Triết học không phải “khoa học của các khoa học”
Đối với nhiều người (kể cả tôi), triết học là cái gì đó bao la mở ảo. Những chủ đề mà triết học nói tới rộng lớn quá, tưởng chừng trí óc bình thường không thể thâu tóm nổi. Thế nên khi nghe ai đó nói “triết học là khoa học của các khoa học”, ta dễ dàng đồng ý một cách vô thức.
Lỗi đầu tiên phải kể đến sự thiếu vắng phương pháp tư duy khoa học trong sách giáo khoa và các giáo trình triết què quặt và tối nghĩa mà sinh viên phải học một cách miễn cưỡng trong tất cả các trường đại học. Kế đến là các giáo viên triết và các môn khoa học, những người vừa là nạn nhân vừa là đồng phạm của nền giáo dục, đã làm mụ mị đầu óc sinh viên bằng những bài giảng vô hồn.
Nếu có điều kiện tiếp xúc với triết học và khoa học trong hình dạng chân phương của nó, ta sẽ nhận ra chúng không chồng chéo với nhau.
Theo quan điểm hiện đại, khoa học và triết học hoàn toàn khác nhau về phương pháp. Không muộn hơn cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20, các phương pháp của khoa học hiện đại đã ổn định và phổ biến, đặc biệt thông qua các công trình của Karl Popper. Hai đặc điểm quan trọng phân biệt nó với triết học là thực nghiệm và phản nghiệm.
Hiểu nôm na, thực nghiệm nghĩa là mọi lý thuyết cần được đối chiếu với thực tế thông qua các thí nghiệm khoa học được thiết kế kỹ lưỡng và thực hiện dưới sự kiểm soát chặt chẽ.
Phản nghiệm là kim chỉ nam cho việc xây dựng và kiểm nghiệm lý thuyết, theo đó ta không thể chứng minh bất cứ lý thuyết nào mà chỉ có thể phủ định chúng. Do đó mọi lý thuyết cần được xây dựng sao cho nó có thể bị phủ định thông qua thực nghiệm. Nhà nghiên cứu đưa ra một lời tiên đoán có thể kiểm chứng. Nếu tiên đoán sai, lý thuyết bị phủ định còn nếu đúng, nó được tạm thời chấp nhận.
Một ví dụ tiêu biểu cho tính cách này của khoa học hiện đại là thuyết tương đối của Anh-xtanh. Nếu tinh ý bạn có thể nhận ra, sau hơn 100 năm xoay chuyển thế giới, thuyết tương đối vẫn là một thuyết chứ không phải một định lý như định lý toán học. Bản thân cách gọi đã thể hiện tính mở với sự bổ sung, cập nhật, thậm chí phủ định. Sau khi xuất bản năm 1916, dù gây tiếng vang lớn nhưng thuyết tương đối không được chấp nhận rộng rãi cho đến năm 1919 khi đoàn thám hiểm hoàng gia Anh xác nhận hiệu ứng bẻ cong ánh sáng khi đi ngang qua mặt trời.
Những sự kiện này không xảy ra trong triết học. Từ xưa đến nay triết học vẫn dựa trên các phương pháp suy luận hòng tìm đến chân lý.
Vậy, khoa học không phải một nhánh của triết học và triết học cũng không phải khoa học. Trong thời hiện đại khoa học đã phát triển bùng nổ nhưng vẫn có những câu hỏi nằm ngoài tầm với của nó và chúng ta sẽ còn tiếp tục nhìn thấy khoa học, triết học và những ngành tư tưởng khác song song tồn tại trong những thế kỷ sắp tới.
Share this:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…