Trò chuyện với Master Chef Christine Hà
Từ một người hầu như không có kiến thức gì về nấu nướng cho tới khi tốt nghiệp đại học và gần như bị mất thị lực, việc Christine Hà trở thành quán quân Master Chef USA mùa thứ ba là một sự khẳng định đầy thuyết phục nỗ lực vươn lên của bản thân.
Cuốn sách Nấu ăn bằng cả trái tim (Recipes From My Home Kitchen) do Christine Hà viết sau khi đoạt giải vừa được NXB Trẻ mua bản quyền dịch và dự kiến phát hành vào 25.11.2015.
Nấu ăn kết nối mọi người
Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi trở thành quán quân MasterChef, Christine Hà đã trở thành giám khảo cho MasterChef Việt Nam và tạo cảm hứng cho hàng ngàn người trên khắp thế giới với những câu chuyện phi thường, những màn biểu diễn nấu ăn xuất sắc và những bài diễn thuyết đầy hứng khởi. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi người ta đón chờ cuốn sách dạy nấu ăn của vị đầu bếp đặc biệt này.
Nhớ lại cuộc thi, một bạn trẻ đang sống ở Mỹ kể: “Ngưỡng mộ chị Christine Hà, nhớ lần đầu thấy chị vô vòng audition, nấu trước giám khảo mà mình không cầm được nước mắt. Nói năng mạch lạc, phong thái tự tin, nụ cười luôn rạng rỡ… Con người này thật xuất chúng, tuyệt vời”.
Christine Hà học cách kết nối mọi thứ từ ba mẹ, những người Việt sang Mỹ từ năm 1975. Ban đầu mẹ chị chỉ nấu những món thuần Việt và gia đình lại đang sống ở Mỹ nên chị được lớn lên cùng hai nền ẩm thực. Chẳng hạn nhiều người nước ngoài không chịu nổi mùi mắm ruốc, nhưng chị lại lớn lên trong thứ hương vị này nên thừa hưởng việc nêm nếm nước mắm hay ruốc giúp cho món ăn trở nên đậm đà.
Điều này đã giúp chị giành được giải quán quân khi đã xử lý những hương vị đó theo kiểu Texas và tạo ra một loạt những món ăn ngon mang hơi hướng châu Á, đồng thời biến chúng thành những công thức đơn giản phù hợp cho các bếp ăn gia đình.
Hơi ấm từ căn bếp của mẹ
Thật xúc động và cảm giác gần gũi khi cầm trên tay cuốn sách được trình bày trang nhã, với những câu chuyện ẩm thực như lời thủ thỉ về ký ức gắn liền với tuổi thơ, về người mẹ đã mất mà chị cho rằng đó là vị đầu bếp giỏi nhất mà chị biết. Cuốn sách của chị khơi gợi cho nhiều phụ nữ tình yêu với bếp núc, giúp họ hiểu thêm rằng hơi ấm căn bếp sẽ là hình ảnh tự hào của con cái về người mẹ khi chúng lớn lên và cần chăm chút “góc bếp” nhiều hơn.
“Tôi muốn ghi lại công thức các món ăn thân thuộc của gia đình để lưu luyến một khoảng thời gian trong đời khi mẹ tôi còn sống. Đó không phải là những món cao lương mỹ vị, không đòi hỏi kỹ thuật nấu ăn phức tạp, và thường là không cần những nguyên liệu đắt tiền. Chỉ cần nấu bằng cả trái tim. Tôi đã làm như thế khi tôi dự thi MasterChef mùa thứ ba. Tôi chuẩn bị các món ăn từ trong tâm khảm: cá kho tộ, gà chiên, thịt kho trứng, và tìm nấu những món đã xoa dịu lòng tôi từ khi tôi là một cô bé nhỏ trong căn bếp của mẹ cho tới những năm về sau khi tôi chỉ một mình. Khi vị giám khảo MasterChef mùa thứ ba Gordon Ramsay hỏi tôi thích giải thưởng nào nhất: cúp vàng, sách nấu ăn, hay tiền; tôi trả lời không chút do dự là sách nấu ăn. Tôi muốn chia sẻ chính mình với mọi người. Tôi hy vọng khi sử dụng những công thức này và đọc những mẩu chuyện đằng sau nó, bạn sẽ cảm thấy như tôi đang nấu ăn và trò chuyện với bạn trong chính căn bếp của bạn, như kiểu tôi vẫn mường tượng mình đang nấu ăn cùng mẹ trong căn bếp của tôi”. (Trích Nấu ăn bằng cả trái tim – Christina Hà)
Cùng trò chuyện với Christine Hà
PV đã có cuộc trao đổi ngắn cùng Christine Hà chung quanh cuốn sách cũng như những hoạch định của chị trong thời gian tới.
Từ một người “không biết nấu ăn và là nỗi phiền lòng của bất kỳ bà mẹ Việt nào”, chị đã trở thành quán quân Master Chef USA. Giám khảo Gordon Ramsay, một đầu bếp nổi tiếng và thành đạt, giám khảo quyền lực của chương trình Master Chef đã viết: “Tôi cũng cảm thấy ngay rằng, ở Christine, chúng ta gặp được một phụ nữ trẻ với những câu chuyện và trải nghiệm cuộc sống độc nhất vô nhị để có thể trở thành sức mạnh và cảm hứng thôi thúc mọi người nỗ lực cho ước mơ của họ”. Hành trình đến cột mốc ấy hẳn không hề đơn giản. Chị có thể chia sẻ với độc giả nỗ lực để vượt qua chính mình?
Tôi học được tinh thần nỗ lực vươn lên và tính kiên nhẫn từ ba mẹ tôi, những người Việt đến Mỹ tị nạn từ năm 1975. Ba mẹ đã làm việc chăm chỉ và truyền cho tôi nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để khẳng định giá trị bản thân, dù trong bất kỳ nghịch cảnh nào. Khi bắt đầu học nấu ăn, tôi thấy vô cùng mãn nguyện khi mình có thể tạo ra cái gì đó làm cho người khác vui, và đây chính là động lực thôi thúc tôi nấu ăn thật ngon. Đó là một hành trình cả đời người, và mỗi ngày tôi lại học được một thứ mới trong chính căn bếp của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, chị kể về cuốn sách dạy nấu ăn – món quà dành cho Quán quân Master Chef mùa thứ 3, như một cuốn hồi ký về chặng đường từ con số 0 trở thành Vua đầu bếp. Chị có gặp khó khăn gì khi viết quyển sách này?
Khó khăn lớn nhất phải kể đến là quỹ thời gian không nhiều để vừa viết vừa làm lại các món một cách chi tiết nhằm tập hợp công thức các món ăn. Hơn nữa, với tôi, rất nhiều món ăn là những mảnh ghép ký ức về người mẹ dấu yêu cũng như những kỷ niệm tôi gắn bó trong thời gian tham dự Master Chef nên tôi thực sự cân nhắc làm sao để chuyển tải đến độc giả các công thức món không khô khan khi được đan cài những mẩu chuyện sống động.
Chị đã đạt được ước mơ viết sách, hoàn thành luận án thạc sĩ về Viết sáng tạo ở đại học Houston; còn việc chị muốn mở một quán ăn, thiết kế theo thực đơn riêng, đặt vào đó nhiều mong ước, suy nghĩ, thực đơn thay đổi lần lượt thay đổi theo mùa hay theo cảm hứng… đã tiến hành đến đâu rồi?
Tôi dự định mở một nhà hàng theo kiểu riêng của mình ở ngay nơi tôi sống là Houston, Texas, Mỹ hoặc ở Sài Gòn, VN và cố gắng hoàn tất kế hoạch ấy vào năm 2016. Vừa qua tôi thực sự quá bận rộn và di chuyển nhiều nên không còn chút thời gian nào, chưa kể, tôi là người khá cầu toàn, nên muốn mọi thứ phải hoàn hảo. Hơn nữa, một người đầu bếp giỏi cũng cần phải học hỏi thêm rất nhiều nếu quyết định mở nhà hàng, bởi cần nhiều kỹ năng khác nhau. Và việc tìm được những người cộng sự phù hợp để tiến hành dự án này cũng không hề đơn giản.
Là giám khảo Master Chef VN năm 2015, chị có nhận định gì về tình hình thí sinh tham dự nói chung? Và chị có nhận lời tham gia thêm các hoạt động nào ở VN trong tương lai không?
Tôi thực sự ấn tượng với một số thí sinh, vì hơn ai hết, tôi hiểu rất rõ áp lực của các thí sinh khi đứng nấu ở một căn bếp hoàn toàn xa lạ với nhiều cặp mắt dõi theo. Nói về kế hoạch tương lai ư, bạn hãy chờ xem!
Christine Hà bị mất dần khả năng thị giác từ năm 19 tuổi do căn bệnh tự miễn dịch hiếm gặp có tên neuromyelitis optica. Bệnh này ảnh hưởng đến hệ thần kinh làm hại mắt. Lúc đầu thị lực giảm ở một mắt, không thể hồi phục được, và rồi lan sang mắt thứ hai. Cô đã học dần cách “nhìn” không dùng mắt, dùng một cây gậy, hoặc vịn vào tay ai đó để được dẫn đường.
Mỹ Hạnh
Ảnh: NXB Trẻ cung cấp