Tràn lan thịt gà nhập khẩu giá rẻ: Chưa có giải thích thấu đáo

(HNM) – Với giá bán 60.900 đồng/kg, khuyến mãi giảm còn 54.500 đồng/kg, và thịt gà Mỹ nhập khẩu đang được không ít người tiêu dùng chọn lựa cho bữa ăn gia đình, đặc biệt là với những người có thu nhập thấp. Các siêu thị khẳng định, để vào siêu thị, thịt gà cũng như các sản phẩm khác phải chứng minh được nguồn gốc, bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, mức giá quá rẻ của mặt hàng nhập ngoại này khiến dư luận đặt ra không ít nghi vấn, lo ngại.

“Đặc sản” giá rẻ

Với giá bán đùi gà chỉ 40.000 đồng/kg, lườn gà giá chỉ 30.000 đồng/kg mua lẻ, thịt gà không rõ nguồn gốc đã len lỏi vào các khu chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội và được không ít người tiêu dùng lựa chọn, đặc biệt là người dân có thu nhập thấp. Em Nguyễn Ngọc Anh, sinh viên trọ học tại khu vực Cầu Giấy cho biết, thịt gà bán ở chợ chỉ bằng 1/3 giá thịt lợn, nên dù có lúc cũng băn khoăn về nguồn gốc, chất lượng nhưng cả phòng vẫn thường mua về chế biến thức ăn hằng ngày.
 

Khách hàng mua gà trong siêu thị BigC. Ảnh: Đàm Duy

Không chỉ được bán tại chợ dân sinh, thịt gà nhập khẩu cũng có mặt tại nhiều siêu thị ở thành phố với mức giá “phải chăng”. Tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), thịt gà trong nước chiếm tỷ lệ lớn trên các kệ hàng nhưng giá cao gần gấp đôi gà nhập ngoại. Cụ thể, chân gà loại 1 bán với giá 72.900 đồng/kg, đùi gà tháo khớp 68.400 đồng/kg, cánh gà 83.500 đồng/kg (khuyến mãi còn 74.800 đồng/kg), đùi gà C.P có giá 87.900 đồng/kg (khuyến mãi còn 77.900 đồng/kg). Còn giá gà Mỹ nhập khẩu lại rẻ hơn hẳn. Cụ thể, đùi gà đông lạnh xuất xứ từ Mỹ có giá 48.500 đồng/kg, đùi gà dai có giá 60.900 đồng/kg (khuyến mãi còn 54.500 đồng/kg), riêng đùi gà trống xuất xứ từ Mỹ cũng chỉ gần bằng giá bán của gà trong nước là 69.900 đồng/kg.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về những nghi ngại của người tiêu dùng xung quanh giá bán và chất lượng của mặt hàng gà nhập khẩu, đại diện hệ thống siêu thị Big C cho biết, sản phẩm gà nhập khẩu bày bán tại siêu thị có đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, hạn sử dụng và do những đơn vị có uy tín nhập khẩu. Đơn vị này cũng đủ hồ sơ nhập khẩu của cơ quan hải quan và hồ sơ kiểm soát do cơ quan thú y cấp. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết, thịt gà xuất xứ từ Mỹ được siêu thị Co.opmart nhập từ Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Lê, một nhà nhập khẩu lớn, có uy tín. Gà nhập khẩu bán tại siêu thị có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, nhãn mác phụ ghi rõ hạn sử dụng, nhà nhập khẩu… hợp lệ. Tại siêu thị Co.opmart, giá đùi gà xuất xứ từ Mỹ đã quay có giá gần 80.000 đồng/kg (giá khuyến mãi là 60.900 đồng/kg). Theo giải thích của nhà phân phối, sở dĩ có tình trạng giá gà Mỹ nhập khẩu và gà trong nước chênh lệch đáng kể là do một con gà ta đang phải “cõng” nhiều loại phí, làm tăng chi phí sản xuất, đẩy giá tăng cao.

Câu hỏi còn bỏ ngỏ

Trước thực trạng gà nhập khẩu giá “bèo” tràn vào nội địa, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội phân tích, sản xuất, chăn nuôi của ta còn rất manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình. Người sản xuất chăn nuôi đang bị ép cả “đầu vào” và “đầu ra”, từ con giống, thức ăn, thuốc phòng dịch bệnh… trong khi đầu ra phải thông qua nhiều cấp bậc thương lái. Thống kê cho thấy, các kênh phân phối sản phẩm phải qua rất nhiều tầng lớp trung gian và chính điều này cũng góp phần làm tăng giá thành. Trong khi đó, sản phẩm chăn nuôi nhập ngoại lại được sản xuất công nghiệp, năng suất cao nên giá thành rẻ hơn. Điều này đã gây nên những khó khăn không nhỏ cho hàng Việt. Ông Vũ Vinh Phú cũng cảnh báo, sắp tới khi mức thuế nhập khẩu xuống còn 0-5% thì sẽ còn bất lợi và cam go hơn cho sản phẩm của nước ta.

Liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu mặt hàng thịt gà đông lạnh, một cán bộ làm việc trong ngành hải quan cho biết, một DN muốn nhập khẩu mặt hàng này phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về thủ tục hải quan. Ngoài ra, do mặt hàng thịt gà đông lạnh là sản phẩm động vật, nên thuộc diện phải kiểm dịch động vật và bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Các mặt hàng này cũng phải đóng thuế nhập khẩu, thuế VAT và lệ phí hải quan.

Như vậy, để được thông quan hợp pháp và bày bán tại thị trường Việt Nam, gà nhập khẩu từ Mỹ sẽ phải trải qua những khâu kiểm duyệt theo đúng quy định. Thế nhưng, câu hỏi về việc các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu tràn lan vào nước ta lại là vấn đề không dễ bỏ qua. Theo ông Vũ Vinh Phú, hàng rào bảo hộ trong nước cho chăn nuôi hiện nay của nước ta quá yếu và mỏng manh. Hiện, chúng ta mới hậu kiểm là chính, trong khi hàng hóa nhập “tràn” ra thị trường, nên việc kiểm tra, kiểm soát sẽ rất khó khăn.

Trước thông tin về việc gà giá rẻ bày bán tràn lan, đại diện Bộ Công thương cho biết, ủng hộ việc khởi kiện bán phá giá với mặt hàng gà nhập khẩu từ Mỹ nếu thu thập đầy đủ bằng chứng, dữ liệu thực tế theo thông lệ quốc tế để chứng minh được là thịt gà Mỹ đã bán phá giá, gây thiệt hại cho DN Việt Nam. Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 vừa qua, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan khẩn trương giải quyết thấu đáo, nhằm bảo vệ DN và người tiêu dùng trong nước, song cũng phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của WTO. Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cũng cho biết, đến nay đơn vị này chưa nhận được bản kiến nghị điều tra chống bán phá giá nào từ phía DN. Vì vậy, câu trả lời về việc gà nhập khẩu giá “bèo” có bảo đảm chất lượng và có bán phá giá tại thị trường Việt Nam hay không vẫn đang chờ lời giải đáp của các ngành chức năng.
 

Khẩn trương xác minh gà giá rẻ nhập khẩu từ Mỹ

Chiều 3-8, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, thịt gà nhập khẩu từ Mỹ chiếm 50-60% tổng lượng thịt gà nhập khẩu về Việt Nam. Gần một năm nay, người nuôi gà công nghiệp trong nước bị thua lỗ do phải bán với giá từ 17.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành chăn nuôi. Để nuôi được 1kg gà công nghiệp phải mất 1,6kg cám (có giá dao động 13.000-15.000 đồng/kg), chưa kể các chi phí khác.

Cũng theo ông Lịch, việc gà Mỹ giá rẻ tràn ngập trên thị trường thời gian qua cho thấy ngành chăn nuôi trong nước khó cạnh tranh với thịt nhập khẩu. Cơ quan chức năng và các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng vào cuộc xác minh rõ vấn đề. Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) phải công khai số liệu nhập khẩu chính thức gà đùi từ Mỹ trong 6 tháng đầu năm và giải thích vì sao nhiều nước đã ngừng nhập khẩu gà từ Mỹ do nước này có dịch cúm gia cầm, mà Việt Nam vẫn cho phép nhập với số lượng lớn trong thời gian qua.


Bạch Thanh

Chất lượng dinh dưỡng gà đông lạnh không cao

PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, gà già, gà loại thải, gà đông lạnh có chất lượng dinh dưỡng không còn tốt, thậm chí còn bị biến chất. Do đó, trước khi nhập thực phẩm đông lạnh, các cơ quan chức năng đều phải thực hiện kiểm dịch gắt gao, chặt chẽ, tránh gây hại cho sức khỏe con người. PGS.TS Trần Đáng cho biết, chỉ cần nhìn bằng mắt thường có thể nhận biết được thịt gà nào ngon qua độ săn chắc của thịt, da gà còn tươi ngon, không bị rách, không biến dạng, không chảy nhớt, miếng thịt có độ đàn hồi. Mặt khác, người tiêu dùng cũng có thể cảm nhận qua mùi của miếng thịt. Dựa vào những đặc điểm đó có thể loại bỏ 70-80% thịt gà kém chất lượng.

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng (Bộ Y tế), các loại thịt chỉ ngon nhất trong hai giờ sau khi giết mổ. Nếu thịt để cấp đông từ (-)18 độ đến (-)30 độ thì để được một năm, cấp đông sâu ở (-)36 độ thì để được 18 tháng. Tuy nhiên, không nên để lâu vì trong thịt có một số enzyme tự phân hủy và chuyển hóa. Thậm chí, có một số vi khuẩn nhiễm vào thịt trong quá trình giết mổ. Ở nhiệt độ thấp, vi khuẩn này không hoạt động nhưng vẫn sống và chờ đến khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ chuyển hóa. Ngoài ra, quá trình cấp đông và rã đông làm mất 1/3 các chất béo hòa tan trong thịt, một số chất gần như mất hết. Nhìn chung, tổng các chất dinh dưỡng sau mỗi lần cấp đông và rã đông đều giảm 20%.

Xuân Lộc