Trái phiếu doanh nghiệp sắp được cứu?
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp (DN) và các chuyên gia dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế.
Trì hoãn nhiều quy định
Một loạt giải pháp được Bộ Tài chính đề xuất như giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65, quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu. Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ hoãn việc thực hiện quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu trong vòng 1 năm; đề xuất cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây được kéo dài kỳ hạn của trái phiếu. DN cũng có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc tài sản khác…
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi được khơi thông sẽ giúp giảm áp lực cho tín dụng ngân hàng khá căng thẳng trong thời gian qua Ảnh: TẤN THẠNH
Hiện tại, theo Nghị định 65, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải bảo đảm danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỉ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay. Cơ quan dự thảo nghị định sửa đổi nhận định việc hoãn thực hiện xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm trong bối cảnh thanh khoản thị trường gặp khó khăn như hiện nay sẽ hỗ trợ DN giải quyết các khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán các trái phiếu đến hạn năm 2023-2024.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn về thanh khoản, DN khó phát hành trái phiếu mới trong khi có áp lực trả nợ đối với trái phiếu đáo hạn năm 2023-2024. Vì vậy, để hỗ trợ DN có khả năng huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn, thời gian tối đa là 2 năm.
Việc cho phép gia hạn sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023-2024. Theo các chuyên gia kinh tế, giai đoạn tới, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đến giai đoạn 2025-2026, DN sẽ cơ bản giải quyết được các khó khăn về cơ cấu nợ.
Thị trường sẽ dễ thở hơn
Chuyên gia chứng khoán Huỳnh Minh Tuấn, người sáng lập Công ty CP FIDT, đánh giá dự thảo sửa đổi Nghị định 65 có khá nhiều tác động tích cực. Như việc giãn thời gian thực hiện quy định trong vòng 1 năm về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp giúp thị trường có thời gian đủ dài để thích nghi với quy định mới. Việc giãn thời gian phân phối trái phiếu sang đầu năm 2024 giúp DN và công ty chứng khoán “dễ thở” hơn, tăng khả năng thành công của các đợt phát hành trái phiếu.
“Giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc giúp giảm các điều kiện phát hành, đặc biệt DN có vay nợ trái phiếu nhiều nhất là lĩnh vực bất động sản. Thị trường cũng có thời gian đáp ứng các chỉ tiêu về dư nợ trái phiếu và phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm” – ông Tuấn nói.
Ngoài ra, quy định cho phép DN phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác. Yếu tố này mở ra cơ chế thỏa thuận đối với trái phiếu, lấy tài sản hay chuyển đổi thành khoản vay giúp giảm nguy cơ vỡ nợ.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, đây là một bước hợp lý và cần thiết để vực dậy thị trường trái phiếu DN. Dự thảo sửa đổi cũng làm dễ dàng hơn điều kiện phát hành, gỡ khó một phần thanh khoản cho DN bất động sản. Thời gian tới, làn sóng mua lại trái phiếu sẽ hạ nhiệt và áp lực đáo hạn trái phiếu cũng nhẹ nhàng hơn.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cũng đánh giá tích cực về dự thảo sửa đổi Nghị định 65 của Bộ Tài chính. Tuy vậy, ngoài những đề xuất trên, ông Lực cho rằng cần thêm chính sách cởi mở để thu hút thêm các nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường trái phiếu DN như các định chế tài chính, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm… và trong thời gian tới cần có quy định chi tiết hơn về yêu cầu xếp hạng tín nhiệm.
Vực dậy niềm tin của nhà đầu tư
Dưới góc độ DN, lãnh đạo một công ty bất động sản có trụ sở tại TP HCM bày tỏ sự phấn khởi, bởi việc Bộ Tài chính đưa ra dự thảo sửa đổi Nghị định 65 đã cho thấy cơ quan quản lý có sự quan tâm và mong muốn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường trái phiếu DN nói chung, cho DN bất động sản nói riêng.
Thực tế, từ khi Nghị định 65 có hiệu lực, hầu hết các DN đều gặp khó. Thấy rõ nhất là những DN có phát hành trái phiếu đã “cuống cuồng” tìm vốn để trả trước hạn, vừa lo lắng vừa tìm cách đàm phán với các nhà đầu tư đang nóng ruột với số tiền đã bỏ ra để đầu tư vào trái phiếu DN. Với những DN niêm yết trên sàn, giá cổ phiếu bị bán tháo, giảm sàn cả vài chục phiên, khiến không chỉ nhà đầu tư trái phiếu mà cả nhà đầu tư chứng khoán cũng “đứng hình”. DN không xoay được vốn rơi vào khủng hoảng, phải tái cơ cấu, cắt giảm nhân sự hàng loạt…
Liên quan những sửa đổi trong dự thảo, đại diện DN này cho rằng việc kéo dài thời gian, quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp và các nội dung khác đều mang tính chất hỗ trợ “thả lỏng” hơn cho thị trường trái phiếu. “Vấn đề còn lại là niềm tin của nhà đầu tư đã bị xói mòn, khó trở lại như trước. Vì vậy, sau những khó khăn này, các DN phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba trước đây để xây dựng lại niềm tin, rồi mới tính đến phát hành trái phiếu…” – vị này chia sẻ.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận dự thảo sửa đổi Nghị định 65 mang tính chất “chữa cháy” nhiều hơn. Bởi câu chuyện thị trường trái phiếu hiện nay là tắc thanh khoản và thiếu niềm tin, khi niềm tin không còn thì ảnh hưởng rất lớn đến thanh khoản. Để vực dậy niềm tin trên thị trường trái phiếu, cần thời gian để thẩm thấu những chính sách trên.
Nên bỏ quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp?
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), nhìn nhận những điểm mới tại dự thảo sửa đổi Nghị định 65 là sự điều chỉnh hợp lý và lẽ ra phải làm sớm hơn. Về các nội dung chỉnh sửa, ông Hải cho rằng trên thị trường trái phiếu DN lâu nay, trái phiếu ngân hàng chiếm phần lớn, khoảng 65%-70%, điều này khá an toàn cho thị trường. Phần còn lại do các DN bất động sản đã cố tình làm sai, phát hành không đúng mục đích, che giấu để dẫn dắt nhà đầu tư mua trong khi họ không am hiểu nhiều. Chính vì vậy, khi sửa đổi Nghị định 65 không nên đưa vào quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp, trong đó có điều kiện tài chính trên 2 tỉ đồng. Bởi thực tế, nhiều nhà đầu tư có tiền hàng chục tỉ đồng nhưng cũng không chuyên nghiệp hoặc dù có tài khoản chứng khoán nhiều năm nhưng không biết phân tích tài chính, không biết cách đầu tư thì cũng không gọi là chuyên nghiệp. Nếu áp vào sẽ rủi ro cho chính nhà đầu tư vì các đơn vị tư vấn phát hành sẽ cố tìm cách lách.
Theo ông Hải, chỉ nên quy định 2 loại trái phiếu là trái phiếu ngân hàng và trái phiếu không phải của ngân hàng. Nếu đã là trái phiếu ngân hàng thì không cần bảo lãnh, còn trái phiếu khác bắt buộc phải có đơn vị bảo lãnh đủ điều kiện.