Trung tam Thong tin va Du bao Kinh te – xa hoi Quoc gia
>
Doanh nghiệp
Nội Dung Chính
Khái niệm doanh nghiệp nhà nước – sự thay đổi qua các thời kỳ
Cập nhật lúc: 25/12/2017 04:43:00 PM
Quy định về doanh nghiệp Nhà nước đã có nhiều chuyển biến tương thích với quá trình phát triển kinh tế.
Doanh nghiệp nhà nước xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam dưới thuật ngữ Doanh nghiệp quốc gia trong Sắc lệnh 104/1948, trong đó, quy định “Doanh nghiệp quốc gia là doanh nghiệp thuộc sở hữu quốc gia và do quốc gia điều khiển”. Đây là khái niệm được đưa ra trong bối cảnh thành phần kinh tế nhà nước được xem là mũi nhọn của nền kinh tế đất nước, với các hình thức tiêu biểu như Xí nghiệp quốc doanh (trong công nghiệp), Cửa hàng quốc doanh (trong thương nghiệp), Nông trường, lâm trường quốc doanh (trong nông nghiệp).
Luật Doanh nghiệp Nhà nước ban hành ngày 20/04/1995 chuyển sang sử dụng thuật ngữ Doanh nghiệp Nhà nước và được định nghĩa “là tổ chức kinh tế do Nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý, hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động công ích, nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội do Nhà nước giao” (Điều 1 Luật Doanh nghiệp Nhà nước 1995). Có thể nhận thấy một điểm chung ở doanh nghiệp quốc gia quy định trong Sắc lệnh 104/1948 hay doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp 1995 là doanh nghiệp Nhà nước đều được hiểu là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 đưa ra cách hiểu mới về doanh nghiệp nhà nước “là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.” (Điều 1). Theo định nghĩa được quy định trong Luật doanh nghiệp Nhà nước năm 2003, doanh nghiệp nhà nước không chỉ là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Luật Doanh nghiệp 2003 khẳng định sự bất bình đẳng của Doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là Công ty nhà nước (nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) với nhiều đặc quyền, ưu thế hơn các doanh nghiệp khác không phải doanh nghiệp nhà nước.
Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời đã tạo nên sự thay đổi quan niệm pháp lý của Việt Nam khi xây dựng văn bản pháp luật về doanh nghiệp, xóa bỏ ranh giới giữa doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp khác không phải doanh nghiệp nhà nước, hay là sự xóa bỏ ranh giới giữa khu vực kinh tế Nhà nước với khu vực kinh tế tư nhân. Luật Doanh nghiệp 2005 quy định Doanh nghiệp nhà nước “là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ” (khoản 22 Điều 4). Cùng với khái niệm này Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời đánh dấu sự chấm dứt hiệu lực của Luật Doanh nghiệp 2003 đồng thời xóa bỏ luôn sự tồn tại của hình thức Công ty nhà nước.
Gần đây nhất, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014 và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015, với tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước đã có sự thay đổi quan quan trọng, khái niệm Doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 là các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới được xem là doanh nghiệp nhà nước, thay vì chỉ 51% như hiện nay. Sự thay đổi này được xem là sự cải cách về quan điểm để dẫn đến thay đổi về vốn và quản trị.
Qua phân tích sự phát triển của khái niệm doanh nghiệp nhà nước phía trên có thể thấy Luật Doanh nghiệp 2014 có cách hiểu về doanh nghiệp nhà nước giống với các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề này trước Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003. Sở dĩ có sự thay đổi đó là do Luật Doanh nghiệp 2005 quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tức là nhà nước có thể không phải là chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp. Tuy nhiên các văn bản pháp luật quy định về doanh nghiệp nhà nước chỉ mới dừng ở việc điều chỉnh quyền, nghĩa vụ, các vấn đề liên quan đến chủ sở hữu là nhà nước chứ chưa có một quy định cụ thể nào về quyền, nghĩa vụ của các chủ sỡ hữu khác của doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% và dưới 100% vốn điều lệ) gây ra nhiều lúng túng trong trên thực tiễn khi áp dụng quy định của pháp luật. Vì vậy, Luật Doanh nghiệp 2014 đã đưa ra cách hiểu khác về doanh nghiệp nhà nước, phân định rõ ràng doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp mà trong đó nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, còn doanh nghiệp nhà nước chỉ sở hữu trên 50% đến dưới 100% được gọi là doanh nghiệp do Nhà nước góp vốn. Cách định nghĩa như trên phù hợp hơn so với các văn bản trước đó.
* Phân loại doanh nghiệp nhà nước.
Theo các tiêu chí khác nhau, doanh nghiệp nhà nước được phân theo các loại như sau:
– Căn cứ vào hình thức tổ chức doanh nghiệp nhà nước có năm loại, gồm:
Thứ nhất, công ty nhà nước: là doanh nghiệp do nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ thành lập, tổ chức quản lý và tồn tại dưới hình thức công ty Nhà nước độc lập và tổng công ty nhà nước.
Thứ hai, công ty cổ phần nhà nước: là công ty cổ phần mà toàn bộ cổ đông là các công ty nhà nước hoặc tổ chức được nhà nước ủy quyền góp vốn. Tổ chức và hoạt động theo Luật doanh nghiệp năm 2005.
Thứ ba, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên là công ty trách nhiệm hữu hạn do nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ. Tổ chức quản lí và đăng ký theo Luật doanh nghiệp năm 2005.
Thứ tư, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có từ hai thành viên trở lên: là công ty trách nhiệm hữu hạn trong đó có tất cả các thành viên đều là công ty nhà nước hoặc có thành viên là công ty nhà nước, thành viên được ủy quyền góp vốn. Được tổ chức và hoạt động theo luật doanh nghiệp.
Thứ năm, doanh nghiệp cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước: là doanh nghiệp mà cổ phần hoặc vốn góp của nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ. Nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp.
– Căn cứ vào mục đích hoạt động có thể phân làm 2 loại cơ bản sau:
(1). Doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh tế: thực hiện hoạt động kinh doanh nhằm mục đích thu lợi nhuận;
(2). Doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích: thực hiện hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ công cộng theo các chính sách của Nhà nước trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng- an ninh
– Căn cứ vào quy mô và hình thức có thể phân làm:
(1). Doanh nghiệp nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn do một thành viên độc lập.
(2). Doanh nghiệp nhà nước trong mối quan hệ nhóm công ty: công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế; công ty mẹ của Tổng công ty Nhà nước; công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ công ty con.
– Căn cứ theo mô hình tổ chức quản lý: có hai loại
(1). Doanh nghiệp nhà nước có hội đồng quản trị: hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp chủ sở hữu nhà nước, chịu trách nhiệm trước nhà nước.
(2). Doanh nghiệp nhà nước không có hội đồng quản trị: giám đốc doanh nghiệp được nhà nước bổ nhiệm hoặc tuê để điều hành hoạt động của doanh nghiệp.
Hiện nay Việt Nam đang xây dựng và phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, các doanh nghiệp đều bình đẳng trong kinh doanh và trước pháp luật. Nhưng không có nghĩa là chúng có vị trí như nhau trong nền kinh tế. Phạm vi hoạt động của thành phần này càng ngày càng giảm nhưng vẫn giữ vai trò chủ đạo. Nó tồn tại trong những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế để nhà nước có đủ sức thực hiện chức năng điều tiết vĩ mô, khắc phục những khiếm khuyết của thị trường. Doanh nghiệp nhà nước là công cụ vật chất để nhà nước can thiệp vào kinh tế thị trường điều tiết thị trường theo mục tiêu của nhà nước đã đặt ra và theo đúng định hướng chính trị của nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong những ngành, lĩnh vực kinh doanh mang lại ít lợi nhuận hoặc không có lợi nhuận (mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư), do đó nó phục vụ nhu cầu chung của nền kinh tế, đảm bảo lợi ích công cộng. Hơn nữa, doanh nghiệp Nhà nước còn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi vốn lớn mà các thành phần kinh tế khác không đủ sức đầu tư, do đó mà doanh nghiệp nhà nước lại càng có vai trò quan trọng. Việc đánh giá vai trò quan trọng của kinh tế nhà nước không chỉ dựa vào sự lời lỗ trước mắt mà phải tính đến hiệu quả kinh tế lâu dài.Sự tồn tại của doanh nghiệp nhà nước là một tất yếu khách quan.Để doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò chủ đạo của mình, đòi hỏi nhà nước phải có chính sách quản lý thích hợp đối với doanh nghiệp nhà nước.Nhưng cũng phải tôn trọng quy luật kinh tế khách quan, để các doanh nghiệp nhà nước không là gánh nặng cho nhà nước về kinh tế mà kinh tế nhà nước phải được sắp xếp lại cho hợp lý nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Hạ Thị Thu Thủy (Ban Thông tin doanh nghiệp và TT)
Email In
Người gửi
Tiêu đề
Mã xác nhận:
Nhập mã xác nhận:
Họ và tên
Địa chỉ
Nội dung
Mã xác nhận:
Nhập mã xác nhận:
Tìm kiếm
Tìm kiếm nâng cao
Các tin liên quan
-
Tình hình biến động doanh nghiệp và ngành kinh tế 5 tháng đầu năm 2022
-
Tăng trưởng kinh tế ngành tháng 12/2021 và Cảnh báo những rủi ro và tác động tới tới kinh tế – xã hội Việt Nam
-
Ngành Điện tử, vi tính, điện thoại và những ảnh hưởng của dịch COVID19
-
Ngành gốm, sứ thủy tinh Việt Nam và tác động của Tác động của COVID19 đến ngành