“Truyện Kiều”: Cuộc hành trình trở thành biểu tượng quốc gia

Thời gian đọc:

26

phút

Tóm tắt

Đây là câu chuyện về Truyện Kiều trong cuộc hành trình từ một tác phẩm ‘mua vui’ (theo lời tác giả) cho đến khi trở thành ‘bảo vật’ của nền văn hóa và bản sắc dân tộc Việt Nam. Hai thế kỷ của biến động chính trị, thăng trầm thời đại đã tạo ra các cơ tầng văn hóa, chính trị và ngôn ngữ mới cho sự vận hành của tác phẩm này. Chính trong khung cảnh đó, Truyện Kiều, một tác phẩm viết bằng ngôn ngữ bản địa (Quốc Âm), sử dụng chữ viết bản địa hóa (chữ Nôm) trong một thế giới thống trị bởi chữ Hán (chiếm ưu thế trong hệ thống hành chính) đã vươn lên trở thành biểu tượng mới cho truyền thống, tinh hoa, và giá trị biểu đạt của văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam. Diễn trình này gắn liền với quá trình bản địa hóa ngôn ngữ (vernacularization), đưa chữ Quốc Ngữ thành đại diện cho bản sắc dân tộc. Sau cùng, bài viết khảo sát cách thức Truyện Kiều được ‘sử dụng’ trong diễn ngôn văn hóa hiện đại thông qua phân tích vai trò của tác phẩm này trong hệ thống giáo dục nhà trường phổ thông, cũng như cách thức nó gia nhập vào các bức thông điệp văn hóa đương đại. Đâu là các hệ thống giá trị của Truyện Kiều mà Việt Nam thế kỷ XXI đang tìm kiếm và đâu là các bức thông điệp đã không được sử dụng?

“Lời quê góp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh”

Truyện Kiều, Nguyễn Du

Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn. Có gì mà lo, có gì mà sợ, còn điều chi nữa mà ngờ.

Phạm Quỳnh, Nam Phong tạp chí, 86 (1924)[1]

Đây là câu chuyện về Truyện Kiều trong cuộc hành trình từ một tác phẩm ‘góp nhặt lời quê’ để ‘mua vui vài trống canh’[2] cho đến khi trở thành biểu tượng và linh hồn của nền văn hóa và bản sắc dân tộc Việt Nam hiện đại. Hai thế kỷ của biến động chính trị, thăng trầm thời đại đã tạo ra các cơ tầng văn hóa, ngôn ngữ mới cho sự vận hành của tác phẩm này. Chính trong khung cảnh đó, Truyện Kiều, một tác phẩm viết bằng ngôn ngữ bản địa (Quốc âm), sử dụng chữ viết bản địa hóa (chữ Nôm) trong một thế giới thống trị bởi chữ Hán (chiếm ưu thế trong hệ thống hành chính) đã vươn lên trở thành đại diện cho truyền thống, tinh hoa, và giá trị biểu đạt của văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam. Diễn trình này gắn liền với quá trình bản địa hóa ngôn ngữ (vernacularization), loại bỏ dần vai trò của chữ Hán, và sự thắng thế của chữ Quốc Ngữ trong thực hành văn hóa, chính trị. Sau cùng, bài viết điểm qua cách thức Truyện Kiều được ‘sử dụng’ trong diễn ngôn văn hóa hiện đại thông qua vai trò của tác phẩm này trong hệ thống giáo dục nhà trường phổ thông, cũng như cách thức nó gia nhập vào các bức thông điệp văn hóa đương đại. Đâu là các hệ thống giá trị của Truyện Kiều mà Việt Nam thế kỷ XXI đang tìm kiếm?

1. Truyện Kiều trong diễn trình lịch sử

anh kieu bai Liem 1anh kieu bai Liem 1

Hình 1. Bìa bản in Kim Vân Kiều Truyện

(Quảng Đông Phật Sơn Phúc Lộc Đại Nhai Thiên Bảo Lâu thư cục tổng phát hành).[3]

Phần này giới thiệu tổng quan vị trí của Truyện Kiều trong bức tranh lớn của diễn trình lịch sử ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam ba thế kỷ qua. Việt Nam (từ năm 1700) chứng kiến những thay đổi văn hóa, ngôn ngữ và chính trị ngoạn mục, dịch chuyển từ thời đại quân chủ, bị phương Tây xâm lược, tới chiến tranh, giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Các dự án chính trị này không chỉ thiết lập nên thể chế, nhà nước mà còn bản sắc văn hóa. Bản sắc này được xây dựng trên nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có ngôn ngữ, chữ viết, văn chương.

Sự tiến hóa của ‘tiếng Việt Nam’ và ‘chữ Việt Nam’ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng bản sắc dân tộc hiện đại này vì nó giúp tạo dựng các đặc trưng nền tảng khi Việt Nam chuyển từ một vương quốc (kingdom) sang một quốc gia (nation). Sự chuyển giao này cũng liên quan đến chữ Hán, từ chỗ đóng vai trò thống trị trong hệ thống hành chính tới khi nó hoàn toàn bị thay thế bởi chữ Quốc ngữ (và tiếng Pháp là ngôn ngữ thực dân) đầu thế kỷ XX.

Hình 2. Sự chuyển biến của thiết chế chính trị và ngôn ngữ/ chữ viết ở Việt Nam, 1200-2019.

Liem 2Liem 2

Người Việt xác lập nhà nước độc lập ở châu thổ sông Hồng từ thế kỷ X, và sử dụng chữ Hán trong hệ thống hành chính, liên lạc, giao dịch, văn chương. Tuy nhiên, xuất hiện nhu cầu chữ viết ghi các âm tiếng Việt (bản địa) mà chữ Hán (từ bên ngoài) không thể ghi lại được. Chính vì thế chữ Nôm dần dần xuất hiện, được đề cập lần đầu tiên trong chính sử là vào thế kỷ XIII (Đại Việt sử ký toàn thư), sau đó liên tục phát triển, hoàn thiện qua nhiều thế kỷ.[4] Chữ Nôm là sáng tạo của người Việt mở rộng khả năng giao tiếp, tương tác của công cụ chữ Hán nhằm phù hợp với ngữ pháp và biểu đạt của tiếng Việt.[5]

Chữ Nôm và các văn bản chữ Nôm đó được gọi là “Quốc âm”, “Quốc ngữ”, “Nam âm”. Đây là sự nhầm lẫn giữa ‘tiếng nói” và ‘chữ viết’ dùng để ghi âm tiếng nói.[6] Tuy nhiên, nó phản ánh các nỗ lực sáng tạo của người Việt trong việc xác lập các cơ chế giao tiếp và thực hành văn hóa riêng mà chữ Hán không thể đáp ứng.

Khái niệm ‘chữ Nôm’ chỉ xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ XVII, là cách các giáo sĩ phương Tây gọi thứ chữ người Việt sáng tạo trên cơ sở chữ Hán.[7] Cùng lúc, để thuận tiện cho việc giao tiếp với cư dân bản địa và truyền đạo, các giáo sĩ này cũng sử dụng hệ chữ cái Latin để tạo ra một thứ chữ viết mới ghi âm tiếng Việt. Chữ Viết này sẽ dần được cải tiến và được biết đến như là chữ Quốc Ngữ (ở thế kỷ XX). Như vậy là đến thế kỷ XVIII, tồn tại song song hai hệ thống ký tự ghi âm tiếng Việt: chữ Nôm và ‘chữ Annam’ (chữ viết Latin hóa tiếng Việt).[8] Tuy nhiên, trên địa hạt hành chính nhà nước, chữ Hán vẫn chiếm ưu thế.[9]

Với sự xác lập của nền đô hộ thực dân Pháp (1858-1884) và vai trò quyền lực suy giảm của nhà nước quân chủ, chữ viết cũng đổi ngôi. Trong khi tiếng Pháp thống trị địa hạt hành chính, chữ Quốc ngữ bắt đầu được thúc đẩy mạnh ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX cùng với hệ thống báo chí và in ấn hiện đại. Cải cách giáo dục, hành chính và thi cử sau đó dần đưa tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ lên hàng trung tâm. Cuối cùng là sự phát triển của ý thức dân tộc và chủ nghĩa dân tộc đầu thế kỷ XX coi chữ Quốc ngữ là ‘linh hồn’ trong nền văn hóa, bản sắc, và dân tộc Việt:

Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước

Phải đem ra tính trước dân ta

Sách nước ngoài sách Chi-na

Chữ kia chữ nọ dịch ra tỏ tường.

(Trần Quý Cáp, 1906).

Bảng 1. Chữ viết ở Việt Nam thế kỷ XIII-XX

Thời kỳ

Chữ viết

1945

Chữ Quốc Ngữ

1907

Chữ Quốc Ngữ[10]
Pháp

1858
Hán [chữ Nho]
Chữ Nôm
‘Việt’ [chữ Quốc Ngữ]
Pháp

1810s

Truyện Kiều

1651
Hán [chữ Nho]
Chữ Nôm[11]
‘Việt’ [chữ Quốc Ngữ]

1282
Hán
Quốc ngữ[12]

[chữ Nôm]

Trong cuộc biến chuyển thời đại, văn hóa, chữ viết, sự phát triển của chữ Quốc ngữ và chủ nghĩa dân tộc Việt Nam thúc đẩy việc tìm kiếm các hệ giá trị và các tiếng nói mới cho bản sắc của mình. Các đỉnh cao của ngôn ngữ văn chương tiếng Việt, sử dụng chữ Nôm như Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm, đặc biệt là Truyện Kiều trở thành những công trình mang tính đại diện cho bản sắc ngôn ngữ mới.

Điểm đặc sắc của Truyện Kiều không chỉ ở giá trị nhân đạo, tài năng của Nguyễn Du, mà ở chỗ nó ra đời vào lúc chữ Nôm đã phát triển qua hơn nửa thiên niên kỷ, với một hệ thống chữ phong phú, đa dạng. Chính ‘cơ sở hạ tầng ngôn ngữ’ này giúp cho Nguyễn Du xây dựng một trong những tòa nhà lộng lẫy bậc nhất của nghệ thuật biểu đạt tiếng Việt. Đây là thành tựu đỉnh cao trên con đường bản địa hóa chữ viết (vernacularization) thời sơ kỳ hiện đại Việt Nam. Giống như các cư dân Tây Âu sáng tạo các chữ viết bản địa (tiếng Đức, tiếng Pháp…) trong thời kỳ Phục Hưng và thế kỷ Ánh sáng nhằm thoát ra khỏi chữ Latin, người Việt cũng tham gia một cách mạng nhằm phát triển hệ chữ viết gần hơn với tiếng nói và biểu đạt của mình.[13] Chính vì thế mà những người xây dựng và cổ vũ cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam thế kỷ XX đã nhanh chóng đưa Truyện Kiều thành một biểu tượng trong diễn ngôn văn hóa, lịch sử và chính trị của người Việt, vào lúc họ cần các nguyên liệu mới về ngôn ngữ và văn hóa cho một quốc gia dân tộc.

Nguyễn Du là sản phẩm ‘tinh hoa’ của một thời đại biến loạn. Việc xuất thân từ một trong những gia đình trí thức danh giá và quyền lực bậc nhất dưới thời Lê-Trịnh giúp ông được đào tạo bài bản trong hệ thống giáo dục khoa cử. Biến động vương triều, gia đình và nhiều năm lưu lạc giúp ông có được trải nghiệm, tri thức và thực hành văn hóa gắn với các tầng bậc thấp trong xã hội. Sự hội tụ này đã tạo ra con người văn hóa và con người chính trị Nguyễn Du. Dù hai lần được cử đi sứ nhà Thanh, quan đến chức tham tri, tuy nhiên ông không hào hứng, thậm chí không thoải mái trong việc phụng sự triều Nguyễn.[14]

Truyện Kiều có lẽ được sáng tác sau chuyến đi sứ năm 1813, nơi ông được tiếp cận với tác phẩm Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân. Câu chuyện dựa trên một motif văn chương điển hình: cuộc gặp gỡ tài tử-giai nhân và bất hạnh của tình yêu trong thế giới của lễ giáo, định kiến, bất công xã hội, bạo lực, và sự chà đạp phẩm giá con người. Linh hồn của tác phẩm, như chính Nguyễn Du đề cập trong phần mở đầu và kết thúc: quan hệ giữa ‘tài’ và ‘mệnh’. Con người (cá nhân) dù tài năng, xinh đẹp đến đâu cũng không thể nào cưỡng lại số mệnh. Vì sao người tài, người tốt gặp tai họa, và công lý xã hội ở đâu? Đó là do “Trời kia đã bắt làm người có thân” (câu 3242), do số mệnh. Cuối cùng, Nguyễn Du kết thúc câu chuyện 15 năm lưu lạc và đoàn viên bằng sự quay trở về với các kiến giải Phật giáo. Nguyên nhân của kiếp người thăng trầm, chìm nổi nằm ở ‘nghiệp’ (karma), và cách để hóa giải chỉ có thể là ‘tâm’.

Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. (3249-52).

Câu chuyện được quan tâm lớn hơn là giữa các câu chữ này Nguyễn Du muốn nói gì. Vượt lên trên một tác phẩm văn chương phản ánh tinh thần nhân đạo cho số phận của con người như rất nhiều các tác phẩm khác của Nguyễn Du, tranh luận lớn hơn có lẽ là bức thông điệp chính trị-xã hội mà Nguyễn Du muốn trình bày. Có người coi nó như một ẩn ý của tác giả cho cuộc đời chìm nổi của mình. Thân phận của cô Kiều bước chân vào chốn bụi trần được coi như ẩn dụ cho việc Nguyễn Du phải phục vụ một vương triều mà tính chính thống của nó chưa bao giờ được thừa nhận, đặc biệt là với các trí thức bắc Hà.[15] Cũng có người mô tả câu chuyện về nàng Kiều chính là đại diện cho số phận của người Việt và dân tộc Việt Nam: nhỏ bé, hiền lành, nhưng luôn gặp bất hạnh bởi thiên tai, dịch bệnh, ngoại bang đe dọa, thực dân đô hộ, chiến tranh tàn phá, và bỏ lỡ nhiều cơ hội trong lịch sử.

Một khía cạnh khác không kém phần quan trọng sẽ được trình bày ở đây đó là bức thông điệp về các hệ giá trị và tự do của con người trong sự chuyển dịch của thời đại và xã hội, nơi mà quan hệ quyền lực và trật tự xã hội mới tạo ra xung đột với truyền thống.

Hình 3. Tài, số mệnh, quyền cá nhân, và công lý xã hội trong sự chuyển dịch thời đại.

Liem 5Liem 5

Kiều là một ẩn dụ cho số mệnh của ‘Việt Nam’ và ‘người Việt’.

2. Truyện Kiều, kiệt tác văn chương dân tộc

“Thử hỏi cổ kim Đông Tây đã có một áng văn chương nào cảm người được sâu và được rộng như thế chưa. Tưởng dễ chỉ có một Truyện Kiều ta là có thể tự cao với thế giới là văn chương chung của cả một dân tộc 18,20 triệu người, già, trẻ, lớn, bé, giỏi, dốt, sang, hèn, đều thuộc lòng và đều biết hay cả.”

Phạm Quỳnh, 8/12/1824.

Giá trị nghệ thuật của Truyện Kiều và tài năng của Nguyễn Du không phải chờ đến đầu thế kỷ XX mới được ghi nhận. Những người đồng liêu và sau đó chính sử nhà Nguyễn đã dành nhiều lời ngợi ca cho ông: “rộng học, giỏi thơ, càng giỏi về quốc ngữ” (Đại Nam Thực Lục). Lời tựa của một bản Kiều năm 1820 viết:

“… lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột. … Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy.”

            Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân[16]

Một nhà Nho khác, Nguyễn Văn Thắng, trong Lời tựa Kim Vân Kiều án (1830) phản ánh ảnh hưởng của Truyện Kiều đối với cả giới trí thức và tầng lớp bình dân: “Không những văn nhân tài tử khi mắt đọc thì lòng thích, thân khoái mà thôi, mà hẳn là những trai đồng gái chợ khi ngâm truyền cho nhau, cũng tay múa đùi rung”.[17] Các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Tự Đức hay quan chức như Hà Tông Quyền, Lý Văn Phức… cũng đã đưa Truyện Kiều vào ‘thực hành văn hóa’ ở các tầng bậc cao nhất của giới quan liêu và trí thức giữa thế kỷ XIX.

Diễn ngôn này đã thay đổi vào cuối thế kỷ XIX, người ta bắt đầu bắt đầu nhấn mạnh đến vai trò của Truyện Kiều trong thực hành văn hóa bình dân của công chúng:

“Lời xưa nói: “làm trai biết đánh tổ tôm, uống chè Chính Thái, xem nôm Thúy Kiều” mới là hợp thúc tao nhã. Ngày nay nào khách văn chương, bạn quần thoa, cho đến kẻ buôn người bán, người thôn hào, không ai là không có một quyển Kiều cầm tay để thưởng thức. Ngay cả những người không biết lấy một chữ mà cũng thuộc được vài câu, cũng thường khi nằm khi ngồi đem ra ngâm ngợi. Ôi! Sao mà lại có văn nào say lòng người đến thế?

Còn một điều nữa tôi lấy làm lạ hơn nữa là người đời dùng để bói, thì thấy ứng nghiệm như thần, mà xem tựa linh kinh Quỷ Cốc. Là bởi làm sao? Há chẳng phải tại: Thúy Kiều có tài sắc không hai, làm một bậc tình nhân tuyệt đỉnh ngàn đời; mười lăm năm lịch duyệt phong trần, nên một thiên tình sự tuyệt đỉnh nghìn xưa, diễn ra làm truyện, lâm ly đốn tỏa, thành một khúc tình từ tuyệt đỉnh nghìn thu, đem so với cái bản của Thanh Tâm Tài Nhân lại càng hay hơn nhiều lắm; người đã kỳ, việc lại kỳ, văn tài càng kỳ, nên chi chẳng làm say lòng người đọc mà lạ có thể thông cảm thần minh nữa chăng?”

Đào Nguyên Phổ, Tựa Đoạn Trường Tân Thanh (1896).[18]

Những chuyển biến đầu thế kỷ XX ở Việt Nam gắn liền với ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc từ phương Tây qua con đường tân thư từ Nhật Bản và Trung Quốc. Thay vì nói đến vương triều, vương quốc thì trung tâm của diễn ngôn chính trị mới là ‘quốc gia’. Chủ nhân của quốc gia này là ‘quốc dân’. Trong các thành tố của nền văn hóa của quốc dân có ‘quốc văn’. Những nhóm và cá nhân tiên phong như Đông kinh nghĩa thục, Phạm Quỳnh, hội khai trí Tiến Đức… coi việc tìm kiếm bản sắc quốc gia trong văn chương, ngôn ngữ, chữ viết là công việc hàng đầu để giúp Việt Nam bước vào ‘văn minh’. Chữ Hán, văn tự lạc hậu, lỗi thời cần phải được thay thế bằng chữ Quốc ngữ hiện đại, gắn với Phương Tây. Truyện Kiều vì thế nhanh chóng chiếm vị trí kiệt tác trong nền văn chương quốc gia đó.

Năm 1918, Phạm Quỳnh lập luận trên tờ Nam Phong rằng từ trường hợp nền văn học Pháp, có thể suy ra Truyện Kiều chính là kiệt tác của nền văn học Việt Nam; chỉ có điều trước khi người Pháp sang thì tác phẩm này đã không được đánh giá đúng tầm mức.[19] Dù sau đó đã diễn ra cuộc tranh luận quyết liệt về giá trị của Truyện Kiều từ góc độ nghệ thuật, nội dung, nhân văn… nhưng xu thế không thể đảo ngược là quá trình mở rộng của chữ Quốc Ngữ và việc xác lập của nền văn hóa dân tộc Việt Nam dựa trên chữ Quốc Ngữ. Chính hai nhân tố này đã nhanh chóng đưa Truyện Kiều thành biểu tượng và kiệt tác của quốc văn. Bia kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn Tiên Sinh của Hội Khai trí Tiến Đức (1930) viết:

Hán văn đã một ngày một lui để nhường cái đặc vị chính đáng cho quốc văn, thì quốc văn tất có cái tương lai, rất quan hệ, rất mật thiết với nước ta, mà một bậc sở trường về quốc văn không ai bằng tiên sinh, giá trị quốc văn nay tôn lên cũng nhờ ngọn bút tiên sinh. Nay quốc dân đương cổ vũ về quốc văn há lại quên một bậc đã có công với quốc văn hay sao? Đã hay những bậc huân nghiệp đời trước, không phải một mình tiên sinh, song Hội ta sùng bái tiên sinh, chủ ý chuyên trọng về quốc văn, mong sau này quốc văn có một ngày hưng thịnh; mà cả tư tưởng học thuật đều bởi đó đằng tiến mãi lên, vậy thì một bậc đã có công to với quốc văn tức là có công to với nước vậy.[20]

Chính trong khung cảnh đó mà vai trò của Truyện Kiều trong nền văn học dân tộc, trong sự hình thành và phát triển của ngôn ngữ, chữ viết dân tộc được xác lập một cách vững chắc:

 “Ban Văn-học Hội Khai-trí chúng tôi muốn nhân ngày giỗ này đặt một cuộc kỷ-niệm để nhắc lại cho quốc-dân nhớ đến công-nghiệp một người đã gây-dựng cho quốc-âm ta thành văn-chương, để lại cho chúng ta một cái “hương hỏa” rất quí-báu, đời đời làm vẻ-vang cho cả giống-nòi.

Chúng tôi thiết-nghĩ một bậc có công với văn-hóa nước nhà như thế, không phải là ông tổ riêng của một nhà một họ nữa, mà là ông tổ chung của cả nước; ngày giỗ ngài không phải là ngày kỷ-niệm riêng của một nhà một họ nữa, chính là ngày kỷ-niệm chung của cả nước.

Hiện nay suốt quốc-dân ta, trên từ hàng thượng-lưu học-thức, dưới đến kẻ lam-lũ làm ăn, bất-cứ già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà, ai ai cũng biết truyện Kiều, ai ai cũng thuộc truyện Kiều, ai ai cũng kể truyện Kiều, ai ai cũng ngâm truyện Kiều, như vậy thời ai ai cũng đều hưởng cái công-nghiệp của Cụ Tiên-điền ta, ai ai cũng phải nhớ ngày giỗ Cụ và nghĩ đến cái ơn của Cụ tác-thành cho tiếng nước nhà.”[21]

Với sự sụp đổ của chính quyền quân chủ và hệ thống cai trị của thực dân Pháp (1945), một tuần sau ngày công bố độc lập, chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra sắc lệnh bắt buộc học chữ Quốc ngữ trong vòng một năm đối với toàn thể dân chúng.

SẮC LỆNH[22]

CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI SỐ 20 NGÀY 8 THÁNG 9 NĂM 1945

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Theo lời đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục,

RA SẮC LỆNH:

Khoản I: Trong khi đợi lập được nên Tiểu học cưỡng bách, việc học chữ Quốc ngữ từ năm nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người.

Khoản II: Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên tám tuổi phải biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân Việt Nam nào trên tám tuổi mà không biết đọc và biết viết chữ Quốc ngữ sẽ bị phạt tiền.

Khoản III: Các khoản chi phí sẽ chia cho quỹ hàng tỉnh và hàng xã phải chịu.

Khoản IV: Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục thi hành sắc lệnh này. Các chi tiết thực hành sẽ do ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục ấn định sau.

Võ Nguyên Giáp

(Đã ký)

Ý tưởng của nền văn hóa mới này là nghệ thuật vị nhân sinh. Văn học nghệ thuật phục vụ cuộc kháng chiến, và được soi sáng dưới chủ nghĩa duy vật lịch sử. Trên cách tiếp cận này, các giá trị của Truyện Kiều đã được soi rọi thông qua việc đưa Nguyễn Du và Truyện Kiều về với “đất nước”, “nhân dân”, “cuộc đời”, “con người”, “văn chương”.[23] Bức thông điệp của tác phẩm này lại một lần nữa được mở rộng trong ý nghĩa tiếng là nói của dân tộc, của truyền thống trong sự đồng hành với cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

“Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời nghìn thu.”

Tố Hữu, Kính gửi cụ Nguyễn Du (1/11/1965)

3. Tính khả dụng (unility) của Truyện Kiều

“Văn-chương mình chỉ độc có một quyển, vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh-thư Phúc-âm của cả một dân-tộc.”

Phạm Quỳnh, 8/12/1924

            Các giá trị mà Truyện Kiều đại diện đã thay đổi nhiều trong hai thế kỷ qua. Mỗi thời đại tìm kiếm ở câu chuyện này diễn ngôn văn hóa, thời cuộc, và bức thông điệp khác nhau. Tuy chủ nghĩa nhân văn và giá trị nghệ thuật nằm ở phong cách biểu đạt tiếng Việt khéo léo là hai điểm nhìn xuyên suốt được nhấn mạnh qua nhiều thời kỳ, cách thức các giá trị này được phản ánh là rất khác nhau qua từng thời đại.

Nếu như ở thế kỷ XIX, đó là nghệ thuật biểu đạt, ngôn từ, khả năng sử dụng tiếng Việt điêu luyện, thì tới đầu thế kỷ XX, đó là vai trò của Truyện Kiều trong nền văn hóa quốc dân. Tác phẩm này được mô tả là đóng vai trò cốt lõi trong việc tạo dựng bản sắc và thực hành văn hóa (tập Kiều, bói Kiều…) của dân chúng, và vì thế xứng đáng là tinh hoa của ‘quốc văn’, một kiệt tác của việc sử dụng ‘quốc ngữ’ trong sáng tạo văn chương.

Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa nửa sau thế kỷ XX, Truyện Kiều và chủ nghĩa nhân văn của Nguyễn Du gắn liền với cuộc đấu tranh giai cấp và tình cảnh của quần chúng nhân dân lao khổ dưới chế độ phong kiến suy tàn. Theo lý thuyết về sự thay đổi của các hình thái kinh tế xã hội, xã hội của Truyện Kiều là lúc quan hệ phong kiến lỗi thời, lạc hậu kìm hãm sự phát triển của xã hội, áp bức con người. Chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du chính là dành cho quần chúng lao khổ, trong cơn khủng hoảng, suy tàn của chế độ cũ.

Truyện Kiều cũng có thể được nhìn ở một lăng kính rộng lớn hơn của chuyển biến thời đại, xã hội và các hệ thống giá trị mà con người trong xã hội đó phải đổi mặt. Nguyễn Du và thời đại của ông không chỉ gắn với biến động chính trị mà còn là sự mở rộng của nền sản xuất hàng hóa và giao lưu thương mại, đặc biệt là với Trung Quốc và phương Tây. Với những thay đổi kinh tế xã hội này, đặc biệt là nền kinh tế hàng hóa, quan hệ tiền tệ và giao thương đã từng bước làm thay đổi quan hệ giữa con người. Quan niệm về tình yêu, phẩm giá, tự do, nhân phẩm, hạnh phúc… của con người trong mối quan hệ với tiền bạc và quyền lực cũng bị thách thức.[24] Một hệ quả quan trọng chính là văn hóa đô thị và tầng lớp thị dân với các nhu cầu mới về tiêu dùng, thưởng thức văn hóa nghệ thuật. Việc tìm kiếm tiếng nói của cá nhân và giải phóng quyền tự do cá nhân cũng trở thành một phần trong sự chuyển đổi xã hội thị dân gắn với nền kinh tế hàng hóa. Truyện Kiều chính vì thế phản ánh bức tranh này trên ba phương diện quan trọng:

Thứ nhất là tiếng nói của người phụ nữ. Chưa bao giờ vai trò của phụ nữ và tiếng nói của phụ nữ trong văn chương lại có tầm ảnh hưởng đến thế, với các nữ tác gia như Đoàn Thị Điểm, Trương Thị Trong, Phạm Lam Anh, Lê Ngọc Hân, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Thị Hinh…[25] Chưa bao giờ xuất hiện hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ đến thế, thách thức trật tự xã hội và các khuôn khổ đạo đức thống trị bởi nam giới (Hồ Xuân Hương). Cũng chưa bao giờ người ta chú ý nhiều đến tiếng nói của người phụ nữ (hay mượn tiếng nói của phụ nữ để phản ánh tâm sự của mình): Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Chinh Phụ Ngâm (Đoàn Thị Điểm), Phạm Tải-Ngọc Hoa, Sơ Kính Tân Trang (Phạm Thái), thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Du…

Thứ hai, câu chuyện này phản ánh sự thức tỉnh của tiếng nói cá nhân, giải phóng cá nhân và quyền tự do cá nhân trong sự chuyển biến xã hội, thăng trầm thời thế và quyền lực. Cá nhân nói chung và người phụ nữ nói riêng chủ động trong việc ra quyết định, tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc, cũng như xác lập các hệ giá trị và chuẩn mực chứ không đơn giản tuân theo quy chuẩn đạo đức, truyền thống, ràng buộc xã hội. Các nhân vật đã tái định nghĩa lại tình, hiếu, trinh tiết, phẩm giá… và giành quyền quyết định hành động của họ đối với các giá trị cá nhân này.

Xưa nay trong đạo đàn bà,

Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường,

Có khi biến có khi thường,

Có quyền nào phải một đường chấp kinh.

Như nàng lấy hiếu làm trinh,

Bụi nào cho đục được mình ấy vay?

(3115-3120)

Thứ ba, sự thực thi của trật tự và công lý xã hội trong khung cảnh của chuyển đổi quan hệ quyền lực và các hệ giá trị cũ-mới. Thương mại hóa và tha hóa quyền lực sẽ tác động như thế nào đến tiếng nói, nhân phẩm, giá trị của con người. Vì thế, giá trị của Truyện Kiều không chỉ phản ánh mối quan hệ ‘tài’, ‘sắc’, ‘tình yêu’, ‘đạo hiếu’, ‘tiền bạc’, ‘quyền lực’, ‘truyền thống’, ‘đạo đức’, và ‘công lý xã hội’ mà còn đặt chúng trong thử thách nghiệt ngã với sự lũng đoạn của đồng tiền lên trên thân phận con người.

Liem 6Liem 6

Một phần trong các bức thông điệp này đã được truyền tải trong hệ thống giáo dục phổ thông, nơi mà Truyện Kiều là một trong các tác phẩm văn học được giảng dạy với thời lượng nhiều nhất. Dưới đây là phân phối chương trình các giờ học liên quan đến Truyện Kiều trong các lớp 9 và 10, tập trung vào 8 trích đoạn:

  1. Chị em Thuý Kiều
  2. Cảnh ngày xuân
  3. Thề nguyền
  4. Trao duyên
  5. Mã Giám Sinh mua Kiều
  6. Kiều ở lầu Ngưng Bích
  7. Nỗi thương mình
  8. Chí khí anh hùng

Bảng 2. Truyện Kiều trong chương trình sách giáo khoa phổ thông hiện hành[26]:

Lớp

Thời lượng
Lớp 10, Học kỳ II
Notes

Lớp 9, học kỳ I
Tuần 6
Tuần 7
Tuần 8

Tuần 6

Tiết 26 đến tiết 30

Truyện Kiều của Nguyễn Du;

Chị em Thuý Kiều;

Cảnh ngày xuân

Tiết 31 đến tiết 35

Kiều ở lầu Ngưng Bích;

Miêu tả trong văn bản tự sự; Trau dồi vốn từ;

Viết bài Tập làm văn số 2.

Tiết 36 đến tiết 40

Mã Giám Sinh mua Kiều;

Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga;

Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự.

Lớp 10, Học kỳ II
Tuần 29
Tuần 30
Tuần 31

Tiết 79 đến tiết 81

Lập dàn ý bài văn nghị luận;

Truyện Kiều (Phần 1: Tác giả).

Tiết 82 đến tiết 84

Trao duyên (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du); 

Nỗi thương mình (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du);

Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

Tiết 85 đến tiết 87

Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du);

Đọc thêm: Thề nguyền (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du);

Lập luận trong văn nghị luận;

Trả bài viết số 6

Lớp 10 (Nâng cao), học kỳ II
Tuần 30
Tuần 31
Tuần 32

Tiết 109 đến tiết 112

Trả bài viết số 6;

Truyện Kiều của Nguyễn Du;

Luyện tập về từ Hán – Việt;

Bài viết số 7.

Tiết 113 đến tiết 116

Trao duyên (Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)

Nỗi thương mình (Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du);

Đọc thêm: Thề nguyền (Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du).

Tiết 117 đến tiết 120

Chí khí anh hùng (Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du);

Tác gia Nguyễn Du;

Đọc thêm: Ngọc Hoa đối mặt với bạo chúa (trích Phạm Tải – Ngọc Hoa)

 Cách tiếp cận này cung cấp cho học sinh cái nhìn về Nguyễn Du và thời đại của ông, đồng thời gửi đi ba bức thông điệp quan trọng.

Thứ nhất, các trích đoạn hướng đến nghệ thuật biểu đạt điêu luyện, đặc sắc của tác phẩm, đặc biệt là việc sử dụng ngôn ngữ, xây dựng hình ảnh, tả tình, tả cảnh, khắc họa cảm xúc, tâm trạng… đã trở thành đỉnh cao của việc sử dụng tiếng Việt.

Thứ hai, các đoạn trích hướng đến sự bất hạnh của con người trước áp bức và bất công xã hội. Đó là bức thông điệp của chủ nghĩa nhân văn dành cho những số phận bị chà đạp và nỗ lực trong tuyệt vọng nhằm thoát khỏi khổ đau.

Thứ ba, hình ảnh của Từ Hải như là biểu tượng cho các nỗ lực lật đổ trật tự quyền lực áp bức con người, thay đổi số hoàn cảnh và ‘mệnh’.

4. Bức thông điệp dang dở

Vượt qua số phận của một cá nhân, một gia đình, Truyện Kiều mang theo bức thông điệp lớn có tính đại diện lớn cho số phận và giá trị của con người ở những thời điểm chuyển giao của lịch sử và chuyển biến xã hội. Thế kỷ XXI ở Việt Nam là một chuyển biến như thế, và có lẽ những cách hiểu mới về tác phẩm này sẽ tiếp tục trở thành một phần của bản sắc Việt Nam đang được tạo dựng.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất của Truyện Kiều đã quay trở lại: câu chuyện về tự do cá nhân, giải phóng cá nhân (nhu cầu cá nhân, giá trị cá nhân, khát vọng cá nhân…) với các thiết chế, trật tự xã hội và công nghệ cũ. Ngày nay, công nghệ mới cho phép cá nhân có thêm nhiều không gian, có khả năng phát triển các ý tưởng của mình, vì thế nó cũng làm tăng nguy cơ xung đột giữa tự do cá nhân và các ràng buộc về luân lí, đạo đức, truyền thống.

Xét trên bình diện rộng, công cuộc Đổi mới ở Việt Nam đã tạo ra hai thế hệ dân số. Thế hệ thứ nhất sinh ra trong những năm cuối 8X và 9X. Thế hệ thứ hai trong những năm 2000. Chính thế hệ thứ hai này sẽ còn tạo ra những đòi hỏi và thay đổi lớn hơn nữa trong cấu trúc xã hội, quan hệ con người và thực hành văn hóa. Điều này càng trở nên cấp thiết trong khung cảnh các hệ giá trị mới này đã, đang, và sẽ bị thách thức bởi toàn cầu hóa, thương mại hóa, và công nghệ hóa xã hội.

Kiều sống trong thế giới của chữ ‘hiếu’ và các quan hệ quyền lực thống trị bởi những người đàn ông, vì thế không có chỗ cho tình yêu và tự do cá nhân của người phụ nữ. Vấn đề này chưa bao giờ cũ. Bình đẳng giới, nữ quyền, và quyền của người phụ nữ trong việc kiểm soát cơ thể mình, và ‘xung đột’ của các quyền này với truyền thống tôn giáo, đạo đức, luân lí… đã và đang trở thành trung tâm điểm của các diễn đàn và bàn thảo xã hội.

Các quyền và giá trị của con người trước sự lũng đoạn của kinh tế hàng hóa cũng sẽ là chủ đề lớn mà xã hội Việt Nam phải đương đầu. Kinh tế thị trường và đạo đức xã hội sẽ tương tác với nhau như thế nào? Việc luật hóa mại dâm chẳng hạn, nằm trong bức tranh lớn hơn của cuộc xung đột hệ giá trị, quyền con người và chính sách quản lí nhà nước này. Đó là những vấn đề chưa bao giờ cũ, luôn được lật lại tại mỗi thời điểm chuyển giao của lịch sử chính trị-xã hội. Thách thức quyền và sự lựa chọn của cá nhân trong những khuôn khổ pháp lí, quyền lực, và ràng buộc xã hội mới.

Cuối cùng, số phận của Vương Thúy Kiều liệu có thể được coi như một ẩn ý cho số mệnh của người Việt và dân tộc Việt Nam trong lịch sử. Một chuỗi của những tai họa bất ngờ, các thử thách thất bại mà không thể tìm ra được sự kết nối hay lời giải thích nào hợp lý ngoài ‘số mệnh’.[27] Những gì diễn ra hai thế kỷ qua đối với dân tộc này chắc chắn vẫn còn để lại một nỗi ám ảnh lớn trong tâm trí với chiến tranh, thực dân, bạo lực xã hội, li tán. Vì thế, vẫn còn đó ước mơ được ‘đoàn viên’, được lấy lại danh dự, và có được hạnh phúc sau tháng ngày lưu lạc, tai ương.

5. Thay lời kết

Cuộc hành trình lịch sử, văn hóa, chính trị của Truyện Kiều hai thế kỷ qua cũng chính là câu chuyện về chuyển giao ngôn ngữ, văn hóa, và bản sắc trong sự hình thành của dân tộc Việt Nam. Quá trình này chứng kiến sự thay đổi lớn lao của xã hội Việt Nam với các dự án chính trị và thực hành văn hóa, hệ tư tưởng. Trong diễn trình thương hải tang điền đó, Truyện Kiều không chỉ là chứng nhân mà còn tham gia trực tiếp vào việc tạo dựng nền văn hóa dân tộc. Nói cách khác, nó không chỉ đóng vai trò là một tác phẩm văn học, mà còn là nhân tố kết nối các hệ giá trị, cổ vũ cho các nỗ lực chính trị mà qua đó nước Việt Nam hiện đại ra đời như ngày nay. Chẳng cần tới 300 năm như người nghệ sĩ tự hỏi, Nguyễn Du đã trở thành đại thi hào dân tộc và Truyện Kiều – trở thành biểu tượng không thể thay thế cho tinh hoa của nền văn hóa quốc gia.

Để khép lại, xin hãy lắng nghe thêm một lần nữa bức thông điệp của ông cho hậu thế:

Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Có đâu thiên vị người nào,

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai,

Có tài mà cậy chi tài,

Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. (3241-53)

Vũ Đức Liêm

Bản quyền tác phẩm tranh © Nguyễn Tường Lân

[1] Phạm Quỳnh, “Bài Diễn Thuyết Bằng Quốc Văn Đọc Trong Lễ Kỷ Niệm Cụ Tiên Điền,” in 200 Năm Nghiên Cứu Bàn Luận Truyện Kiều, ed. Lê Xuân Lít (Sưu tầm, tuyển chọn) (Thành phố Hồ Chí Minh: Giáo Dục, 2007), 1801-4.

[2] “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh.” (Câu 3253-54).

[3] Nguyễn Du, Truyện Kiều, Bản Nôm Duy Minh Thị (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 2010), 51.

[4] Duy Anh. Đào, Chữ Nôm: Nguồn Gốc, Cấu Tạo, Diễn Biến [Nôm Script: Origin, Sctructure, and Evolution] (Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1975); Trọng Dương Trần, Thị Hảo Phạm, and Đăng Việt Hà, Lý Thuyết và Thực Hành Chữ Nôm (Theoritical Approaches and Practice of Nôm Script) (Hanoi: Nxb Đại học Quốc gia, 2016).

[5] Keith W Taylor, “Literacy in Early Seventeenth-Century Northern Vietnam,” in New Perspectives on the History and Historiography of Southeast Asia: Continuing Explorations, ed. Michael Aung-Thwin and Kenneth R. Hall (New York: Routledge, 2011), 183-98; John D. Phan, “Rebooting the Vernacular in 17th Century Vietnam,” in Rethinking East Asian Languages, Vernaculars, and Literacies, 1000-1919, ed. Benjamin Elman (Leiden: Brill, 2014), 96-128; John D. Phan, “Chữ Nôm and the Taming of the South: A Bilingual Defense for Vernacular Writing in the Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa,” The Journal of Vietnamese Studies 1, no. 1-33 (2013).

[6] Trần, Phạm, and Hà, Lý Thuyết và Thực Hành Chữ Nôm (Theoritical Approaches and Practice of Nôm Script), 10-13.

[7] Alexandro de Rhodes. 1651. Dictionarivm Annamiticivm- Lusitanvm- Latinvm Sacre Congragationis de Propagada fide Cardinales. ROME. 568; 1994. Từ điển Việt -Bồ – La. Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt & Đỗ Quang Chính dịch. Nxb KHXH. 173.

[8] Giáo sĩ Alexandre de Rhodes gọi là tiếng Annam (Annamiticum). Alexandro De Rhodes, Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Roma: Sacre Congragationis de Propagada fide Cardinales, 1651).

[9] Mặc dù có sự mở rộng của chữ Nôm vào hệ thống văn bản hành chính ở thế kỷ XVIII, cho tới tận thời kỳ Gia Long (1802-1820). Trần, Phạm, and Hà, Lý Thuyết và Thực Hành Chữ Nôm (Theoritical Approaches and Practice of Nôm Script); Văn Thắm. Phạm, “Mã Chữ Nôm Trong Châu Bản Thời Gia Long (1802-1819),” Tạp Chí Hán Nôm 6, no. 121 (2013): 58-65.

[10] Xuất hiện lần đầu tiên trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.

[11] Cách gọi của Alexandro de Rhodes và các giáo sĩ phương Tây.

[12] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

[13] Mặc dù việc dùng chữ Hán ở Việt Nam đã có những thay đổi nhất định về trật tự từ, từ vựng và ngữ pháp. Xem thêm về bản địa hóa ngôn ngữ và chữ viết: Sheldon Pollock, “Cosmopolitan and Vernacular in History,” Public Culture 12, no. 3 (2000): 591-625. Benedict R. O’G. Anderson, Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism (London: Verso, 2006).

[14] Tham tri tương đương chức thứ trưởng hiện nay. Xem Đại Nam Thực Lục, … 3115-3120] Thấm Vân gửi đợt trướcuyên Phước (chọn đoạn bao chữ)xuất bản lại?bản Hán (Tokyo: Institute of Cultural and Linguistic Studies, Keio University, 1961-1977), Đệ nhị kỷ, quyển 4: 16b-17a.

[15] Christopher E. Goscha, The Penguin History of Modern Vietnam: A History (Penguin UK, 2016), 42.

[16] Phạm Đan Quế, Truyện Kiều và Các Nhà Nho Thế Kỷ XIX (Hà Nội: Văn Học, 2000), 37.

[17] Quế, 61.

[18] Quế, 75-76.

[19] Keith W Taylor, A History of the Vietnamese (Cambridge: Cambridge University Press, 2013), 492.

[20] Hội khai trí Tiến Đức, “Bài Bia Kỷ Niệm Tiên Điền Nguyễn Tiên Sinh,” in 200 Năm Nghiên Cứu Bàn Luận Truyện Kiều, ed. Lê Xuân Lít (Sưu tầm, tuyển chọn) (Thành phố Hồ Chí Minh: Giáo Dục, 2007), 82-84.

[21] Quỳnh, “Bài Diễn Thuyết Bằng Quốc Văn Đọc Trong Lễ Kỷ Niệm Cụ Tiên Điền.”

[22]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Sac-lenh-20-dinh-hoc-chu-quoc-ngu-bat-buoc-khong-mat-tien/35859/noi-dung.aspx

[23] Nguyễn Đình Chú, “Nguyễn Du Trong Thời Đại Hồ Chí Minh,” in 200 Năm Nghiên Cứu Bàn Luận Truyện Kiều, ed. Lê Xuân Lít (Sưu tầm, tuyển chọn) (Thành phố Hồ Chí Minh: Giáo dục, 2007), 1761-71.

[24] Thành Thế Vỹ, Ngoại Thương Việt Nam Hồi Thế Kỷ XVII, XVIII và Đầu Thế Kỷ XIX (Hà Nôi: Nxb Sử học, 1961); Nguyễn Thừa Hỷ, Thăng Long-Hà Nội Thế Kỷ XVII-XIX (Hà Nội: Hội sử học Việt Nam, 1993); Anh Tuấn. Hoàng, Silk for Silver : Dutch-Vietnamese Relations, 1637-1700 (Leiden: Brill, 2007). Đỗ Thùy Lan, Hệ Thống Cảng Thị Trên Sông Đàng Ngoài: Lịch Sử Ngoại Thương Việt Nam Thế Kỷ XVII-XVIII (Hà Nội: Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017).

[25] Viện nghiên cứu Hán Nôm, Các Nữ Tác Gia Hán Nôm Việt Nam (Khảo Cứu, Phiên Âm, Dịch Chú Văn Bản Tác Phẩm) (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 2010).

[26] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phân phối Chương trình THCS môn Ngữ văn (Dùng cho các cơ quan quản lí giáo dục và giáo viên, áp dụng từ năm học 2009-2010),

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phân phối Chương trình THPT môn Ngữ văn (Dùng cho các cơ quan quản lí giáo dục và giáo viên, áp dụng từ năm học 2009-2010),

[27] Taylor, A History of the Vietnamese.

Bản quyền tác phẩm tranh © Nguyễn Tường Lân

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Chia sẻ và lưu:

Like this:

Like

Loading…