Trường Tiểu học Định Công: Khai thác và sử dụng kênh hình trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 5 – Công đoàn – Cổng thông tin điện tử Quận Hoàng Mai

ĐẶT VẤN ĐỀ

      I – LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI

      Trong hệ thống giáo dục Quốc dân, giáo dục Tiểu học có vị trí đặc biệt quan trọng, là tiền đề cơ bản, là cơ sở ban đầu hết sức quan trọng cho việc đào tạo con người. Bậc Tiểu học là bậc học đầu tiên và đựoc xác định là “Bậc học nền tảng của hệ thống giáo dục Quốc dân” (điều 2- Luật phổ cập giáo dục Tiểu học). Mặt khác, chúng ta đã biết: mục tiêu của nhà trường Tiểu học là “Giáo dục toàn diện cho trẻ em từ 6 đến 14 tuổi”. Đó là những hiểu biết cơ bản về: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khả năng giao tiếp và chăm sóc sức khoẻ ban đầu…

      Môn Lịch sử và Địa lí nói chung và phân môn Lịch sử nói riêng cũng đã góp phần trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh.        

      Sinh thời Bác Hồ đã từng dạy:

                                      “ Dân ta phải biết sử ta

                             Cho rành gốc tích nước nhà Việt Nam”     

     Giúp cho học sinh nắm được lịch sử Việt Nam cũng là mục tiêu của giáo dục nói chung và giáo dục Tiểu học nói riêng. Dư luận và báo chí đã từng lên tiếng với tình trạng HS không nắm được những kiến thức lịch sử cơ bản, có sự nhầm lẫn về các sự kiện và nhân vật lịch sử của nước nhà. Đó là điều làm cho mỗi giáo viên chúng ta trăn trở. Phải chăng, chúng ta chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình ? Hay học sinh chưa hứng thú với môn học này ? Và tại sao học sinh lại không thích học môn lịch sử ? Vậy làm thế nào để học sinh hứng thú với môn học vốn rất khó này, đó là câu hỏi đặt ra cho mỗi giáo viên chúng ta.

     Trong chương trình giáo dục Tiểu học, sách giáo khoa phân môn Lịch sử có rất nhiều tranh, ảnh, lược đồ minh hoạ. Tranh, ảnh, lược đồ, bản đồ (kênh hình) trong sách giáo khoa không chỉ có tác dụng minh hoạ, làm cho sự kiện lịch sử thêm sinh động, hấp dẫn, có hình ảnh cụ thể mà nó còn là nguồn kiến thức quan trọng, cung cấp thêm những thông tin bằng hình ảnh cho học sinh. Ở một ý nghĩa nào đó, tranh ảnh, lược đồ, sơ đồ…còn thay thế phần nào kênh chữ, làm cho bài viết trong sách giáo khoa ngắn gọn, bớt nặng nề.

     1- Đối với HS

Trước hết, tranh ảnh, lược đồ, bản đồ… giúp học sinh có hình ảnh rõ ràng, cụ thể, chính xác về các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử (hay bức tranh xã hội đã qua)

Góp phần tạo biểu tượng lịch sử cho học sinh

Khắc phục tình trạng hiện đại hoá lịch sử

Giúp học sinh ghi nhớ một cách lâu bền và vững chắc những hình ảnh lịch sử

Phát triển năng lực quan sát, trí tưởng tượng, khả năng phân tích, tổng hợp các sự kiện, hiện tượng.

Rèn các kĩ năng, kĩ xảo cần thiết (kĩ năng trình bày diễn biến trên lược đồ, kĩ năng kể chuyện bằng hình ảnh…)

Gây hứng thú và tạo cảm xúc lịch sử

=> Tóm lại, kênh hình trong sách giáo khoa là một nguồn kiến thức quan trọng, không chỉ giúp học sinh lĩnh hội kiến thức và rèn luyện các kĩ năng bộ môn mà còn tạo hứng thú trong học tập cho các em.

      2- Đối với giáo viên:

Tranh ảnh, lược đồ đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc giảng dạy lịch sử:

Là phương tiện để giáo viên tổ chức các hoạt động nhận thức lịch sử cho học sinh

Giúp giáo viên trình bày bài giảng một cách thuận lợi, có hình ảnh, rõ nét và sinh động.

Tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Khắc phục tình trạng “dạy chay” kéo dài từ nhiều năm nay.

Nhưng khai thác những tranh, ảnh, lược đồ này sao cho hiệu quả và thu hút được sự chú ý của học sinh không phải là việc dễ dàng. Nhiều giáo viên vẫn còn lúng túng khi khai thác, sử dụng kênh hình trong sách giáo khoa.

Xuất phát từ lí do trên, những năm học gần đây, tôi đã mạnh dạn nghiên cứu đề tài: “Khai thác và sử dụng kênh hình trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 5” nhằm giúp học sinh hứng thú, yêu thích môn lịch sử. Đặc biệt, năm học 2011-2012, phần I của đề tài, sáng kiến kinh nghiệm của tôi đã được Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội xếp loại B. Năm học 2015-2016, phần II của đề tài, được Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội xếp loại C. Năm học 2016-2017, phần III của đề tài được Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội xếp loại B,  điều đó cũng giúp tôi có thêm tự tin để tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu.

      II- MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU

     Thông qua việc khai thác và sử dụng kênh hình trong sách giáo khoa, truyền thụ tốt những kiến thức lịch sử cho học sinh, giúp học sinh lĩnh hội kiến thức lịch sử một cách chủ động, tích cực, sáng tạo, đồng thời cải tiến dạy học lịch sử theo phương pháp mới.

      III- ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

      Kênh hình trong Sách giáo khoa phân môn Lịch sử lớp 5

     IV- ĐỐI TƯỢNG KHẢO SÁT THỰC NGHIỆM

     Tôi đã tiến hành khảo sát 53 học sinh lớp 5A1- Trường Tiểu học Định Công

     V- PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Trong khi nghiên cứu đề tài này, tôi đã sử dụng một số phương pháp sau:

Đọc, phân tích các tài liệu: sách giáo khoa, sách giáo viên, một số sách tham khảo về lịch sử, báo, tạp chí,…

Khảo sát thực tế dạy học qua phân môn Lịch sử

Dạy thực nghiệm

Kiểm tra đánh giá

     VI- PHẠM VI VÀ KẾ HOẠCH NGHIÊN CỨU

     Tôi tập trung nghiên cứu kĩ các tranh, ảnh, lược đồ, bản đồ trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 5 của 4 bài lịch sử: Xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, Vượt qua tình thế hiểm nghèo, Sấm sét đêm giao thừa, Lễ kí Hiệp định Pa-ri, từ đó tìm ra cách khai thác và sử dụng sao cho hiệu quả.

 GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

     I- CƠ  SỞ LÍ LUẬN

     Đặc trưng nổi bật của việc nhận thức lịch sử là học sinh không thể tri giác trực tiếp được những sự kiện lịch sử đã xảy ra trong quá khứ, cũng không thể dựng lại lịch sử trong phòng thí nghiệm. Lịch sử là những gì đã xảy ra trong quá khứ, là hiện thực trong quá khứ tồn tại khách quan nên không thể phán đoán, suy luận để biết về lịch sử. Vì vậy nhiệm vụ quan trọng của người giáo viên trong dạy học lịch sử là phải tái tạo lại những gì đã diễn ra trong quá khứ một cách chính xác nhưng không kém phần hấp dẫn và sinh động. Trong phương pháp dạy học lịch sử, nội dung của một sự kiện lịch sử được học sinh nhận thức thông qua việc tạo nên hình ảnh của quá khứ bằng những hoạt động của tri giác và cảm giác. Vì vậy khi giảng dạy lịch sử, người giáo viên chủ yếu sử dụng lời nói để tái tạo lại các sự kiện, hiện tượng lịch sử nên giờ học thường trở nên nhàm chán và khô cứng. Hiện nay, sách giáo khoa đã rất chú trọng đến kênh hình, số lượng kênh hình tăng lên đáng kể so với trước, hơn nữa kênh hình trong sách giáo khoa hiện hành không chỉ giới hạn ở việc minh hoạ cho nội dung bài học mà nó thường chứa đựng những kiến thức lịch sử quan trọng đòi hỏi học sinh phải nắm được thông qua “làm việc” với kênh hình. Vì vậy, khi giảng dạy lịch sử đòi hỏi người giáo viên không chỉ sử dụng lời nói mà còn sử dụng những hình ảnh trực quan của quá khứ để tái tạo lại lịch sử nên giờ học trở nên sinh động và hấp dẫn hơn đối với học sinh.

     II- THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

      1. Về phía giáo viên:

          + Giáo viên trong giảng dạy mới chỉ chú ý đến kênh chữ của sách giáo khoa và coi đây là nguồn cung cấp kiến thức lịch sử duy nhất trong dạy – học lịch sử mà không thấy rằng kênh hình không chỉ là nguồn kiến thức quan trọng cung cấp một lượng thông tin đáng kể, mà còn là phương tiện trực quan có giá trị giúp bài học lịch sử trở nên sinh động hấp, dẫn hơn, gây hứng thú học tập hơn cho học sinh.

          + Không ít giáo viên chưa hiểu rõ xuất xứ, nội dung, ý nghĩa của kênh hình trong sách giáo khoa. Trong các đợt bồi dưỡng thay sách, giáo viên hầu như chỉ được giải thích về cấu tạo chương trình, những điểm mới về nội dung sách giáo khoa mà chưa được chú trọng bồi dưỡng về việc khai thác sử dụng kênh hình, mặc dù số lượng kênh hình trong sách giáo khoa hiện hành tăng lên đáng kể so với trước.

          + Nhiều giáo viên nhận thức đầy đủ giá trị, nội dung của kênh hình nhưng lại ngại sử dụng và sợ mất thời gian hoặc nếu có sử dụng phần nhiều vẫn mang tính hình thức minh hoạ cho bài giảng.

          + Có giáo viên lại sưu tầm nhiều hình ảnh sinh động, có nội dung liên quan đến kênh hình trong sách giáo khoa, nhưng chỉ mang tính giới thiệu, chứ chưa mang tính chất khai thác để nâng cao chất lượng dạy học.

     2. Về phía HS:

          + Một số học sinh chưa yêu thích môn lịch sử vì nó khô khan và khó nhớ

          + Một số học sinh thích học lịch sử những chưa biết cách tìm hiểu thông tin thông qua kênh hình trong sách giáo khoa.

      3. Về nội dung kiến thức lịch sử cần truyền thụ cho học sinh

          Nội dung phần lịch sử lớp 5 bao gồm các chủ đề: một số sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử tiêu biểu của lịch sử Việt Nam từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta 1858 đến nay.

          Nội dung đó được thực hiện trong 35 tiết học gồm: 26 tiết cung cấp kiến thức mới, 3 tiết ôn tập, 4 tiết ôn tập và kiểm tra cuối kì, 2 tiết dành cho giáo dục lịch sử địa phương

     III-  MÔ TẢ, PHÂN TÍCH CÁC GIẢI PHÁP

     1. Kĩ năng khai thác kênh hình:

     1.1. Nắm được phương pháp cơ bản khai thác các loại kênh hình

          Về cơ bản, hệ thống kênh hình trong sách giáo khoa lịch sử hiện nay, gồm có hai loại chính sau:

          Loại 1: Lược đồ, biểu đồ.

Loại 2 : Hình ảnh lịch sử.

Trong loại hình ảnh lịch sử lại có hai nhóm chính:

+ Nhóm1: Hình ảnh minh họa tình hình quân sự, kinh tế, văn hoá, chính trị, khoa học kĩ thuật…

+ Nhóm 2: Hình ảnh về nhân vật lịch sử.

 Do mỗi loại kênh hình thể hiện một nội dung khác nhau, nên phương pháp khai thác cũng khác nhau và phải phù hợp, cụ thể là:

– Loại lược đồ, biểu đồ: Khai thác từng bước những vấn đề lịch sử đặt ra để đi đến hoàn thiện.

– Nhóm hình ảnh minh hoạ: Khai những chi tiết của hình ảnh để đi đến đến hoàn thiện.

– Nhóm hình ảnh nhân vật lịch sử : Tìm hiểu hoạt động của nhân vật lịch sử để đi đến hoàn thiện.

     1.2. Phải nắm được kiến thức cơ bản của kênh hình

     Việc nắm được kiến thức cơ bản của kênh hình đóng một vai trò rất quan trọng, giúp giáo viên chủ động, linh hoạt trong quá trình tổ chức khai thác kênh hình trên lớp.  

      Để nắm được kiến thức cơ bản của kênh hình, bên cạnh những tài liệu như các loại sách tham khảo, sách giáo khoa, sách giáo viên, sách chuẩn kiến thức kỹ năng thì Internet đang trở thành công cụ đắc lực và được phổ biến trong việc khai thác thông tin, tìm tài liệu hiệu quả nhất. Hầu hết cách kênh hình và những thông tin liên quan đều đã có trên một số trang Web của Internet, nên việc tìm thông tin trên Internet, có nhiều lợi ích, như:

     – Hình ảnh màu sắc nét và sinh động hơn hình ảnh trong sách giáo khoa.

     – Thông tin phong phú và có những đánh giá về vấn đề lịch sử mang tính hiện đại, phù hợp với quan điểm hiện nay hơn.

     – Tiết kiệm được thời gian tìm kiếm thông tin…

     1.3. Xác định mục đích cần hướng đến khi  khai thác kênh hình.

     Việc xác định mục đích cần hướng đến khi khai thác kênh hình, là nhằm tránh sự chệch hướng trong quá trình khai thác và để đạt hiệu quả cao nhất sau khi khai thác.

     1.4. Thiết kế câu hỏi hợp lí, trọng tâm.

     Câu hỏi hợp lí, trọng tâm có ý nghĩa rất quan trọng, nó không những phát huy được tính tích cực, phát triển khả năng tư duy của học sinh mà còn giúp học sinh hiểu sâu, nhớ kĩ những kiến thức được tìm hiểu…  

     2. Các yêu cầu và nguyên tắc khi sử dụng và khai thác kênh hình

     2.1. Yêu cầu

     2.1.1- Những yêu cầu chung:

– Để sử dụng một cách có hiệu quả các tranh, ảnh, lược đồ trong sách giáo khoa, mỗi giáo viên cần nắm vững một số yêu cầu sau:

Phải nắm chắc và hiểu rõ nội dung bức tranh/ảnh/lược đồ trong sách giáo khoa (Nói về cái gì ?, về ai ?, thể hiện điều gì ?…) không nắm được nội dung, giáo viên không thể khai thác và sử dụng tốt.

Sử dụng phải đúng mục đích, đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm

Phải có phương pháp thích hợp khi sử dụng mỗi loại…

Phải chú ý đến trình độ học sinh, tâm sinh lí lứa tuổi…

Phát huy tính tích cực của học sinh khi sử dụng tranh/ảnh/lược đồ.

Đảm bảo việc kết hợp giữa lời nói với việc sử dụng các tranh/ảnh/lược đồ để HS hiểu sâu sắc nội dung lịch sử, đồng thời rèn luyện khả năng trình bày cho HS.

Sử dụng ở mức độ vừa phải, không nên lạm dụng quá mức để làm mất thì

giờ hoặc phân tán sự chú ý của học sinh

     2.1.2- Những yêu cầu cụ thể về phương pháp

     1- Đối với các tranh, ảnh lịch sử:

Trước hết phải yêu cầu học sinh quan sát bức tranh/ảnh đó.

Sau đó giáo viên đặt nhiệm vụ nhận thức cho học sinh thông qua các câu hỏi gợi mở:

Tên gọi bức tranh/ ảnh đó là gì ?

Bức tranh/ảnh thể hiện điều gì ?, nói về cái gì hoặc về ai ?

 Những nội dung gì đã được miêu tả trong bức tranh/ ảnh đó ?

Qua bức tranh/ ảnh đó, em rút ra nhận xét gì ?

Cảm nghĩ của em khi quan sát bức tranh/ảnh đó …

Cuối cùng, giáo viên mô tả và phân tích nội dung bức tranh/ ảnh đó để các em hiểu một cách đầy đủ hơn.

     2- Đối với ảnh chân dung các nhân vật lịch sử:

– Phải hướng dẫn học sinh mô tả nhân vật đó trong bức ảnh như thế nào ?

(Trang phục, dáng vẻ hình thức bên ngoài, nét mặt…); có những đức tính, phẩm chất gì nổi bật ?; cảm nhận chung về nhân vật (yêu mến, kính phục…)

     3- Đối với lược đồ, bản đồ:

Giáo viên có thể phóng to bản đồ / lược đồ để treo tường (hoặc đưa vào các Slide của giáo án điện tử)

Khi sử dụng cần chú ý những điểm sau:

Cần chọn đúng thời điểm đưa bản đồ / lược đồ (không đưa trước hoặc trình bày xong mới đưa)

Không nên để ở giữa bảng đen, vì bảng còn để viết, phải để ở chỗ cao, góc bảng bên phải-nơi có đủ ánh sáng cho tất cả học sinh nhìn rõ.

Giáo viên phải đứng ở bên phải bản đồ / lược đồ, dùng que chỉ các địa điểm cho thật chính xác

Trước khi sử dụng bản đồ/lược đồ để trình bày nội dung bài giảng, giáo viên phải cho học sinh quan sát, nắm vững các kí hiệu quy ước trên bản đồ / lược đồ; hiểu nội dung lịch sử được diễn đạt qua kí hiệu trên lược đồ / bản đồ

Sau đó, giáo viên vừa chỉ vừa mô tả hoặc tường thuật diễn biến trận đánh/ cuộc khởi nghĩa…(có thể cho HS trình bày rồi giáo viên chốt lại)

      2.2. Nguyên tắc

Giáo viên đứng lớp cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, cẩn thận, nghiên cứu kĩ trước nội dung các kênh hình trước khi lên lớp. Chuẩn bị lời nói ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu để gây hứng thú cho học sinh.

Ngoài ra các giờ sử dụng kênh hình trong dạy học giáo viên chủ yếu đóng vai trò hướng dẫn, chỉ đạo, còn học sinh phải tự quan sát nghiên cứu để rút ra kiến thức. Giáo viên phải khắc phục khó khăn sưu tầm các tài liệu có liên quan đến kênh hình, trao đổi trong tổ chuyên môn để có cách sử dụng kênh hình trong sách giáo khoa một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, học sinh phải tự giác tìm hiểu kênh hình dưới sự hướng dẫn gợi mở của giáo viên, tiếp nhận kiến thức một cách chủ động.

Để nâng cao hiệu qủa sử dụng kênh hình cần đảm bảo các nguyên tắc sau:

     2.2.1. Sử dụng đúng mục đích

     Trong quá trình dạy học giáo viên phải đề ra được đúng mục đích dạy học, tiến trình các hoạt động lên lớp. Hoạt động của giáo viên cũng như việc sử dụng kênh hình trong sách giáo khoa quy định mục đích học tập của học sinh. Mục đích của mỗi bài chính là học sinh lĩnh hội được tri thức, hình thành và phát triển kỹ năng, nhân cách. Mỗi một loại kênh hình trong sách giáo khoa có một chức năng riêng nên chúng phải được nghiên cứu cụ thể để sử dụng đúng mục đích, phù hợp với yêu cầu bài học.

VD: Kênh hình được trình bày để minh họa cho bài giảng thì việc sử dụng chúng cũng chỉ dừng lại ở việc minh họa cho bài giảng nhằm làm cho nội dung bài giảng sinh động, phong phú, hấp dẫn hơn. Giáo viên không sử dụng chúng trong việc củng cố hay trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Với những kênh hình là nguồn cung cấp thông tin kiến thức thì giáo viên phải gợi mở, yêu cầu học sinh thông qua làm việc với kênh hình để tìm ra kiến thức và lĩnh hội tri thức đó.

     2.2.2. Sử dụng đúng lúc

     Kênh hình cần được đưa ra khi học sinh cần được minh họa, cần tìm hiểu nhất về nội dung bài học, tránh đưa ra đồng loạt phân tán sự chú ý của học sinh.

     2.2.3. Sử dụng đúng mức độ, cường độ

     Tùy vào từng nội dung, mục đích sử dụng mà giáo viên đưa ra những yêu cầu khác nhau đối với học sinh. Trong giờ giảng bài mới nếu điều kiện thời gian không cho phép thì giáo viên chỉ tập trung giới thiệu, thuyết minh một số hình vẽ, sơ đồ, lược đồ, tranh ảnh điển hình nhất (nếu bài nhiều tranh ảnh). Với những hình ảnh khác giáo viên chỉ dừng lại ở việc cho học sinh quan sát sơ lược để học sinh nắm được những biểu tượng ban đầu. Hoặc với những kênh hình để minh họa cho bài giảng giáo viên không nên cho học sinh đứng lên thuyết trình về kênh hình đó vì điều đó vượt quá sức của học sinh, giáo viên có thể giao cho học sinh tìm hiểu thêm ở nhà. Hơn nữa cần phải bố trí thời gian ở những kênh hình một cách hợp lí mà không bỏ qua phần cơ bản là kênh chữ.

     2.2.4. Kết hợp sử dụng kênh hình sách giáo khoa với các đồ dùng khác

     Cụ thể như bản đồ, sơ đồ, tranh ảnh phóng to, các tài liệu thành văn có liên quan. Với những kênh hình khó quan sát, mờ hoặc chưa cụ thể, giáo viên có thể phóng to, sưu tầm ảnh màu trên Internet hoặc cụ thể hóa để các em dễ nhận biết và tiếp thu hơn.

      2.2.5. Nội dung thuyết minh kênh hình phải sinh động, hấp dẫn,

     Giáo viên phải kết hợp sử dụng kênh hình với những lời nói truyền cảm thì mới có sức thuyết phục cao đối với học sinh.

      3. Ứng dụng cụ thể:                                                                

BÀI 4: XÃ HỘI VIỆT NAM CUỐI THẾ KỈ XIX – ĐẦU THẾ KỈ XX

          – Bức ảnh này được sử dụng khi nói về sự phát triển của hệ thống giao thông vận tải, trong đó có đường xe lửa.

          – Giáo viên có thể dẫn dắt như sau: Để phục vụ chính sách khai thác kinh tế, thực dân Pháp rất chú chú ý phát triển hệ thống giao thông vận tải.

     Bên cạnh đường bộ, đường ô tô, đường biển, Pháp đã xây dựng đường xe lửa. Từ đó các nhà ga đã xuất hiện. Bức ảnh trong SGK là ảnh chụp ga Hà Nội năm 1900.

           Các em hãy quan sát bức ảnh và cho biết:

          + Nhà ga được xây dựng thế nào ? Trong đó có những gì ?

          + Quang cảnh trên sân ga ra sao ?

          + Mọi người đang làm gì trên sân ga ?

          +Việc xây dựng ga đã thể hiện điều gì ?    

         – Sau khi học sinh trả lời, giáo viên mô tả như sau:

          Ga Hà Nội thời bấy giờ được xây dựng khá quy mô và đẹp, gồm 2 tầng theo kiểu kiến trúc Pháp. Ga rộng 216 000 m2, trong đó có nhà làm việc của cán bộ nhân viên, nhà ga, phòng bán vé, nơi để hàng hoá, phòng chờ cho khách, sân cho tàu đỗ và các đường sắt dọc ngang. Trước đây ga Hà Nội còn gọi là ga Hàng Cỏ, vì nơi đây người dân ngoại thành vẫn thường gánh cỏ đến để bán cho dân trong thành làm thức ăn cho bò và ngựa nên ga mới mang tên như thế.

          Phía trước mặt ga (sân ga) là đường Lê Duẩn ngày nay. Mọi người đang đi lại, chủ yếu đi bộ và đi xe tay, không đông đúc và tấp nập như ga Hà Nội bây giờ.

          Ga Hà Nội ra đời đã đánh dấu sự phát triển của giao thông nói chung, đường xe lửa nói riêng. Đây là một trong những biểu hiện mới của nền kinh tế nước ta đầu thế kỉ XX

– Bức ảnh này được sử dụng khi nói về: Thành thị phát triển, buôn bán mở mang…

– Nói đến đây, giáo viên dừng lại, cho học sinh quan sát bức ảnh, rồi nêu nhận xét về cảnh phố Tràng Tiền (nhà cửa, cảnh buôn bán, đi lại trên phố…)

– Cuối cùng giáo viên mô tả như sau:

          Tràng Tiền là phố cổ của Hà Nội, thời Nguyễn có xưởng đúc tiền ở đó, nên gọi là phố Tràng Tiền.

          Bức ảnh trên cho thấy phố Tràng Tiền từ những năm đầu thế kỉ XX đã có các nhà xây hai tầng để làm các cửa hiệu buôn bán. Hai bên hè phố có các xe kéo tay dùng để chở hàng và chở người. Tuy quang cảnh phố Tràng Tiền không đông vui, tấp nập như ngày nay, song nó đã thể hiện sự phát triển của thành thị nước ta thời bấy giờ.

– Bức ảnh này có thể sử dụng sau khi kết thúc bài học.

– Giáo viên dẫn dắt như sau: Bên cạnh những tầng lớp mới xuất hiện trong xã hội nước ta, nông dân vẫn là tầng lớp đông đảo và nghèo khổ nhất trong xã hội. Trong thời kì Pháp thuộc, nông dân lại càng bị bóc lột nặng nề hơn. Đời sống vô cùng lầm than, cơ cực. Bức ảnh trong SGK đã cho các em thấy rõ điều đó.

+ Nhìn vào bức ảnh, em thấy họ đang làm gì ?

+Hình ảnh đó cho em cảm nhận gì về cuộc sống của họ ?

– Cuối cùng, giáo viên mô tả và chốt lại:

     Trong ảnh là 3 người nông dân gầy guộc, quần áo rách rưới, có người cởi trần, đầu đội nón rách, đang còng lưng kéo cày thay trâu trên mảnh ruộng của địa chủ.

     Họ lao động vất vả như vậy nhưng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Những ngày giáp hạt, họ còn phải nhịn đói hoặc ăn củ mài, củ chuối thay cơm. Hình ảnh này đã cho ta thấy cuộc sống của người nông dân thời Pháp thuộc vô cùng cực khổ…

BÀI 12: VƯỢT QUA TÌNH THẾ HIỂM NGHÈO

          – Chỉ hơn 20 ngày sau khi cách mạng tháng Tám thành công, thực dân Pháp đã trở lại xâm chiếm nước ta, vì chúng muốn cướp nước ta một lần nữa. Ngay từ khi Pháp trở lại xâm lược, quân và dân Nam Bộ đã anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.

          Bức ảnh này mô tả cảnh nhân dân ở một vùng quê Nam Bộ đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ, với vũ khí gậy gộc, giáo mác trong tay kiên quyết đứng lên chống Pháp.

          – Sau khi giới thiệu khái quát nhiệm vụ của cách mạng nước ta sau 1945 (phần chữ nhỏ ở đầu bài học trong SGK), giáo viên cho học sinh quan sát bức ảnh và hướng dẫn các em tìm hiểu:

          + Em thấy những gì trong bức ảnh ? (nhân dân đứng lên kháng chiến rất đông đảo, mang theo cờ, biểu ngữ, giáo mác, gậy gộc,…)

          + Bức ảnh đã cho em thấy tinh thần và khí thế đấu tranh của nhân dân Nam Bộ như thế nào ? (hăng hái, kiên quyết, mạnh mẽ,…)

          – Cuối cùng, giáo viên kết luận:

          Bức ảnh đã cho chúng ta thấy tinh thần và quyết tâm kháng chiến của nhân dân Nam Bộ ngay sau khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta.

          – Do chính sách vơ vét, bóc lột của Pháp-Nhật và do lũ lụt, hạn hán nên đã dẫn đến nạn đói khủng khiếp và cuối năm 1944 đầu năm 1945 (hơn 2 triệu người bị chết đói). Tình hình đó đặt ra nhiệm vụ cấp bách là phải cứu đói cho dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều biện pháp và sáng kiến để cứu đói: lập hũ gạo cứu đói, kêu gọi nhân dân nhường cơm xẻ áo, tổ chức ngày đồng tâm,…

          – Bức ảnh trong SGK là cảnh nhân dân đang góp gạo để chống giặc đói

          – Khi trình bày đến các biện pháp cứu đói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo viên sử dụng bức ảnh này và nêu câu hỏi để học sinh tìm hiểu:

          + Bức ảnh đã cho em thấy những hình ảnh gì ? (rất nhiều người dân đang góp gạo, có người ghi chép, theo dõi…)

          + Mọi người góp gạo để làm gì ? (cứu đói cho dân nghèo, cùng nhau chống giặc đói)

          + Em có nhận xét gì về tình cảm, tinh thần của nhân dân ta ? (rất đoàn kết, nhân ái, thương yêu, đùm bọc lấy nhau…)

          + Điều đó thể hiện truyền thống gì của nhân dân ta ? (lá lành đùm lá rách)

          + Nếu các em ở trong hoàn cảnh đó có hành động như vậy không ?..

          – Cuối cùng giáo viên chốt lại:

          Bức ảnh làm cho chúng ta thật xúc động trước tấm lòng nhường cơm xẻ áo của nhân dân ta. Điều đó đã thể hiện truyền thống nhân ái, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn, thiếu thốn. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, nạn đói đã được đẩy lùi.                            

          – Do chính sách “ làm cho dân ngu để trị” của thực dân Pháp, nên sau cách mạng tháng Tám, hơn 90% đồng bào ta mù chữ. Để diệt giặc dốt, xoá nạn mù chữ cho nhân dân, Đảng và Chính phủ đã lập cơ quan Bình dân học vụ, mở các lớp học và kêu gọi nhân dân tích cực học tập.

          – Bức ảnh trong SGK là hình ảnh của một lớp Bình dân học vụ.

          – Khi trình bày đến: Phong trào xoá nạn mù chữ được phát động khắp nơi…, giáo viên sử dụng bức ảnh này để minh hoạ cho học sinh, đồng thời hướng dẫn các em tìm hiểu:

          + Nhìn vào trong ảnh, em thấy lớp học được tổ chức ra sao ?(được tổ chức rất đơn sơ)

          + Lớp học tổ chức vào ban đêm hay ban ngày ? (lớp học được tổ chức vào ban đêm)

          + Những ai ngồi trong lớp học ? (đủ các lứa tuổi, không phân biệt già, trẻ, gái, trai)

          + Qua gương mặt,cử chỉ, em thấy tinh thần, thái độ học tập của nhân dân ra sao? (ai cũng hăng hái, say sưa học tập)

          – Cuối cùng, giáo viên mô tả như sau :

          Nhìn vào bức ảnh, ta thấy đây là một lớp Bình dân học vụ được tổ chức rất đơn sơ (thường được tổ chức ở nhà dân, hoặc mái đình làng,…), trong những điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Lớp học được tổ chức vào ban đêm, dưới ánh đèn dầu le lói. Trong lớp có đủ các lứa tuổi, không phân biệt trẻ, già, trai, gái, giàu, nghèo. Học để đẩy lùi bóng đêm ngu dốt, học để kháng chiến và kiến thiết đất nước nên ai ai cũng hăng hái, say sưa học tập. Điều này còn thể hiện truyền thống hiếu học của nhân dân    

Nếu có thời gian, giáo viên đọc cho học sinh nghe đoạn thơ sau:                         

                             Ta nghèo không mực thì son

                   Bút tre, phấn gạch bà con tạm dùng.

                             Nghiêng đầu trên tấm bảng chung,

                   Phơ phơ tóc bạc bạn cùng tóc xanh.

                             Này em, này chị, này anh,

                   Thi đua mà học rách lành sao đâu.

                             I, tờ mớm chữ cho nhau,

BÀI 23 – SẤM SÉT ĐÊM GIAO THỪA.

    – Tết Mậu Thân năm 1968 đã diễn ra cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam. Sài Gòn là trọng điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Quân ta đồng loạt đánh vào các cơ quan đầu não của địch: toà Đại sứ Mĩ, Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn,  Đài phát thanh…

– Bức ảnh trong SGK đã ghi lại hình ảnh của các chiến sĩ giải phóng đang lao vào tiêu diệt Sứ quán Mĩ.

          – Khi tường thuật trận đánh vào sứ quán Mĩ, giáo viên sử dụng bức ảnh này, kết hợp với đoạn viết trong SGK, yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi:

          + Quân ta đánh vào Sứ quán Mĩ trong thời điểm nào ? (thời khắc giao thừa)

          + Em thấy Sứ quán Mĩ lúc đó thế nào ? (bốc cháy bởi bom mìn)

          + Các chiến sĩ đặc công của ta đã làm gì khi tiếng nổ rung trời làm sập mảng tường bảo vệ ? (bắn chết tên lính gác, lao vào chiếm giữ tầng dưới sứ quán…)

          + Địch đã chống trả như thế nào ? Và đã làm gì để phản kích ? (chống trả quyết liệt, dùng máy bay lên thẳng chở thêm lính Mĩ đổ xuống nóc Sứ quán)

          + Kết quả ra sao ? (Sứ quán bị tê lịêt).

BÀI 25- LỄ KÍ HIỆP ĐỊNH PA-RI

          – Bức ảnh này được sử dụng khi trình bày về Quang cảnh buổi lễ kí Hiệp định.

          – Giáo viên cho học sinh quan sát bức ảnh và gợi ý để học sinh tìm hiểu:

          + Lễ kí Hiệp định diễn ra ở đâu ? Trong một phòng được trang trí thế nào ? (ở toà nhà Trung tâm Hội nghị quốc tế trên đường Clê-be (thủ đô Pa-ri); phòng họp được trang trí rất lộng lẫy và trang trọng, những chùm đèn pha lê rực sáng, dưới sàn trải thảm nhung; đội cảnh vệ quốc gia Pháp đội mũ đồng bóng loáng, gươm tuốt trần đứng nghiêm)

          + Ngồi xung quanh chiếc bàn tròn là những ai ? (đại diện các nước tham gia Hội nghị )

          + Buổi lễ còn có sự chứng kiến của ai ? (các nhà ngoại giao và phóng viên quốc tế )

          + Những ai đại diện cho phía cách mạng Việt Nam kí vào văn bản Hiệp định ? (Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh và Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình)

          – Cuối cùng , giáo viên mô tả ngắn gọn:

          Bức ảnh trên là toàn cảnh buổi lễ kí hiệp định Pa-ri. Tại phòng họp lớn của toà nhà Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Pa-ri, dưới ánh sáng của những chùm đèn pha lê rực rỡ và trước sự chứng kiến của các nhà ngoại giao và nhà báo quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh và Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình- đại diện cho phía cách mạng Việt Nam đã kí vào văn bản Hiệp định. Lúc ấy là 11 giờ ngày 27-1-1973. Đây là một trong những giờ phút lịch sử thiêng liêng của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta và cũng là kết quả của cuộc đấu tranh trên bàn ngoại giao kéo dài suốt gần 5 năm trời.

          – Nếu có điều kiện và thời gian, giáo viên kể thêm cho học sinh nghe câu chuyện dưới đây:

          Những ngày cuối tháng 1 năm 1973, thủ đô Pa-ri và cả thế giới đã chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại của nhân dân Việt Nam: lễ kí Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã kết thúc thắng lợi.

          Ngồi trong bàn tròn ấy, giữa đại biểu các nước, có một phụ nữ mảnh dẻ trong tà áo dài xanh- đó là Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Thị Bình.

          Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình là cháu ngoại của nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Cụ Phan mất khi bà mới được một tuổi nên không có cơ may biết mặt ông ngoại mình. Bà sinh ra ở Sa Đéc, lúc nhỏ có tên là Nguyễn Thị Châu Sa. Khi vào học năm thứ nhất ở trường Luật Sài Gòn, bà vừa phải đi dạy học kiếm sống vừa tham gia hoạt động phong trào sinh viên

          Với vóc dáng mảnh dẻ, nét mặt rạng ngời, dễ thương, xinh đẹp và với một trí tuệ thông minh, sắc xảo, suốt từ năm 1962 đến 1968, bà đã tham gia nhiều hội nghị quốc tế với tư cách là đại diện cho Mặt trận dân tộc giải phóng…

          Cuối năm 1968, với một tên gọi mới: Nguyễn Thị Bình (mang ý nghĩa hoà bình), bà cùng 5 đồng chí nữa lên đường sang Pa-ri tiến hành cuộc đàm phán với Mĩ về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

          Trong suốt 5 năm trời đằng đẵng, với lập trường vững vàng, chính nghĩa và bằng lập luận đanh thép đầy sức thuyết phục, bà cùng các đồng chí trong đoàn ngoại giao đã buộc Mĩ phải kí kết thừa nhận mọi điều khoản của ta và chấp nhận rút quân về nước. Hôm đó là ngày 27 tháng 1 năm 1973.

          Thời gian đã trôi qua, nhưng hình ảnh của người phụ nữ trong tà áo dài xanh ở bàn tròn cuộc đàm phán đã trở thành một huyền thoại trong lịch sử ngoại giao của dân tộc Việt Nam

      Trên đây là một số ví dụ cụ thể về việc khai thác và sử dụng kênh hình như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất. Trong khuôn khổ giới hạn của một đề tài, tôi chỉ đưa ra một vài ví dụ minh họa cho phần phân tích ở trên. Nhưng nếu giáo viên nắm chắc các kĩ năng và các nguyên tắc như đã nêu trong đề tài và chịu khó tìm hiểu các tư liệu lịch sử thì chắc chắn khi gặp bất kì một kênh hình nào về Lịch sử thì đều có thể phân tích tốt để làm rõ thêm nội dung của bài học.

     4. Điều kiện thực hiện giải pháp.

Mỗi bài lịch sử có thể có hoặc không có kênh hình trong sách giáo khoa, nhưng rõ ràng là mỗi kênh hình đều chứa đựng rất nhiều nội dung sâu sắc mà qua việc phân tích kênh hình đó thì nội dung của bài học đã được làm rõ nhiều vấn đề, như vậy là không thể phủ nhận vài trò của kênh hình trong sách giáo khoa lịch sử. Vì vậy với những bài học không có kênh hình trong sách thì giáo viên nên chủ động tìm kiếm những hình ảnh, lược đồ có liên quan đến nội dung bài học để phân tích và minh họa làm cho tiết học Lịch sử thêm sinh động, hấp dẫn. Những kênh hình nhỏ tuy đơn giản nhưng ý nghĩa lại vô cùng lớn. Song cái lớn nhất mà người giáo viên đạt được đó là lôi cuốn học sinh học môn Lịch sử, tránh nhàm chán, tránh tâm lý nặng nề, làm cho học sinh yêu thích môn học Lịch sử hơn.

Nhưng muốn đạt được điều đó, người giáo viên phải lập kế hoạch dạy học một cách chu đáo, làm sao vừa đạt được nội dung kiến thức bài học, vừa lồng ghép được những câu chuyện bằng hình ảnh. Hơn nữa người giáo viên phải rèn luyện kỹ năng khai thác kênh hình một cách hấp dẫn, đây là năng lực sư phạm cần thiết của người giáo viên.

Ngoài ra, để tạo hứng thú và lôi cuốn học sinh, giáo viên cần phải nhiệt huyết trong quá trình giảng dạy, sưu tầm bổ sung tư liệu phục vụ cho việc dạy, tiếp tục học hỏi kinh nghiệm và tìm cách truyền đạt để có được sự vững chắc trong kiến thức, sự lôi cuốn trong phong cách nhằm thu hút học sinh. Ngoài ra, hình thành cho học sinh tính độc lập, sáng tạo và năng động để tiếp thu và lĩnh hội kiến thức trong quá trình học.

     IV. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Sau mỗi tiết dạy có sử dụng kênh hình, tôi lại rút ra được kinh nghiệm cho bản thân để những tiết học sau tôi sẽ phân tích hay hơn, hấp dẫn hơn, nội dung bài học càng được in đậm hơn. Và tất nhiên, việc khai thác nội dung kênh hình không phải bao giờ cũng thực hiện một chiều, tức là chỉ có giáo viên trình bày cho học sinh nghe mà người giáo viên phải biết khơi gợi để học sinh tự phát hiện thông tin, tự trình bày theo ý hiểu của mình. Qua đó còn rèn luyện được tính mạnh dạn, tự tin và khả năng thuyết trình trước tập thể trong mọi hoạt động của học sinh.

Kết quả điều tra cho thấy: đa số học sinh đều thích được tìm hiểu khám phá các kênh hình, nhưng chỉ có một số em là trình bày được một cách rành rọt, lưu loát, một số em thì có thể hiểu nội dung nhưng không đủ tự tin để xung phong trình bày, số còn lại thì không hiểu gì hoặc không nắm được nội dung kênh hình và cũng không biết trình bày ý kiến của mình. Do vậy kết quả điều tra những học sinh biết phân tích ý nghĩa của kênh hình cũng không cao.

Thông qua việc hướng dẫn học sinh khai thác nội dung kiến thức sách giáo khoa trong quá trình học phân môn Lịch sử bằng việc sử dụng và khai thác nội dung kênh hình lịch sử như tôi đã trình bày ở trên, kết quả học tập phân môn tại lớp 5A1 tháng 3 năm học 2018 – 2019 đạt hiệu quả rõ rệt.

Cụ thể như sau:

Thời gian

Kết quả khảo sát học sinh

Hiểu nội dung,

biết trình bày tốt

Hiểu nội dung,

biết trình bày

Hiểu nội dung,

 Trình bày chưa rõ ràng

Chưa nắm chắc được nội dung

SL

TL

SL

TL

SL

TL

SL

TL

Tháng 9/2018

10/53

19%

15/53

28%

20/53

38%

8

15%

Tháng 3/2019

20/53

38%

20/53

38%

9/53

16%

4

8%

 

↑10HS

↑ 19%

↑ 5 HS

↑10%

↓11HS

↓ 22%

↓4 HS

↓ 7%

     Từ kết quả thu được tôi nhận thấy việc khai thác kênh hình trong dạy học là rất cần thiết, đặc biệt đối với phân môn Lịch sử. Nếu tận dụng tốt trong tiết dạy sẽ đem lại hiệu quả cao, đây cũng là một trong những nội dung thể hiện sự đổi mới phương pháp dạy học, làm cho kết quả học tập phân môn không ngừng được nâng cao. Điều đó cho thấy đổi mới phương pháp dạy học là một định hướng đúng đắn.

     Tôi đã áp dụng biện pháp này ở rất nhiều bài, kết quả đạt được là rất khả quan, các em rất chăm chú khi tôi phân tích, rất muốn được tham gia cùng tìm hiểu, hăng say suy nghĩ phát biểu khi tôi đưa ra những câu hỏi về các sự kiện, các vấn đề lịch sử. Đặc biệt là những tiết học có sử dụng nhiều hình ảnh và các đồ dùng trực quan nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin trong thời gian gần đây khiến học sinh rất phấn khởi, thích thú và nắm được bài rất nhanh.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

     I- KẾT LUẬN

     Năm học 2018-2019, năm học thứ 13 thực hiện sách giáo khoa “Lịch sử- Địa lí” theo chương trình mới. So với sách giáo khoa theo chương trình cũ thì số lượng tranh ảnh, lược đồ, bản đồ, phong phú hơn. Đây là một trong những thuận lợi cho “việc dạy” của giáo viên và “ việc học” của học sinh. Tranh, ảnh, lược đồ trong sách giáo khoa không chỉ có tác dụng minh hoạ cho nội dung bài giảng mà nó còn là một nguồn kiến thức quan trọng. Giáo viên phải biết khai thác và sử dụng nó một cách triệt để nhằm nâng cao hiệu quả bài học, đem lại sự hứng thú cho học sinh khi học môn Lịch sử.

     Năm học này là năm học thứ sáu tôi áp dụng “Khai thác và sử dụng kênh hình trong sách giáo khoa phân môn lịch sử lớp 5 ” và đã thu được một số kết quả như sau:

     Học sinh: Các em có hình ảnh rõ ràng, cụ thể, chính xác về các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử; có biểu tượng lịch sử chắc chắn ; học sinh ghi nhớ một cách lâu bền và vững chắc những hình ảnh của lịch sử. Bên cạnh đó, học sinh được phát triển năng lực quan sát, trí tưởng tượng, khả năng phân tích, tổng hợp các sự kiện, hiện tượng. Không những thế, học sinh còn được rèn các kĩ năng trình bày diễn biến trên lược đồ, kĩ năng kể chuyện bằng hình ảnh,…

     Đối tượng khá, giỏi: Cách khai thác và sử dụng kênh hình hợp lí của giáo viên đã giúp các em hoạt động đọc lập, sáng tạo, biết hướng dẫn nhóm cùng hoạt động. Khi trình bày diễn biến trận đánh, khi chỉ lược đồ, các em có kĩ năng phân tích, ngôn ngữ diễn đạt lưu loát, hấp dẫn hơn.

     Đối tượng trung bình, yếu: Từ chỗ không thích tham gia các hoạt động trong giờ học đã tiến tới tham gia, thích thú tham gia cùng bạn vào các hoạt động của giờ học

     Giáo viên: Cách khai thác và sử dụng kênh hình hợp lí đã làm cho giáo viên cảm thấy dạy lịch sử không còn đơn điệu nữa. Việc rèn kĩ năng trình bày diễn biến trên lược đồ không còn là “làm mẫu” mà chuyển thành “uốn nắn” cho học sinh những phần chưa đạt yêu cầu và giữ vai trò là người tổ chức và tháo gỡ khó khăn cho học sinh.

     Giáo viên và học sinh: Có sự phối hợp nhịp nhàng giữa dạy và học => tạo sự hứng thú cho giáo viên và học sinh. Chính vì thế mà kết quả giờ học được nâng cao.

     Ngoài ra, theo tôi, dạy môn lịch sử là dựng lại hình ảnh của quá khứ nên nó phụ thuộc vào trực quan sinh động, sự tìm tòi khám phá của giáo viên và HS. Để tiết học thành công còn phụ thuộc vào tài dẫn dắt, tổ chức các hoạt động dạy học của giáo viên, tâm thế học tập của học sinh… Tất cả đều cần nghệ thuật của người giáo viên.    

     Tuy nhiên, đây chỉ là những việc làm và ý kiến nhỏ của tôi, tôi mạnh dạn viết ra để các bạn đồng nghiệp cùng tham khảo. Trong quá trình xây dựng đề tài không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong sự góp ý chân thành của đồng nghiệp, của Ban giám hiệu và các cấp lãnh đạo để bản sáng kiến kinh nghiệm của tôi được hoàn chỉnh hơn. Tôi mong rằng kinh nghiệm này của tôi sẽ là một viên gạch hồng nhỏ bé vào góp phần vào việc “Đổi mới phương pháp dạy học” của sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục Tiểu học nói riêng.

     II- KHUYẾN NGHỊ

     Hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nói chung và dạy học phân môn Lịch sử nói riêng đang ngày càng trở nên phổ biến ở các trường học. Việc ứng dụng đề tài này, đặc biệt là việc khai thác và sử dụng kênh hình trong dạy học Lịch sử đòi hỏi các trường học phải đầu tư nhiều về trang thiết bị như phòng học đảm bảo tiêu chuẩn, hệ thống máy tính có kết nối Internet, máy chiếu…để làm sao tiết học nào cũng có thể sử dụng máy móc làm phương tiện dạy học.

     Về phía giáo viên: phải chịu khó học hỏi, nắm bắt công nghệ thông tin, phải trang bị máy tính để chuẩn bị bài ở nhà và đặc biệt phải sưu tầm nhiều lược đồ, sơ đồ và nhiều tài liệu, hình ảnh có liên quan từ các sách báo và mạng Internet để đưa vào bài giảng. Hơn nữa với phân môn Lịch sử còn có một ưu thế  hơn các môn học khác là có nhiều tranh ảnh, tài liệu cũng như phim tư liệu liên quan đến nội dung bài học để minh họa cho bài giảng làm tăng tính trực quan sinh động. Vì vậy, người giáo viên phải luôn phải cập nhật thông tin, chắt lọc thông tin để đưa vào bài giảng một cách hiệu quả nhất.