Trẻ 6 tháng ăn được những gì? Gợi các món ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi
6 tháng tuổi là thời điểm trẻ bắt đầu những bữa ăn dặm đầu tiên. Điều này khiến hầu hết mẹ cảm thấy bỡ ngỡ không biết trẻ 6 tháng ăn được những gì, thực phẩm nào an toàn cho hệ tiêu hóa cũng như đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng, giúp con phát triển toàn diện?
Nội Dung Chính
Vì sao nên cho trẻ ăn dặm vào lúc 6 tháng tuổi?
Trong những tháng đầu mới sinh, trẻ chỉ cần bú sữa mẹ hoặc sữa công thức là có đủ dinh dưỡng để phát triển nhưng đến giai đoạn lớn hơn, sữa mẹ sữa mẹ/sữa công thức sẽ không còn đáp ứng được đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho sự tăng trưởng của trẻ nữa. Vì vậy, ngoài bú sữa, cha mẹ cần cho bé bổ sung các thực phẩm khác để hạn chế nguy cơ còi xương, chậm lớn, thiếu máu,…
Ngoài bú sữa, trẻ 6 tháng tuổi cần được bổ sung các thực phẩm khác
Tùy quan niệm của từng phụ huynh mà thời điểm trẻ bắt đầu ăn dặm sẽ khác nhau. Có không ít mẹ vì nôn nóng muốn con tăng cân nhanh, tưởng con thèm ăn nên đã cho con ăn bột, ăn cháo ngay từ lúc mới được 4 tháng tuổi. Họ không biết rằng phải làm quen với việc ăn dặm quá sớm sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy cho sức khỏe của trẻ như: Trẻ bỏ bú, sặc thức ăn do chưa ngồi vững, chưa biết nuốt thức ăn đặc, giảm đề kháng, nguy cơ suy dinh dưỡng hoặc béo phì, dị ứng thức ăn, dễ bị đầy bụng, táo bón,…
Theo khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi.
Bởi thời điểm này hệ tiêu hóa của trẻ mới phát triển tương đối hoàn thiện để tiêu hóa, hấp thu được các loại thức ăn đặc ngoài sữa mẹ/sữa công thức. Vì vậy, mẹ hãy kiên nhẫn chờ cho con đủ 6 tháng hãy cho con ăn dặm, tránh những nguy hại cho sức khỏe trẻ về sau.
Ăn dặm là trải nghiệm đầu đời thú vị của bé 6 tháng tuổi
Ngoài ra, mẹ có thể để ý các dấu hiệu dưới đây xem bé đã sẵn sàng ăn dặm chưa nhé. Nếu bé tròn 6 tháng tuổi mà vẫn không hứng thú với việc tập ăn, hãy từ từ hướng dẫn con, không nên ép con.
-
Trẻ bú rất lâu mới xong, đòi bú thường xuyên, vẫn muốn bú dù dã bú khoảng 8-10 lần/ngày
-
Bé hay nhìn miệng và có phản xạ nhai chóp chép, đẩy lưỡi liên tục nếu thấy người lớn ăn
-
Bé đã có thể cầm nắm chắc chắn, hợp tác cầm thìa dĩa
-
Bé ngồi vững, cứng cổ, thậm chí tự ngồi dậy được mà không cần người lớn trợ giúp
-
Bé hay cố với lấy đồ ăn rồi làm động tác cho vào miệng
Trẻ 6 tháng ăn được những gì?
Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, mẹ không nên nóng vội nghĩ rằng con ăn được càng nhiều càng tốt. Đây chỉ là giai đoạn tập dượt và làm quen dần với các mùi vị mới ngoài sữa, sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho sự phát triển của trẻ. Không phải loại thực phẩm nào trẻ cũng ăn dặm được, mẹ cần chú ý lựa chọn thực phẩm phù hợp để tránh gây dị ứng hay quá tải với hệ tiêu hóa non nớt của con. Vậy trẻ 6 tháng tuổi ăn được những gì?
Nhóm ngũ cốc
Bánh mì là món ăn khoái khẩu của bé những ngày tập ăn dặm
Gạo tẻ, gạo nếp hay gạo lứt đều chứa rất nhiều vitamin dưỡng chất, là nhóm tinh bột cần thiết cho trẻ. Đặc biệt, gạo lứt có lớp vỏ lụa gồm nhiều vitamin nhóm B (B1, B3, B6), vitamin E, sắt và chất xơ. Mẹ có thể xay nhuyễn nấu bột loãng hoặc nấu cháo loãng rồi xay nát cho bé ăn. Bé 6 tháng ăn dặm, mẹ nên nấu theo tỷ lệ 1 phần bột 10 phần nước. Ngoài ra, mẹ nên dùng thêm các loại yến mạch, hạt quinoa, đậu gà,… nấu cháo mềm nhuyễn và loãng để thay đổi bữa cho con.
Nhóm rau củ
Trong các món ăn dặm cho bé 6 tháng thì nhóm rau củ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Với hương vị ngọt tự nhiên giúp kích thích vị giác, bé tập ăn dễ dàng hơn. Trẻ ăn dặm 6 tháng có thể bắt đầu với các loại rau củ như: khoai lang, khoai tây, bí ngô, cà rốt, củ dền, rau cải, rau ngót,… Các loại củ, mẹ có thể nghiền mịn cùng sữa; rau thì nên xay thật nhỏ nấu cùng cháo. Làm sao đảm bảo thức ăn của trẻ không bị quá đặc khiến trẻ gặp khó khăn khi ăn.
Món ăn dặm cho bé 6 tháng thì nhóm rau củ đóng một vai trò vô cùng quan trọng
Nhóm chất đạm
Chất đạm là dưỡng chất quan trọng cho trẻ trong giai đoạn ăn dặm cũng như các giai đoạn phát triển về sau. Đạm có nhiều trong các loại thịt đỏ, thịt trắng như: Thịt lợn, thịt gà, thịt bò, tôm, cá,… Tuy nhiên, với chế độ ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi thì chưa cần thiết phải bổ sung nhiều loại thịt.
Thưởng thức đa dạng thức ăn bao gồm cả chất đạm giúp trẻ thích thú tìm hiểu món ăn hơn
Mẹ nên cho con tập ăn từ lòng đỏ trứng gà hay đậu phụ hoặc một chút thịt ức gà. Bé sẽ tiếp tục làm quen với các loại thịt khác trong giai đoạn ăn dặm tiếp theo. Đây cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi “trẻ 6 tháng ăn được thịt gì?”.
Nhóm trái cây
Rất nhiều phụ huynh băn khoăn không biết trẻ 6 tháng ăn được trái cây gì? Thực ra, ngay khi bắt đầu ăn dặm, trẻ có thể ăn được hầu hết các loại trái cây. Đây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào cho trẻ ăn dặm 6 tháng. Gợi ý một số loại quả mềm mẹ nên cho bé ăn như: chuối, cam, quýt, đu đủ, xoài, táo, lê, bơ,…
Hoa quả bổ sung vitamin cho bé 6 tháng tuổi
Bên cạnh đó, một điều mẹ cần lưu ý là chất béo cũng là một dưỡng chất cần thiết cho trẻ nhỏ, do đó, mỗi lần làm đồ ăn dặm cho con, mẹ hãy cho một chút dầu thực vật hoặc mỡ động vật vào nhé. Một số loại dầu tốt cho trẻ như: Dầu gấc, dầu oliu, dầu cá hồi,… Còn các loại gia vị, khi con mới ăn dặm mẹ không cần thêm mắm, muối gì nhé. Về lượng ăn dặm cho bé 6 tháng khoảng từ 5ml đến 25ml tùy theo tuần. Với lượng như này ước tính chỉ bằng 1 đến vài thìa cà phê nên mẹ không cần ép con ăn nhiều.
Mẹ nên thêm dầu ăn vào mỗi bữa ăn dặm của con
Gợi ý một số món ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi
Điều băn khoăn lớn nhất của các mẹ khi mới cho con ăn dặm chính là làm sao để đa dạng được thực đơn, kích thích vị giác, giúp bé ăn ngon miệng hơn. Mẹ có thể tham khảo một số món ăn dặm và cách nấu đồ ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi dưới đây:
– Cháo gạo nấu loãng: Nguyên liệu gồm gạo và nước. Mẹ nấu cháo theo tỉ lệ 1 thìa gạo, 10 thìa nước. Sau đó, tiến hành rây cháo qua dụng cụ dây hoặc dùng máy xay cho loãng mịn.
Cháo gạo trắng cho trẻ 6 tháng ăn dặm cần được rây lỏng mịn
– Rau cải ngọt trộn đậu phụ: Rau cải ngọt lấy phần lá rửa sạch luộc chín rồi xay hoặc rây mịn. Đậu phụ non luộc cùng nước sôi vớt ra để ráo nước, sau đó, dằm nát trộn cùng rau cải và thêm nước rau củ hầm (nước dashi).
– Cháo trứng: Cần khoảng 5 thìa cháo và 1 – 2 thìa lòng đỏ trứng gà, nước rau củ hầm, chút dầu gấc. Cách nấu như sau: Cho nước rau củ hầm đun sôi rồi cho cháo xay vào, tiếp tục, cho lòng đỏ trứng đã đánh tan vào đảo thật nhanh tay đến khi trứng chín cho dầu gấc là được.
– Cháo khoai lang thịt gà: Mẹ chuẩn bị vài thìa cháo nấu sẵn, thịt ức gà, khoai lang, nước hầm rau củ, dầu gấc (Có thể thay bằng dầu oliu, dầu mè). Cách làm: Thịt ức gà thái lát mỏng băm nhỏ rồi đem hấp chín sau đó rây mịn hoặc xay nhuyễn. Khoai lang thái miếng nhỏ hấp chín rồi rây mịn. Cháo đã xay mịn và khoai lang cho cùng nước hầm rau củ rồi thêm thịt gà thành hỗn hợp hơi sền sệt cho chút dầu ăn là xong. Món ăn này thích hợp cho trẻ 6 tháng tuổi ăn dặm ở tuần thứ 4.
– Cháo bí đỏ: Chuẩn bị cháo gạo, bí đỏ, nước rau củ hầm (hay nước dashi). Tiếp theo, bí đỏ gọt rửa sạch đem hấp chín rồi rây mịn (hoặc xay). Pha bí đỏ xay này cùng nước rau củ hầm cho thành hỗn hợp loãng mịn rồi trộn cùng cháo xay hoặc ăn riêng.
– Quả bơ trộn sữa mẹ: Bơ cắt miếng nhỏ, nghiền nhuyễn rồi lấy lượng vừa đủ cho con ăn trộn đều với một chút sữa mẹ để tạo thành hỗn hợp lỏng, sánh mịn.
Bơ trộn sữa mẹ là món ăn thơm ngon cho các bé tuổi ăn dặm
– Chuối trộn sữa mẹ: Nửa quả chuối chín nghiền nhuyễn trộn đều cùng sữa mẹ tạo thành hỗn hợp lỏng mịn thì cho bé ăn.
Về cách nấu nước rau củ hầm để dùng nấu các món cháo cho trẻ ăn dặm 6 tháng, mẹ làm như sau: Chọn rau củ màu xanh (Bí xanh, su su, bắp cải, su hào); rau củ màu vàng (Bí ngô, cà rốt, cà chua,…); rau củ màu tím (Củ cải, súp lơ tím, bắp cải tím,..). Mỗi loại khoảng 50g cùng với 1 cây mía nhỏ, 1 bắp ngô cắt khúc. Sau khi đã rửa sạch, sơ chế cắt miếng tất cả nguyên liệu thì mẹ lần lượt cho mía, ngô vào nồi rồi thêm khoảng 4-5 lít nước.
Khi nào thấy mía sủi bọt thì bắt đầu cho rau củ cứng như củ cải, bí ngô, cà rốt, su su vào hầm cùng. Sau đó sẽ cho các loại rau củ mềm và rau lá xanh vào. Khi nước hầm rau củ sủi bọt, mẹ vớt các loại rau chín ra trước để riêng từng chén sau đó vớt củ ra toàn bộ. Mẹ có thể cho nước rau củ này vào các khay nhựa nhỏ có nắp đậy lượng vừa cho 1 lần nấu cháo rồi trữ trong ngăn đông tủ lạnh để dùng dần trong tuần cho con.
Lưu ý khi cho bé 6 tháng tuổi ăn dặm
Những buổi ăn dặm đầu tiên khi 6 tháng tuổi, dù mỗi bữa chỉ khoảng vài thìa cháo loãng nhưng có ý nghĩa quan trọng với giai đoạn phát triển tiếp theo của bé. Bé sẽ dần định hình thói quen ăn uống, sở thích với món này hoặc món kia. Thế nên, khi cho con tập ăn dặm, mẹ lưu ý một số vấn đề dưới đây.
Những lưu ý quan trọng
Khi trẻ mới tập ăn dặm, cha mẹ hãy cho lắng nghe và cảm nhận về nhu cầu ăn của con
-
Bữa đầu tiên chỉ cho con ăn một lượng rất nhỏ, khoảng 5ml tương đương 1 thìa nhỏ. Sau đó mới tăng dần đến 30 – 60ml thức ăn dặm/lần ăn.
-
Cho trẻ ăn dặm từ ngọt sang mặn tức là cho con dùng các món ăn có vị ngọt ví dụ như cháo sữa, bí ngô sữa mẹ,… rồi mới tiếp tục với các loại cháo thịt, cháo trứng,…
-
Mẹ không nên cho gia vị khi chế biến các món ăn dặm cho bé 6 tháng.
-
Nên cho con ăn dặm sau khi đã bú mẹ hoặc sữa công thức. Vẫn duy trì lượng sữa như cũ khi trẻ mới tập ăn dặm.
-
Hãy bắt đầu cho
trẻ 6 tháng ăn dặm
với đồ ăn nhuyễn, lỏng mịn rồi từ từ chuyển sang sền sệt, đặc hơn.
-
Mỗi bữa ăn dặm cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất: Đường bột, đạm, rau củ trái cây, chất béo.
-
Cần chú ý lựa chọn các thực phẩm sạch và an toàn, tốt nhất cho con ăn rau củ quả theo mùa.
-
Đồ dụng cụ chế biến, khay trữ thức ăn của trẻ cần được rửa sạch, để khô ráo sau mỗi lần sử dụng và nên tiệt trùng trước khi chế biến.
-
Thức ăn đã nấu cho bé chỉ nên ăn trong khoảng 2 giờ, nếu thừa thì mẹ ăn, mẹ không nên để lại cho con ăn bữa sau.
-
Tuyệt đối không cố ép bé ăn. Khi con đã thể hiện không hợp tác, từ chối đồ ăn thì mẹ nên kết thúc bữa ăn và cho bé bú/uống sữa công thức nhiều hơn.
-
Trẻ 6 tháng tuổi chưa nhất thiết phải ăn nhiều loại thịt bởi con đang làm quen với các loại thức ăn trong khi hệ tiêu hóa nhạy cảm dễ bị dị ứng. Mẹ hãy cho con ăn từng loại riêng theo dõi phản ứng sau đó mới kết hợp các loại thực phẩm với nhau. Không nên cho con ăn các loại cá thu, tôm, cua, ốc, lươn trong giai đoạn này vì dễ khiến trẻ bị dị ứng hoặc ngộ độc.
Cách cho trẻ 6 tháng ăn dặm
-
Chỉ nên cho con ăn 1 bữa/ngày và tiếp tục duy trì các cữ sữa theo nhu cầu của con. Chờ tới khi con được 7 tháng, đã quen hơn với việc ăn dặm thì mẹ mới nên tăng số bữa ăn dặm lên 2 bữa/ngày.
-
Lượng ăn dặm cho bé 6 tháng: Bắt đầu từ 5ml, sau đó, mẹ tăng dần theo sự hào hứng với mỗi bữa ăn dặm của con. Trong giai đoạn này, mẹ không nên cho con ăn quá nhiều, tối đa khoảng 50 – 60ml.
-
Nên cho trẻ ăn dặm vào giữa buổi sáng, khoảng 9 – 10 giờ.
Đọc tới đây hẳn mẹ đã nắm rõ trẻ 6 tháng ăn được những gì và tự tin nấu cho con bữa ăn đầu tiên trong đời. Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn lắm vất vả nhưng cũng nhiều niềm vui và đáng nhớ trong hành trình làm mẹ. Nếu mẹ có bất cứ băn khoăn gì hãy tìm đọc thêm các bài viết của BVĐK Phương Đông hoặc gọi ngay 19001806 nếu mẹ cần hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe cho con nhé.