Trái phiếu doanh nghiệp là gì? Quy định về các loại trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp là gì? Đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp? Tại sao doanh nghiệp lại phát hành trái phiếu? Điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp? Một số rủi ro khi tham gia đầu tư trái phiếu của các cá nhân?

Đối với nhiều doanh nghiệp, trái phiếu doanh nghiệp là một trong những hình thức huy động vốn tương đối phổ biến và được pháp luật cho công nhận. Đối với các nhà đầu tư, trái phiếu được xem là một trong những kênh đầu tư tương đối an toàn và không thể thiếu trong danh mục đầu tư. Tuy nhiên, khi bỏ tiền vào đầu tư ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần phải có kiến thức cơ bản cũng như quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Căn cứ pháp lý:

Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018  của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2019.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.6568

1. Trái phiếu doanh nghiệp là gì?

Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Đây được coi là một hình thức huy động vốn thường được áp dụng bởi doanh nghiệp vừa và lớn, có sự ràng buộc về mặt pháp lý rất cao.

2. Đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp:

Người phát hành là các doanh nghiệp.

Người mua trái phiếu là người cho các doanh nghiệp tiến hành vay tiền và là chủ nợ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Người mua trái phiếu khác hoàn toàn với người sở hữu cổ phiếu của một doanh nghiệp.

Thu nhập từ trái phiếu là tiền lãi, khoản thu cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp.

Trái phiếu là khoản nợ bắt buộc phải thanh toán, do đó các doanh nghiệp muốn giải thể hoặc tuyên bố phá sản phải hoàn tất các khoản nợ này theo quy định của pháp luật.

Trái phiếu mang tính ổn định và độ rủi ro không quá lớn nhưng lại không có quyền điều hành và kiểm soát công ty như cổ phiếu.

3. Tại sao doanh nghiệp lại phát hành trái phiếu:

– So với việc đi vay ngân hàng dù có lãi suất cao hơn nhưng bù lại trái phiếu đem lại khả năng huy động vốn nhanh hơn và phù hợp với nhu cầu sử dụng trong thời gian ngắn. Đem lại hiệu quả xoay vòng vốn tốt hơn cho doanh nghiệp.

– Khi phát hành trái phiếu các doanh nghiệp có thể giải ngân ngay lập tức để trả lợi cho người sở hữu thay vì phải trả từng đợt như đối với vay ngân hàng.

– Doanh nghiệp có thể tự chủ trong thời gian trả lãi suất với việc phát hành trái phiếu thời gian ngắn hay thời gian dài tùy thuộc vào khả năng kinh tế của mình.

Các loại trái phiếu doanh nghiệp hiện nay

– Trái phiếu có lãi suất cố định là loại trái phiếu mà lợi tức được xác định theo một tỷ lệ phần trăm (%) cố định tính theo mệnh giá.

– Trái phiếu có lãi suất biến đổi (lãi suất thả nổi) là loại trái phiếu mà lợi tức được trả trong các kỳ có sự khác nhau và được tính theo một lãi suất có sự biến đổi theo một lãi suất tham chiếu.

– Trái phiếu có lãi suất bằng không là loại trái phiếu mà người mua không nhận được lãi, nhưng được mua với giá thấp hơn mệnh giá (mua chiết khấu) và được hoàn trả bằng mệnh giá khi trái phiếu đó đáo hạn

– Trái phiếu vô danh là loại trái phiếu không ghi tên của người mua và trong sổ sách của người phát hành. Trái chủ là người được hưởng quyền lợi.

– Trái phiếu ghi danh là loại trái phiếu có ghi tên của người mua và trong sổ sách của người phát hành

– Trái phiếu có thể chuyển đổi là loại trái phiếu của công ty cổ phần mà trái chủ được quyền chuyển sang cổ phiếu của công ty đó. Việc này được quy định cụ thể về thời gian và tỷ lệ khi mua trái phiếu.

– Trái phiếu có quyền mua cổ phiếu là loại trái phiếu có kèm theo phiếu cho phép trái chủ được quyền mua một số lượng nhất định cổ phiếu của công ty.

– Trái phiếu có thể mua lại là loại trái phiếu cho phép nhà phát hành được quyền mua lại một phần hay toàn bộ trước khi trái phiếu đến hạn thanh toán

– Trái phiếu bảo đảm là loại trái phiếu mà người phát hành dùng một tài sản có giá trị làm vật đảm bảo cho việc phát hành. Khi nhà phát hành mất khả năng thanh toán, thì trái chủ có quyền thu và bán tài sản đó để thu hồi lại số tiền người phát hành còn nợ. Trái phiếu bảo đảm thường bao gồm một số loại chủ yếu sau:

– Trái phiếu có tài sản cầm cố là loại trái phiếu bảo đảm bằng việc người phát hành cầm cố một bất động sản để bảo đảm thanh toán cho trái chủ. Thường giá trị tài sản cầm cố lớn hơn tổng mệnh giá của các trái phiếu phát hành để đảm bảo quyền lợi cho trái chủ.

– Trái phiếu bảo đảm bằng chứng khoán ký quỹ là loại trái phiếu được bảo đảm bằng việc người phát hành thường là đem ký quỹ số chứng khoán dễ chuyển nhượng mà mình sở hữu để làm tài sản bảo đảm.

– Trái phiếu không bảo đảm là loại trái phiếu phát hành không có tài sản làm vật bảo đảm mà chỉ bảo đảm bằng uy tín của người phát hành

4. Điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp:

– Hiện nay, quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp được áp dụng theo Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2019.

– Đối với doanh nghiệp phát hành trong nước : Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi và Báo cáo tài chính được kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần.

– Doanh nghiệp có thời gian chính thức đi vào hoạt động ít nhất 01 năm.

– Đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn và đảm bảo an toàn trong hoạt động đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tai pháp luật chuyên ngành.

– Có phương án phát hành được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận.

– Bên cạnh đó, doanh nghiệp thuộc đối tượng được phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm theo chứng quyền, đảm bảo tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài trong doanh nghiệp, các đợt phát hành phải cách nhau ít nhất 06 tháng thì mới được phát hành loại trái phiếu này.

– Đối với doanh nghiệp phát hành tại nước ngoài : Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của 3 năm liên tiếp liền kề trước năm phát hành phải có lãi và Báo cáo tài chính được kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần.

– Doanh nghiệp có thời gian chính thức đi vào hoạt động ít nhất 03 năm.

– Đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn và đảm bảo an toàn trong hoạt động đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tai pháp luật chuyên ngành.

– Có phương án phát hành được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận.

– Trị giá phát hành trái phiếu quốc tế phải được Ngân hàng Nhà nước xác nhận thuộc tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

– Đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế về hệ số tín nhiệm để phát hành trái phiếu. Riêng đối với doanh nghiệp nhà nước phải đảm bảo có hệ số tín nhiệm tối thiểu bằng hệ số tín nhiệm quốc gia;

– Doanh nghiệp phát hành đã hoàn chỉnh hồ sơ phát hành theo đúng luật pháp của thị trường phát hành áp dụng cho từng đợt, từng hình thức phát hành.

– Bên cạnh đó, doanh nghiệp thuộc đối tượng được phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm theo chứng quyền, đảm bảo tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài trong doanh nghiệp, các đợt phát hành phải cách nhau ít nhất 06 tháng thì mới được phát hành loại trái phiếu này.

– Ngoài ra, chi phí phát hành, thanh toán do doanh nghiệp phát hành chi trả và được hạch toán vào giá trị dự án. Doanh nghiệp phát hành bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu từ các nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp.

– Việc phát hành trái phiếu tuy mang lại nhiều lợi ích trong việc huy động vốn đầu tư cho doanh nghiệp nhưng ngược lại tiềm ẩn khả năng rủi ro khá lớn do mức lãi suất cao. Chính vì thế đây là một sự lựa chọn cần phải cân nhắc thật kỹ càng bởi các doanh nghiệp trong việc huy động vốn cho mình. Có như vậy mới đem lại hiệu quả được như mong muốn và tận dụng hết được những lợi ích mà hình thức trái phiếu này đem lại cho các doanh nghiệp tiến hành phát hành trái phiếu.

5. Một số rủi ro khi tham gia đầu tư trái phiếu của các cá nhân:

* Rủi ro mất vốn đầu tư

Khi đầu tư trái phiếu vào một doanh nghiệp thì  thời gian vay này  khoảng từ 2 -5 năm. Khả năng trả gốc của doanh nghiệp vào cuối kì đáo hạn phục thuộc vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà nhà đầu tư khó có thể lường trước được.

Nếu doanh nghiệp kinh doanh không tốt hoặc tệ hại hơn nữa là phá sản thì khả năng trả gốc cho nhà đầu tư là khó có thể xảy ra.

Rủi ro này cũng thường gặp giống như các hình thức đầu tư khác như đầu tư cho vay ngang hàng, đầu tư cổ phiếu, đầu tư bảo hiểm….

* Rủi ro chậm thanh toán lợi tức hàng tháng.

Khoản lợi tức trái phiếu thông thường được doanh nghiệp trả 3 tháng – 6 tháng/lần. Nếu hoạt động kinh doanh của  doanh nghiệp không tốt trong những khoảng thời gian này thì khả năng doanh nghiệp không thanh toán lợi tức cho nhà đầu tư là rất dễ xảy  ra.

* Rủi ro về tính thanh khoản của trái phiếu.

Bạn đầu tư 100 triệu đồng mua 100 trái phiếu Vingroup do công ty chứng khoán Techcombank phân phối. Thời gian đáo hạn trái phiếu là 3 năm. Giả sử sau 1 năm bạn cần tiền vốn gốc, Vingroup sẽ không mua lại của bạn,  vậy thì bạn sẽ phải bán trái phiếu đó như thế nào để có được tiền? Nếu bạn không tìm được nhà đầu tư mua lại cho bạn thì sẽ khó mà bạn có thể lấy lại được vốn gốc ngay.

Đó là một rủi ro rất lớn nếu bạn mua bán trái phiếu. Hiện nay một số công ty chứng khoán phân phối trái phiếu đã tạo tính thanh khoản cho nhà đầu tư bằng cách công ty chứng khoán sẽ mua lại khoản đầu tư đó.

* Rủi ro về lãi suất

Hiện tại lãi suất các khoản trái phiếu có 2 loại là lãi suất cố định và lãi suất thả nổi.

Lãi suất cố định: Đây là lãi suất áp dụng trong suốt kì hạn trái phiếu, ví dụ bạn mua trái phiếu Đất Xanh, lãi suất 11%/năm, thời hạn trái phiếu 3 năm thì lãi suất sẽ không thay đổi là 11% ở 3 năm đó.

Lãi suất thả nổi: Đây là lãi suất thay đổi theo lãi suất thị trường. Thông thường các doanh nghiệp đang lấy lãi suất bình quân của 4 ngân hàng lớn là VCB, Vietinbank, BIDV, Nông nghiệp  cộng với biện độ cố định.

Rủi ro xảy ra đối với trái phiếu áp dụng lãi suất cố định khi lạm phát xảy ra, lãi suất Ngân hàng tăng lên, nhưng lãi suất trái phiếu cố định không thay đổi. Vậy là trái phiếu của bạn đang mất dần đi giá trị.