyễn Du. Khi có may mắn được làm phim về Nguyễn Du, càng đi sâu tìm hiểu tôi bàng hoàng nhận ra rằng cái thủa học phổ thông năm xưa của mình chỉ được học một vài trích đoạn Kiều thì thật là quá nhỏ bé, quá ít ỏi so với tất cả những gì mà Nguyễn Du đã đóng góp cho dân tộc. Cái vĩ đại của Nguyễn Du chính là phụng sự nỗi khổ đau của con người. Ông luôn trầm tư, tư lự trước thời cuộc. Ông thương người và cũng rất thương thân. Cho nên ông viết: Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa. Người đời ai khóc Tố Như chăng?”.
Tiến sĩ Nguyễn Nam, giảng viên ngành Việt Nam Học của Đại học Fulbright cho rằng những tác phẩm nghệ thuật như vở cải lương, một bộ phim về Kiều, hay một tác phẩm ballet đó là những dạng văn bản, cách thức diễn giải khác nhau về Truyện Kiều một cách sống động, phong phú. Qua đó giúp chuyển tải những giá trị đẹp đẽ, tinh túy của Truyện Kiều và càng làm cho tác phẩm sống mãi, bền bỉ theo thời gian.
Thúy Hằng
*Bài viết từ hội thảo Nguyễn Du với đương đại, phiên thảo luận “Truyện Kiều qua các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và đương đại” do Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 255 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (1766-1820).