Trượt đốt sống thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Trượt đốt sống thắt lưng là tình trạng đốt sống trên lệch so với đốt sống bên dưới. Điều này tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại gây cản trở không nhỏ đến vận động và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy cụ thể trượt đốt sống ở vùng thắt lưng là gì, nguyên nhân do đâu và cách điều trị nào hiệu quả, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
5/5 – (45 bình chọn)
Nội Dung Chính
1. Trượt đốt sống thắt lưng là gì?
Trượt đốt sống thắt lưng là tình trạng đốt sống trượt khỏi vị trí ban đầu, lệch hơn so với đốt sống dưới, làm mất đi hình dáng sinh học của cột sống. Trượt đốt sống không nguy hiểm đến tính mạng nhưng chúng gây ra những cơn đau nhức dữ dội, có thể lan xuống chân, ảnh hưởng đến chức năng vận động của người bệnh. Vị trí trượt đốt sống thắt lưng tập trung ở các đốt L1-L5 nhưng chủ yếu có 3 vị trí dễ trượt nhất là trượt đốt sống lưng L5, L4 và L3.
Trượt đốt sống thường được chia thành 5 cấp độ tương đương với độ trượt của đốt sống tăng dần: (dựa theo kết quả chụp phim X-quang):
- Trượt đốt sống độ 1: trượt 0-25% thân đốt sống
- Trượt đốt sống độ 2: trượt 26-50% thân đốt sống
- Trượt đốt sống độ 3: trượt 51-75% thân đốt sống
- Trượt đốt sống độ 4: trượt 76-100% thân đốt sống
- Trượt đốt sống độ 5: đốt sống trượt hoàn toàn khỏi bề mặt thân đốt sống
2. Nguyên nhân trượt đốt sống thắt lưng
Trượt cột sống vùng thắt lưng có nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu tập trung do:
2.1. Trượt đốt sống do bẩm sinh
Vị trí của đốt sống bị lệch so với hình dạng sinh học của cột sống do bẩm sinh. Nguyên nhân là do những bất thường xảy ra trong quá trình hình thành xương sống của thai nhi dẫn đến trẻ sinh ra đã bị trượt, lệch, cong vẹo cột sống.
Trượt đốt sống do bẩm sinh có thể xảy ra ở bất kỳ đốt sống nào, trong đó có đốt sống lưng.
2.2. Trượt đốt sống thắt lưng do khuyết eo
Khuyết eo là tình trạng có các khiếm khuyết hoặc chấn thương liên quan đến dây chằng nối đốt sống thắt lưng trên với đốt sống thắt lưng dưới, làm mất đi tính liên tục của cột sống, gây trượt đốt sống.
Hầu hết trường hợp khuyết eo gây trượt đốt sống xảy ra ở 2 đốt xương L5-S1, có thể phát hiện rõ nhất khi dậy thì.
Khuyết eo cũng là yếu tố do bẩm sinh. Trường hợp khuyết eo do tác động là do chấn thương nặng nề ở vùng dây chằng, làm chúng phải kéo căng quá mức trong thời gian dài cũng có thể gây trượt đốt sống.
2.3. Trượt đốt sống do chấn thương
Cột sống bị chấn thương do tai nạn ngã, tai nạn giao thông có thể gây gãy cuống, vỡ các mấu khớp làm tổn thương đốt sống dẫn đến mất vững cột sống. Một số trường hợp còn khiến trượt đốt sống, trong đó có đốt sống lưng.
2.4. Trượt đốt sống thắt lưng do bệnh lý
Các bệnh lý như viêm khớp, thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm hoặc nhiễm khuẩn, ung thư khiến đốt sống khiến đốt sống lưng bị tổn thương, đặc biệt khớp L4-L5 vì thường xuyên phải vận động.
Bên cạnh đó loãng xương ở một số đốt sống khiến cột sống dễ bị giòn, gãy, xẹp đốt sống, xẹp đĩa đệm, làm mất đi chiều cao sinh học của đốt sống gây nên tình trạng trượt đốt sống. Đây cũng là lý do vì sao những người già thường có chiều cao giảm đi so với thời trẻ của họ.
2.5. Trượt đốt sống sau phẫu thuật
Trong một số phẫu thuật như cắt cung, cắt mấu khớp, phẫu thuật u tủy, lấy nhân thoát vị đĩa đệm khiến người bệnh có thể gặp biến chứng trượt đốt sống, nhất là ở vị trí đốt sống đã bị tổn thương.
Nguyên nhân là do khi các đốt sống hồi phục sẽ bị khuyết một phần, dẫn đến lâu ngày đốt sống trượt khỏi vị trí vốn có.
>>> Tìm hiểu thêm: Phẫu thuật trượt đốt sống có nguy hiểm không?
2.6. Một số nguyên nhân khác
Bên cạnh những nguyên nhân trên còn một số lý do khiến đốt sống bị trượt khỏi “quỹ đạo” như:
Hiện tượng bàn chân bẹt (không có hoặc có ít độ lõm) khiến vùng chân như mắt cá, khớp gối, đốt sống lưng phải chịu phản lực từ mặt đất khi đứng thẳng. Lâu dần có thể khiến thay đổi cấu trúc cột sống như cong, vẹo cột sống, trượt đốt sống lưng.
3. Triệu chứng trượt cột sống thắt lưng
Triệu chứng trượt đốt sống thắt lưng thường chia theo từng mức độ trượt đốt sống. Thông thường người bệnh trượt đốt sống độ 1 thường sẽ khó cảm nhận cơn đau. Tuy nhiên khi mức độ trượt tăng dần sẽ gây ra một số biểu hiện như:
Giai đoạn
Triệu chứng
✅ Giai đoạn nhẹ
⭐ Khó cảm nhận được cơn đau
✅ Giai đoạn đau
⭐ Đau lưng, đặc biệt đau thắt lưng, đau lưng dưới. Cơn đau tăng khi đi lại, cúi người, đứng lâu, giảm khi nằm và nghỉ ngơi. Cúi, ngửa người khó khăn. Cơn đau có thể lan xuống mông, đùi, cẳng chân và bàn chân. Thay đổi tư thế gặp khó khăn
✅ Giai đoạn đau nặng
⭐ Thay đổi dáng đi, tư thế. Co cứng thắt lưng, đau căng cơ mặt trong đùi. Tần suất đau tăng, đau cả khi nằm nghỉ ngơi. Tê bì chân tay
Nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến những biến chứng như:
- Gù lưng
- Cong vẹo cột sống
- Thay đổi dáng đi
- Nhiễm trùng cột sống…
4. Khi nào cần tới bác sĩ?
Khi gặp phải các cơn đau trên, hãy chủ động đi gặp bác sĩ để thăm khám kịp thời trong trường hợp:
- Các cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm ngay cả khi nghỉ ngơi
- Tình trạng tê bì chân tay nặng nề hơn
- Đi lại khó khăn
- Cảm nhận lưng bị gù, cột sống bị cong
Tốt nhất, người bệnh nên chủ động thăm khám khi cơ thể mình có những dấu hiệu bất thường.
5. Chẩn đoán trượt đốt sống thắt lưng
Để chẩn đoán trượt đốt sống lưng, cách thông dụng nhất chính là chụp X-quang để kiểm tra hình dạng đốt sống ở nhiều tư thế như thẳng, chếch ¾ hoặc ưỡn hết cỡ. Đây là phương pháp chẩn đoán đơn giản, hiệu quả để kiểm tra bạn có bị trượt cột sống thắt lưng hay không và đang ở mức độ nào.
Dưới đây là hình ảnh trượt đốt sống thắt lưng. Hình ảnh trên phim X-quang cho thấy đốt sống đã bị trượt một đoạn được đánh dấu theo 4 mức độ từ 1-4. Đốt sống lần lượt trượt ra khỏi vị trí so với đốt sống bên dưới.
Ngoài ra, còn một tiêu chí đánh giá độ cong sinh học của cột sống bao gồm độ trượt và độ gập góc. Dựa trên phim có thể xem xét được mức độ trượt.
Bên cạnh đó còn một số phương pháp chẩn đoán khác như:
- Chụp CTScan: giúp đánh giá cấu trúc xương, mức độ trượt cũng như các yếu tố gây nên trượt đốt sống như tổn thương eo, mấu khớp, hẹp ống sống…
- Cộng hưởng từ: Đánh giá tổn thương về mô mềm cũng như mức độ chèn ép dây thần kinh ở bệnh nhân bị trượt đốt sống thắt lưng cũng như phát hiện nguyên nhân chèn ép thần kinh.
6. Cách điều trị trượt cột sống
6.1. Điều trị nội khoa
Thông thường, người bị trượt đốt sống thắt lưng thường được chỉ định điều trị nội khoa để cải thiện cơn đau và sử dụng các liệu pháp hỗ trợ như vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Cụ thể:
- Cố định thắt lưng bằng áo nẹp và hướng dẫn vận động đúng cách
- Trường hợp đau cấp có thể sử dụng thuốc giảm đau chống viêm
- Chỉ định vận động nhẹ nhàng, nếu xuất hiện cơn đau nên nghỉ ngơi
- Kết hợp phương pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cùng các bài tập cải thiện cơ lưng, đùi, bụng
- Chỉ định giảm cân nếu thừa cân béo phì
6.2. Điều trị trượt đốt sống thắt lưng bằng phẫu thuật
Trong trường hợp người bệnh điều trị nội khoa không hiệu quả, đau nhiều và gặp phải biến chứng nặng nề như liệt, khó vận động, teo cơ… hoặc trường hợp trượt đốt sống do khuyết eo có thể chỉ định phẫu thuật.
Các bác sĩ có thể thực hiện bằng một số phương pháp như:
- Cố định cột sống bằng nẹp vít
- Bỏ đĩa đệm và ghép xương liên thân đốt
- Giải ép lỗ liên hợp bằng hệ thống ống nong và bắt vít qua da
Tuy nhiên, sau quá trình phẫu thuật, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh việc trượt đốt sống trở lại nếu không kiêng khem cẩn thận.
>>> Tìm hiểu thêm: Phẫu thuật trượt đốt sống có nguy hiểm không?
6.3. Bài tập trượt đốt sống thắt lưng
Để giảm đau và cải thiện tình trạng trượt đốt sống thắt lưng bạn có thể thực hiện bài tập trượt đốt sống dưới đây:
Bài tập siết cơ lưng
Siết cơ lưng sẽ giúp các khối cơ ở vùng lưng, đặc biệt vùng thắt lưng (vị trí dễ bị trượt đốt sống nhất) săn chắc hơn, từ đó làm giảm tình trạng trượt đốt sống.
Cách thực hiện:
- Nằm thẳng, duỗi thẳng chân
- Kết hợp cơ bụng và lưng nhấc một chân lên khoảng 10cm
- Từ từ hạ chân xuống và đổi sang bên còn lại
- Thực hiện khoảng 10 lần mỗi chân
- Nên làm vào buổi sáng ngủ dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ
Bài tập dựa chân vào tường
Động tác này giúp kéo giãn phần thắt lưng, đồng thời siết chặt các cơ vùng đùi, giảm áp lực lên lưng, thư giãn cho lưng. Bạn hoàn toàn có thể thực hiện động tác này bất cứ khi nào nằm xuống.
Cách thực hiện:
- Nằm sát tường, có thể kê một chiếc gối nhỏ dưới lưng
- Đặt thẳng hai chân dựa vào tường sao cho lưng và chân vuông góc với nhau
- Bạn sẽ cảm thấy căng phần đùi sau và lưng. Giữ tư thế càng lâu càng tốt
Tập yoga cải thiện đau lưng do trượt đốt sống
Nếu bạn bị trượt đốt sống độ nhẹ có thể tập yoga để cải thiện các cơn đau và nắn chỉnh cột sống. Yoga giúp cơ thể dẻo dai hơn, giúp thư giãn các cơ, tăng cường máu lưu thông và giảm các bệnh lý về cột sống. Một số động tác yoga cải thiện cột sống như:
- Tư thế con mèo
- Tư thế rắn hổ mang
- Tư thế đứa trẻ
- Tư thế sát tường
- Tư thế gập lưng
- Tư thế cây cầu….
>>> Xem ngay: 12 bài tập yoga chữa đau thắt lưng hiệu quả!
7. Giảm đau cải thiện trượt đốt sống bằng chế độ ăn uống
Bên cạnh các phương pháp tập luyện và sử dụng thuốc điều trị, người bệnh cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để cung cấp dưỡng chất tốt nhất cho xương khớp, phục hồi những tổn thương tại đây.
Cụ thể, nên chú ý kết hợp các thực phẩm tốt cho sức khỏe và hạn chế thực phẩm gây hại xương khớp như:
- Tăng cường sữa và các sản phẩm từ sữa giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa lão hóa
- Bổ sung omega-3 trong các loại cá béo hoặc các loại hạt, rau mầm nhất là rau họ cải giúp giảm các phản ứng viêm trong cơ thể
- Cung cấp vitamin và chất xơ giàu chất chống oxy hóa, bảo vệ xương khớp khỏi những tác nhân có hại từ các loại rau xanh và hoa quả, đặc biệt rau màu xanh đậm và quả mọng
- Lựa chọn các loại ngũ cốc chưa tinh chế giàu vitamin D, tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa
- Hạn chế đồ ăn nhiều muối dẫn đến dư thừa sodium (cơ thể khi đào thải sodium sẽ đồng thời loại luôn canxi, ảnh hưởng đến việc tích trữ canxi)
- Tránh thực phẩm nhiều đường giải phóng cytokine – hoạt chất gây viêm, đau khớp
- Tránh ăn đồ dầu mỡ, đồ chiên xào, thịt đỏ dễ làm tăng tình trạng sưng viêm.
8. Phòng tránh trượt đốt sống lưng
Theo Ths. Nguyễn Minh Hoàng, trượt đốt sống thắt lưng có thể chữa khỏi nếu người bệnh phát hiện sớm và kịp thời, tuân thủ phác đồ điều trị cũng như kết hợp các bài tập chữa trượt đốt sống. Bên cạnh điều trị, cần phòng tránh các nguy cơ gây trượt, lệch đốt sống bằng cách:
- Ngồi đúng tư thế, thẳng lưng
- Mang vác nặng cần chuyển trọng lực về chân để giảm áp lực lên lưng gây lệch đốt sống
- Không nên nâng vật quá nặng quá sức của mình
- Tránh các môn thể thao hay các động tác đòi hỏi kỹ thuật quá khó nếu không chuyên
- Duy trì cân nặng hợp lý và phân chia thời gian nghỉ ngơi phù hợp
- Ăn uống lành mạnh, bổ sung các thực phẩm tốt cho xương khớp
- Thường xuyên tập thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe
Trên đây là một số thông tin về trượt đốt sống thắt lưng và cách khắc phục hiệu quả. Bạn nên chú ý tư thế của mình và điều chỉnh sinh hoạt hợp lý để có cột sống khỏe mạnh. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ qua hotline 0865344349 hoặc chat trực tiếp với chúng tôi tại đây.
XEM THÊM: